Vào ngày 12 tháng 11 năm 2019, tại “Hội Nghị Thương Mại Gạo Thế Giới Lần Thứ 11” tổ chức tại Manila, Philippines, gạo hữu cơ ST25 của Việt Nam đã được trao giải “Gạo ngon nhất thế giới” sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Cambodia tại cuộc thi World’s Best Rice, do The Rice Trader tổ chức.
Dòng lúa thơm ST gồm nhiều giống khác nhau do kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo và cải tiến trong hơn 20 năm qua. Vào năm 2017, gạo ST24 đã lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi World's Best Rice tại Macao.
Từ khi đoạt giải cho đến nay chưa tròn một tháng, người tiêu dùng đã biết đến tên ST25. Nhưng tên ST25 của kỹ sư Cua và nhóm cộng sự lại trở thành ‘tài sản chung’ của người buôn gạo. Giới này cứ gắn tên ST25 vào một loại gạo nào đó để bán giá cao nhằm thu lợi.
Chính kỹ sư Hồ Quang Cua, trong lễ vinh danh sự kiện ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới, đã không ngại ngần nói về tình trạng ‘gạo này, gạo kia bị hóa thành gạo ST25’.
Tình hình giả gạo ST25 thì đa số nằm ở dạng bán hàng qua mạng thôi, tức là họ không phải doanh nghiệp gạo, hoặc họ chỉ ghi gạo thơm mà không ghi tên doanh nghiệp, thì họ lại quảng cáo và ghi là ST25.<br/>-Kỹ sư Hồ Quang Cua
Trả lời RFA hôm 3/12 liên quan vấn đề này, cha đẻ dòng lúa thơm ST, kỹ sư Hồ Quang Cua, nói:
“Tình hình giả gạo ST25 thì đa số nằm ở dạng bán hàng qua mạng thôi, tức là họ không phải doanh nghiệp gạo, hoặc họ chỉ ghi gạo thơm mà không ghi tên doanh nghiệp, thì họ lại quảng cáo và ghi là ST25. Trường hợp này cũng đã có vài lần thu hồi và xin lỗi người tiêu dùng. Hiện nay tất cả những ai bán gạo ST25 trên mạng thì gần như là hàng giả.”
Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, ông cũng có vài điểm bán dòng gạo này gần một năm qua, gạo thu hoạch từ diện tích ông và các cộng sự sản xuất thử để khảo nghiệm tính thích nghi của giống ST, có thu lúa về, bán gạo cũng ghi là ST25, nhưng trên diện hẹp. Ông cũng cho biết, sau khi đoạt giải thì có bán cho một số doanh nghiệp ở Sài Gòn và Cần Thơ. Nhưng hiện nay cũng hết gạo này để cung ứng.
Một đại lý gạo ST25 chính thức tại Cần Thơ, cho RFA biết hôm 3/12 về tình hình bán gạo ST tại đại lý của anh:
“Về doanh số gạo ST25 ở Cần Thơ, vì không còn gạo để bán nên chỉ bán cầm chừng, chỉ bán mỗi người 1 hay 2 túi thôi, họ đặt mấy trăm kg để biếu tặng mà mình không có gạo để bán. Còn về hàng giả ST25 thì chỗ mình cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều, vì mình bán gạo ST này cũng lâu rồi, từ ST20 lận. Nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều.”
![Kỹ sư Hồ Quang Cua (trái) tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức ở Philippines ngày 12 tháng 11 năm 2019.](https://www.rfa.org/resizer/v2/U2OMJCFT4GLA3QGTJGFDDEAMTE.jpg?auth=86782920b8059c39e297217ad1822406f3e913fe5f1a427ee5b93bab3d2f3716&width=800&height=532)
Không được bảo vệ sở hữu trí tuệ sẽ khiến chẳng ai dám mạo hiểm đầu tư tài sản, để gắn bó cả đời để sáng chế, tìm ra những công nghệ mới, giống cây mới. Như vậy sẽ thiệt thòi cho đất nước và cả người tiêu dùng. Và sự nguy hại lớn hơn của tình trạng giả thương hiệu, làm hàng giả là triệt tiêu động lực nghiên cứu, sáng tạo.
Để tìm hiểu thêm về mặt pháp luật liên quan vấn đề này, RFA hôm 03/12 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, hiện sinh sống ở Sài Gòn, và được ông cho biết ý kiến của mình:
“Tôi thấy thương hiệu gạo của Việt Nam là thương hiệu quốc gia, do đó doanh nghiệp cần phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại trong và ngoài nước. Khi có người khác lấy thương hiệu thì mình mới khởi kiện hợp pháp tại trung tâm trọng tài thương mại hoặc tòa án có thẩm quyền để đòi lại thương hiệu đó, do đó cần có đăng ký theo luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, nếu mà người sở hữu sáng chế hay nhãn hiệu, không đăng ký thì việc tranh chấp sau này sẽ khó khăn cho người sở hữu đó.
Trên thị trường mình chưa có thóc, chưa bán giống, mà họ thông báo trên mạng là gạo ST25 thì chắc chắn 100% là hàng mạo hóa.<br/>-Kỹ sư Hồ Quang Cua
Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết về việc đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25:
“Hiện nay ở trong nước thì mình cũng có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu về giống, còn về gạo thì mình chưa. Nhưng về nguyên tắc chúng ta bán gạo thì không bảo hộ trong nước, chỉ có mai mốt mình bảo hộ ở nước ngoài thôi. Chứ trong nước thì mình chỉ bảo hộ tên doanh nghiệp chứ không bảo hộ gạo, Đó là điều kiện để loại gạo ngon được nhiều doanh nghiệp phổ biến. Cho nên mình không đăng ký bảo hộ gạo. Về việc bán gạo giả hiện nay, trên thị trường mình chưa có thóc, chưa bán giống, mà họ thông báo trên mạng là gạo ST25 thì chắc chắn 100% là hàng mạo hóa. Tôi cũng đang chuẩn bị đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, cái này dứt khoát phải làm, cái đó để bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu gạo ST25 ra nước ngoài phải bảo hộ theo đăng ký bảo hộ.”
Theo Kỹ sư Cua, không có gì là chậm trễ, vì ai mà đưa lên mạng sản phẩm nguồn gốc không rõ ràng thì họ đã vi phạm pháp luật, cho dù ông chưa đăng ký thì họ cũng đã vi phạm. Theo ông những người làm gian này trình độ họ cũng sơ đẳng, họ chưa biết tình huống, khi công luận phát hiện tình huống rồi thì họ tự động rút lui ngay, chứ không cần pháp luật xử lý đâu.
Vậy cơ quan chức năng ở đâu? Bộ NN&PTNT đã làm gì để giúp người đem về vinh dự cho đất nước, Kỹ sư Hồ Quang Cua, bảo vệ đứa con tinh thần của mình.
Kỹ sư Hồ Quang Cua, chia sẻ:
“Việc đoạt giải này là một tình huống đột xuất, các cơ quan chức năng chưa dự liệu tình huống trước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản. Tuy nhiên, cách nay 1 tuần, Bộ NN&PTNT họp, mời các chuyên gia tham vấn, bàn về cách xử lý hàng giải ngay, tức là chỉ một tuần sau khi đoạt giải, Bộ đã họp bàn về giải pháp bảo vệ hàng hóa của doanh nghiệp.”
Tuy nhiên theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, người bị xâm phạm thương hiệu hay bằng sáng chế phải mạnh dạn khởi kiện, vì thương hiệu đó mình đã đăng ký rồi, phải tập thói quen là không thể lấy nhãn hiệu của người khác, đó là một công trình mà người ta đã thực hiện.
Theo Luật sư Hậu, chúng ta phải sử dụng hoạt động tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ông cho rằng việc ăn cắp này là không thể chấp nhận, và chỉ có tòa án là có thể xem xét việc đó là hợp pháp hay bất hợp pháp.