Có máy móc khi buộc học sinh mang tấm chắn khi trở lại lớp học trong dịch COVID-19?

0:00 / 0:00

Phản đối của cộng đồng

Báo mạng Giáo Dục Việt Nam, vào ngày 6/5, đăng tải bài viết “Con khó thở lắm cô ơi!” của tác giả Thảo Ly. Bài báo ghi lại những lời than vãn của học sinh cùng giáo viên về việc nhà trường bắt phải mang khẩu trang, miếng nhựa chắn nước bọt dưới thời tiết nắng nóng thiêu đốt, trung bình ở mức 37 độ C và có nơi lên đến 40 độc C.

Kể từ khi học sinh bắt đầu trở lại trường vào hôm 4/5, Đài RFA ghi nhận rất nhiều người, qua mạng xã hội, lên tiếng phản đối gay gắt những biện pháp vừa nêu mà một số trường học áp dụng cho học sinh, với mục đích nhằm bảo đảm an toàn cho các em.

Báo giới quốc nội trong 3 ngày qua cũng đăng tải những thông tin liên quan sự lo lắng của các phụ huynh có con nhỏ đến trường bị bắt buộc đeo khẩu trang và miếng nhựa chắn nước bọt, cũng như lớp học không được bật máy điều hòa nhiệt độ. Không ít phụ huynh còn bày tỏ sự bất bình vì cho rằng nhà trường dùng các biện pháp đó chẳng khác nào gây khổ cho trẻ con.

Bác sĩ Lê Văn Dũng, từng làm việc trong Viện Y tế Dự phòng, vào ngày 6/5 nói RFA rằng nỗi lo ngại của phụ huynh là hợp lý. Bởi vì, theo Bác sĩ Lê Văn Dũng, lớp học thường ngày dưới nhiệt độ nóng bức, học sinh vốn dĩ đã bị thiếu oxy để thở do tình trạng quá tải; huống chi các em nhỏ còn bị đeo khẩu trang và che chắn thêm miếng nhựa bên ngoài như thế thì còn thiếu không khí để thở đến mức nào.

<i>Theo tôi nghĩ nếu dịch bệnh còn âm ỉ trong cộng đồng thì ở nhà là an toàn nhất, chứ còn vô trường thì cho dù trường làm mọi biện pháp cỡ nào cũng không yên tâm. Con nít thì làm sao tránh được<br/>-Cô An, một phụ huynh ở Sài Gòn</i>

Các chuyên gia y tế trong nước cũng lên tiếng về tình trạng này. Báo mạng yan.vn dẫn lời của Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khẳng định rằng việc đeo nón che giọt bắn là không cần thiết. Trong khi đó, Tiến sĩ-Bác sĩ Phí Duy Tiến, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM cho rằng việc học sinh phải nhìn qua tấm nhựa chắn trong thời gian quá dài sẽ bị ảnh hưởng tới thị lực. Đặc biệt đối với những trẻ bị cận hay viễn thị… đang phải đeo kính còn bị nguy cơ thị giác phát triển chậm trễ, nghiêm trọng hơn là không phát triển thị lực nữa.

Cô Nhân, một phụ huynh ở Sài Gòn, có hai con trai ở tuổi học trung học cơ sở và tiểu học, vào tối ngày 6/5 lên tiếng với RFA:

“Theo tôi nghĩ nếu dịch bệnh còn âm ỉ trong cộng đồng thì ở nhà là an toàn nhất, chứ còn vô trường thì cho dù trường làm mọi biện pháp cỡ nào cũng không yên tâm. Con nít thì làm sao tránh được.”

Ảnh minh họa. Chuyên gia y tế khẳng định học sinh không cần thiết mang tấm nhựa chắn nước bọt trong lớp học.
Ảnh minh họa. Chuyên gia y tế khẳng định học sinh không cần thiết mang tấm nhựa chắn nước bọt trong lớp học. (Courtesy: zing.vn)

Làm thế nào để đảm bảo an toàn?

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào ngày 5/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết hiện học sinh ở 63 tỉnh, thành phố đã đi học trở lại với tỷ lệ rất cao. Ông Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh rằng Bộ Giáo dục-Đào tạo đã ban hành hai văn bản 1398 và 1467 căn cứ theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, tại phiên họp ngày 5/5 rằng theo 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn của Bộ Y tế thì không có hướng dẫn nào yêu cầu phải đeo tấm chắn bọt bắn.

Bà Nguyễn Thị Diễm, phụ huynh ở Đồng Tháp cho biết bà cảm thấy yên tâm khi con của bà đi học trở lại, theo cách sắp xếp của trường:

“Học xen kẻ. Một lớp chia ra làm hai, phân nửa lớp học 3 ngày (thứ Hai-thứ Tư-thứ Sáu) và phân nửa lớp học 3 ngày còn lại (thứ Ba-thứ Năm-thứ Bảy). Học sinh đeo khẩu trang và ngồi giãn cách ra. Trước khi học là giáo viên phải vệ sinh trường lớp, kéo bàn ghế cách khoảng và phân chia lịch học, trang bị thêm các chỗ rửa tay với xà bông trước khi bước vô lớp. Nói chung là trường học cũng tìm cách tốt nhất cho học sinh rồi.”

Cô Nhân cho RFA biết cô được nhà trường thông báo bắt đầu từ tuần sau, ngày 11/5 trở đi, lớp học của các con cô trở lại bình thường như trước khi dịch bệnh xảy ra, nghĩa là vẫn học chung một lớp và không đeo khẩu trang.

Cô Nhân bày tỏ rằng cô sẽ cho các con mình đến lớp trước thông báo mới của trường, vì:

“Tôi đọc bài báo thấy là ông Vũ Đức Đam nói rằng nới lỏng toàn bộ xã hội, nhưng thắt chặt và kiểm soát chặt chẽ những người vào Việt Nam. Trong xã hội đã ổn thì nới lỏng được. Nói chung là vậy, nên mình cũng cảm thấy yên tâm trong cộng đồng.”

Bác sĩ Lê Văn Dũng cho rằng để đảm bảo an toàn cho học sinh thì trách nhiệm của trường học và chính quyền là rất quan trọng và cần thiết.

“Nhà trường và chính quyền phải làm nhiều việc hơn. Có kế hoạch khử khuẩn phòng học trong một tuần bao nhiêu lần hay hàng ngày, rồi dùng dung dịch nước rửa tay sát khuẩn Chloramine B…”

Bác sĩ Dũng nói thêm về trách nhiệm của phụ huynh, học sinh là phải luôn chú trọng rửa tay thường xuyên và đúng cách:

<i>Phải nên duy trì bởi vì thực trạng và thực tế như thế rồi thì dần dần tạo thành thói quen phòng bệnh, chứ đã hết dịch bệnh đâu? Nhiều người vẫn còn bị tái phát đấy! Nên cẩn thận hơn thì dần dần hình thành một thói quen ở bất kỳ các nơi đông người cần rửa tay thường xuyên. Đó là thói quen tốt<br/>-Bác sĩ Lê Văn Dũng</i>

“Phải nên duy trì bởi vì thực trạng và thực tế như thế rồi thì dần dần tạo thành thói quen phòng bệnh, chứ đã hết dịch bệnh đâu? Nhiều người vẫn còn bị tái phát đấy! Nên cẩn thận hơn thì dần dần hình thành một thói quen ở bất kỳ các nơi đông người cần rửa tay thường xuyên. Đó là thói quen tốt.”

Bà Nguyễn Thị Diễm, cô Nhân và một số phụ huynh Đài RFA tiếp xúc chia sẻ rằng họ theo dõi rất sát sao và luôn cập nhật những thông báo của trường học, của cơ quan y tế để hướng dẫn cho con em trong việc đi học trở lại. Hầu hết họ nói rằng đã 20 ngày qua Việt Nam không có ca nhiễm COVID-19 mới nên được yên tâm hơn trong việc trở lại mọi sinh hoạt thường nhật như đi làm, đi học…

Tuy vậy, những biện pháp quá mức như đeo tấm chắn có thể gây nên những tác dụng phụ không đáng phải có.