Nghỉ Tết dài ngày và những tác động kinh tế

0:00 / 0:00

Chuyện nghỉ Tết dài ngày ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích kinh tế của quốc gia vẫn còn gây tranh luận trong nhiều năm qua. Nhân dịp Tết đến, Đài Á Châu Tự Do một lần nữa tìm hiểu ý kiến của các chuyên gia kinh tế liên quan vấn đề này trong tình hình hiện tại của Việt Nam.

Hồi cuối năm 2018, Bộ Lao động Thương binh Xã hội công bố quy định việc nghỉ tết năm 2019 đối với cán bộ, công chức và người lao động của các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, dịp nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi-2019 sẽ gồm 9 ngày, dài hơn dịp nghỉ năm 2018 là 2 ngày.

Nếu chỉ tính yếu tố văn hóa, xã hội, kỳ nghỉ Tết nguyên đán mang đến giá trị tinh thần lớn cho người Việt. Tuy nhiên về mặt kinh tế, một kỳ nghỉ quá nhiều ngày của cả một hệ thống thì chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều.

Việc nghỉ Tết dài ngày qua không có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Hơn thế nữa, bộ máy nhà nước tuy đã được nghỉ dài ngày, nhưng trước khi nghỉ Tết và sau khi nghỉ Tết đều hoạt động kém hiệu quả, cán bộ nhân viên dùng thời gian để làm những việc chuẩn bị Tết..<br/>-TS Lê Đăng Doanh

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 29 tháng 1 năm 2019, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:

“Nói chung đây là phong tục truyền thống của người Việt Nam, hàng năm đều như thế, nhưng tất nhiên chuyện nghỉ dài ngày chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến công việc, cái đấy là tất yếu. Nhưng phong tục tập quán thì không thể ngày một ngày hai xử lý làm được. Chuyện đấy cũng bình thường và đã xảy ra nhiều năm nay rồi.”

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc nghỉ Tết quá nhiều ngày chắc chắn ảnh hưởng đến sản xuất kinh tế:

“Việc nghỉ Tết dài ngày ảnh hưởng đến việc sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy nhà nước. Và đối với nông nghiệp thì có thuận lợi là Tết Nguyên Đán diễn ra sau thời điểm nông dân cấy lúa, nhưng bây giờ không chỉ có cấy lúa mà còn có rau, hoa quả.v.v… Vì vậy theo tôi, việc nghỉ Tết dài ngày qua không có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Hơn thế nữa, bộ máy nhà nước tuy đã được nghỉ dài ngày, nhưng trước khi nghỉ Tết và sau khi nghỉ Tết đều hoạt động kém hiệu quả, cán bộ nhân viên dùng thời gian để làm những việc chuẩn bị Tết.”

Còn theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, ít có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam nghỉ Tết quá nhiều ngày như vậy. Theo ông, nhìn chung trong nghề nông thì thời vụ cũng tránh ngày Tết. Cho nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều lắm. Tuy nhiên, ông nói tiếp:

“Tuy nhiên, ngày xưa nếu làm nghề nông thì thời vụ tương đối là thong dong, lúa thì thu hoạch rồi, vụ mới thì chưa trồng nên người nông dân có cả tháng giêng để ăn chơi. Nhưng từ khi đưa vụ ngắn ngày vào thì vụ cấy xuân lại đúng dịp Tết nên lắm lúc cũng căng thẳng.”

Một chợ Tết ở Hà Nội hôm 23 tháng 1 năm 2019.
Một chợ Tết ở Hà Nội hôm 23 tháng 1 năm 2019. (AFP PHOTO)

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng khi trao đổi với báo chí trong nước đã nêu lên câu hỏi “Tết có thật sự cần thiết trong thời đại 4.0?” Không dễ để trả lời câu hỏi này khi Tết đã thành truyền thống, đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Nhiều người cho rằng, đã là truyền thống thì cái gì không gây cản trở cho phát triển kinh tế xã hội thì cứ tiệp tục kế thừa có chọn lọc, cái nào không phù hợp thì từ từ sẽ phải đào thải.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày là việc bình thường từ trước đến nay, đó là truyền thống của người Việt Nam, đó là cơ hội để mọi người được nghỉ ngơi sau một năm vất vả, cũng là cơ hội thăm viếng nhau. Tuy nhiên cũng có người cho rằng nghỉ dài và lệch ngày với nhiều nền kinh tế khác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giao thương quốc tế nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định:

“Tôi nghĩ là cần phải tiến tới nghỉ ngắn ngày hơn và phải siết chặt kỷ luật làm việc, nếu không thì việc sản xuất trong tháng có Tết bao giờ cũng giảm và tăng trưởng GDP cũng giảm. Chưa kể uống nhiều rượu quá cũng gây tai nạn giao thông. Ngoài ra trong dịp Tết thì thường có việc chi tiêu một cách lãng phí, phô trương, chi vào các việc không hiệu quả và không cần thiết lắm. Như vậy là trái với văn hóa sống có hiệu quả và sử dụng đồng tiền có hiệu quả và tiết kiệm.”

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng cận Tết, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động nhờ nhu cầu mua sắm trong dân chúng tăng cao, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của người Việt ước tính đạt 402.200 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa gần 305.400 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, ước tính đạt 49.500 tỷ đồng và các dịch vụ khác là khoảng 43.000 tỷ đồng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận xét về những con số ấn tượng này:

Ngày xưa nếu làm nghề nông thì thời vụ tương đối là thong dong, lúa thì thu hoạch rồi, vụ mới thì chưa trồng nên người nông dân có cả tháng giêng để ăn chơi. Nhưng từ khi đưa vụ ngắn ngày vào thì vụ cấy xuân lại đúng dịp Tết nên lắm lúc cũng căng thẳng.<br/>-TS Đặng Kim Sơn

“Người Việt chi tiêu Tết hơn 400 ngàn tỷ đồng, đặc biệt tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, thì phải xem tiêu dùng những mặt hàng gì? Nếu tiêu dùng những mặt hàng mà phải nhập từ nước ngoài vào thì đáng lưu ý, phải cảnh báo. Còn nếu tiêu dùng những mặt hàng sản xuất trong nước thì đó là điều đáng mừng, vì đó là động lực kích thích sản xuất, phải xem cụ thể những loại mặt hàng nào? Chứ còn tổng lượng như vậy, mức lưu chuyển hàng hóa như vậy là hoạt động thương mại tăng, kích cầu tăng.”

Hiện cũng có nhiều ý kiến tranh luận, liệu tăng doanh thu bán hàng khi nhu cầu tăng cao dịp Tết là làm lợi cho các nhà sản xuất trong nước, hay làm lợi cho hàng hóa nước ngoài? Liên quan vấn đề này. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết:

“Theo tôi còn tùy thuộc vào từng mặt hàng. Gần đây tôi thấy, hàng Việt Nam có chất lượng cao hơn và cũng đã chiếm lĩnh thị trường trong nước đáng kể, có tiến bộ như rau quả… không chỉ có hàng ngoại không. Tuy vậy cạnh tranh vẫn diễn ra một cách gay gắt. Vì vậy phía hàng nội cũng phải cố gắng phấn đấu, đặc biệt những loại hàng vẫn dùng hàng ngoại nhiều như rượu ngoại. Và một số các sản phẩm bánh kẹo ngoại cũng đang được sử dụng nhiều, và theo tôi điều này hoàn toàn có thể khắc phục.”

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chi tiêu của người dân tăng lên là một điều đáng mừng. Tức là người dân đã có thu nhập và chi tiêu khá hơn. Tuy vậy cần chi tiêu tránh phô trương hình thức, lãng phí không cần thiết. Trong khi đó có rất nhiều thứ chi khác như chi về sức khỏe, chi về giáo dục… khi cần chi thì lại thiếu tiền. Ông cho rằng, cần có sự điều chỉnh trong việc chi tiêu, những điều này tùy thuộc vào thói quen và tâm lý của người dân. Nên ông khuyến nghị chính phủ cần có cuộc vận động trong xã hội, để làm sao có chi tiêu hiệu quả và tiết kiệm hơn.