Hướng tới “Chính phủ Việt Nam số”
Tham dự lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, diễn ra vào sáng ngày 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo một số địa phương thông qua Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Tại buổi lễ, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương sự nỗ lực của Văn phòng Chính phủ đã tích cực phối hợp triển khai, đưa vào khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam còn khẳng định việc xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội.
<i>Tôi thấy giá trị lớn nhất là thay đổi nhận thức của đội ngũ lãnh đạo trong Chính phủ về ứng dụng công nghệ, ở Việt Nam gọi là 'chuyển đổi số'. Ví dụ, các cuộc họp Quốc hội gần đây trong đợt dịch COVID-19 là Quốc hội Việt Nam họp online. Và các kỳ họp giữa kỳ cũng tiến hành họp online. Quốc hội nhận thấy họp online như vậy cũng hiệu quả như họp trực tiếp, cho nên trong kỳ họp vừa rồi Quốc hội Việt Nam quyết định kể cả những kỳ họp sau này thì chia một nửa thời gian, các đại hiểu không cần về Hà Nội mà họp online từ xa. Họ chỉ về Hà Nội trong 2 tuần thôi…Thế bây giờ chỉ họp có 2 tuần thì chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều và hiệu quả cũng tăng cao<br/>-Ông Nguyễn Tử Quảng</i>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng “Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một 'Việt Nam số' và là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng”.
Ông Trần Công, một cư dân và cũng là một doanh nhân ở Sài Gòn, chia sẻ với RFA rằng ông cũng nhận thấy sự lạc quan và hy vọng qua tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong buổi lễ ngày 19/8. Ông Trần Công, nói thêm với RFA về ghi nhận của ông liên quan những thay đổi kỹ thuật số trong thời gian qua ở Việt Nam:
“Nói chung là cũng có nhiều cải cách được thuận tiện hơn. Ví dụ như việc khai thuế không phải nộp giấy nữa nên cũng khỏe hơn cho doanh nghiệp. Hay ở Sở Kế hoạch-Đầu tư có những thủ tục đăng ký doanh nghiệp hay những thay đổi gì cũng đơn giản hơn. Khai báo hải quan cũng nhanh chóng hơn. Hay ngân hàng cũng đổi qua hệ thống tự động hóa (digital banking)…Nói chung đó là xu thế chung. Nhìn nhận một cách khách quan thì có tiến bộ và đáng khen. Thế nhưng mà, tôi thấy vẫn còn chậm. Ví dụ như sắp tiến tới cái ‘ID” điện tử, tức là xóa bỏ sổ hộ khẩu, tuy nhiên về năng lực quản lý, về mặt nhân lực thì chưa theo kịp.”
Nhận định của chuyên gia
Ông Nguyễn Tử Quảng, giám đốc điều hành Tập đoàn Bkav, vào tối hôm 20/8, nhận định với RFA rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lại là một dịp mà quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam có bước đột phá.
“Tôi thấy giá trị lớn nhất là thay đổi nhận thức của đội ngũ lãnh đạo trong Chính phủ về ứng dụng công nghệ, ở Việt Nam gọi là ‘chuyển đổi số’. Ví dụ, các cuộc họp Quốc hội gần đây trong đợt dịch COVID-19 là Quốc hội Việt Nam họp online. Và các kỳ họp giữa kỳ cũng tiến hành họp online. Quốc hội nhận thấy họp online như vậy cũng hiệu quả như họp trực tiếp, cho nên trong kỳ họp vừa rồi Quốc hội Việt Nam quyết định kể cả những kỳ họp sau này thì chia một nửa thời gian, các đại hiểu không cần về Hà Nội mà họp online từ xa. Họ chỉ về Hà Nội trong 2 tuần thôi. Trong khi trước đây là phải mất 1 tháng cho các kỳ họp và tất cả đại biểu của các tỉnh/thành đều về Hà Nội để họp luôn 1 tháng liền. Ở Việt Nam, nhiều đại biểu Quốc hội còn là kiêm chủ tịch hay bí thư của tỉnh/thành nên đi họp lâu cả tháng như thế cũng làm giảm hiệu quả công việc. Thế bây giờ chỉ họp có 2 tuần thì chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều và hiệu quả cũng tăng cao.”

Ông Nguyễn Tử Quảng, đồng thời cũng ghi nhận những giao dịch hành chính và thương mại trong xã hội cũng được thay đổi và thực hiện nhiều hơn trong suốt thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Giám đốc điều hành của Bkav nhấn mạnh rằng rõ ràng giữa nhận thức và thực tiễn về chuyển đổi số ở Việt Nam còn một khoảng cách rất xa, bởi vì Việt Nam chưa phải là một nước phát triển. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tử Quảng nhấn mạnh rằng dù không thể nào thay đổi hoàn toàn chuyển đổi số được ngay hay như một số thành phần trong dân chúng Việt Nam trông đợi, nhưng qua “bước đột phá” mà ông ghi nhận được thì cá nhân ông Nguyễn Tử Quảng có niềm tin là Chính phủ Việt Nam sẽ có những bước phát triển tốt hơn để đạt được mục tiêu đề ra là hướng tới một “Việt Nam số”.
“Đúng là nếu như không có đợt dịch bệnh thì giữa nhận thức và thực tế cách xa nhau rất nhiều. Thế nhưng, dịch bệnh tuy không tốt nhưng đã làm thay đổi nhận thức. Cứ hình dung rằng ngay cả Quốc hội Việt Nam cũng đã thay đổi như vậy. Họ là những người công tác ở các cơ quan hay nắm giữ vị trí chủ chốt trong Chính phủ thì họ đã nhận thức được và sẽ áp dụng vào cho cơ quan của họ, mà chúng tôi thấy điều đấy đang có tác động rất tốt.”
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia công nghệ ở Úc, lên tiếng với RFA rằng mục tiêu trở thành “Chính phủ số” của Việt Nam thật sự rất cam go và nhiều thử thách.
Ông Hoàng Ngọc Diêu nêu lên những dẫn chứng cụ thể để minh chứng cho điều ông nói:
“Đơn giản nhất là những trang thông tin điện tử, đó là điều hết sức căn cản trong thời đại này, mà tôi nhận thấy họ làm còn rất chập choạng. Họ không có kế hoạch để bảo trì, bảo dưỡng hay nâng cấp…Cứ bị quanh quẩn mà thôi. Bây giờ, nhìn chung những trang web của Chính phủ Việt Nam sử dụng công nghệ rất cũ, cách đây cả hơn một thập niên mà vẫn còn như vậy. Ngay cái nền tảng đó còn chưa vượt qua được thì làm sao mà có thể nói là đẩy vấn đề kỹ thuật số để áp dụng trong cơ chế hành chánh được?”
Chuyên gia công nghệ, ông Hoàng Ngọc Diêu nhắc lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định Chính phủ Việt Nam do ông điều hành là một “Chính phủ kiến tạo và hành động”, một “Chính phủ liêm chính và minh bạch”, được thể hiện qua một “Chính phủ số” là điều đáng ghi nhận. Thế nhưng, rất nhiều thử thách đối với bộ máy chính quyền và cơ chế lãnh đạo ở Việt Nam.
<i>Việt Nam cho đến bây giờ chưa có khai triển bất cứ công trình nào gọi là đáng chú ý đạt tầm cỡ để người ta tin tưởng đó là nền tảng cho việc hướng tới kỹ thuật số. Còn bàn về sâu hơn trong khía cạnh kỹ thuật để khai triển kỹ thuật số thì muôn trùng, nhiều vô vàn. Ví dụ như muốn khai triển kỹ thuật số ở tầm cỡ quốc gia thì phải có hệ thống cơ sở dữ liệu như thế nào? Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu nào tầm cỡ quốc gia đâu. Rồi, họ phải có nguyên cả một hệ thống để lưu trữ, lựa chọn, bảo trì, nâng cấp…Họ cũng không có nhân lực làm chuyện đó thì làm sao khai triển được? Không thể tự nhiên mà có! Chỉ có thể là họ bỏ tiền ra để mướn chuyên gia nước ngoài. Nhưng lại bị dính vào một khía cạnh khác là ngân sách đang bị bế tắc<br/>-Ông Hoàng Ngọc Diêu</i>
“Muốn làm chuyện này thì phải khai triển từ cái nền đi lên. Nói về mặt kỹ thuật thuần túy thì có hai điều cần phải có, bao gồm cơ sở hạ tầng và kỹ năng cũng như kiến thức trong lĩnh vực đó. Việt Nam hiện giờ chưa có cả hai. Tại vì, Việt Nam cho đến bây giờ chưa có khai triển bất cứ công trình nào gọi là đáng chú ý đạt tầm cỡ để người ta tin tưởng đó là nền tảng cho việc hướng tới kỹ thuật số. Còn bàn về sâu hơn trong khía cạnh kỹ thuật để khai triển kỹ thuật số thì muôn trùng, nhiều vô vàn. Ví dụ như muốn khai triển kỹ thuật số ở tầm cỡ quốc gia thì phải có hệ thống cơ sở dữ liệu như thế nào? Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu nào tầm cỡ quốc gia đâu. Rồi, họ phải có nguyên cả một hệ thống để lưu trữ, lựa chọn, bảo trì, nâng cấp…Họ cũng không có nhân lực làm chuyện đó thì làm sao khai triển được? Không thể tự nhiên mà có! Chỉ có thể là họ bỏ tiền ra để mướn chuyên gia nước ngoài. Nhưng lại bị dính vào một khía cạnh khác là ngân sách đang bị bế tắc.”
Ông Hoàng Ngọc Diêu cho rằng chủ trương và nỗ lực là một chuyện. Còn ý chí muốn thực hiện hay không lại là vấn đề khác. Một ví dụ điển hình, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cảnh báo tại buổi lễ vào sáng ngày 19/8 rằng các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần phải cập nhật thông tin chính xác, tin cậy, thống nhất, phải chú trọng không được thay đổi thông tin, làm đẹp số liệu để lấy thành tích.
Do đó, ông Hoàng Ngọc Diêu kết luận rằng công cụ lẫn con người ở Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho việc thực hiện mong muốn trở thành “Việt Nam số”. Và quyết tâm Chính phủ điện tử để kết nối, liên thông, tương tác với thế giới trong thời gian không xa như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hô hào sẽ tkhông thể trở thành hiện thực, mà thật sự còn rất xa vời.