Các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam ngày càng bị đồng hóa khi chính sách đất đai của Nhà nước không đặt vấn đề bảo tồn đất hoặc rừng vốn thuộc về tổ tiên của họ.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, dân số 88 triệu nhiều nhất là người Kinh chiếm 86% dân số. 14% còn lại thuộc về 53 dân tộc ít người, trong đó những dân tộc có dân số trên dưới 1 triệu bao gồm dân tộc Tày, dân tộc Thái, Mường, Nùng, H’mông, dân tộc Kmer Krom và dân tộc Hoa. Những dân tộc ngày càng ít người hơn phải kể đến Dân tộc Dao, Gia Rai, Ê Đê, Chăm và Sán Dìu.
Nhà văn Nguyên Ngọc, một nhà nghiên cứu văn hóa vùng Tây nguyên quê hương của các dân tộc ít người, nói với chúng tôi:
“Riêng ở Tây nguyên, trong truyền thống đất đai là thuộc về tập thể của cộng đồng làng. Các nhà khoa học gọi là quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng, thực tế trên Tây nguyên trước đây không hề phân biệt đất và rừng, đất tức là rừng, rừng tức là đất. Thế thì không có cái rừng nào là vô chủ cả! Tất cả rừng mênh mông như vậy nhưng nếu ta đi vào quan sát kỹ tìm hiểu kỹ thì nó đều được chia cho các làng, người ta gọi là từ ông bà từ tổ tiên hoặc người ta bảo là thần linh đã giao cho tổ tiên có ranh giới rất rõ ràng.
Thực tế sau năm 1975, ta không tìm hiểu vấn đề đó, không hiểu về vấn đề đó và làm như tất cả mọi nơi quốc hữu hóa những rừng đó. Vì vậy cho nên các làng không còn đất của họ, không còn những đất tập thể đó nữa. Đó là nền tảng cơ bản, nền tảng vật chất kinh tế của một cái làng và khi nền tảng đó không còn nữa thì cái làng đó vỡ và văn hóa của làng cũng sẽ vỡ. Đấy là hiện tượng ở Tây nguyên và chúng tôi cũng đã nói rất nhiều về điều này rồi. Nhưng theo tôi, cho đến nay trong Luật Đất đai chưa hề phản ánh được cái thực tế đó ở Tây nguyên.
Nhân dịp Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được Bộ Tài nguyên Môi trường công bố để lấy ý kiến toàn quốc, TS Phạm Sĩ Liêm nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây Dựng đã có những ý kiến phản biện mạnh mẽ về cơ chế thu hồi đất và đền bù đất liên quan đến đô thị hóa và phát triển đô thị. Nhưng ít ai ngờ rằng chuyên gia này lại còn băn khoăn đến một khía cạnh khác, đó là bảo tồn đất đai cho các dân tộc ít người. TS Phạm Sĩ Liêm đã đề cập tới vấn đề này trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi:
“Trong Luật không đặt quan hệ đất đai với vấn đề dân tộc. Ở Việt nam có rất nhiều dân tộc, cũng có những dân tộc bây giờ đã có nền kinh tế thị trường nhất định, nhưng còn nhiều dân tộc chưa phải như vậy và chế độ đất đai của họ cũng rất đặc thù… Thí dụ bên Hoa Kỳ có chế độ đất đai của người Da Đỏ (Indian), Úc thì có Luật Đất đai của người Maori, trong khi Việt Nam có một số dân tộc du canh du cư…thì quan hệ đất đai của họ khác và phải bảo vệ cho họ.”
Nam Nguyên nêu câu hỏi với nhà văn hóa Nguyên Ngọc: qua kinh nghiệm của ông, liệu những phản biện về vấn đề đất đai của giới chuyên gia nhân sĩ trí thức, đặc biệt là việc bảo tồn đất rừng và văn hóa Tây nguyên sẽ được Nhà nước quan tâm ở mức độ nào. Nhà văn hóa Nguyên Ngọc nhận định:
“Riêng tôi mấy chục năm nay, vấn đề đất và rừng ở Tây nguyên thì tôi đã nói rất nhiều. Nhưng theo tôi biết thì những ý kiến của tôi riêng về vấn đề đất-rừng cho đến nay đã hoàn toàn chưa được nghe. Rừng bị phá rất nhiều, rừng và đất của các làng bị tước mất. Không phải chỉ ý kiến phản biện của riêng tôi mà của rất nhiều người, của những anh em am hiểu và gắn bó với tây nguyên, nhưng cho đến nay tất cả ý kiến vẫn chưa được lắng nghe.”
Vẫn theo lời nhà văn hóa Nguyên Ngọc, tiến trình sửa đổi Luật Đất đai hiện nay là cơ hội tốt nhất để sửa chữa những thiếu sót đối với vấn đề bảo tồn đất đai và văn hóa các dân tộc thiểu số, đặc biệt vùng Tây nguyên mà ông Nguyên Ngọc rất quan tâm. Nếu những người có trách nhiệm không lưu tâm vấn đề này thì sẽ không khắc phục được một vấn đề rất lớn mà nó là nguồn gốc của những sự không ổn định ở Tây nguyên trong thời gian vừa qua.