Trong tuần này, tại châu Á sẽ diễn ra hai thượng đỉnh quan trọng là APEC ở Manila và thượng đỉnh Đông Á tại Kuala Lumpur. Đồng thời Tổng thống Hoa kỳ cũng đến thăm Philippine nhân thượng đỉnh APEC, nhằm thể hiện cam kết với châu Á. Nhân dịp này đài Á Châu Tự do phỏng vấn giáo sư Renato Cruz de Castro, thuộc trường đại học de la Salle, Philippines về vấn đề căng thẳng biển Đông trong những thượng đỉnh sắp tới. Phần chuyển ngữ do Anh Minh thực hiện.
Việt Hà: Thưa giáo sư, một số nước trong đó có Hoa Kỳ rất muốn vấn đề biển Đông được đề cập trong các thượng đỉnh sắp tới, nhưng Trung Quốc thì không muốn điều này, theo ông căng thẳng biển Đông sẽ được đề cập ra sao tại APEC và thượng đỉnh Đông Á sắp tới?
Renato Cruz de Castro: đối với APEC thì Philippines đã hứa với Trung Quốc là vấn đề biển Đông sẽ không được đề cập trong hội nghị lần này. Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã ở Philippines vào tuần trước và Ngoại trưởng Philippines de Rosario hứa là chúng tôi sẽ nêu vấn đề này ra. Tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa là Tổng thống Obama sẽ không nêu vấn đề về tự do hàng hải ở biển Đông. Vấn đề này hoàn toàn có liên quan đến kinh tế vì khi nói về thương mại chúng ta cũng nói về tự do hàng hải. Cho nên cũng khó để loại bỏ hoàn toàn vấn đề này khỏi nghị trình. Nhưng chúng ta sẽ phải chờ xem vấn đề này có được bàn tới hay không.
Việt Hà: Tổng thống Hoa Kỳ sẽ thăm Philippines trong tuần này nhân APEC. Theo ông chuyến thăm này có ý nghĩa thế nào với Philippines?
Renato Cruz de Castro: Theo thông báo từ Nhà trắng thì chuyến thăm này có 2 mục đích. Trước hết là APEC vì Hoa Kỳ là thành viên của APEC, TPP sẽ được thảo luận. Ngoài ra là quan hệ song phương giữa Mỹ và Philippines. Cũng theo Nhà trắng là Tổng thống Obama sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hai nước trong bối cảnh những gì đang diễn ra tại biển Đông.
Việt Hà: Có thông tin cho biết là Nhật Bản và Philippines sẽ ký một thỏa thuận nhân APEC lần này mà theo đó Nhật Bản sẽ cung cấp cho Philippines những thiết bị quân sự cũ. Thỏa thuận này có ý nghĩa thế nào với Philippines và ông có hy vọng gì về sự tham gia sâu hơn của Nhật vào khu vực?
Renato Cruz de Castro: Philippines đã quyết định bắt đầu chương trình hiện đại hóa quân đội nhưng còn thiếu tiền để thực hiện việc xây dựng năng lực này. Bây giờ chúng ta thấy Nhật Bản bước vào bức hình. Nhật Bản đề nghị giúp cải thiện năng lực về hải quân cho Philippines. Loại máy bay nào Nhật sẽ trang bị cho Philippines, có thể là P 3 Orion, nhưng theo tôi thì không phải, mà theo tôi phần nhiều khả năng là loại máy bay tuần tra King Fisher mà Nhật đã hứa là sẽ sẵn sàng trang bị cho Manila. Đây sẽ là một diễn biến quan trọng vì đây là lần đầu tiên Nhật Bản cung cấp vũ khí quân sự cho một nước khác là Philippines. Cho nên chúng ta phải chờ xem. Tất nhiên ngoài ra là một loạt các thỏa thuận giữa Nhật và Philippines mà theo đó lực lượng phòng vệ Nhật được phép ghé các căn cứ quân sự của Philipines để họ có thể thực hiện việc tuần tra ở biển Đông. Chúng ta phải chờ xem vấn đề này sẽ được thảo luận sắp tới hay không.
Việt Hà: Hoa Kỳ mới đây đã thực hiện chương trình tự do hàng hải ở biển Đông. Một số chuyên gia nhận xét Hoa Kỳ làm hơi ít và hơi chậm vì sẽ không thể ngăn cản Trung Quốc gia cố những gì họ đã làm ở biển Đông. Ông có đồng ý với ý kiến này không? Và theo ông thì Hoa Kỳ cần phải làm gì để ngăn chặn Trung Quốc không tiếp tục làm thay đổi hiện trạng?
Renato Cruz de Castro: Hoa Kỳ sẽ phải thực hiện chương trình này một cách liên tục. Chương trình không thể chỉ được thực hiện một lần mà phải liên tục để cho Trung Quốc thấy là Hoa Kỳ đảm bảo quyền tự do hàng hải và Hoa Kỳ là cường quốc biển ở Thái Bình Dương mà Trung Quốc phải nhìn nhận. Đây là chỗ mà Philippines tham gia. Vào năm 2014 Philippines và Mỹ đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường cho phép quân Mỹ được phép tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines để từ đó họ có thể thực hiện những hoạt động này. Tuy nhiên thỏa thuận này vẫn còn bị đặt câu hỏi liên quan đến tính hợp hiến của nó. Tòa tối cao của Philippines phải ra quyết định liên quan đến thỏa thuận này nhưng rất tiếc là không có quyết định nào được đưa ra vào tuần này nên chúng ta phải đợi vào tháng 12. Đến lúc đó Philippnies phải thực hiện vai trò của mình như một đồng minh với Mỹ.
Việt Hà: Có tin là nhân APEC thì Việt Nam và Philippines sẽ ký thỏa thuận đối tác chiến lược. Chúng ta biết là Việt Nam đôi khi có chỉ trích Trung Quốc nhưng không mạnh mẽ như Philippines vì những ràng buộc giữa hai nước. Theo ông thỏa thuận này giúp ích được gì cho Philippines và Việt Nam trong đối phó với đe dọa từ Trung Quốc?
Renato Cruz de Castro: Theo tôi đây chỉ là một ghi nhớ giữa hai nước chứ không phải như một thỏa thuận đồng minh mà theo đó một bên phải cam kết giúp đỡ bên kia. Tôi không nghĩ như vậy. Theo tôi đây chỉ là một biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai thành viên của ASEAN và cung cấp một kênh mà hai bên có thể thảo luận về những hợp tác hơn nữa, mà tự nó cũng rất có ý nghĩa.
Việt Hà: Thưa ông, tòa trọng tài quốc tế mới đây thông báo tòa có thẩm quyền đối với 7 nội dung mà Philippine đưa lên tòa kiện Trung Quốc về những đòi hỏi chủ quyền của nước này ở biển Đông. Theo ông điều này có ý nghĩa thế nào với Philippines nói riêng và các nước đòi chủ quyền khác trong khu vực nói chung?
Renato Cruz de Castro: Về thông báo của tòa trọng tài quốc tế về thẩm quyền phán quyết đối với vụ kiện của Philippines thì về chiến thuật đó đã là một thắng lợi cho Philippines. Vụ kiện này bây giờ được thảo luận trên toàn cầu. Nếu phán quyết của tòa mà có lợi cho Philippines thì đó sẽ là một thắng lợi chiến lược. Về cơ bản điều này sẽ tuyên bố cho toàn thế giới biết là những gì Trung Quốc làm là không phù hợp với luật quốc tế. Chúng tôi vẫn còn nhiều thách thức. Chúng tôi hy vọng là Philippines sẽ có thể trình bày trường hợp của mình và quyết định của tòa có lợi cho Philippines và cộng đồng quốc tế chậm nhất vào năm 2016.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.