Tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng cho rằng ‘Không đủ điện mới chết chứ giá điện cao chưa chết’. Ông Thiên nói như vậy khi thảo luận về cách tiếp cận mới đối với vấn đề an ninh năng lượng tại Việt Nam.
Dù an ninh năng lượng đối với bất cứ quốc gia nào cũng là vấn đề tối quan trọng, nhưng liệu có thể đánh đổi tất cả chỉ vì an ninh năng lượng? Nhất là đối với đất nước vẫn còn tỷ lệ dân nghèo cao như Việt Nam?
Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 7 tháng 6 năm 2021, nhận định:
“Điện là một mặt hàng chiến lược quan trọng, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, đặc biệt đối với đời sống nhân dân... cho nên vấn đề này cán bộ, cơ quan cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn rất thận trọng. Mà điện là lĩnh vực độc quyền nên phải kiểm soát hết sức chặt chẽ, để làm sao chi phí hợp lý mà ngành điện vẫn tồn tại. Nguyên tắc là như vậy chứ không phải nhà nước bất chấp bất kỳ một giá nào để ảnh hưởng đến đời sống, ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế xã hội.”
Điện là lĩnh vực độc quyền nên phải kiểm soát hết sức chặt chẽ, để làm sao chi phí hợp lý mà ngành điện vẫn tồn tại. Nguyên tắc là như vậy chứ không phải nhà nước bất chấp bất kỳ một giá nào để ảnh hưởng đến đời sống, ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế xã hội.
-Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long
Trước phản ứng của dư luận được truyền thông nhà nước Việt Nam trích dẫn, Tiến sĩ Trần Đình Thiên giải thích rằng ông nói vậy không có nghĩa là ta muốn giá điện cao mấy cũng được. Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, tiếp cận vấn đề giá điện không thể dân túy được. Ông Thiên nói thêm: ‘Nếu bàn về vấn đề giá điện mà đâm đầu vào chủ nghĩa dân túy thì rất khó’.
Anh Thiệu, một người dân hiện sinh sống ở Sài Gòn, khi trả lời RFA hôm 7/6 cho biết ý kiến của mình:
“Ý kiến của ổng (Tiến sĩ Trần Đình Thiên) là chỉ nhìn một góc phiến diện nào đấy thôi, ví dụ không có điện sẽ chết... cái đó cũng đúng vì tất cả sẽ bị đình trệ. Nhưng chỉ đối với nền công nghiệp, còn thật sự dân nghèo thì chỉ cần tăng giá điện thì đối với người ta là cả một vấn đề, gây thêm khó khăn cho cuộc sống. Mà đại đa số người dân Việt Nam hiện nay là từ nghèo đến rất nghèo, thành phần khá giả trung lưu không chiếm bao nhiêu, còn trong tổng số 100 triệu dân Việt Nam thì tỷ lệ người giàu rất thấp. Như tui đang sống trong xóm lao động đây, gồm công nhân, người lao động phổ thông buôn gánh bán bưng... thì đối với họ mà mỗi tháng tiền điện tăng 500 ngàn là họ rất khó khăn, đối với họ đó là một vấn đề nan giải, không biết kiếm nguồn thu nào để bù vô.”
Tuy nhiên cũng có một số khu vực tại Việt Nam dù trả tiền điện cao nhưng vẫn không đủ điện để xài. Một phụ nữ sinh sống ở miền Trung thì cho rằng bà bị lấy tiền điện cao nhưng vẫn bị cúp điện vô tội vạ:
“Một tháng trả một triệu sáu, triệu bảy tiền điện mà cơm nấu thì có bữa đang nấu điện cúp mất... đi làm về dở nồi cơm thì sống... có điện đâu mà nấu, điện cúp từ bao giờ đó, mình cũng không biết nữa.”
Còn một người dân ở Đồng Nai khi nói về tình hình sử dụng điện ở địa phương cho biết ông không có lựa chọn nào khác:
“Điện rất yếu... có nhà sử dụng nhiều thì khoảng năm sáu, bảy trăm nghìn... giá điện quá cao, nhưng bắt buộc như vậy nên người dân vẫn phải chấp nhận.”

Lý giải cho ý kiến cần có giá điện cao của mình, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng: ‘Có giá tốt thì công nghệ mới tốt được, hiệu lực của quy định hành chính – pháp lý mới ý nghĩa được. Nếu không có cơ chế giá tốt thì mọi nỗ lực sản xuất điện đều kém hiệu quả’.
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ khi trả lời RFA hôm 7/6, nói:
“Đúng là không có điện là chết... không phát triển được. Nhưng giá điện mà cao thì cũng hạn chế việc phát triển, vì giá điện cao có nghĩa đầu vào sản xuất cũng cao, thì giá trị hàng hóa đưa ra cũng cao, như vậy năng lực cạnh tranh giảm. Như vậy Việt Nam sẽ không có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế. Tôi cho rằng đúng là cần phải có điện nhưng cũng không phải là bằng mọi cách có điện để có thể dẫn đến sự hy sinh về môi trường, ví dụ như tiếp tục tăng thủy điện, nhiệt điện than... đó là những thứ thế giới không muốn phát triển tiếp.”
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, bên cạnh chuyện Việt Nam cần có điện thì cũng phải tính là có bằng cách nào, có theo kiểu nào? Ông Võ cho rằng Việt Nam cần tư duy thông minh để có thể vẫn đảm bảo điện đồng thời giá điện rẻ và không ảnh hưởng môi trường.
Tôi cho rằng đúng là cần phải có điện nhưng cũng không phải là bằng mọi cách có điện để có thể dẫn đến sự hy sinh về môi trường, ví dụ như tiếp tục tăng thủy điện,nhiệt điện than... đó là những thứ thế giới không muốn phát triển tiếp.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Từ năm 2011, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cảnh báo về những bất cập trong xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện. Theo thông tin truyền thông nhà nước Việt Nam, đã có hơn 50.000 hecta rừng bị tàn phá để nhường chỗ cho 824 nhà máy thủy điện. Trung bình để xây một thủy điện mất hết 59 hecta rừng.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tại, phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất... Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.
Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nhận định thêm:
“Hiện nay có tất cả các loại điện: thủy điện, nhiệt điện, điện dầu, điện tái tạo... thế thì mình chọn làm sao mà phù hợp điều kiện của Việt Nam, tính toán chi phí hợp lý, hiệu quả nhất nhưng đồng thời phải làm sao đỡ tác hại môi trường. Trong bối cảnh hiện nay, thủy điện là rẻ nhất, nhiệt điện tương đối cao, cho nên vẫn phải tồn tại điện than, nhiệt điện... cái đó là phù hợp điều kiện hiện nay mặc dù tác hại đến môi trường. Vì vậy phải khai thác tiềm năng vốn có của Việt Nam chứ không thể phát triển chỉ một cái, nhưng xu hướng là phải tiến tới năng lượng điện tái tạo.”
Về vấn đề tính giá điện, Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long cho rằng phải tính giá điện hai thành phần tách biệt nhau: một là giá phát điện, hai là giá điện kinh doanh truyền tải... Thì khi đó mới phản ánh tương đối chính xác giá điện, mới hợp lý. Chứ còn theo cách tính như hiện nay theo ông là chưa sòng phẳng.