Học sinh tát cô giáo: Vì đâu nên nỗi?

0:00 / 0:00

Học sinh tát cô giáo

Mạng báo soha.vn, vào ngày 17/2, cho phát đi video clip với nội dung một nam sinh trung học phản ứng mang tính bạo lực khi bị cô giáo thu điện thoại trong giờ học.

Cậu học sinh đã lớn tiếng yêu cầu cô giáo trả lại điện thoại, chửi bậy trong lớp học. Đồng thời, cậu đi thẳng lên bàn của cô giáo để lấy lại điện thoại và tát vào mặt cô giáo trong sự sửng sốt của các bạn học cùng lớp.

Đoạn video clip dài 16 giây, thu lại hình ảnh phản ứng của nam học sinh có hành động tát vào mặt cô giáo cũng khiến nhiều người xem phẫn nộ.

Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng nam học sinh có hành động không thể chấp nhận được và qua hành động đó cho thấy đạo đức bị suy đồi, mà phụ huynh phải xấu hổ vì việc làm của con trai mình.

Ông Hùng, ở Sài Gòn, xem qua video clip và lên tiếng phân trần với RFA liên quan hành động vô đạo đức của nam học sinh trong video clip:

“Tôi là phụ huynh cũng giống như nhiều phụ huynh khác, từng chứng kiến những phụ huynh rất đau khổ nhiều trường hợp về phản ứng của con mình trong môi trường học tập. Có những đứa trẻ mà cha mẹ của chúng nghĩ rằng rất ngoan, rất giỏi ở nhà, nhưng trong trường thì thầy-cô giáo phàn nàn rằng con em của quý vị không được giỏi, không được tốt…Thứ hai nữa thì cũng phải xét lại yếu tố về thầy-cô giáo, chẳng hạn đối xử không tôn trọng qua cách nói năng nên dẫn đến các cháu có phản ứng. Theo tôi thấy thì đạo đức trong môi trường giáo dục hơi bị đi xuống. Điều đó làm cho thế hệ người lớn tuổi nhìn những cảnh đó mà đau lòng.”

Tôi là phụ huynh cũng giống như nhiều phụ huynh khác, từng chứng kiến những phụ huynh rất đau khổ nhiều trường hợp về phản ứng của con mình trong môi trường học tập. Có những đứa trẻ mà cha mẹ của chúng nghĩ rằng rất ngoan, rất giỏi ở nhà, nhưng trong trường thì thầy-cô giáo phàn nàn rằng con em của quý vị không được giỏi, không được tốt…-Ông Hùng, một phụ huynh

a024e2f1-8fbe-483c-a6c3-bf6b259307fb.jpeg
Ảnh minh họa. AFP

Đạo đức bị suy đồi và trách nhiệm thuộc về ai?

Facebooker Hong Thai Hoang chia sẻ ý kiến cá nhân trên tài khoản Facebook rằng giáo dục như thế nào thì học sinh mới có những hành động phản kháng như thế, nếu xét theo một góc độ nào đó.

Facebooker Hong Thai Hoang kêu gọi ngành giáo dục tại Việt Nam hãy dừng lại cách giáo dục học sinh phải phục tùng, mà hãy nên để cho học sinh có quyền phản biện và bảo vệ mình và các em học sinh sẽ có cách để bày tỏ suy nghĩ của mình.

Một số ý kiến bày tỏ sự đồng thuận với ý kiến của Facebooker Hong Thai Hoang và cho rằng trẻ con và học sinh ở trong một môi trường bạo lực thì cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bạo lực đó.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một giáo viên được biết nhiều về thái độ chống tiêu cực trong ngành giáo dục ở Việt Nam, vào tối ngày 18/2 nêu lên quan điểm của ông:

“Tôi cho rằng sự việc này rất cá biệt vì ở Việt Nam hiếm khi nào thấy học sinh đánh lại giáo viên. Thế nhưng người ta đổ lỗi cho hệ thống giáo dục nói chung, theo tôi thì cũng không hoàn toàn. Cụm từ ‘hệ thống giáo dục” mang ý nghĩa giáo dục trong nhà trường, giáo dục trong gia đình, giáo dục trong xã hội mới dẫn đến hình thành đạo đức con người. Tôi cho rằng dù Việt Nam hay các quốc gia phát triển thì vẫn có những học sinh cá biệt và có thể phản ứng như vậy.”

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng trường hợp nam học sinh tát cô giáo cần được xử lý nghiêm khắc cảnh cáo làm gương, nếu học sinh đủ tuổi theo quy định pháp luật. Nếu như học sinh nhận thức đó là lỗi của em thì cần thiết phải giáo dục cho em, chứ cũng không nhất thiết phải xử lý em đến tận cùng.

Tôi cho rằng sự việc này rất cá biệt vì ở Việt Nam hiếm khi nào thấy học sinh đánh lại giáo viên. Thế nhưng người ta đổ lỗi cho hệ thống giáo dục nói chung, theo tôi thì cũng không hoàn toàn. Cụm từ ‘hệ thống giáo dục” mang ý nghĩa giáo dục trong nhà trường, giáo dục trong gia đình, giáo dục trong xã hội mới dẫn đến hình thành đạo đức con người. Tôi cho rằng dù Việt Nam hay các quốc gia phát triển thì vẫn có những học sinh cá biệt và có thể phản ứng như vậy-Thầy giáo Đỗ Việt Khoa

Ông Hùng nói với RFA rằng nếu như cậu học sinh trong video clip là con của ông thì ông sẽ dẫn con đến xin lỗi cô giáo và ông mong muốn có sự nối kết chặt chẽ hơn giữa nhà trường và phụ huynh.

“Nếu có được sự quan tâm, chia sẻ và kết hợp được với giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Thầy cô gặp trực tiếp với phụ huynh, dù việc này cũng hơi khó. Bây giờ thời đại công nghệ thì có thể trao đổi qua thư từ, email, điện thoại về tính cách của học sinh. Hai bên trao đổi được với nhau thì sẽ giúp cho học sinh tốt hơn, nhằm nâng cao ý thức của những đứa trẻ sau này.”

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết Bộ Giáo dục- Đào tạo đã ra quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học và góp ý với giáo việc trong việc xử lý liên quan.

“Đó là một bài học nghiêm trọng chưa từng có ở Việt Nam. Qua đây, tôi cũng mong muốn thầy-cô giáo khi thu giữ điện thoại của học sinh thì cũng cần căn cứ vào tình hình. Trước hết hãy mở điện thoại ra xem các em đang sử dụng vào việc gì. Nếu các em đang dùng điện thoại để tra cứu dữ liệu cho việc học thì không cần xử lý. Hoặc các em dùng điện thoại để chơi, nhắn tin hay sử dụng vào những việc không liên quan thì thu giữ điện thoại của học sinh trong trạng thái nhẹ nhàng và nhắc nhở học sinh, cho học sinh biết điện thoại sẽ bị giữ trong một thời gian nhất định.”

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhấn mạnh giáo viên cần tránh việc tịch thu điện thoại vì đó là tài sản cá nhân của học sinh và phụ huynh. Không một thầy, cô và nhà trường nào nào được phép tịch thu điện thoại của học sinh bởi đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng việc hướng dẫn và nhắc nhở học sinh cần hiểu biết sử dụng điện thoại một cách hữu ích trong lớp học là điều cần thiết hơn hết.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 18/2, dẫn lời đại diện của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Công an phối hợp trong việc xác minh tính xác thực của video clip nam học sinh tát vào mặt cô giáo trong lớp học.

Đại diện của Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết thêm rằng trong trường hợp nội dung của video clip là có thật thì Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ xử lý nghiêm khắc theo quy định của ngành và quy chế của sở giáo dục.