Tục đốt vàng mã: loay hoay tìm cách hạn chế

0:00 / 0:00

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vào cuối tháng 3 năm 2022 đã ban hành Công văn 861, chỉ đạo chấn chỉnh những hiện tượng bị cho là phản cảm không phù hợp với văn hóa truyền thống, trong đó có tục đốt vàng mã.

Trong công văn, Bộ này nêu rõ, tục đốt vàng mã gây nhức nhối trong xã hội nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Văn bản cũng dẫn chứng, trung bình mỗi năm người Việt Nam chi khoảng 5.800 tỷ đồng để đốt 60.000 tấn vàng mã với mục đích tưởng nhớ người đã khuất, cầu an, cầu tài. Việc rải, đốt vàng mã gây mất mỹ quan, ô nhiễm không khí ở khắp nơi từ cơ sở tâm linh đến thôn xóm...

Trao đổi với RFA hôm 29/3, PGS. TS. Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu văn hóa - ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm TPHCM, nhận định:

“Vàng mã thì phổ biến từ nam chí bắc, nếu như ở một mức độ vừa phải thì cũng không có vấn đề lắm. Nhưng mà tôi từng thấy trong một cái đền người ta làm vài chục con ngựa to bằng ngựa thật, thiện nam tín nữ họ mua những con ngựa đó, sau khi cúng bái xong thì họ bỏ vào lò đốt. Ngựa còn đỡ, người ta còn làm xe hơi, làm nhà, rất tinh vi, kích thước thiệt lớn.... ganh đua những chuyện như vậy... nó đã đến mức cần hạn chế.”

Nhưng theo PGS. TS. Hoàng Dũng, vấn đề là phải suy nghĩ cách hạn chế như thế nào để có thể dễ dàng thực hiện, để mọi người chấp nhận... Ông nói tiếp:

“Chứ không phải dừng một cách quá đáng, trừ những trường hợp nguy hiểm tính mạng, hay tác động quá lớn đến xã hội... Vấn đề là suy nghĩ cách làm, chứ hủ tục thì ta thấy rõ ràng rồi. Nếu như chỉ dừng lại như một biểu tượng về lòng thành kính của mình thì không sao, nhưng đến mức như hiện nay thì đúng là hủ tục.”

Vấn đề là suy nghĩ cách làm, chứ hủ tục thì ta thấy rõ ràng rồi. Nếu như chỉ dừng lại như một biểu tượng về lòng thành kính của mình thì không sao, nhưng đến mức như hiện nay thì đúng là hủ tục.
-PGS. TS. Hoàng Dũng

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất vàng mã với quy mô lớn tại Việt Nam, với doanh thu lên đến 100-150 triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên thống kê này không bao gồm các cơ sở sản xuất nhỏ và các hộ gia đình sản xuất cá thể.

Có doanh nghiệp sản xuất vàng mã còn lên sàn chứng khoán như Công ty Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái - CAP, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng mã với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Một người dân Hà Nội khi trả lời RFA TV gần đây cho biết lý do mua vàng mã:

“Lễ rằm tháng bảy, các chân vong... mỗi năm ngày lễ lớn thì bà mua... bên nội riêng, bên ngoại riêng... các con các cháu không thể thực hiện được đâu... Đó là tâm linh... bà cảm thấy lễ này bà vui vẻ... bà thương nhớ Bố Mẹ bà... nhớ thương thì bà mua....”

000_1JJ9L5.jpg
Ảnh minh họa: Đốt vàng mã tại một chùa ở Hà Nội năm 2019. AFP.

Một người sinh sống tại Cần Thơ cho RFA biết ý kiến của mình liên quan vấn đề này:

“Phong tục tập quán thì nên giữ nhưng hạn chế tối đa ví dụ chỉ nên đốt ở dịp quan trọng nhất của gia đình như đám giỗ, hoặc những ngày lễ lớn. Nhiều khi đốt giấy tiền vàng mã nhiều quá gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, trong một năm nếu đốt theo phong tục tập quán thì tốn rất nhiều tiền.”

Chính quyền Việt Nam từng nhiều lần ban hành luật, nghị định nhằm hạn chế việc đốt vàng mã, nhưng bị cho là không hiệu quả. Đơn cử vào năm 2010 ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP, trong đó điều 18 quy định hành vi đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - một triệu đồng.

Tuy nhiên đến ngày 01/01/2014, lại thay thế Nghị định 75 vừa nêu bằng Nghị định 158/2013/NĐ-CP, bãi bỏ quy định phạt đối với hành vi đốt vàng mã ở nơi công cộng, nhưng vẫn phạt cảnh cáo từ 200.000 đồng - 500.000 đồng nếu đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa. Và vẫn chưa có quy định về cấm hoàn toàn việc đốt vàng mã tại các nơi thờ tự nói chung như đền, chùa, đình, miếu, phủ...

Đến năm 2021, Chính phủ Việt Nam lại ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, quy định từ ngày 1/6/2021, đốt vàng mã hoặc thắp hương sai quy định tại lễ hội sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng.

Mới nhất là cuối tháng 3 năm 2022 Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch lại ban hành Công văn 861, chỉ đạo chấn chỉnh việc đốt vàng mã...

Hòa thượng Tố Liên trong bài viết được đăng trên tờ Đuốc Tuệ vào năm 1952, cho rằng tục vàng mã bắt nguồn từ Trung Quốc, gắn với tục hiến sinh và được truyền vào Việt Nam. Những điều Hòa thượng Tố Liên dẫn chứng trong bài viết được các nhà nghiên cứu đánh giá là hoàn toàn phù hợp với sử sách cũng như trong các khảo thí của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Khi người thân mình mất, mình muốn cầu vãng sanh về thế giới nào đó, thiên đàng hay cực lạc, nhưng mình lại đốt xuống âm phủ để người đó nhận. Vậy thì nó mâu thuẫn lẫn nhau.
-Thầy Viên Ngộ

Thầy Viên Ngộ tại bang Virginia, nước Mỹ, khi trả lời RFA cùng vấn đề này giải thích:

“Đốt giấy tiền vàng mã là phong tục của người dân, mà người dân mình bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc lâu đời, thành ra cứ vậy mà làm. Còn trong Phật giáo thì không dạy đốt cái này cái khác xuống dưới để người chết nhận.

Tuy nhiên, Thầy Viên Ngộ cho rằng có mâu thuẫn trong hành động đốt vàng mã:

“Khi người thân mình mất, mình muốn cầu vãng sanh về thế giới nào đó, thiên đàng hay cực lạc, nhưng mình lại đốt xuống âm phủ để người đó nhận. Vậy thì nó mâu thuẫn lẫn nhau.”

Thượng Tọa Thích Nhật Từ, trụ trì Chùa Giác Ngộ ở Quận 10, TPHCM khi trả lời báo trong nước cũng cho biết, trong 30 ngàn bài kinh do Đức Phật giảng dạy thì không có bài kinh nào Đức Phật dạy ‘phải đốt giấy vàng mã cho người chết’... Thượng Tọa Thích Nhật Từ cho rằng, việc đốt vàng mã là mê tín.