Chính phủ cần làm gì để kiềm chế lạm phát?

Lạm phát đang ngày một rõ nét hơn tại Việt Nam mặc dù chính phủ cố đưa ra biện pháp thắt chặt tiền tệ cũng như kiểm soát chi tiêu ngân sách để kềm chế lạm phát.

0:00 / 0:00

Thế nhưng liệu các biện pháp này có đủ mạnh để chống lạm phát hay không, nhất là trong giai đoạn tài chánh toàn cầu vẫn chưa phục hồi như nhiều người kỳ vọng?
Mặc Lâm phỏng vấn TS Võ Trí Thành, Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách Hội nhập Kinh tế Toàn cầu, để biết thêm chi tiết.

Giá vàng và lạm phát

Mặc Lâm : Trước tiên xin cảm ơn Tiến sĩ Võ Trí Thành đã giúp cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Trong ngày hôm qua giá vàng vẫn ở trên mức cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Giá vàng cao liên tục rõ ràng là lòng tin của người dân ngày một thấp đối với nền kinh tế, theo ông thì ảnh hưởng chủ yếu của giá vàng sẽ tác động ra sao đối với vấn đề lạm phát ạ ?

TS Võ Trí Thành : Chắc chắn là có rồi, bởi vì những dự trù về hoạt động trên thị trường, dù là sản xuất kinh doanh hay là tiêu dùng, có một phần người ta tính toán để cất giữ tài sản nào đó để bảo toàn giá trị thì người ta đều tính tới yếu tố lạm phát, nhất là cái kỳ vọng lạm phát trong tương lai.

Chính vì vậy mà đây là một yếu tố mà mình cần phải làm sao dần dần tạo ra cái lòng tin vào cái khả năng của nền kinh tế vĩ mô, lòng tin vào cái sự ổn định của thị trường tài chính. Và cái này thì nó đòi hỏi phải có quyết tâm, phải nỗ lực thực tế và chính sách, và qua đó thì dần dần tạo lòng tin vào kỳ vọng là lạm phát sẽ giảm .

Mặc Lâm : Như ông cũng biết là trước tết, lãi suất ngân hàng đưa ra từ 16 tới 17 %, đã gọi là cao rồi, nhưng sau tết thì lãi suất tiếp tục được ngân hàng nâng lên tới 19, cho tới 20%.
Với lãi suất này thì hầu hết những doanh nghiệp vừa và nhỏ đều lắc đầu, không thể vay để sản xuất vì không có lãi. Theo Tiến Sĩ thì nhà nước cần có động thái gì để giải quyết bài toán lãi suất này?

TS Võ Trí Thành : Thôi, không bàn về quá khứ, chắc chắn trong bối cảnh lạm phát cao mà buộc phải có những chính sách thắt chặt, thắt chặt chính sách tiền tệ, thắt chặt chính sách tài khóa, những điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp theo hướng là nó khó khăn hơn, và trong bối cảnh lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô còn lớn mà buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và lãi suất khó có thể giảm được.

000_Hkg4414023-200.jpg
Một người bán hàng rong ở Hà Nội. AFP photo (Một người bán hàng rong ở Hà Nội. AFP photo)

Ở đây nó chỉ có một số vấn đề mang tính kỹ thuật, thứ nhất là cái tác động của lãi suất đối với từng doanh nghiệp, đối với từng khu vực kinh doanh thì nó cũng khác nhau bởi vì nó có phụ thuộc vào những yếu tố khác tạo ra cái sản lượng.

Thứ hai là cái cơ cấu vốn của từng doanh nghiệp, từng khu vực thì nó cũng khác nhau, giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay thì nó cũng khác nhau, cho nên nếu nói một cách thuần túy là lãi suất là 5 mà tôi có lợi nhuận là 5%, lãi suất là 16 mà tôi có lợi nhuận là 16% thì tôi triệt tiêu hoàn toàn cái lợi nhuận thì nó không đúng.

Chứ còn cái cách nói dân gian thì mình hiểu là khi lãi suất cao thì khó khăn là đúng rồi. Trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ để mà chống lạm phát thì lãi suất và lạm phát kỳ vọng nó còn cao thì lãi suất khó có thể thấp được. Tuy nhiên, có thể có một số vấn đề kỹ thuật liên quan tới nội tại hệ thống ngân hàng, liên quan tới nội tại những vấn đề điều tiết, đối với thị trường tài chính, đối với ngân hàng, thì có thể vì cái nội tại ấy mà lãi suất vốn đã cao nó lại còn cao hơn nữa, thì cái này liên quan tới việc điều chỉnh, điều tiết ấy, liên quan tới cải tổ hệ thống ngân hàng.

Mặc dù vẫn biết là nó cao, nhưng vấn đề là nó không cao đến mức ấy, thì đấy cũng là những biện pháp kỹ thuật phải tính đến để phần nào nó giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng về tổng thể mà nói thì khi mà lạm phát cao, kỳ vọng lạm phát còn cao thì buộc phải có những chính sách thắt chặt, lãi suất không thể thấp được.

Cải cách kinh tế

Mặc Lâm : Mới đây ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, công bố với báo chí rằng mức tăng 9,3% tỷ giá mà Ngân Hàng Nhà Nước vừa đưa ra là mức hợp lý và ông Thúy xác định rằng mức này sẽ không thay đổi ít ra là trong năm 2011. Theo TS thì tuyên bố này có quá lạc quan hay không?

TS Võ Trí Thành : Tôi nghĩ là chắc ông Thúy không nói một cách chặt chẽ đến như vậy, tất nhiên là cái mong muốn, tức là sau khi có một bước phá giá tương đối lớn như vậy, nếu mà mình dần dần ổn định được lạm phát, kéo nó thấp xuống, dần dần ổn định được thị trường tài chính, thì kỳ vọng cái mức độ thay đổi trị giá như anh nghĩ đấy nó sẽ không lớn nữa nếu khó mà thay đổi, thì đấy là cái hy vọng như mong muốn, nhưng còn làm được hay không thì như tôi đã nói thì nó phụ thuộc vào cái vấn đề quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung những nỗ lực mạnh mẽ cho vấn đề này.

Trong lịch sử cải cách Việt Nam thì đây không phải là lần đầu, tất nhiên các điều kiện về hội nhập, điều kiện về mức độ phát triển thị trường tài chính ở Việt Nam bây giờ nó khác trước, nhưng mà đây không phải là lần đầu Việt Nam đối mặt với câu chuyện là lạm phát dậy lên.

Những năm 89 rồi 91, 92, rồi những năm 97, 98 Việt Nam đã từng buộc phải phá giá ở mức độ mạnh, và cái việc kéo xuống này nó cũng đòi hỏi một thời gian nhất định, kéo xuống cái lạm phát này cũng như lòng tin vào thị trường đòi hỏi một thời gian nhất định chứ không thể là ngày một ngày hai.

Theo tôi hiểu thì cách nói của anh Thúy chắc là nó không đến cứng như vậy mà vẫn có cái độ dao động nào đấy, mà cái độ dao động ấy thì các nhà hoạch định chính sách mong muốn là khi mà mình tập trung ổn định mà mình đạt được cái ổn định kinh tế vĩ mô thì cái áp lực lên cái mất giá của đồng tiền Việt Nam nó không cao lớn nữa, rồi thì kéo dần cái khoảng cách giữa cái tỷ giá chợ đen xuống tỷ giá chính thức, thì như vậy cái điều chỉnh nó cần thiết ở trong cái mức độ đủ linh hoạt, nó không quá lớn.

Thì đấy là cái kỳ vọng. Như thế, như tôi đã nói, nó còn rất phụ thuộc vào cái việc là cái quyết tâm và cái nỗ lực để dần bình ổn lại cái kinh tế vĩ mô, kéo cái kỳ vọng lạm phát nó dần xuống.

000_Hkg3375125-200.jpg
Dãy hàng bán bún tươi tại một chợ nhỏ ở Hà Nội. AFP photo (Dãy hàng bán bún tươi tại một chợ nhỏ ở Hà Nội. AFP photo)

Mặc Lâm : Theo nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng năm 2008 tình hình lạm phát của Việt Nam cũng tương tự như năm nay, nghĩa là rất đáng ngại vì lạm phát tới 2 con số, nhưng sau đó nhà nước đã kịp thời tung gói kích cầu vào thị trường nên giảm nhẹ được tình trạng lạm phát. Tiến sĩ có cho rằng nhà nước nên lập lại động thái này trong năm 2011 nếu lạm phát không thể kềm chế bằng các chính sách tài chánh?

TS Võ Trí Thành : Theo tôi hiểu, thì chúng ta phải phân biệt hai cái khác nhau một chút. Năm 2008, đầu năm kinh tế vĩ mô rất bất ổn, rủi ro tăng lên, lạm phát tăng, và chính phủ buộc phải sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như là hạn chế chi tiêu công để kéo lạm phát xuống. Thế thì lạm phát nó lên đến đỉnh cao khoảng tháng 7, tháng 8, sau đó nó bắt đầu giảm.

Đồng thời với việc ấy vào cuối năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra và giá cả hàng hoá trên thế giới cũng đi xuống, hàng hóa giảm rất mạnh, thì như vậy ta có thể hiểu là không phải vì chính sách kích cầu ấy kéo lạm phát xuống mà do cái bối cảnh lúc bấy giờ trong cuộc khủng hoảng ấy nó kéo xuống, về cơ bản là đúng hơn.

Chứ còn cái mà chính phủ kéo xuống dần, bắt đầu cảm nhận được từ sau 2008, mặc dù cái đỉnh nó là tháng 7, tháng 8, nhưng mà cái lạm phát giảm xuống là do một phần là cái chính sách thắt chặt chi tiêu đầu tư công cũng như là tiền tệ bắt đầu thực hiện từ khoảng tháng 4-2008. Phải phân biệt rõ hai cái giai đoạn khác nhau một chút.

Mặc Lâm : Xin cám ơn ông.

Theo dòng thời sự: