Trung Quốc thực thi chiến thuật “con ếch chết luộc” xung quanh Biển Đông như thế nào?

0:00 / 0:00

Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John "Lung" Aquilino, nói với The Financial Times rằng Trung Quốc từ lâu đã áp dụng chiến thuật " con ếch chết luộc" (boiling frog) trên Biển Đông. Theo ông Aquilino, trong ba năm ông làm tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Trung Quốc đã tăng tốc phát triển quân sự. Đồng thời, ngày càng tăng cường những hoạt động gây bất ổn, hung hăng hơn, nguy hiểm hơn.

Chiến lược “con ếch chết luộc” là gì và vì sao nó nguy hiểm?

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM nói rằng chiến lược “con ếch chết luộc” là một cách nói ẩn dụ, mô phỏng hình ảnh con ếch trong nồi nước sôi. Nếu người ta thả một con ếch vào nồi nước, đun nước sôi từ từ, nhiệt tăng nhẹ chậm rãi, con ếch sẽ thích ứng dần với nhiệt độ mới mà không nhảy ra khỏi đó. Đến khi nước đến gần điểm sôi thì con ếch không nhảy ra được nữa và bị luộc chín.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, việc Trung Quốc hợp tác với Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam, quân cảng Ream ở Vịnh Thái Lan, tự bản thân Trung Quốc xây các đập nước thượng nguồn Mekong, các căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa, đều không khiến cho Việt Nam “chết” ngay. Tuy nhiên, theo ông Việt, nếu Việt Nam không có chiến lược phù hợp, khả năng rơi vào tình cảnh “con ếch chết luộc” trong tương lai là không phải không có khả năng xảy ra.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học Canberra, Úc, nói với RFA rằng thậm chí ngay cả dự án kênh đào Kra ở Thái Lan mặc dù mới nằm trên giấy nhưng nếu nó trở thành hiện thực trong tương lai, nó sẽ được kết hợp với các cơ sở khác của Trung Quốc như quân cảng Ream ở Campuchia, góp phần phát triển năng lực kiểm soát ba chiều của Trung Quốc trong khu vực: trên không, trên biển, và đất liền.

Đối với quân cảng Ream, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương nói, nếu đứng dưới góc độ Việt Nam mà xét thì còn cần xem xét Trung Quốc có muốn triển khai khí tài quân sự tới sân bay ở Ream hay không. Nếu sân bay đó trở thành cơ sở của Trung Quốc thì toàn bộ vùng trời ở Vịnh Thái Lan và phía Nam Việt Nam, khu vực mà đối với Việt Nam là vùng kiểm soát TP. HCM, thì đều có thể bị lọt vào tầm bao quát của Trung Quốc. Ông nói tiếp:

“Sự kết nối không gian nữa vùng trời Vịnh Thái Lan và phía Nam Biển Đông sẽ tạo thành một thế liên hoàn Đông Tây. Điều đó khiến cho các hoạt động của Việt Nam, đặc biệt là hoạt động quân sự, dù là hướng về phía biển hay đất liền, đều dễ dàng bị Trung Quốc phát hiện được.

Nói ngắn gọn thì điều đó khiến cho năng lực răn đe về mặt quân sự của Việt Nam bị giảm xuống. Khi người ta có thể nhìn thấy anh đang làm gì thì đó là một viễn cảnh xấu nhất trong thời bình mà chúng ta có thể nghĩ tới.”

Vẫn với chiến lược “con ếch chết luộc” mà Đô đốc Aquilino đã nói, tức được hiểu Trung Quốc đang dần dần “nâng cao nhiệt độ” để các nước khác đánh giá thấp mối nguy hiểm cho đến khi quá muộn, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho rằng tính chất lưỡng dụng của cơ sở của Trung Quốc, đặc biệt là căn cứ hải quân Ream và các cơ sở khác của Trung Quốc xung quanh đó, làm cho những nước như Việt Nam rất khó phản đối họ. Lưỡng dụng là khả năng sử dụng cho cả dân sự và quân sự. Ông giải thích:

Điều chúng ta cần đặc biệt lưu ý là hầu hết các cơ sở trên thế giới của Trung Quốc đều mang tính chất lưỡng dụng, tức là vừa quân sự vừa dân sự. Hiện chưa rõ sau này họ sẽ dùng cảng Ream như thế nào, nhưng với các tàu chiến cập cảng và thiết kế của nó cho thấy chiến hạm cỡ lớn của Trung Quốc vào được. Họ có thể chuyển sang quân sự bất kỳ khi nào họ muốn.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, tính chất dân sự (bên cạnh khả năng quân sự của nó) của những cơ sở đó đã tạo ra thế khó khăn để khiến Việt Nam và các nước liên quan khó có thể đưa ra bằng chứng, đối thoại với Campuchia và Trung Quốc về khía cạnh quân sự của nó. Đấy là mối đe dọa rất lớn.

Việt Nam cần đề phòng gì?

Về quá trình “tăng dần nhiệt độ của nước”, để cho các bên liên quan đánh giá thấp tình hình trước khi quá muộn, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng với quân cảng Ream thì Campuchia đã không thành thật. Ông giải thích:

“Thứ nhất là ở giai đoạn đầu thì họ khẳng định là không có Trung Quốc. Sau này thì Wall Street Journal tung ra một hợp đồng cho thấy vai trò của Trung Quốc thì Campuchia thừa nhận nhưng lại nói đó không đặt căn cứ quân sự của bất kỳ quốc gia nào. Lúc đầu thì Campuchia nói Trung Quốc chỉ tham gia vào việc sửa chữa, thế rồi sau đó chiến hạm Trung Quốc đã neo đậu ở đó liên tục nhiều tháng.

Việc tàu Trung Quốc neo đậu ở đó thực ra không phải là lạ với những người theo dõi tình hình Campuchia vì cuối năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng là Tea Seiha, cũng là con của cựu Bộ trưởng Quốc phòng tea Banh, đã khoe trên Facebook là tàu chiến Trung Quốc cập cảng.

Họ úp mở, sau đó bào chữa nhưng bào chữa cũng không thành thật. Campuchia nếu công khai minh bạch, rõ ràng ngay từ đầu thì có lẽ không tạo ra cảm giá bất an cho các quốc gia láng giềng trong đó có Việt Nam.

Quân cảng này cũng tạo ra một loạt đe dọa với Việt Nam. Nếu xảy ra một cuộc chiến trên Biển Đông thì Trung Quốc sẽ nắm ưu thế. Một mặt, họ có thể triển khai các thiết bị như Rada để nắm thông tin ở toàn bộ khu vực miền Nam Việt Nam và Vịnh Thái Lan.”

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, hiện nay Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa có gì căng thẳng lớn, ngoài vấn đề Biển Đông. Vấn đề Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc có lúc âm ỉ có lúc bùng phát và hai bên vẫn đối đầu nhau. Tham vọng của Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu suy giảm, cho nên, theo ông Hoàng Việt, không sớm thì muộn, Việt Nam sẽ phải đối đầu căng thẳng với Trung Quốc. Nếu trong tương lai xảy ra một cuộc chiến trên Biển Đông thì Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi khi Trung Quốc có quân cảng Ream, nhà nghiên cứu Biển Đông ở Tp. HCM khẳng định.

Như vậy có thể thấy quân cảng Ream là một mắt xích có liên quan tới Biển Đông chứ không chỉ với các yếu tố khác như kênh đào Kra ở Thái Lan hay kênh đào Phù Nam ở Campuchia. Câu hỏi đặt ra là liệu quân cảng Ream rồi đây sẽ được Trung Quốc dùng để thực thi tham vọng đường lưỡi bò trên thực tế hay không, ông Hoàng Việt nói:

“Họ sẽ kiểm soát được khu vực đó, tức đường lưỡi bò. Thứ nhất, họ sẽ kiềm chế được Việt Nam. Chúng ta nhớ lại là cuộc chiến biên giới Tây Nam những năm 1970s thì Trung Quốc đã đứng đằng sau để khiến Campuchia nổi giận tấn công Việt Nam từ 1977.

Nếu trên Biển Đông xảy ra căng thẳng thì Trung Quốc có thể lại sử dụng nhiều cách, trong đó có biên giới Việt Nam Campuchia, để gây sức ép từ hướng khác. Đó có thể là biên giới đất liền, hoặc có thể sử dụng vấn đề biên giới trên biển với Campuchia.

Vấn đề biên giới biển Việt Nam - Campuchia do đó, cũng là vấn đề tiềm tàng rủi ro. Do Việt Nam - Campuchia chưa tiến hành phân định biên giới trên biển. Trong vấn đề quân sự thì rõ ràng Trung Quốc có thể gây sức ép lên Việt Nam từ nhiều hướng, trong đó có quân cảng Ream.”

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học Canberra lưu ý là Thái Lan có dự phóng về một kênh đào xuyên qua eo đất Kra. Nếu trong tương lai Trung Quốc tham gia vào dự án kênh đào Kra ở Thái Lan thì nó sẽ còn thúc đẩy hơn nữa lợi ích của Trung Quốc qua kênh đào này.

Ông Nguyễn Thế Phương cho rằng trong trường hợp kênh đào Kra thành hiện thực, Trung Quốc không còn phụ thuộc vào eo biển Mallaca nữa. Ông nói tiếp:

"Trong trường hợp kênh đào Kra không thành, thì họ vẫn kết nối và triển khai năng lực ở khu vực phía nam biển Đông. Họ có thể kết nối không chỉ từ các đảo ở Trường Sa xuống vùng biển Natuna mà còn có thể đi từ khu vực Vịnh Thái Lan xuống Natuna. Đi từ Vịnh Thái Lan với quân cảng Ream xuống vùng biển Natuna còn nhanh hơn là đi từ Trường Sa. Đó là tầm nhìn rộng lớn hơn mà Trung Quốc muốn muốn triển khai.

Nếu như cộng thêm sân bay bênh cạnh quân cảng Ream nữa thì năng lực kiểm soát ba chiều của Trung Quốc, gồm trên không, trên mặt biển và dưới mặt biển, sẽ tăng lên rất nhiều.”

RFA đã gửi câu hỏi đến Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John “Lung” Aquilino để ông cho bình luận thêm về câu nói của mình trên Financial Times. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin khi nhận được phản hồi.