Nếu Hoàng Khương không cầm tiền đưa hối lộ...

Dư luận chưa thể ngưng bàn luận về bản án 4 năm dành cho nhà báo Hoàng Khương.

0:00 / 0:00

Trong lúc một số người cho rằng bản án này quá nặng cho một tai nạn nghề nghiệp thì một số người lại lập luận rằng hành vi vi phạm pháp luật của phóng viên Hoàng Khương đã khá rõ ràng. Câu hỏi đặt ra là, liệu sự việc có khác đi ông Hoàng Khương không cầm tiền đưa hối lộ?

Khả năng “không tố giác tội phạm”

Bản án bốn năm dành cho một phóng viên chống tham nhũng dường như không thuyết phục được công chúng, đặc biệt là giới truyền thông và luật sư. Phóng viên Hoàng Khương trở thành tội phạm vì cầm tiền của người khác để đưa hối lộ cho cảnh sát giao thông Huỳnh Minh Đức khi đang trong quá trình tác nghiệp điều tra nhằm phục vụ cho bài viết của mình. Nhưng nhà báo Trương Minh Đức cũng không lạc quan hơn nếu tình huống khác đi:

Luật Việt Nam có nhiều cái bất cập lắm. Trong đó “họ” muốn buộc tội cũng được mà không buộc tội cũng được. Vì trong BLHS Việt Nam có điều “không tố giác tội phạm”. Nếu mà họ muốn “chuyện bé xé to” thì họ vẫn làm được.

Trừ một số trường hợp miễn trừ, điều 314 BLHS Việt Nam quy định phạt cảnh cáo đến phạt tù 3 năm nếu bị phát hiện không tố giác tội phạm. Phóng viên Hoàng Khương là một trong những người theo mảng nội chính lâu năm và được biết đến với rất nhiều bài chống tham nhũng trong ngành công an. Chính việc này đã làm dấy lên một số quan ngại rằng việc ông bị bắt là một “đòn trả đũa” đối với những bài viết mang tính nhạy cảm trước đó.

Quan ngại của ký giả Trương Minh Đức được luật sư Nguyễn Thanh Lương, phó Chủ nhiệm LS đoàn tỉnh Bến Tre phân tích như sau:

Giả sử tất cả tình huống đều diễn ra như vậy trừ hành vi phóng viên Hoàng Khương cầm tiền đưa hối lộ mà là người khác đưa thì đó (việc ông Hoàng Khương không tố giác) rõ ràng là hành vi không tố giác tội phạm. Nếu không có bài viết thì có thể vướng vào tội “không tố giác tội phạm” nhưng đã có bài viết của mình rồi thông qua cơ quan báo chí để đăng bài thì có thể cho là tố giác gián tiếp. Và như vậy sẽ không bị vướng vào tội “không tố giác tội phạm.

Nói lời cuối cùng trước phiên tòa hôm 7 tháng 9, nhà báo Hoàng Khương nêu lên câu hỏi “Liệu rằng không có hai bài báo này thì bị cáo có phải bước vào con đường lao lý ngày hôm nay không?”, ngụ ý rằng việc bắt bớ có lẽ dã không xảy ra nếu bài viết không được đưa ra công chúng. Tuy nhiên, nếu không đưa bài viết lên báo, chiếu theo những gì luật sư phân tích ở trên thì không loại trừ khả năng Hoàng Khương bị rơi vào tội “không tố giác tội phạm”. Điều này cho thấy những khúc mắc trong hệ thống luật pháp Việt Nam.

Cần một hành lang pháp lý đủ rộng

Theo luật sư Trần Quốc Thuận, (nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội), sự không đầy đủ và các kẽ hở trong hệ thống pháp lý khiến cho người ta không thể dựa vào đó để bảo vệ mình:

Đồng nghiệp của Hoàng Khương trước giờ tuyên án. Photo courtesy of giaoduc.net
Đồng nghiệp của Hoàng Khương trước giờ tuyên án. Photo courtesy of giaoduc.net (Đồng nghiệp của Hoàng Khương trước giờ tuyên án. Photo courtesy of giaoduc.net)

Pháp luật ở Việt Nam nhìn có vẻ đầy đủ nhưng nó cũng là một điều rất chung chung. Cho nên nhiều khi một hành động không có vấn đề gì nhưng cũng có thể bị bắt bớ. Có lần tôi cũng nghĩ nó như luật “thòng lọng” chứ nó không phải là pháp luật để người ta dùng nó mà bảo vệ mình. Thực tế luật báo chí Việt Nam cũng không phù hợp với tinh thần mà hiến pháp 1946 đã đặt ra là tự do báo chí. Luật báo chí bây giờ là dùng để quản lý báo chí chứ đâu phải để có tự do báo chí.

Đối với báo chí, đặc biệt là đối với những phóng viên điều tra, việc cọ xát với các vấn đề nhạy cảm hay những tệ nạn là chuyện không thể tránh khỏi. Để tránh không kết án oan những nhà báo đang làm nhiệm vụ, luật pháp thường quy định những trường hợp miễn trừ hoặc những điều khoản cụ thể để có thể giúp người phóng viên bảo vệ mình khi cần thiết. Tuy nhiên, luật báo chí hiện hành của Việt Nam không có điều khoản quy định về trường hợp miễn trừ báo chí. Với một hành lang pháp lý không đủ rộng như thế thì những rủi ro nghề nghiệp sẽ rất cao. LS Nguyễn Thanh Lương cho biết:

Tôi muốn nói rằng không những riêng phóng viên Hoàng Khương mà sẽ còn những trường hợp khác trong thực tế mà người ta chưa phát hiện hoặc chưa đưa ra công luận thôi. Chứ còn về tính lý thuyết thì nếu không có hành lang an toàn pháp lý thì sẽ có những rủi ro về nghề nghiệp.

Tác dụng ngược?

Trong lúc ĐCSVN tăng cường phòng chống tham nhũng và đề ra những việc cần làm sau Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), người ta có vẻ lạc quan hơn về quyết tâm chống tham nhũng của ĐCSVN, nhất là những phóng viên chống tiêu cực tâm huyết. Nhìn một cách lạc quan nhất, có thể nhiều người cho rằng hành động của nhà báo Hoàng Khương là khuyến khích tham nhũng và cần được trừng phạt để chống tham nhũng. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra một tác dụng ngược vì cho thấy các cơ quan chống tham nhũng đã đi không đúng hướng khi quay lại trừng phạt chính những người đang chống tham nhũng. LS Nguyễn Thanh Lương khẳng định mặt tiêu cực như sau:

Nó xảy ra hai tình huống. Nếu đúng như Hoàng Khương khai trước tòa là mình không có động cơ đưa hối lộ thì việc xét xử là một hành động phản bội, đâm sau lưng chiến sĩ. Còn nếu như cơ quan tố tụng đúng thì xét xử như thế là lợi bất cập hại. Những người chống tiêu cực sẽ bị chững lại. Nói cho cùng cả hai tình huống đều không tốt.

Nhiều người cho rằng bản án dành cho nhà báo Hoàng Khương là không cần thiết đối với một người không có động cơ phạm tội. Đây không phải là lần đầu tiên dư luận lên tiếng mạnh mẽ về bản án dành cho phóng viên.

Hồi năm 2008, hai nhà báo nổi tiếng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ), Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) đã bị xét xử và kết án tù vì tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 281 BLHS. Tuy các tội trạng cáo buộc cho các nhà báo trên khác nhau nhưng xét đến một bức tranh rộng hơn thì những bản án này đều gây hoang mang cho giới truyền thông về giới hạn của mình, cũng như quan ngại về những bất cập của pháp luật.

Theo dòng thời sự: