Báo mạng World Politics Review vào đầu tháng 2 vừa qua có bài viết của tác giả Kristine Lee với tiêu đề tạm dịch ra Tiếng Việt ‘Cách thức Trung Quốc và Hoa Kỳ đang cạnh tranh để giành chất xám trẻ ở Đông Nam Á’.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ tháng trước đã cảnh báo rằng Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi khác, như thế hệ mạng di động thứ năm hoặc 5G.
Ở Mỹ đương nhiên là nước phát triển nên có nhiều cơ hội hơn, nó cũng phổ biến hơn các nước khác. - Trúc, Minnesota
Sự chú ý về lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã làm lu mờ một lĩnh vực cạnh tranh khác giữa Bắc Kinh và Washington là cuộc cạnh tranh giành chất xám của giới trẻ. Và không nơi nào cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục và thu hút thế hệ trẻ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới lại rõ nét như ở khu vực Đông Nam Á. Đây là nơi có dân số trẻ, những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và những điểm nóng địa chính trị.
Các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines có độ tuổi trung bình khoảng 30 nên tất cả đều đang tìm cách khai thác lực lượng lao động trẻ được đào tạo tốt để phát triển kinh tế và trở thành những trung tâm sáng tạo.
Đông Nam Á cũng là khu vực mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh chính, đặc biệt là Nhật Bản, có thể tham gia phát triển nguồn nhân lực để mở rộng thương mại và đầu tư nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh ở đó.
Nhật Bản đi đầu trong phong trào xây dựng quan hệ đối tác trong chính phủ, khu vực công nghiệp tư nhân và các trường đại học địa phương mà không chỉ giúp mở rộng công nghệ - kỹ thuật ở khu vực Đông Nam Á, mà còn mang lại cho các công ty Nhật Bản lực lượng lao động sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng của họ.
Điển hình là việc chính phủ Việt Nam và Nhật Bản gần đây đã thành lập các chương trình sau đại học tại Đại học Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội, qua đó sinh viên Việt Nam có thể lấy bằng thạc sĩ về chính sách công, khoa học môi trường, công nghệ nano và các môn kỹ thuật khác dưới sự bảo trợ của dự án Đại học Việt Nam - Nhật Bản.
Hoa Kỳ lâu nay vẫn chiếm vai trò thu hút đối với những người trẻ trong khu vực; đặc biệt là ở Việt Nam, nơi một cuộc khảo sát gần đây của Pew chỉ ra rằng 84% dân số dải đất chữ S luôn ủng hộ Mỹ.
Bạn Trang, hiện đang ở Sài Gòn cho rằng nhiều người trong nước thường hay nghĩ rằng nếu nghĩ đến việc đi du học, nước đầu tiên nhiều người sẽ nghĩ đến là Hoa Kỳ.
Đồng quan điểm trên, bạn Trúc hiện đang du học ở bang Minnesota cho rằng:
“Em đơn giản hơn, em học trường của Mỹ nên em đi Mỹ dễ hơn. Ở Mỹ đương nhiên là nước phát triển nên có nhiều cơ hội hơn, nó cũng phổ biến hơn các nước khác.”
Thực tế khả quan như thế nhưng vừa qua trong lĩnh vực hoạt động nhằm thu hút chất xám của người trẻ thì phía Hoa Kỳ có chững lại và bị hụt nguồn đầu tư, ngoại trừ một vài trường hợp.
Ngược lại với Hoa Kỳ thì Trung Quốc lại đang nhanh chóng cố gắng tạo lập hình ảnh là một nguồn giáo dục đại học hàng đầu ở các nước Đông Nam Á. Vào khi Trung Quốc tăng cường mối quan hệ với khu vực, bao gồm thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, họ ngày càng sử dụng giáo dục như một công cụ chính sách để chiêu dụ thế hệ trẻ.
Chị Hà, hiện là Giảng viên trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, từng được học bổng toàn phần sang Trung Quốc du học 3 năm ngành Quản trị kinh doanh cho biết điều kiện để cấp học bổng cảu Trung Quốc rất dễ dàng:
“Tình cờ xin học bổng này không nghĩ là dễ vậy. Coi như bao hết cho chị từ A-Z luôn: ký túc xá, tiền ăn uống, sinh hoạt phí, tiền sách vở, nói chung mình không phải chi 1 xu nào hết. Sự khác biệt vậy nè, ở Trung Quốc vẫn cho chị học bổng khi chị không biết tí tẹo nào về tiếng Trung hết. Qua (Trung Quốc) sẽ cho chị học lại từ đầu. Sau 1 năm để chị cố gắng học mới cho chị học chuyên ngành. Còn bên Mỹ, một khi đã cho học bổng rồi bạn phải đạt trình độ tiếng Anh thế nào, và vào là học luôn, không có cơ hội học tiếng Anh nữa.”
Vẫn theo chị Hà, khi đi học ở Trung Quốc, trong trường của chị cũng có nhiều người Việt.
Nếu được cấp học bổng của Mỹ và Trung Quốc thì sẽ không hẳn chọn Mỹ mà còn tùy thuộc vào mục đích người đi học là gì, mong đợi là gì, để cân nhắc và chọn chương trình phù hợp. - Vân, Vũng Tàu
Ngoài cam kết nâng cao tiêu chuẩn giáo dục trong nước, Trung Quốc đã khởi xướng một chiến dịch đa chiều để xuất khẩu mô hình giáo dục của mình ra khắp Đông Nam Á.
Vào tháng 4 năm 2017, Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, ra mắt Liên minh các Trường Đại học Châu Á với thành viên ban đầu là 15 trường đại học trên khắp Đông Bắc và Đông Nam Á. Tập hợp các nguồn lực và tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học châu Á theo cách này có thể khuyến khích sinh viên ở lại trong khu vực, thay vì xin học bổng ở Hoa Kỳ. Bắc Kinh cũng đã tích cực cố gắng để hạn chế ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong các trường đại học Trung Quốc, bao gồm việc cấm các chuyến thăm của các quan chức và các nhóm văn hóa Mỹ.
Tuy nhiên bạn Vân từ Vũng Tàu lại cho rằng:
“Nếu được cấp học bổng của Mỹ và Trung Quốc thì sẽ không hẳn chọn Mỹ mà còn tùy thuộc vào mục đích người đi học là gì, mong đợi là gì, để cân nhắc và chọn chương trình phù hợp.”
Dưới góc nhìn cá nhân, bạn Trang cho rằng có nhiều cách để các bạn trẻ Việt tiếp cận với nền giáo dục Hoa Kỳ, nhưng có một cách mà bạn chưa thấy được áp dụng ở Việt Nam:
“RMIT ở bên Úc là trường chẳng có gì danh tiếng. Nhưng về đến Việt Nam thì khác hoàn toàn: đầu tư cơ sở vật chất, tạo thành một cái trường, chứ không phải chương trình liên kết gì hết, và cực kỳ thành công ở đây. Thậm chí người ta chẳng nghĩ đến chuyện đi du học, người ta thấy học ở RMIT là được quá rồi. Nhưng không thấy Mỹ có trường giống vậy, chủ yếu qua liên kết thôi, chứ không có trường nào của riêng nó (Mỹ).”
Theo tác giả Kristine Lee, việc đẩy các đồng minh và đối tác trong khu vực chọn phe giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là phản tác dụng, do các chi phí tiềm năng.
Tác giả này cho rằng hầu hết các nước Đông Nam Á đều tập trung vào việc duy trì tăng trưởng kinh tế và không đủ khả năng để thoát Trung, vốn vẫn là đối tác thương mại số 1 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, khối chính của khu vực.
Nên thay vì ép các nước phải lựa chọn, Hoa Kỳ nên xây dựng chiến lược toàn chính phủ, liên quan đến các sáng kiến giáo dục, tiếp cận kinh doanh và phối hợp với các đồng minh thân thiết như Nhật Bản và Hàn Quốc, tập trung vào mối quan hệ sâu sắc với các nước Đông Nam Á trong suốt thập kỷ tới. Việc xây dựng nên hỗ trợ từ địa phương các nước, đặc biệt giữa các bộ phận sinh viên trẻ và doanh giới trẻ, cũng có thể giúp quyết định sự thành công về lâu về dài cho chiến lược của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á.