Thu hồi tài sản tham nhũng: có luật mà thiếu thực tâm!

0:00 / 0:00

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20 tháng 3 vừa qua, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, tổng kết 10 năm qua đã thu được 40% số tài sản tham nhũng. Ông cho đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thực tế, con số tài sản tham nhũng thu hồi được mà ông Nguyễn Hòa Bình biểu dương lại thua xa mục tiêu được chính phủ đưa ra vào năm 2021 là phải trên 60%. Mục tiêu của chính phủ được đưa ra từ hai năm trước là phải tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm.

Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, hiện Việt Nam không có cơ chế thu hồi tài sản như nhiều nước áp dụng, nghĩa là nếu đối tượng tham nhũng không giải trình được tài sản có được đã hình thành một cách hợp lý thì sẽ bị tịch thu. Ông Bình nhấn mạnh, “giải pháp căn cơ là phải thay đổi luật”.

Theo tôi, phải yêu cầu những người đứng tên tài sản chứng minh thu nhập từ đâu mà có. Nếu không hợp pháp thì thu hồi. Tôi thấy không cần thay đổi luật gì hết. Chỉ cần thay đổi cách thu hồi tài sản ‘tự nhiên mà có’, tài sản từ thu nhập bất chính mà có. Điều này không khó với các cơ quan có thẩm quyền. Vấn đề là họ họ có chịu làm hay không mà thôi. - Một luật sư

Một luật sư không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nêu quan điểm của ông với RFA sáng 21 tháng năm 2023:

“Theo tôi, mọi thứ từ chuyện mua quan bán chức mà ra. Họ đầu tư tiền ‘mua’ cái ghế thì họ phải tái đầu tư bằng nhiều cách. Đến khi lộ ra thì họ mượn báo chí để nói đây là tài sản bên vợ, hoặc làm thối móng tay mới có. Hoặc mua cổ phần, cổ phiếu rồi đóng thuế để hợp thức khoản tiền có được từ tham nhũng.

Trước đây chỉ thu hồi tài sản tham nhũng với quan tham thôi. Sau này có đề xuất thu hồi tải sản của cả họ hàng trong gia đình như cha mẹ, con cái… nhưng nó lại trái với luật dân sự về quyền sở hữu tài sản. Do đó, việc thu hồi tài sản này không thể được. Đó là rào cản. Nhưng thực tế, rào cản này là để bảo vệ cho thân nhân các quan chức.

Theo tôi, phải yêu cầu những người đứng tên tài sản chứng minh thu nhập từ đâu mà có. Nếu không hợp pháp thì thu hồi. Tôi thấy không cần thay đổi luật gì hết. Chỉ cần thay đổi cách thu hồi tài sản ‘tự nhiên mà có’, tài sản từ thu nhập bất chính mà có. Điều này không khó với các cơ quan có thẩm quyền. Vấn đề là họ họ có chịu làm hay không mà thôi.”

Vị luật sư này nói thêm, qua kinh nghiệm làm việc, ông biết rất nhiều cán bộ nhờ gia đình, họ hàng đứng tên tài sản. Nhưng những người này chỉ đứng tên trên giấy tờ chứ không ở, không có sổ hồng, sổ đỏ gì trong tay, thậm chí không biết ‘mặt mũi’ căn nhà ra sao nữa!

Cũng tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20 tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng tư pháp Lê Thành Long cho rằng, điều đáng lo ngại là tội phạm tham nhũng thường tìm mọi cách để tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản nên việc xác minh điều kiện thi hành án vô cùng khó khăn. Ông Long đề nghị cơ quan dân cử Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan pháp luật tăng cường giám sát để việc tẩu tán, giấu tài sản sẽ giảm đi.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng được Thanh tra Chính phủ công bố vào tháng 6 năm 2022, hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.

Nhà quan sát chính trị Hà Hoàng Hợp nêu nhận định của ông với RFA sáng 21 tháng 3 năm 2023:

“Nó có nhiều nguyên nhân lắm. Phải định nghĩa thế nào là tài sản tham nhũng. Ví dụ như nhận hối lộ, đưa hối lộ. Nếu tài sản tham nhũng đó là do nhận hối lộ bằng tiền mặt thì cực kỳ khó, bởi không thể chứng minh được. Chỉ dựa vào lời khai thì không đủ.

Ngoài ra, cũng liên quan nhận hối lộ, đưa hối lộ còn có quan chức chính trị nhận tiền nữa. Rửa tiền là một việc làm che lấp nguồn gốc tham nhũng. Thu hồi tài sản thì căn cứ vào lương. Ví dụ quan chức, công chức lương 20 triệu một tháng mà có cái nhà mấy trăm tỷ thì đó là dấu hiệu tham nhũng. Nhưng phải tìm ra tham nhũng từ nguồn nào, nhận tiền lúc nào thì rất khó.

Cho nên, muốn thu hồi được tài sản tham nhũng thì luật pháp phải thật chặt chẽ và đồng bộ từ nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều hoạt động khác nhau. Cho nên tình hình ở Việt Nam nó cứ rối lên thế thôi. Muốn làm thì phải thay đổi rất nhiều thứ. Trong đó, hệ thống kinh tế phải không dùng tiền mặt, bớt tiền mặt. Tất cả chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng, hệ thống thẻ, tiền điện tử hết.”

Thu hồi tài sản có được do tham nhũng được cho là quyết tâm của Bộ Chính trị và Nhà nước Việt Nam từ nhiều năm qua với nhiều đề xuất được nêu. Một trong những đề xuất được Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đưa ra vào tháng 10 năm 2021 là phải xây dựng luật Đăng Ký Tài Sản để ngăn chặn việc tẩu tán, ẩn giấu tài sản tham nhũng.

Nếu có luật Luật Đăng Ký Tài Sản thì việc thu hồi tài sản tham nhũng tương đối dễ dàng. Cách đây khoảng một năm cũng có ý kiến đưa ra trước Quốc hội về việc này nhưng đa số đại biểu Quốc hội không tán thành. Có nghĩa họ không tán thành việc thu hồi những tài sản bị coi là bất minh và không giải trình được về mặt thuế và về mặt nguồn gốc. - Cựu trung tá Vũ Minh Trí

Theo ông Trí, hiện Việt Nam chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, kiểm soát tài sản xã hội vẫn còn là khoảng trống. Nếu không có Luật Đăng Ký Tài Sản thì tài sản tham nhũng nhờ người khác đứng tên không ai đụng vào được. Mặc dù biết là tài sản bất minh nhưng cũng không thu hồi được.

Cựu trung tá Vũ Minh Trí nhận định việc này với RFA vào tháng 10 năm 2021:

“Nếu có luật Luật Đăng Ký Tài Sản thì việc thu hồi tài sản tham nhũng tương đối dễ dàng. Cách đây khoảng một năm cũng có ý kiến đưa ra trước Quốc hội về việc này nhưng đa số đại biểu Quốc hội không tán thành. Có nghĩa họ không tán thành việc thu hồi những tài sản bị coi là bất minh và không giải trình được về mặt thuế và về mặt nguồn gốc.

Với suy nghĩ của tôi, đa số đều có tham nhũng ở mức độ nọ mức độ kia nên họ không dại gì ra những điều luật để có thể được sử dụng để chống lại chính họ kiểu ‘gậy ông đập lưng ông’.”

Một số người quan tâm cho rằng, để không còn tham nhũng, nhà nước Việt Nam cần xây dựng một nền hành chính công minh bạch, hiệu quả mà người dân có thể kiểm tra, giám sát được. Cần phải có chiến dịch toàn dân chống tham nhũng để “mắt dân có thể thành đèn pha soi tham nhũng” như ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương từng phát biểu.