Nhà xuất bản Tự Do, một nhà xuất bản độc lập đang gặp phải sự phản ứng mạnh từ an ninh Việt Nam qua các chương trình phát sách miễn phí cho độc giả trong tháng 7 vừa qua.
Đài RFA ghi nhận tình hình phát hành và phổ biến sách không qua kiểm duyệt ở trong nước như thế nào qua vụ việc vừa nêu?
Nhà xuất bản bị đánh phá
Tuy mới ra đời vào ngày 14 tháng 2 năm 2019, nhưng Nhà xuất bản Tự Do được rất nhiều độc giả trong và ngoài nước biết đến qua hai chương trình tặng sách, bao gồm cuốn “Cẩm nang nuôi tù”, “Chính trị bình dân” và cuốn “Phản kháng phi bạo lực” đều của tác giả Phạm Đoan Trang, một nhà hoạt động dân chủ được Tổ chức People In Need của Cộng hòa Czech trao giải thưởng nhân quyền Homo Homini năm 2017.
Kể từ khi chương trình tặng sách “Cẩm nang nuôi tù” được thông báo trên mạng xã hội, qua trang Fanpage của Nhà xuất bản Tự Do, Đài RFA ghi nhận đã có rất nhiều người liên lạc để được nhận quyển sách này. Song song đó, Nhà xuất bản Tự Do cũng gặp nhiều khó khăn từ phía an ninh Việt Nam.
Nhà xuất bản Tự Do cho biết tài khoản ngân hàng, mở tại Ngân hàng Vietcombank bị khóa một chiều; nghĩa là chiều chuyển tiền vào tài khoản vẫn hoạt động bình thường khi có những độc giả chuyển tiền mua sách hay những nhà hảo tâm chuyển tiền đóng góp cho việc in ấn sách đều được, nhưng chiều lấy tiền ra hay chuyển tiền qua một tài khoản khác thì bị khóa. Bên cạnh đó, những thành viên làm việc cho Nhà xuất bản Tự Do còn thường xuyên bị an ninh quấy nhiễu nơi ở. Ông Nam Khánh, đại diện của Nhà xuất bản Tự Do cho biết thêm:
“Thật ra họ không biết chắc nơi chúng tôi ở đâu và ai đang làm những công việc này. Tuy nhiên vì một số các thành viên của Nhà xuất bản Tự Do là các nhà hoạt động từ trước đó rồi, cho nên chúng tôi thỉnh thoảng bị theo dõi và lần gần nhất, nặng nề nhất là chúng tôi phải tháo chạy khỏi nơi ở và chúng tôi mất gần như toàn bộ máy móc, thiết bị như laptop, điện thoại…Và đặc biệt, sau khi có chương trình tặng quyển sách ‘Phản kháng phi bạo lực” thì người vận chuyển sách của chúng tôi trong vòng 3 ngày bị vây bắt hai lần và 3 tài khoản ngân hàng của chúng tôi mở ở các ngân hàng nội địa tại Việt Nam đều bị khóa một chiều.”
Những người liên quan gặp nguy hiểm
Tác giả 3 quyển sách “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù” và “Phản kháng phi bạo lực”, Nhà hoạt động dân chủ-Nhà báo Phạm Đoan Trang từng bị câu lưu khi quyển sách đầu tiên “Chính trị bình dân” của cô được xuất bản và lưu hành hồi tháng 9 năm 2017. Kể từ thời điểm đó đến nay, cô Phạm Đoan Trang phải sống trong tình cảnh ẩn náu vì sự an toàn của bản thân.
Vào tối ngày 6 tháng 8, Nhà báo Phạm Đoan Trang nói với RFA ngay đợt tặng sách mới nhất của Nhà xuất bản Tự Do cho độc giả, 1.000 cuốn “Phản kháng phi bạo lực”:
“Thật khó tưởng tượng được trong vòng không đầy 4 ngày thì 1.000 cuốn hết sạch. Lúc đầu tôi nghĩ là an ninh mua. Nhưng sau đó, tôi nghĩ lại rằng thứ nhất là an ninh không bỏ tiền ra mua vì an ninh Việt Nam quen cướp, quen cưỡng chế, quen tịch thu nên không có chuyện ra mua; thứ hai nếu có thì thường là ở trung tâm như Sài Gòn và Hà Nội, chứ không thể nào cả nước được. Trong khi đó đơn đặt hàng ở khắp cả nước, đặc biệt nhiều ở nông thôn và miền núi xa xôi ở Cà Mau, Bạc Liêu…ở phía Nam và Sơn La, Lai Châu…ở phía Bắc đều có người mua cả. Cho nên khả năng an ninh rất là khó.”
<i>Chúng tôi thỉnh thoảng bị theo dõi và lần gần nhất, nặng nề nhất là chúng tôi phải tháo chạy khỏi nơi ở và chúng tôi mất gần như toàn bộ máy móc, thiết bị như laptop, điện thoại…Và đặc biệt, sau khi có chương trình tặng quyển sách 'Phản kháng phi bạo lực" thì người vận chuyển sách của chúng tôi trong vòng 3 ngày bị vây bắt hai lần và 3 tài khoản ngân hàng của chúng tôi mở ở các ngân hàng nội địa tại Việt Nam đều bị khóa một chiều-<br/>Đại diện Nhà xuất bản Tự Do</i>
Mặc dù vậy, lực lượng an ninh luôn xuất hiện khi những quyển sách này đang trên đường được vận chuyển đến tay độc giả. Cô Phạm Đoạn Trang cho biết, an ninh liên tục đóng giả làm độc giả, gửi thư về xin sách và thường hẹn chỗ vắng hay chỗ công cộng để nhận sách và họ huy động cả côn đồ, dân anh chị xăm trổ cầm dao rượt đuổi người giao sách (shipper). Nhà báo Phạm Đoan Trang bày tỏ sự lo lắng:
“Không biết tình hình này kéo dài được bao lâu? Trước sau gì thì cũng có lúc công an sẽ bắt được, và lúc đó thì chắc sẽ kinh khủng lắm.”
Tuy vậy, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang vẫn chia sẻ cảm xúc buồn vui, xót xa lẫn lộn, qua việc có rất nhiều người đón nhận các quyển sách của cô ngoài cả sự tiên liệu:
“Riêng cuốn ‘Cẩm nang nuôi tù’ thì thật sự tôi không biết nên vui hay nên buồn khi có quá nhiều người muốn mua nó. Nhiều khi tự nghĩ thật là quái lạ sao số lượng tù ở Việt Nam đông đến thế? Hầu hết những người mua không phải là những người hoạt động dân chủ, nhân quyền, họ là những người dân bình thường. Có người nhắn tin rằng có người em bị bắt vì tội giết người thì nghe nói có cuốn sách đấy nên muốn mua để học xem làm thế nào. Nói chung có những thư gửi về mà mình nghe xong là muốn khóc, bởi vì có cảm giác như họ tuyệt vọng và không biết làm gì nên nghe có cuốn sách như vậy thì mua giống như kiểu trong nhà có người bị bệnh ung thư và có bệnh thì vái tứ phương để tìm mọi cách cứu con mình, cứu chồng mình. Tôi đau lắm. Và người nào đi tù thì việc họ làm là không tìm đến luật sư mà lại tìm đến cuốn sách dạy cách đối phó khi ở tù. Với tôi, đó là một điều rất đáng ngại. Đó là chỉ dấu của một xã hội bất thường, bất ổn kinh khủng. Làm sao một cuốn sách viết về chuyện sống trong tù như thế nào, đối phó với công an ra sao mà lại bán chạy được?”
Qua vô số các tin nhắn và cuộc gọi liên lạc với tác giả hai cuốn sách “Cẩm nang nuôi tù” và “Phản kháng phi bạo lực”, nhà báo Phạm Đoan Trang không thể hình dung rằng cô đã nhận được những câu hỏi hay những yêu cầu hướng dẫn làm thế nào để đối phó với những hoàn cảnh hay tình huống xảy ra trong đời sống xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Nhà báo Phạm Đoan Trang lấy làm cảm kích sự đón nhận của độc giả đối với các quyển sách của cô bao nhiêu thì cô càng cảm thấy lo lắng cho họ bấy nhiêu bởi cô nhận ra có quá nhiều những con người yếu thế trong xã hội Việt Nam không biết làm thế nào để bảo vệ cho chính họ, trong đó có những người mua sách, nhận sách và đọc các cuốn sách của cô gặp không ít khó khăn, thậm chí có người còn bị công an bắt hay truy bức liên quan đến những quyển sách này.
Tiếp tục những việc đang làm
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận bà Phạm Thanh Nghiên, tác giả quyển sách “Những mảnh đời sau song sắt” cũng đối diện với tình cảnh tương tự khi cựu tù nhân lương tâm này xuất bản một số lượng hạn chế để bán nhằm quyên góp cho các cư dân ở vườn rau Lộc Hưng bị Chính quyền phường 6, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh cưỡng chế hồi tháng tháng 1 năm 2019.
Cuốn sách “Những mảnh đời sau song sắt” của tác giả Phạm Thanh Nghiên cũng bị an ninh Việt Nam ngăn chặn với nhiều hình thức. Thế nhưng, những quyển sách không qua kiểm duyệt như thế lại càng được độc giả ở trong nước tìm kiếm. Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên đưa ra một số nguyên nhân mà bà lý giải vì sao có hiện tượng như vậy:
<i>Riêng cuốn 'Cẩm nang nuôi tù' thì thật sự tôi không biết nên vui hay nên buồn khi có quá nhiều người muốn mua nó. Nhiều khi tự nghĩ thật là quái lạ sao số lượng tù ở Việt Nam đông đến thế? Hầu hết những người mua không phải là những người hoạt động dân chủ, nhân quyền, họ là những người dân bình thường. Có người nhắn tin rằng có người em bị bắt vì tội giết người thì nghe nói có cuốn sách đấy nên muốn mua để học xem làm thế nào…Và người nào đi tù thì việc họ làm là không tìm đến luật sư mà lại tìm đến cuốn sách dạy cách đối phó khi ở tù. Với tôi, đó là một điều rất đáng ngại. Đó là chỉ dấu của một xã hội bất thường, bất ổn kinh khủng<br/>-Nhà báo Phạm Đoan Trang</i>
“Tôi nghĩ một trong những yếu tố quan trọng đó là chúng tôi phản ánh đúng sự thật. Ở một đất nước mà không có các quyền tự do căn bản như ở Việt Nam, quyền phản biện không có, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt đều không có, tự do phản ánh về các mặt đời sống xã hội đều không có và phải nói theo định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam thì sự thật là một điều cực kỳ hiếm hoi và chính vì hiếm hoi nên sự thật rất đáng quý. Thành ra bây giờ nhu cầu của người ta muốn được biết sự thật tăng lên rất nhiều so với bối cảnh ở Việt Nam những năm trước.
Và tôi cũng nghĩ rằng chính vì sự thật và chính vì nó bị cấm cho nên nhiều người tò mò muốn biết là xem nội dung cuốn sách và tác giả của những cuốn sách nói về cái gì mà Nhà nước phải sợ và cấm đoán như thế. Thêm nữa là mong muốn tìm kiếm thông tin đa chiều, muốn có thêm kiến thức từ sách mà vốn những cuốn sách ở trong nước của nhưng người dám vượt rào dám nói lên toàn bộ sự thật đang diễn ra trong cuộc sống ở xã hội Việt Nam vốn bị bưng bít này. Tôi cho rằng đó là những yếu tố quan trọng khiến cho những cuốn sách không chỉ của tôi, của Phạm Đoan Trang và của nhiều tác giả viết độc lập khác được tìm kiếm, đón nhận.’
Đồng quan điểm, Nhà báo Phạm Đoan Trang nhấn mạnh bản thân cô không tự hào mình là người tài giỏi trong việc viết lách, nhưng cô tin rằng sẽ có rất nhiều quyển sách giống như của cô, được viết bởi những người dốc lòng vì quê hương, đất nước Việt Nam sẽ được độc giả đón nhận qua những vấn đề thực tiễn đang diễn ra trong xã hội như: tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông; xóa bỏ các trạm thu phí BOT “bẩn”; cưỡng chế đất đai trái phép hay vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu con người Việt Nam…
Nhà xuất bản Tự Do còn khẳng định với RFA rằng cho dù phải đối mặt với rất nhiều thách thức, rủi ro và nguy hiểm phía trước nhưng những thành viên của Nhà xuất bản Tự Do không lùi bước trong sứ mệnh của mình là phổ biến thông tin và kiến thức “không bị nhà nước kiểm duyệt” đến với độc giả và công chúng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.