Hôm 8 tháng 12 năm 2020, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà trở về trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong trang phục áo dài với dải băng hoa hậu sau hơn hai tuần đăng quang. Hình ảnh cô hoa hậu ngồi trên ghế trong khi vị hiệu trưởng đứng bên cạnh chắp hai tay trước bụng đang được lan truyền trên mạng xã hội.
Nhiều dòng trạng thái xuất hiện trên mạng xã hội với ý chỉ trích như: “Đến cả ban lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn đón tiếp hoa hậu như thế này thì trách chi người nông dân nghỉ cấy cày, quét đường dọn thôn rước hoa hậu về làng. Về mặt dân trí là hoàn toàn logic từ thượng tầng tới hạ tầng”; “Cái gọi là niềm hãnh diện chỉ cho thấy rằng họ đang rất thiếu điều đáng để hãnh diện hơn. Lộn tùng phèo hết, hài thật. Kệ, cứ lộn tới đỉnh nhanh lên.”
Đây là lần thứ hai dư luận ồn ào khi tân hoa hậu Đỗ Thị Hà xuất hiện trước công chúng sau cuộc thi. Lần đầu là lúc cô trở về thăm quê nhà ở tỉnh Thanh Hóa vào đầu tháng 12. Báo chí tràn ngập hình ảnh bà con dân làng cùng lãnh đạo địa phương chuẩn bị cờ quạt đón tiếp cô khắp làng trên xóm dưới. Các em học sinh mặc áo trắng, đeo khăn quàng; phụ nữ mặc áo dài xếp hàng dài hai bên; ô tô nối dài thành đoàn, xe trước rước bố mẹ, xe sau rước Đỗ Thị Hà… được cho là quá khoa trương khi đón tiếp một hoa hậu.
Hình ảnh người thầy đứng khúm núm trước một cô hoa hậu là học trò cũ của mình đã làm đảo lộn giá trị tôn sư trọng đạo. Chuyện này chỉ xảy ra ở chế độ xã hội chủ nghĩa.- Cô Nguyễn Lai
Với lần trở lại ngôi trường cô đang theo học là trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tuy không có nhiều hình ảnh cho thấy sự đón tiếp rầm rộ, nhưng tấm ảnh cô ngồi chễm chệ ở chiếc ghế danh dự ngang với chiếc ghế của vị hiệu trưởng, hoặc hình ảnh cô ngồi trong khi vị hiệu trưởng đứng bên cạnh lại gây phản cảm cho những người trong ngành giáo dục.
Cô Nguyễn Lai, một cựu giáo viên ở Nha Trang bày tỏ suy nghĩ của mình với RFA qua ứng dụng facebook messenger vào tối 9 tháng 12:
“Từ trước tới giờ, Tôn sư trọng đạo là truyền thống của người Việt Nam, nó khẳng định vị trí của người thầy luôn được tôn kính. Cho đến giờ này, đi đường gặp lại Thầy Cô giáo cũ tôi vẫn cúi đầu chào. Đó là sự tôn trọng, nhớ ơn và trân quí người đã dạy mình kiến thức lẫn đạo đức.
Hình ảnh người thầy đứng khúm núm trước một cô hoa hậu là học trò cũ của mình đã làm đảo lộn giá trị tôn sư trọng đạo. Chuyện này chỉ xảy ra ở chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhìn hành động của Ban giám hiệu trường Đại học Kinh tế Quốc dân thấy thật thấp kém. Tôi nghĩ hành động này ảnh hưởng nhiều đến cách cư xử của sinh viên trong tương lai khi nhìn tư cách của những người được gọi là thầy có vẻ hèn hạ, không cao quí đúng danh vị nhà giáo.”
Lên tiếng với truyền thông trong nước về tấm ảnh bị cho là Hiệu trưởng Phạm Hồng Chương đang ‘khúm núm báo cáo’ trước cô hoa hậu, vốn đang là sinh viên của trường, vị hiệu trưởng này cho biết, hình ảnh này là lúc ông đang đáp từ với nhà báo Lê Xuân Sơn - Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam - sau khi ông này có phát biểu trao lại sinh viên Đỗ Thị Hà cho nhà trường để nhà trường có trách nhiệm giúp đỡ hoa hậu thực hiện trách nhiệm xã hội của một hoa hậu và quan trọng hơn là phải hoàn thành quá trình học tập. Thông tin này cũng được ông Lê Xuân Sơn xác nhận với Tuổi Trẻ Online.
Về vị trí ngồi ở ghế chủ tọa ngang hàng với Hiệu trưởng của cô Đỗ Thị Hà trong cuộc gặp với lãnh đạo nhà trường, ông Phạm Hồng Chương nói nhà trường quan niệm danh hiệu hoa hậu của Đỗ Thị Hà là một thành tích của nhà trường.
Tuổi Trẻ Online dẫn lời Hiệu trưởng Phạm Hồng Chương: "Chúng tôi trân trọng bạn Hà là đúng vì bạn là một sinh viên có thành tích học tập tốt và phong cách sống chan hòa được bạn bè yêu mến… Một nữ sinh xuất phát từ nông thôn, con nông dân mà trở thành hoa hậu thì phải nói là chúng tôi rất trân trọng những người vượt qua khó khăn để đạt thành tích tốt như thế".
Tôn sư trọng đạo là một quan niệm truyền thống đã có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. “Tôn sư” trong Nho giáo là khẳng định vị trí số một của người thầy trong giáo dục. Đây là triết lý giáo dục lấy người thầy làm trung tâm, lời thầy là khuôn vàng thước ngọc.
Những năm vừa qua, truyền thống này bị ảnh hưởng mạnh trước hàng loạt vụ việc xảy ra trong trường học như phụ huynh bắt cô giáo quỳ; học sinh đâm thầy giáo bị thương; cô giáo ba tháng lên lớp không giảng bài; giáo viên phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng...được truyền thông trong nước đăng tải. Người ta cho rằng do sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường dẫn tới những thay đổi trong đời sống xã hội, thay đổi những giá trị truyền thống, trong đó có môi trường giáo dục.
Ông Đinh Kim Phúc, từng là giảng viên Trường Đại học Mở bán công TP.HCM nêu quan điểm của ông về cách đón tiếp cô sinh viên đoạt giải Hoa hậu trở lại trường:
“Trường học là môi trường giáo dục đặc biệt mà ở đó theo truyền thống tôn sư trọng đạo. Người sinh viên cho dù có cương vị gì, chức vụ gì ngoài xã hội thì quay trở lại trường vẫn là cựu sinh viên. Mối quan hệ thầy trò phải thể hiện đúng mức, huống chi hoa hậu chỉ là một trong số những người thích khoe thân, thích đi thi để được nổi tiếng, để được đổi đời… Nó chỉ là cái game show.
Trường học là môi trường giáo dục đặc biệt mà ở đó theo truyền thống tôn sư trọng đạo. Người sinh viên cho dù có cương vị gì, chức vụ gì ngoài xã hội thì quay trở lại trường vẫn là cựu sinh viên. -Ông Đinh Kim Phúc
Tôi không trách cô hoa hậu, tôi trách những người lớn làm cho lớp trẻ hư do quá chú trọng đến hình thức, chạy theo hình thức, đi mua hình thức để lấp liếm những khiếm khuyết về chuyên môn, về trí tuệ. Đó là tai họa.”
Là một sinh viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cô N.T.H.H chia sẻ với RFA suy nghĩ của cô về sự đón tiếp hoa hậu của Ban Giám Hiệu trường cô:
“Em thấy hình ảnh đó thật xấu hổ cho ban giám hiệu nhà trường và thấy buồn cho sinh viên tụi em. Hoa hậu chỉ là danh hiệu của giải trí thôi. Theo em thì chỉ có các sinh viên đoạt được giải toán quốc tế hay các giải quốc tế về khoa học, nói chung là về giáo dục, mới xứng đáng được tiếp đón như vậy. Nếu vậy có khi sinh viên không thích học nữa mà chỉ thích đi thi hoa hậu để được trọng vọng.”
Cô H.H nói thêm rằng, là một hoa hậu nhưng cô Đỗ Thị Hà lại cư xử kém khi ngồi như ‘bà hoàng’ khi về thăm trường còn gây ảnh hưởng nặng nề tới hình ảnh của Hoa hậu Việt Nam.