Nhân 50 năm công hàm gây nhiều tranh cãi này ra đời, mời quý vị theo dõi bài viết liên quan của biên tập viên Nhã Trân sau đây.
Phản đối nhượng lãnh hải cho Trung Quốc
Từ thượng tuần tháng này nhiều trang mạng lên tiếng kêu gọi hội luận Paltalk, biểu tình, rải truyền đơn phản đối công hàm của cựu thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đưa ra đúng nửa thế kỷ trước.
Các thông tin cho thấy có thể có nhiều cuộc xuống đường sẽ diễn ra ở nhiều lãnh sự quán Việt Nam và Trung Quốc, nhằm phản kháng giá trị bản công hàm này.
Công hàm này, đăng trên báo Nhân Dân, Ngày 22 Tháng Chín Năm 1958, ghi nhận và tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc trên hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Hoa Lục, đã khiến những người dân Việt tha thiết với lãnh thổ, lãnh hải của đất nước phải quan tâm và phẫn nộ.
Công luận mạnh mẽ chỉ trích về việc chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, mà ông Phạm Văn Đồng là thủ tướng và cũng là người ký tên vào văn thư, tán thành bản tuyên bố Ngày 4 Tháng Chín, 1958 của Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Công hàm của cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng, một văn thư ngọai giao được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đang cần hậu thuẫn của đồng minh Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Điều đáng nói là khi ấy phần lãnh hải mà văn thư này tán thành chủ quyền của Hoa Lục đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa, bao gồm cả hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa, và các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.
<em>Vấn đề chủ quyền lãnh thổ - lãnh hải không phải do hành pháp, không phải do thủ tướng mà là do nhân dân và nhân dân là do quốc hội đại diện thì quốc hội lên tiếng chứ không phải thủ tướng lên tiếng. Thủ tướng không có quyền lên tiếng.</em>
Giá trị và Hiệu lực pháp lý?
Công hàm của ông Phạm Văn Đồng, vì vậy, có giá trị và hiệu lực pháp lý hay không? Để tìm câu trả lời chính xác chúng tôi trao đổi với một vị luật gia kỳ cựu về lãnh vực công pháp quốc tế. Vị luật gia không muốn nêu danh, hiện ngụ tại bang California, khẳng định công hàm này không có hiệu lực, và giải thích lý do:
“Thực ra đây là việc vớ vẩn bởi vì về pháp lý Năm 1958 đâu có giá trị, chính thể đó sai rồi, bây giờ càng sai nữa. Cái đó là vô hiệu. Nếu năm 1958 không được rồi, bây giờ không được nữa. Đó là vấn đề pháp lý.
Nhưng vấn đề chủ quyền lãnh thổ - lãnh hải không phải do hành pháp, không phải do thủ tướng mà là do nhân dân và nhân dân là do quốc hội đại diện thì quốc hội lên tiếng chứ không phải thủ tướng lên tiếng. Thủ tướng không có quyền lên tiếng.”
Kể từ Năm 1958 đến nay, sau khi cựu thủ tướng Việt Nam công khai văn thư ngọai giao tán thành quyết định của Bắc Kinh về hải phận của Trung Quốc, Hoa Lục đã hơn một lần công bố những tài liệu nhằm hậu thuẫn cho tuyên bố của họ về chủ quyền trên hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa, như hồi Năm 1979.
Và từ Năm 2002 đến nay Bắc Kinh không ngừng ký những hiệp ứơc cộng tác hòa bình với các nước khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, vấn đề chủ quyền lãnh hải trong vùng Biển Nam Hải, trong đó bao gồm Hòang Sa và Trừơng Sa, vẫn thường xuyên là đề tài tranh chấp giữa các nước liên quan.
Vị luật gia ẩn danh cho biết công hàm của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, do ông Đồng ký với tư cách thủ tướng, sẽ không có hiệu lực nào vì thiếu tính pháp lý. Tuy nhiên, lên tiếng bác bỏ văn thư này là điều không dư thừa, và cũng là nhiệm vụ của chính phủ Việt Nam:
“Bây giờ nó cứ làm như tằm ăn rổi nó lấy hết của mình. Thứ nhất về yếu tố vì dân, thứ hai là quốc hội. Quốc hội Việt nam phải bác bỏ cái đó.”
Có dư luận nhắc lại rằng thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa công bố văn thư ngọai giao này nhằm yểm trợ Trung Hoa trong bối cảnh Mỹ trở thành mối đe dọa của nước này với các họat động của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ trên eo biển Đài Loan thời gian đó, và văn thư này cũng không hề xác nhận cụ thể chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hòang Sa - Trường Sa.
<em>Trung Quốc có dám bắt nạt các nước khác không? Không! Tại sao? Bởi vì hàng triệu người sẽ biểu tình. Đối với Việt Nam, vì chỉ có độ mấy chục người biểu tình, tại vì chính phủ Việt Nam đàn áp cả sinh viên...</em>
Trách nhiệm của chính quyền
Dù vậy, trước tình trạng Bắc Kinh ngày càng ra gia tăng nỗ lực tranh giành lãnh hải hiện nay bằng cả đường lối ngọai giao lẫn quân sự, vừa đàm vừa đe tòan thể các nước khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam cần có thái độ nào để bảo tòan chủ quyền trên Hòang Sa và Trường Sa, nói rộng hơn là trên tòan lãnh hải của mình?
Phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần thức tỉnh để kịp thời nhận ra những sức mạnh cần thiết nếu không muốn mất dần tấc đất tấc biển của tổ quốc, và biết đâu còn có thể mất mát thêm những điều khác? Vị luật gia khẳng định:
"Trung Quốc có dám bắt nạt Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia không? Không! Tại sao? Bởi vì hàng triệu người sẽ biểu tình. Đối với Việt Nam thì lại dám làm, vì chỉ có độ mấy chục người biểu tình, tại vì chính phủ Việt Nam đàn áp cả sinh viên. Chính phủ cộng sản Việt Nam nô lệ. Chứ nếu hàng triệu người biểu tình ngay lập tức thì không bao giờ nó dám làm cả."
50 năm đã qua kể từ khi công hàm của ông Phạm Văn Đồng được đưa ra, gây nhiều tranh luận và quan ngại cho những người quan tâm đến lãnh hải của đất nước.
Hành động cụ thể để công khai sự vô giá trị và hiệu lực pháp lý của văn thư ngọai giao này, cũng như tôn trọng sự quan tâm và thái độ bày tỏ của quần chúng trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên vùng Biển Đông, phải chăng là cách hành sử đúng đắn nhất của giới thẩm quyền có trách nhiệm?