Số phận tòa nhà cổ Sở Hỏa xa Sài Gòn sẽ về đâu?

0:00 / 0:00

VNR phản hồi đề xuất của Chính quyền TP.HCM

Báo mạng VnEpress.net, vào ngày 7/7 loan tải thông tin liên quan Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa gửi văn bản phản hồi đề xuất của Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM về tòa nhà trụ sở Hỏa xa Sài Gòn.

Sở Hỏa xa Sài Gòn từng được biết đến như là tòa nhà Bureau du Chemin de Fer của Công ty hỏa xa Đông Dương. Tòa nhà này tọa lạc đối diện với Chợ Bến Thành và cùng được khánh thành trong năm 1914.

Hiện tại, tòa nhà trụ sở Hỏa xa Sài Gòn, có địa chỉ ở 136 Hàm Nghi, thuộc trong số 23 công trình kiến trúc nghệ thuật thuộc quận 1 và được Chính quyền TP.HCM đưa vào danh mục di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh giai đoạn 2016 - 2020. Tòa nhà này vẫn mang đậm dấu ấn kiến trúc được xây dựng thời Pháp thuộc.

Trong văn bản gửi đến UBND TP.HCM, VNR xác định rõ toàn bộ tài sản trên đất ở 136 Hàm Nghi đang là tài sản thuộc sở hữu của VNR, theo phê duyệt của Bộ Tài chính.

<i>Tất cả mọi thứ thuộc về di sản văn hóa mà bị mất đi thì luôn để lại trong lòng người Sài Gòn cảm xúc chua xót. Vấn đề ở đây là tòa nhà Hỏa xa này thuộc một trong những loại di sản văn hóa mang tầm thế giới nên ai sở hữu mảnh đất này thì người dân thành phố không quan tâm đâu. Nhưng điều đáng quan tâm là việc tòa nhà này được bảo tồn giống như Bưu điện Thành phố hay Nhà hát Thành phố hay không<br/>-Ông Hồ Thành Giang</i>

VNR cũng khẳng định rằng nếu tòa nhà Sở Hỏa xa Sài Gòn được giao cho Chính quyền TP.HCM thì VNR sẽ gặp khó khăn về trụ sở làm việc, ảnh hưởng đến công tác điều hành vận tải đường sắt.

VNR đã kiến nghị với Bộ Tài chính và Bộ Giao thông-Vận tải để được sử dụng tòa nhà này làm trụ sở của VNR.

Chính quyền TP.HCM đề xuất bảo tồn

Truyền thông quốc nội, hồi cuối tháng 8 năm 2019, dẫn nguồn từ UBND TP.HCM cho biết đã đề nghị với Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Tài chính và VNR về mong muốn tiếp nhận tòa nhà Sở Hỏa xa Sài Gòn để bảo tồn.

Kế hoạch bảo tồn được Chính quyền TP.HCM đưa ra bao gồm hai tầng tòa nhà làm ga trung tâm kết nối với không gian ngầm khu vực Bến Thành và là nơi trưng bày hiện vật lịch sử ngành đường sắt. Phần còn lại của trụ sở sẽ làm Trung tâm điều khiển tích hợp các tuyến đường sắt đô thị. Chính quyền thành phố sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế cho thiết kế khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành, nhằm mục tiêu chọn lựa ra phương án bảo tồn tối ưu.

Đài RFA ghi nhận qua phản hồi vừa nêu của VNR, không ít người bày tỏ sự lo ngại về số phận của tòa nhà lịch sử Sở Hỏa xa Sài Gòn sẽ về đâu?

Quang cảnh Chợ Bến Thành và Sở Hảo xa Sài Gòn.
Quang cảnh Chợ Bến Thành và Sở Hảo xa Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)

Kiến trúc sư Duy Black, từ Sài Gòn lên tiếng về quan ngại không chỉ của riêng cá nhân mình:

“Tại vì thực chất không chỉ người dân mà cả những người có chuyên môn về lịch sử và văn hóa đều đã lên tiếng. Nhưng bây giờ VNR, đơn vị sở hữu gần như nói ngang như thế thì mọi người có thể hiểu là hiện tại tòa nhà đang nằm ở vị trí đắt địa, mang lại lợi nhuận cao nếu như ai sở hữu và đầu tư vào đó.”

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp, một chuyên gia có nhiều nghiên cứu về đô thị Sài Gòn, đang làm việc ở Australia, được VnExpress dẫn lời rằng nếu như VNR vì lợi nhuận mà phá bỏ đi tài sản mang giá trị lịch sử thì đó không chỉ là tính toán sai lầm của công ty về lâu dài, mà còn là sự mất mát lớn vì tòa nhà hỏa xa là biểu tượng, đặc trưng của Sài Gòn.

Đồng quan điểm với tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp, kiến trúc sư Duy Black tiếp lời:

“Về mặt chính quyền, kể cả UBND lên tiếng hay không thì tôi cho rằng bản thân họ đều nhận thức được những công trình đó có tầm quan trọng thế nào đối với sự phát triển về lịch sử và văn hóa của thành phố hiện tại. Mất hay không mất thì tùy thuộc vào ‘nội bộ’, chứ thật sự người dân như chúng tôi thì gần như là bất khả kháng. Nói chung, người dân không có một tác động bất kỳ nào vào quyết định của họ hết. Những người đã sống lâu năm và có kiến thức cơ bản thì họ rất tiếc về sự mất mát những công trình gắn liền với lịch sử phát triển của từng vùng đất đang dần mất đi.”

Trách nhiệm bảo tồn thuộc về cơ quan nào?

Ông Hồ Thành Giang, một người dân cư ngụ và làm việc gần 3 thập niên ở Sài Gòn, và cũng là một người quan tâm về văn hóa, vào tối hôm 8/7 chia sẻ với RFA về ghi nhận của ông liên quan tòa nhà lịch sử hơn trăm tuổi Sở Hỏa xa Sài Gòn.

“Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn là trung tâm văn hóa lớn không chỉ của phía Nam, Việt Nam mà còn là cửa ngỏ giao thương và giao lưu văn hóa giữa rất nhiều nước trên thế giới chứ không phải chỉ Việt Nam không thôi. Cho nên giá trị của những di tích, di sản văn hóa để lại từ lâu thì mang ý nghĩa không chỉ ở cái tầm trong nước Việt Nam mà vươn tầm giá trị ra quốc tế. Tất cả mọi thứ thuộc về di sản văn hóa mà bị mất đi thì luôn để lại trong lòng người Sài Gòn cảm xúc chua xót. Vấn đề ở đây là tòa nhà Hỏa xa này thuộc một trong những loại di sản văn hóa mang tầm thế giới nên ai sở hữu mảnh đất này thì người dân thành phố không quan tâm đâu. Nhưng điều đáng quan tâm là việc tòa nhà này được bảo tồn giống như Bưu điện Thành phố hay Nhà hát Thành phố hay không?"

Là một người sinh trưởng ở thành phố Đà Lạt, ông Giang nhắc lại một vụ việc cũng liên quan ngành đường sắt, mà ông nhấn mạnh đó là một bài học quý giá.

“Ở Đà Lạt đã xảy ra những việc rất đau xót. Trước đây tuyến đường sắt Phan Rang-Tháp Chàm đi lên Đà Lạt là một tuyến đường rất nổi tiếng. Nổi tiếng không phải vì tuyến đường ray quá dài hay quá ngắn mà vì đó là tuyến đường ray răng cưa để đi lên đèo. Lúc tuyến đường này không còn hoạt động nữa thì tất cả đường ray răng cưa đều bị tháo dỡ để phục vụ cho mục đích khác. Cái đầu máy hơi kéo xe lửa, do không sử dụng cho đường ray răng cưa nữa nên cũng bị rơi vào quên lãng. Và, khi người Thụy Sĩ mua lại cái đầu máy đó, đem về nước bảo tồn thì chúng ta hiểu rằng không phải vô lý mà họ lặn lội xa xôi đến Việt Nam để mua một đống sắt cũ mang về Thụy Sĩ. Khi thấy người ta bỏ tiền ra mua như vậy thì chúng ta mới ngỡ ngàng nhận ra đã đánh mất một tài sản văn hóa rất lớn mà chúng ta có thể không bao giờ hoặc dù có rất nhiều tiền cũng không thể mua lại được những di sản đó.”

Cư dân Sài Gòn, ông Hồ Thành Giang cho rằng nếu như VNR sở hữu và vẫn bảo tồn mà không thay thế Sở Hỏa xa Sài Gòn bằng một tòa nhà có kiến trúc hiện đại hơn thì cũng không phải là xấu. Tuy nhiên, ông Giang khẳng định điều mà người Sài Gòn quan tâm hơn hết là cần phải minh bạch và rõ ràng liên quan cơ quan nào sở hữu và mục đích sở hữu là gì.

Tòa nhà cổ hơn trăm tuổi-Sở Hỏa xa Sài Gòn.
Tòa nhà cổ hơn trăm tuổi-Sở Hỏa xa Sài Gòn. (Courtesy: saigondautu.com.vn)

Ý kiến của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn được VnExpress đăng tải là Chính quyền TP HCM cần đưa công trình này vào danh sách cần được giữ gìn, để có hành lang pháp lý bảo tồn tòa nhà. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn lập luận rằng một khi đã có cơ sở pháp lý thì dù UBND TP.HCM hay VNR quản lý đều phải tuân thủ quy định bảo tồn.

Kiến trúc sư Sơn Đặng, làm việc ở New York, Hoa Kỳ qua ứng dụng messenger, nêu lên quan điểm của ông với RFA trong việc bảo tồn tòa nhà Sở Hỏa xa Sài Gòn:

<i>Theo tôi, cần đưa toà nhà Hoả xa vào danh sách các di sản cấp quốc gia cần được bảo tồn. Đi kèm là một quy chế liên quan đến việc bảo tồn không chỉ bản thân trụ sở toà nhà mà còn là vùng bao cảnh xung quanh. Điều này sẽ khiến cho bất kỳ đơn vị quản lý tài sản công này không thể vượt quá thẩm quyền và tự ý đập phá hoặc tuỳ tiện cơi nới hoặc xây thêm cao ốc ở phần đất trống trong khuôn viên<br/>-Kiến trúc sư Sơn Đặng</i>

“Theo tôi, cần đưa toà nhà Hoả xa vào danh sách các di sản cấp quốc gia cần được bảo tồn. Đi kèm là một quy chế liên quan đến việc bảo tồn không chỉ bản thân trụ sở toà nhà mà còn là vùng bao cảnh xung quanh. Điều này sẽ khiến cho bất kỳ đơn vị quản lý tài sản công này không thể vượt quá thẩm quyền và tự ý đập phá hoặc tuỳ tiện cơi nới hoặc xây thêm cao ốc ở phần đất trống trong khuôn viên.”

Đài RFA đã gửi thư điện tử (email) tới Sở Văn hóa-Thể thao TP.HCM để hỏi thêm thông tin về sự phối hợp giữa VNR với Chính quyền thành phố trong việc tìm giải pháp bảo tồn tòa nhà Sở Hỏa xa. Tuy nhiên, đến cuối ngày 8/7, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi đáp nào từ cơ quan này.

Trong khi đó, rất nhiều độc giả chia sẻ trên trang fanpage của VnExpress rằng họ mong muốn tòa nhà Sở Hỏa xa Sài Gòn chắc chắn phải được bảo tồn với "vẻ đẹp và bền bỉ cùng thời gian như thế". Hay, ông Hồ Thành Giang và kiến trúc sư Duy Black có niềm tin rằng các cấp lãnh đạo có thẩm quyền và các cơ quan hữu trách sẽ suy xét và quyết định thật thấu đáo, nhân văn đối với các di sản lịch sử văn hóa tại thành phố Sài Gòn. "Hy vọng là không có những thương xá Tax hoặc công trình biệt thự cổ đang dần bị phá hủy sẽ xảy ra với tòa nhà Hỏa xa Sài Gòn".