Tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang xảy ra tại các tỉnh miền Trung Việt Nam với các hồ chứa nước cạn khô, người dân thiếu nước sinh hoạt.
Khi hạn hán bủa vây
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Trung bộ. Theo Bộ này, do khu vực miền Trung đang trải qua nhiều đợt nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp, lượng nước dự trữ trên các hồ thủy lợi sụt giảm nhanh, nhiều hồ chứa thủy điện hiện có dung tích thấp nên việc thiếu nước sinh hoạt chắc chắn sẽ phải có. Cụ thể, hiện có khoảng 114.000 gia đình thiếu nước sinh hoạt và có khả năng hàng chục ngàn hecta lúa khô héo.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu. Đại hạn này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà người dân tại nhiều nước trên thế giới đang gồng mình gánh chịu thời tiết nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt. Ông nói thêm:
" Tôi cho rằng nguyên nhân chính là biến đổi khí hậu. Như ở Việt Nam thì miền Trung từ đầu mùa hè cho đến nay toàn bộ là nắng, chưa có trận mưa nào nên tình trạng hạn hán ở Nam Trung Bộ là đã nhìn thấy. Hiện nay, nhiều nơi lúa không lên được, chết vì không có nước. "
Hồi tháng 5 vừa qua, cơ quan chức năng bang Andhra Pradesh thuộc miền Đông Nam Ấn Độ cảnh báo đợt nắng nóng khủng khiếp và khuyên mọi người không ra ngoài đường khi không thực sự cần thiết.
Cùng thời điểm đó, cơ quan Khí tượng Malaysia cũng cảnh báo một số tiểu bang và các khu vực ven biển sẽ ít mưa và thời tiết khô nóng kéo dài đến tháng 9.
Hôm 29/11/2018, tại hội nghị "Nâng cao hiệu quả phòng, chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên" được tổ chức tại Thừa Thiên Huế, ông Lê Viết Xê - Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cảnh báo tình hình thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra tại các tỉnh Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên trong các tháng đầu năm 2019.
Ở Quảng Nam giờ có 4, 5 cái thủy điện lớn, chưa nói các dự án thủy điện phá rừng quá nhiều. Chưa nói đến sự lũng đoạn trong quản lý, cấp phép tràn lan. Nó kết hợp nhiều thứ, không thể đổ thừa hết cho biến đổi khí hậu. - Ông Minh Hải
PGS. TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Hải dương học Liên Chính phủ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng: không thể đổ lỗi hoàn toàn do thiên tai. Ông nêu con người cũng là một trong những tác nhân gây ra hiện tượng thời tiết như vậy, để rồi giờ đây chính con người đang phải gánh chịu hậu quả đó:
“Nói là chỉ do thiên tai là không đúng. Cách nhìn tổng quát là có cả yếu tố con người. Cái vấn đề ở Việt Nam xưa nay vẫn là cái quản lý về tài nguyên nước, cái quản lý về tài nguyên rừng và điều hành thủy lợi nó đều chưa trọn vẹn. Chính ba cái tác động đó sẽ tạo ra hiệu ứng như hiện nay. Do biến đổi khí hậu toàn cầu nên những hiệu ứng đó khắc nghiệt hơn. Việc quản lý và trách nhiệm của con người chưa thật đầy đủ nên chúng ta chưa có giải pháp nào giải quyết hậu quả.”
Ông Minh Hải, một người dân hiện đang sống tại Quảng Nam cũng đồng quan điểm với nhà khoa học Nguyễn Tác An, rằng nạn hạn hán hôm nay không chỉ do thiên tai, mà do những hậu quả dây chuyền do con người gây ra, từ chuyện phá rừng đến làm thủy điện:
" Ở Quảng Nam giờ có 4, 5 cái thủy điện lớn, chưa nói các dự án thủy điện phá rừng quá nhiều. Chưa nói đến sự lũng đoạn trong quản lý, cấp phép tràn lan. Nó kết hợp nhiều thứ, không thể đổ thừa hết cho biến đổi khí hậu. "
Đây không phải lần đầu miền Trung rơi vào cảnh khô hạn, người dân thiếu nước sinh hoạt, nông nghiệp thiếu nước tưới tiêu như thế. Vào tháng 11 năm ngoái, ngay giữa mùa mưa, người dân miền Trung cũng rơi vào cảnh thiếu nước vì hạn hạn khi các hồ chứa cạn kiệt nước, ruộng đồng khô cháy.
Trao đổi với báo SGGP vào thời điểm đó, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam nói rằng: “Đã mấy chục năm qua, năm nay mới xảy ra hiện tượng thiếu nước nghiêm trọng giữa mùa mưa như hiện nay. Vì vậy, ngành nông nghiệp Quảng Nam đang xây dựng các kịch bản đối phó với tình trạng thiếu nước…”
Năm nay, trang web của Bộ NN - PTNN lại trích lời ông Đỗ Văn Tùng, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Quảng Nam, đơn vị quản lý hồ Phú Ninh rằng: "Sau gần 40 năm kể từ khi tích nước, đây là lần đầu tiên hồ bị khô cạn nghiêm trọng. Thời điểm này các năm trước, hồ đã tích đầy nước nhưng năm nay mới đạt gần 55% dung tích".
Ngoài việc con người không có nước sinh hoạt, nắng nóng năm nay cũng sẽ khiến diện tích cây trồng bị hạn hán, thiếu nước tưới trong vụ Hè Thu 2019 là gần 65.000 ha. Địa phương dự kiến sẽ bị hạn hán nặng là Quảng Nam (19.800 ha), Quảng Ngãi (13.000 ha), Bình Định (10.000 ha), Phú Yên (5.000 ha).
Cần kế sách lâu dài
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, thuộc Bộ NN&PTNT thì tình hình hạn hán, thiếu nước ở Bắc Trung Bộ sẽ còn tiếp tục kéo dài đến đầu tháng 8.
Một vấn đề cấp bách được đặt ra là người dân và chính quyền sẽ làm gì để đối phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước tưới tiêu?
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng cung cấp nước sinh hoạt thì có thể giải quyết được chứ nước cho nông nghiệp thì rất khó vì bế tắc đến từ nhiều phía. Vấn đề là phải có giải pháp lâu dài cho những năm sau. Ông nói:
" Trước mắt, để giải quyết vấn đề n ày đối với đời sống con người, chuyện cung cấp nước sạch đến từng nơi thì địa phương chắc có thể làm được nhưng đối với mùa vụ, với nông nghiệp thì đây là chuyện lớn vì vấn đề dẫn nước từ nguồn nào từ miền Trung xuống.
Câu chuyện đặt ra là phải tính đến kế hoạch dài hạn hơn chứ còn trước mắt thì khó giải quyết đối với vấn đề nông nghiệp. Trong tương lai, giải pháp nào để trữ nước? Khi mưa xuống còn có các hồ thủy lợi chứa đủ nước để còn có thể dự trữ cho mùa nắng tới. Tôi cho đó là vấn đề lớn đối với nông nghiệp miền Trung. "
Theo ông Đặng Hùng Võ, kịch bản đối phó với biến đổi khí hậu đã được nhắc đến từ nhiều năm trước và được coi là vấn đề trọng tâm mọi ngành, cấp đều phải chú ý, nhưng dường như kế hoạch cụ thể để ứng phó, mang tính thiết thực gắn với đời sống người dân thì vẫn chưa đạt yêu cầu.
Về lâu về dài thì phải có sách lược chứ. Vấn đề đầu tiên phải bảo vệ tài nguyên nước của mình. Cái khổ là tài nguyên nước của mình có hơn 60% bị nước ngoài chi phối. Do đó mình phải có sách lược đối nội đối ngoại hợp lý để mình quản lý. - TS. Nguyễn Tác An
Là một người dân đang sống trong vùng hạn hán, ông Minh Hải chua xót nêu ra một thực tế của người dân ngay tại lòng hồ thủy điện:
" Bây giờ hồ chứa nước ngọt duy nhất trên đảo Cù Lao Chàm là trơ đáy rồi. Người dân cũng hết cách rồi. Nếu ai có điều kiện khoan giếng, đào giếng được thì người ta đào rồi. Thậm chí dân ở ngay lòng hồ thủy điện vẫn khát nước, cạn khô không có nước dùng. Đó là cảnh oái oăm nhất của miền Trung."
Với cái nhìn của một chuyên gia, Tiến sĩ Nguyễn Tác An nêu ra giải pháp tạm thời là tìm mọi cách chia sẻ tài nguyên nước cho con người, cho nông nghiệp từ các vùng miền khác nhau. Để làm được việc này thì rất cần sự quan tâm của cộng đồng với tinh thần chia sẻ lớn. Ông cũng nêu các biện pháp dài hạn trên thực trạng hiện nay ở Việt Nam nhằm tránh vết xe đổ:
" Về lâu về dài thì phải có sách lược chứ. Vấn đề đầu tiên phải bảo vệ tài nguyên nước của mình. Cái khổ là tài nguyên nước của mình có hơn 60% bị nước ngoài chi phối. Do đó mình phải có sách lược đối nội đối ngoại hợp lý để mình quản lý.
Vấn đề thứ hai là trong cung cách sử dụng nước của người dân, của các ngành công nghiệp phải có sự điều tiết cho hợp lý trên cơ sở khoa học, cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội.”
Điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch thủy lợi và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ công thương phối hợp với Bộ NN-PTNT, chỉ đạo các nhà máy thủy điện điều tiết nước các hồ thủy điện, để bổ sung nước cho hạ du nhằm đối phó với hạn hán, đều là những giải pháp trước mắt mà Bộ trưởng Cường nêu ra trong báo cáo trình Thủ tướng chính phủ.
Mặc dù đó là đối sách cần thiết nhất hiện nay nhằm giải quyết nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh cho khu vực Trung Bộ, nhưng với thời tiết khắt nghiệt như hiện nay, miền Trung không chỉ lo hạn hán khiến thiếu nước mà còn phải lo nguy cơ cháy rừng tiếp tục xảy ra trên diện rộng, khi chỉ trong vòng đầu tháng 7, năm tỉnh miền Trung đã liên tiếp xảy ra cháy rừng….Thiên tai không dừng lại ở đó (!?).