Làm sao để đổi mới giáo dục ‘chỉ được phép thành công’?

0:00 / 0:00

“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là quyết tâm chính trị của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của đất nước. Do đó, quá trình thực hiện chỉ nhìn về phía trước và chỉ được phép thành công”.

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn hôm 13 tháng 12 năm 2022, tại một hội nghị về giáo dục.

Một số chuyên gia về giáo dục cho rằng, để tiến tới xây dựng một nền giáo dục dân chủ, hiện đại, nhân văn trong thời đại toàn cầu hóa thì phải thay đổi hành chính giáo dục.

Tháng 5 năm 2021, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền, thông qua truyền thông Nhà nước, đề xuất Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quan tâm vấn đề dân chủ trong trường học hiện nay. Theo ông Hiền, sự mất dân chủ trong trường học là vấn đề nhức nhối ở hầu hết các địa phương. Các hiệu trưởng lạm quyền, thích chứng tỏ quyền uy và thích quản lý theo mệnh lệnh. Đó là rào cản cho việc đổi mới giáo dục.

Muốn giáo dục thành công thì cần chỉnh lại hướng, có nghĩa phải xây dựng lại triết lý giáo dục, thay lối giáo dục định hướng, tuyên truyền nhồi sọ thiếu tư duy độc lập bằng giáo dục khai phóng, tự do sáng tạo. Khi giáo dục đúng hướng tự khắc nó sẽ thành công. - Thầy giáo Ngọc Sơn

Thầy giáo Ngọc Sơn nêu quan điểm của ông với RFA sáng 15 tháng 12:

“Mình rất tâm đắc với ý kiến của giáo sư Hoàng Tuỵ: “không phải nền giáo dục ta lạc hậu đâu, lạc hậu thì ráng đuổi theo may ra còn kịp, NÓ LẠC HƯỚNG!”

Điều này thể hiện rất rõ qua nhiều lần đổi mới nó vẫn thất bại. Muốn giáo dục thành công thì cần chỉnh lại hướng, có nghĩa phải xây dựng lại triết lý giáo dục, thay lối giáo dục định hướng, tuyên truyền, nhồi sọ, thiếu tư duy độc lập bằng giáo dục khai phóng, tự do sáng tạo. Khi giáo dục đúng hướng tự khắc nó sẽ thành công.”

Cũng tại hội nghị về giáo dục hôm 13 tháng 12, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, nhóm công việc liên quan đến thể chế, văn bản quản lý điều hành là nhóm việc sẽ phải rà soát để điều chỉnh và không ngại điều chỉnh.

Theo Giáo sư Hoàng Dũng, giáo dục không phải là câu chuyện của một ông hay một bộ cụ thể nào cả. Nó là chuyện của toàn xã hội. Nó là con đẻ của cả một cơ chế. Thay đổi là bài toán rất khó cho bất kỳ ai có trách nhiệm. Ông nêu ví dụ:

“Hiện nay giáo dục đại học học cái gì không biết, nhưng trong chương trình có một cái phần gọi là phần cứng không thể thay đổi. Đó là dạy chủ nghĩa Mác Lênin, dạy lịch sử Đảng với mục tiêu để đào luyện, để thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin. Còn ở phổ thông thì họ có nói rằng phải cho người học trò trở thành một người biết tư duy nhiều chiều để phản biện. Nói thì nói vậy nhưng có một cái mục là phải thấm nhuần, phải chấp hành chủ trương đường lối của Đảng. Tức là họ có một cái đường ray đặt sẵn cấm không cho qua. Cái đó riêng về mặt thể chế nó mâu thuẫn bởi vì không thể có một cái vừa cởi mở vừa ràng buộc như vậy được.

Bây giờ cứ nói là giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng Nhà nước sẽ có những chính sách gì để cho con em nhà nghèo đi học hay không thì không thấy. Về mặt lý thuyết thì như vậy nhưng phải biến nhận thức thành những chủ trương có tính chất khả thi. Một quốc gia mà giáo dục yếu kém thì ngay cả đi làm thuê cũng không được nữa vì ngày nay người ta cần những người làm thuê có trình độ.”

2012-09-05T120000Z_1596416144_GM1E895148401_RTRMADP_3_VIETNAM.JPG

Quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” được đưa ra lần đầu tiên trong Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VII ngày 14/01/1993.

Giáo dục Việt Nam qua nhiều lần cải cách đổi mới. Tính cho đến nay, giáo dục Việt Nam đã trải qua bốn lần cải cách lớn vào các năm 1950, 1956, 1979, 2013 (hai lần đầu chỉ ở miền Bắc). Cuộc cải cách được cho là đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục được đánh dấu bằng Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Nghị quyết này nhắc lại “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” trên tinh thần bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Riêng Luật Giáo dục, từ năm 1976 tới nay đã ban hành và sửa đổi ba lần ở các năm 1998, 2005, 2009.

Có thể thấy, đổi mới giáo dục là chuyện vượt tầm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó là chuyện thể chế. Nó là chuyện quyết tâm chính trị của cơ quan cao nhất. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng nói: “Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: một là giáo viên, hai là tài chính. Và cả hai điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất”.

Tôi nghĩ là ở Việt Nam phải thay đổi tư duy về giáo dục, thay đổi cái quan niệm về giáo dục. Phải thay đổi để giáo dục trở thành xây dựng con người có tính nhân văn, có nhiều sáng tạo suy nghĩ chứ không phải dùng giáo dục, dùng trường học làm cơ sở tuyên truyền chính sách của Nhà nước như hiện nay. - Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng

Báo cáo được ông Sơn đưa ra vào đầu tháng 11 cho thấy, có hơn 16 ngàn giáo viên đã nghỉ dạy trong năm học 2021-2022 do lương thấp. Trong đó có hơn 10 ngàn giáo viên công lập, số còn lại là giáo viên ngoài công lập.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nêu ý kiến của ông với RFA sáng 15 tháng 12:

“Tôi nghĩ là ở Việt Nam phải thay đổi tư duy về giáo dục, thay đổi cái quan niệm về giáo dục. Phải thay đổi để giáo dục trở thành xây dựng con người có tính nhân văn, có nhiều sáng tạo suy nghĩ chứ không phải dùng giáo dục, dùng trường học làm cơ sở tuyên truyền chính sách của Nhà nước như hiện nay. Cả mấy chục năm nay cứ cải tạo mãi. Từ nghị quyết này cho đến bộ trưởng nọ nhưng không ra được lối thoát, không ra được cái rừng rậm thì không làm gì được. Đấy là đề nghị của tôi.”

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, muốn cải tổ nền giáo dục Việt Nam thì phải thay đổi cả triết lý giáo dục hiện nay. Tại phiên trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội vào sáng ngày 1 tháng 11 năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên triết lý giáo dục của Việt Nam là “triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế”.

Thực tế cho thấy, một khi triết lý giáo dục vẫn phải theo cương lĩnh của Đảng với Chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, thì chuyện đổi mới giáo dục ‘chỉ được phép thành công’ khó thành hiện thực.