Nam Nguyên trình bày ý kiến chuyên gia và nông dân về vấn đề này.
Vừa đá bóng vừa thổi còi
Vụ hè thu 2012 đồng bằng sông Cửu Long trên diện tích 1,6 triệu ha sẽ thu hoạch rộ từ giữa tháng 8 qua tháng 9. Thông thường vụ này sẽ cung cấp từ 8 tới 9 triệu tấn lúa và khi lúa ứ đọng xuống giá, chính phủ sẽ hỗ trợ lãi suất vốn vay để doanh nghiệp thực hiện mua tạm trữ gạo theo hình thức bảo đảm giá lúa tối thiểu để nông dân có lãi từ 30% trở lên. GSTS Võ Tòng Xuân, chuyên gia từng có 4 thập niên nghiên cứu lúa gạo ở miền nam và các nước nhận định về việc bảo vệ quyền lợi nông dân trồng lúa. Ông nói:
GSTS Võ Tòng Xuân
“Nếu không làm theo chuỗi giá trị thì người nông dân không bao giờ được bảo vệ. Cho nên vụ hè thu này thì cũng thế thôi. Nếu người nông dân mạnh ai nấy làm thì đến khi thu hoạch xong, mấy ông công ty nhà nước Vinafood Tổng công ty lương thực sẽ dùng mánh lới ‘cổ điển’ nói là không có ai mua gạo cho nên lúa ế, để cho giá lúa xuống thật thấp, lúc đó họ mới nói với chính phủ cho vay tiền ít lãi để mua lúa gạo cho dân. Thật sự họ tạm trữ cho họ chứ cho dân nào đâu!”
Từ 5 năm qua, báo chí Việt Nam đã có nhiều thông tin báo động về tình trạng nhóm quyền lợi chi phối hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Một trong những sự kiện đáng chú ý là ông Trương Thanh Phong vừa là Tổng Giám Đốc Tổng Công ty Lương thực miền nam (Vinafood 2) đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Các nhà báo ví von tình trạng này không khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Hai thành viên Vinafood 1 và Vinafood 2 của VFA lại thực tế chi phối tới 70% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả Việt Nam. Thực hiện kế hoạch mua tạm trữ khi lúa ứ đọng, VFA đều được chính phủ ưu đãi lãi suất hoặc cấp bù 100% lãi suất vay vốn ngân hàng.
Đưa vốn tới tay nông dân
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long, những người trực tiếp làm ra hạt lúa chỉ mong thị trường tiêu thụ ổn định và đừng xảy ra việc mua tạm trữ để cứu giá lúa, vì thực tế nông dân không hưởng lợi mà doanh nghiệp đắc lợi. Một nông dân vùng tứ giác Long Xuyên phát biểu:
“Tôi có mấy điều suy nghĩ nói với chính phủ, phải trợ giúp nông dân trực tiếp bằng cách cho họ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng phải cho người nông dân vay tiền với lãi suất rất thấp hoặc lãi suất 0%. Chứ bây giờ hỗ trợ người nông dân theo kiểu cho doanh nghiệp vay tiền mua tạm trữ thì đến khi mua họ vẫn ép giá người nông dân.”
GSTS Võ Tòng Xuân
Một nông dân vùng Cần Thơ có những nhận xét đặc biệt hơn nữa, đối với việc doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ 14% lãi suất vốn vay ngân hàng trong đợt mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân vừa qua.
“Chuyện mua lúa tạm trữ đâu có giúp gì cho nông dân, nếu đưa đồng vốn đó cho nông dân hưởng thì đỡ đàng này đưa cho doanh nghiệp hưởng… vụ mua tạm trữ này để làm cho giá lúa tăng lên nhưng thực tế không tăng. Mấy ‘ổng’ phải có phương cách nào đưa đồng vốn đó tới tay nông dân để họ trữ lúa lại thì hy vọng có lý hơn… để vô tình làm giàu cho doanh nghiệp mà người dân không được hưởng lợi gì.”
Mô hình HTX Nhật Bản
Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách để giúp đỡ nông dân như đem điện về nông thôn, xây dựng đường xá cầu cống, thực hiện các công trình thủy lợi, miễn giảm thuế nông nghiệp. Nhưng việc nông dân bộc trực đề nghị giúp họ tự tạm trữ lúa khi thị trường bất ổn có thể được xem như một ý tưởng mới mẻ. GSTS Võ Tòng Xuân nhận định rằng, chính phủ có thể hỗ trợ vốn ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp thì cũng có cách tương tự để giúp nông dân. GSTS Võ Tòng Xuân đề xuất:
“Bây giờ nên làm như bên Nhật Bản là làm theo kiểu hợp tác xã, trong đó nông dân được nâng đỡ đủ điều, để cho người nông dân có đủ điều kiện sản xuất với giá thành rất hạ, năng suất tốt và sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ có thế thì người nông dân mới khá lên được. Nếu gặp trường hợp giá lúa chưa đủ lời 30% hay 40%, thì người nông dân vẫn có thể trữ lúa lại ở hợp tác xã của mình và trên cơ sở này thì Nhà nước sẽ đưa tiền về hợp tác xã để cho người nông dân tự tạm trữ lúa của họ. Như vậy Nhà nước đưa tiền cho hợp tác xã thay vì đưa tiền cho công ty. Khi giá lúa lên lại nông dân bán lúa và trả tiền lại cho nhà nước.”
GSTS Võ Tòng Xuân
GSTS Võ Tòng Xuân nói rằng khi nào người nông dân chưa tập trung lại trong một tổ chức để cùng nhau sản xuất thì họ sẽ khó được Nhà nước giúp đỡ. Tuy vậy ông nhìn nhận rằng người nông dân quá sợ hãi kiểu hợp tác xã thời bao cấp, phải thông tin đến người dân để họ thấy được cái lợi thực tế khi gia nhập hợp tác xã kiểu mới thì họ sẽ không còn ngần ngại. GSTS Võ Tòng Xuân tiếp lời:
“Nông dân mình ở ngoài thì không ai giúp mình hết, mình muốn làm gì thì làm tự do thiệt! Nhưng bây giờ làm xong thương lái không mua ghìm giá thì cũng ráng chịu, rồi không được vay ưu đãi… tất cả những thứ này nó có cái giá của nó. Nếu người nông dân thấy bây giờ Việt Nam trong thời buổi gia nhập kinh tế toàn cầu, một mình người nông dân không có cách nào làm được. Họ phải có đoàn thể có nhóm lớn mới làm ra được sản phẩm với số lượng lớn với giá thành thấp cung cấp đúng ngày với giá rẻ nhất thì người nông dân mới có thể phát triển nổi.”
Để tiến tới những hợp tác xã kiểu mới như bên Nhật Bản sẽ phải có chính sách cụ thể từ chính phủ và động lực lớn từ chính người nông dân. Nếu biết chắc rằng khi thị trường ứ đọng hợp tác xã sẽ được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi để nông dân tự tạm trữ lúa thì nông dân sẽ ủng hộ hợp tác xã.
Đó là câu chuyện đẹp của tương lai, còn trong vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9 sắp tới, người nông dân hy vọng chính phủ điều hành thị trường khôn khéo và sẽ không còn xảy ra những kế hoạch mua tạm trữ bắt nguồn từ thủ thuật của các nhà phù thủy lúa gạo.