Làm thế nào để học sinh không phải tự nguyện học thêm một cách bắt buộc?

0:00 / 0:00

Học Thêm: “Bắt buộc tự nguyện”

Khoảng sau 2 tuần khai giảng năm học mới 2020-2021, Báo mạng VnExpress trong trung tuần tháng 9 vừa đăng tải một bài báo có nhan đề “Học thêm ‘bắt buộc tự nguyện’”.

Nội dung bài báo vừa nêu đã tổng hợp chia sẻ của nhiều phụ huynh cùng học sinh lý giải vì sao họ tự nguyện học thêm một cách bị bắt buộc.

Bài báo được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Qua trang fanpage, rất nhiều ý kiến cho rằng tựu trung việc dạy thêm và học thêm ở trong nước là do học sinh cần bổ sung thêm kiến thức, cũng như ôn luyện cho mục tiêu thi cử đạt điểm cao. Bên cạnh đó, cũng có không ít người phàn nàn về tình trạng tiêu cực của ngành giáo dục là nhà trường và giáo viên ép buộc học sinh học thêm.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một giáo viên chống tiêu cực trong ngành giáo dục nhiều năm qua, vào tối ngày 22/9, lên tiếng xác nhận về tình trạng học sinh bị ép buộc học thêm vẫn đang diễn ra mà không có dấu hiệu thay đổi.

“Theo tôi, tình hình dạy thêm và học thêm lâu nay vẫn chưa có gì thay đổi cả. Chỗ nào ép học thêm thì vẫn ép. Có những nơi mà hiệu trưởng ép toàn trường phải học thêm thì phải chịu thôi. Chẳng hạn như ông Hiệu trưởng Lê Xuân Trung, ở trường Lê Lợi, ép 100% học sinh phải học thêm, còn như không học thêm thì mời cha mẹ đến phạt. Cháu ruột của tôi là một trường hợp. Chị gái của tôi bị mời đến và đe dọa là phải cho con học thêm; nếu không thì bị phạt. 100% học sinh đều phải học thêm. Không biết gì cũng học, và biết thì cũng phải học. Họ vi phạm một cách có hệ thống, được sự bảo kê của lãnh đạo và thanh tra sở giáo dục và họ thu một số tiền khổng lồ. Doanh thu từ việc dạy thêm và học thêm không hề nhỏ mà là cực kỳ lớn.”

Các trường hợp tự nguyện vì nhu cầu

Mặc dù không ít tiêu cực trong việc dạy thêm và học thêm, qua ghi nhận cá nhân, tuy nhiên thầy giáo Đỗ Việt Khoa giải thích rằng việc dạy thêm và học thêm vẫn luôn là một nhu cầu thực tiễn.

<i>Theo tôi, tình hình dạy thêm và học thêm lâu nay vẫn chưa có gì thay đổi cả. Chỗ nào ép học thêm thì vẫn ép. Có những nơi mà hiệu trưởng ép toàn trường phải học thêm thì phải chịu thôi. Chẳng hạn như ông Hiệu trưởng Lê Xuân Trung, ở trường Lê Lợi, ép 100% học sinh phải học thêm, còn như không học thêm thì mời cha mẹ đến phạt. Cháu ruột của tôi là một trường hợp. Chị gái của tôi bị mời đến và đe dọa là phải cho con học thêm; nếu không thì bị phạt. 100% học sinh đều phải học thêm. Không biết gì cũng học, và biết thì cũng phải học. Họ vi phạm một cách có hệ thống, được sự bảo kê của lãnh đạo và thanh tra sở giáo dục và họ thu một số tiền khổng lồ. Doanh thu từ việc dạy thêm và học thêm không hề nhỏ mà là cực kỳ lớn<br/>-Thầy giáo Đỗ Việt Khoa </i>

“Nguyên nhân chính của dạy và học thêm là xuất phát từ nhu cầu thật của học sinh. Tôi lấy ví dụ như tôi từng dạy môn Toán nhiều năm thì chương trình Toán ở trường chỉ có 4 tiết/tuần và thời gian đó không thể đủ được. Ở ngoài phải dạy thêm gấp đôi thời lượng này thì mới chuyển tải được hết kiến thức Toán cho học sinh để các em trở thành học sinh giỏi và có thể thi được đại học. Đây là nhu cầu thi vào đại học nên buộc học sinh phải ôn luyện. Thực sự, các học sinh có khả năng tự học thì các em không cần đến lớp học thêm. Nhưng rất tiếc là tỷ lệ học sinh tự giác học tập và tự nghiên cứu ở Việt Nam lại rất ít, mà đa số lệ thuộc vào dạy thêm và học thêm.”

Cô Nhân, một phụ huynh có hai con trai học cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông tại TP.HCM, nói với RFA rằng, gia đình rất may mắn vì cả hai cậu con trai đều ham học và rất chăm chỉ. Tuy nhiên, hai cháu phải đi học thêm vì mục đích thi đậu vào trường điểm cũng như đạt mục tiêu đậu đại học.

“Ai cũng muốn con mình được vô học trường tốt. Nếu như, trường hợp con mình vào học trường bình thường thì không cần học thêm mà vẫn dư sức đậu vào một trường công. Tại vì nhu cầu của phụ huynh là đều muốn con mình được điểm cao nên mới cho con đi học thêm và vô tình giống như một cái vòng lẩn quẩn. Chứ thực ra, nếu đứng bên ngoài ‘cuộc chơi’ này thì các con của tôi vẫn đủ khả năng vào học trường công bình thường.”

Người mẹ trẻ của hai cậu con trai gọi việc “dạy thêm-học thêm” là một “cuộc chơi”. Bởi vì, theo cô ghi nhận thì bạn bè cùng những phụ huynh mà cô giao tiếp đều cho rằng quyết định cho con học thêm hay không là thuộc quyền tự chọn lựa của họ và của con cái họ, chứ không phải từ phía nhà trường và giáo viên. Cô Nhân nhấn mạnh với RFA:

“Trong trường nói chung bây giờ không giống như trước đây. Không có chuyện học giáo viên nào ở trường thì phải học thêm với giáo viên đó ở nhà. Như ở trường con tôi đang học là như thế. Còn những trường khác thì tôi không biết. Việc học thì cũng nhiều lắm, nhưng mục đích thì như tôi đã trình bày là con tôi không học thêm với thầy cô dạy trên lớp mà chỉ học với giáo viên nào phù hợp, dạy hiểu bài thì học thêm với giáo viên đó.”

Ảnh minh họa. Quang cảnh một lớp học thêm.
Ảnh minh họa. Quang cảnh một lớp học thêm. (Courtesy: vov.vn)

Trong khi đó, một số đông đảo phụ huynh khẳng định với RFA rằng họ tự nguyện để giao cho giáo viên dạy kèm con cái học là vì cuộc sống.

Bà Thùy, một phụ huynh ở đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về hoàn cảnh của gia đình trong việc phải cho con học thêm:

“Thật sư mà nói nếu mấy đứa con của tôi chuyên tâm thì trên mạng internet, tra trên Google có đầy đủ tài liệu hết. Môn Toán vẫn có người dạy trên mạng. Kênh Youtube vẫn có thầy cô giảng bài. Tại vì con mình không được siêng và chúng tôi thì bận rộn quá, không có thời gian nên để cho thầy cô dạy kèm thêm. Đi làm nguyên ngày về mà con cái hỏi nữa thì không có biết. Nếu một số phụ huynh chuyên tâm nghiên cứu thì vẫn chỉ dạy được. Ví dụ như tôi thì đầu tiên con hỏi thì tôi không biết. Nhưng, nếu con tôi cần thì tôi tự tìm hiểu và hướng dẫn cho con để chúng tự mở rộng ra.”

Đài RFA trao đổi với một bạn học sinh lớp 8, tên Hân. Bạn Hân được gia đình đưa qua Hà Lan du học từ cuối cấp tiểu học. Tuy nhiên, bạn Hân đã xin cha mẹ trở về Việt Nam học vì nhớ nhà và nhớ bạn bè.

Em Hân nói với chúng tôi rằng, so sánh hai chương trình học ở Hà Lan và ở Việt Nam thì tại Việt Nam, chương trình học bị nặng hơn. Ở Hà Lan, không có chương trình dạy thêm-học thêm, mà chỉ có giờ học thêm ở trường về ngôn ngữ Hà Lan dành cho học sinh nước ngoài. Em Hân, nói về chương trình em đang học ở Việt Nam:

“Chương trình học nặng hơn. Về Việt Nam thì phải đi học thêm. Con học trong lớp thì hiểu nhưng các bài tập nâng cao thì không làm được, chỉ làm các bài tập cơ bản thôi. Con thấy ai cũng phải đi học thêm hết. Không ai không học thêm cả.”

<i>Thật sư mà nói nếu mấy đứa con của tôi chuyên tâm thì trên mạng internet, tra trên Google có đầy đủ tài liệu hết. Môn toán vẫn có người dạy trên mạng. Kênh Youtube vẫn có thầy cô giảng bài. Tại vì con mình không được siêng và chúng tôi thì bận rộn quá, không có thời gian nên để cho thầy cô dạy kèm thêm. Đi làm nguyên ngày về mà con cái hỏi nữa thì không có biết. Nếu một số phụ huynh chuyên tâm nghiên cứu thì vẫn chỉ dạy được. Ví dụ như tôi thì đầu tiên con hỏi thì tôi không biết. Nhưng, nếu con tôi cần thì tôi tự tìm hiểu và hướng dẫn cho con để chúng tự mở rộng ra<br/>-Bà Thùy, một phụ huynh</i>

Chúng tôi được nghe cả bạn Hân cùng các phụ huynh như cô Nhân và bà Thùy đều có cùng nhận xét rằng chương trình học bị quá tải. Đồng thời, phụ huynh cũng thấy xót xa trong việc học ngày, học đêm, học ở trường và đi học thêm của con cái cũng như việc đưa đón con là cả một vấn đề quan trọng của mỗi gia đình, chưa tính đến tiền bạc chi trả cho các lớp học thêm.

Giải pháp cho “dạy thêm-học thêm” tại Việt Nam

Hồi tháng 6/2020, báo giới trong nước đăng tải thông tin Bộ Giáo dục-Đào tạo đề xuất đưa việc dạy thêm-học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện, nhằm mục đích tăng cường quản lý hoạt động này.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng đề xuất của Bộ Giáo dục cũng khó có thể khắc phục được tình trạng dạy thêm-học thêm tràn lan như nhiện nay. Nhưng khi đưa vào luật, nếu phát hiện có sai phạm thì có chế tài để xử lý và do đó, giáo viên cũng có ý thức hơn. Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm được báo giới dẫn lời rằng “Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là thực hiện như nước ngoài, giáo viên đã dạy trong trường không tham gia dạy thêm dưới mọi hình thức”.

Còn đối với thầy giáo Đỗ Việt Khoa, ông cho rằng do nhu cầu dạy thêm và học thêm là thiết thực nên ngành giáo dục cần phải kết hợp đồng bộ nhiều yếu tố để việc dạy thêm-học thêm được cải thiện tốt hơn và có hiệu quả hơn.

“Nếu như có sự phối hơp từ chương trình, từ giám sát, từ sự công khai minh bạch, từ lòng người bớt tham lam, biết hy sinh và truyền đạt cho học sinh những kiến thức tốt nhất thì câu chuyện về dạy thêm và học thêm sẽ giảm được.”