Việt Nam học cách kiểm duyệt trực tuyến của Trung Quốc đến mức độ nào?

0:00 / 0:00

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) vào ngày 14/9 có đăng tải bài viết có tựa tạm dịch ‘Việt Nam đã vay mượn từ vở kịch kiểm duyệt trực tuyến của Trung Quốc thế nào?’ của tác giả Dien Nguyen An Luong.

Ông Dien Luong được biết đến với nhiều tác phẩm được xuất hiện trên New York Times, Washington Post, Guardian, Al Jazeera và các ấn phẩm khác. Ông đang tham gia hoạt động nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore.

Trong bài viết được đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng, ông Luong cho rằng chính phủ Hà Nội đang theo dõi chặt chẽ các cuộc thảo luận trực tuyến công cộng khi họ tìm cách khai thác chủ nghĩa dân tộc được thúc đẩy từ phương tiện truyền thông xã hội.

Cụ thể, tác giả đã lấy dẫn chứng trong trường hợp người Việt phản đối diễn viên Thành Long đến Việt Nam vì nam diễn viên Hồng Kong này ủng hộ đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra để tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Hoặc sự tức giận trước những bình luận của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi dùng các từ “xâm lược” và “chiếm đóng” để chỉ hành động của Việt Nam nhằm lật đổ chế độ Pol Pot, hay Khmer Đỏ vào cuối những năm 1970.

Theo tác giả bài viết, một làn sóng chủ nghĩa dân tộc được thúc đẩy bởi mạng xã hội đã ngày càng trở nên mạnh mẽ trên lĩnh vực trực tuyến, khiến các nhà chức trách Việt Nam trở nên nhạy bén và thậm chí thích ứng với nó. Mức độ đáp ứng này khá đáng chú ý đối với Việt Nam, quốc gia được cho là đã theo chân Trung Quốc trong lĩnh vực kiểm soát internet.

Ông Dien Luong cho rằng các chính phủ kể cả ở đất nước tự do hơn hay ít tự do hơn đã tìm cách khai thác chủ nghĩa dân tộc để tăng cường tính hợp pháp của họ.

Khả năng đáp ứng và tính hợp pháp đặc biệt quan trọng đối với khả năng phục hồi của các chế độ độc tài, đặc biệt là một chế độ đang trên đà chuyển đổi lãnh đạo như Việt Nam.

Trao đổi với RFA tối 14/9, Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản nhận định:

“Các chế độ cộng sản học tập nhau cách kiểm soát người dân. Từ xưa đến nay cứ có bài nào kiểm soát người dân hiệu quả người ta bày cho nhau để học tập. Đó là việc học cái hay không học mà học mà học để kiểm soát, thống trị người dân từ xưa.”

Đồng quan điểm vừa nêu, Blogger Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn cũng cho rằng Việt Nam và Trung Quốc có tương đồng thể chế độc đảng toàn trị thì chính phủ Hà Nội noi gương Bắc Kinh là chuyện không phải mới lạ. Tuy nhiên, ông cho rằng kết quả sẽ khác nhau vì những nguyên nhân sau:

“Về giáo dục thì cả hai giống nhau ở tính nhồi sọ và chính trị hóa giáo dục có thể hiểu được nhưng về văn hóa thì khác nhau rất nhiều, đặc biệt về văn hóa chính trị, tức là chủ nghĩa hóa dân tộc. Bởi vì nếu ông Tập Cận Bình làm được việc tự biến bản thân ổng thành vua trong việc thâu tóm toàn bộ quyền bính trong tay thì ông Nguyễn Phú Trọng không làm được việc đó. Tôi cam đoan sau ông Nguyễn Phú Trọng thì cũng không ai làm được việc đó. Vì cái quan trọng nhất ở Việt Nam khác với Trung Quốc ở chỗ các phe phái trong đảng cộng sản (Việt Nam) tạo ra một cái thế gọi là ‘cân bằng động’, đó là từ của họ. Trong suốt chiều dài của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị qua các thời kỳ thì người ta thấy rất rõ mục đích đấu đá lẫn nhau nên việc lọt lộ bí mật ngày càng nhiều thông qua các mạng xã hội. Đó là một điểm rất khác biệt khi tận dụng chủ nghĩa dân tộc để làm chuyện gì đó.”

Nói rõ hơn về chủ nghĩa dân tộc với kinh nghiệm từng cầm bút cho báo Đảng, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình giải thích:

“Việc khai thác chủ nghĩa dân tộc trong truyền thông xã hội là họ dùng để đối trọng với Trung Quốc là chính, hoặc cần những việc gì có mục đích chính trị thì họ định hướng để dư luận, báo chí theo như thế. Việc này từ xưa đến giờ họ vẫn làm như vậy, chỉ có lạ một điều là bây giờ những thông tin rộng mở mà những bài bản như vậy vẫn còn ở Việt Nam họ vẫn cứ làm như thế.”

Minh họa: Hướng dẫn bảo mật thông tin người dùng trên Facebook.
Minh họa: Hướng dẫn bảo mật thông tin người dùng trên Facebook. (Reuters)

Tại Việt Nam, với dân số khoảng 97 triệu người và trong đó khoảng 2/3 dân số có thể kết nối internet với khoảng 47 triệu tài khoản Facebook đang hoạt động, các nhà chức trách chính phủ Hà Nội ngày càng chú trọng đến việc thăm dò tình cảm của công chúng trên mạng.

Vào tháng 11 năm 2018, Việt Nam đã thành lập một đơn vị giám sát web có khả năng quét tới 100 triệu mẩu tin mỗi ngày để tìm “thông tin sai lệch”.

Trước đó, trong năm 2016, đất nước hình chữ S cũng đã triển khai một đơn vị mạng 10.000 người có tên là Lực lượng 47 với nhiệm vụ duy trì một môi trường internet “lành mạnh”.

Chính quyền Bắc Kinh luôn coi mạng xã hội là mối quan tâm, không phải chỉ vì sợ bị công chúng chỉ trích, mà còn vì khả năng thúc đẩy hành động tập thể hoặc tổ chức biểu tình.

Do đó, tác giả Dien Luong cho rằng đây có lẽ là một trong những chương quan trọng nhất mà Việt Nam, một quốc gia coi trọng sự ổn định chính trị hơn tất cả, đã lấy từ cuốn sách kiểm duyệt trực tuyến của Trung Quốc.

Hoàn toàn nhất trí với lập luận vừa nêu, Nhà hoạt động xã hội dân sự Trần Bang từ Sài Gòn cho hay:

“Rõ ràng tình hình kiểm duyệt rất gắt gao vì nhiều người viết Facebook bị bắt và đi tù, từ năm 2018 đến nay khá nhiều người bị. việc đó rõ ràng họ kiểm soát những người nói lên tiếng nói tự do, bảo vệ quyền con người.”

Bên cạnh đó, sự mâu thuẫn trong cách quản lý thông tin của lãnh đạo đất nước Việt Nam được blogger Nguyễn Ngọc Già chỉ ra:

“Các nhà bất đồng chính kiến, nhà báo, nhà hoạt động đưa vấn đề là đưa sự thật mà không theo định hướng về tư tưởng, về kiểm duyệt tư tưởng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Họ (chính phủ) giả bộ nói vậy thôi như nói về Biển Đông họ cho nói, nhưng ai nói lại là điều rất khác. Ví dụ như bản thân tôi đã từng viết rất nhiều bài về Biển Đông hoàn toàn có căn cứ khoa học chứ không nói sai, không nói đại nhưng họ vẫn bắt tôi và xử tôi 3 năm tù.”

Theo Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, việc blogger Nguyễn Ngọc Già vừa nêu là một phần chính trong quyền kiểm duyệt thông tin đã có từ xưa nay:

“Họ mặc định chỉ có họ mới có quyền được nói, người dân không được nói. Một số những chính sách, quan điểm thì chỉ họ mới được nói chứ người dân nói thì không được, bình luận không được. Đấy là cách ứng xử của nhà cầm quyền với dân.”

Với quan điểm cá nhân, nhà hoạt động Trần Bang cho rằng việc kiểm duyệt thông tin trực tuyến mà chính phủ Hà Nội đã, đang và sẽ làm không chỉ vi phạm nhân quyền mà còn gây ra một hệ quả khó lường khác:

“Sẽ dẫn đến việc người Việt Nam hèn nhát đi, tức người này bị bắt thì người kia sợ hãi, tự kiểm duyệt, tự đánh mất tự do, nhân bản của mình, trở thành một con vật cảm giác như ở trong chuồng gần ra đến cổng chuồng thì quay đầu lại. Luôn luôn có một cảm giác như xung quanh có một bóng ma theo dõi, nói gi, viết bào gì cũng có cảm giác không biết có bị phạt không, có bị bắt, bị theo dõi không. Làm cho người bị sợ hãi và yếu hèn. Nếu tất cả người Việt Nam đều như vậy thì sẽ làm cho cả dân tộc yếu hèn và sợ hãi.”

Tác giả Dien Luong trong bài viết đăng tải trên Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sang cho rằng Việt Nam đã thành công trong việc khai thác chủ nghĩa dân tộc để đoàn kết công chúng xung quanh cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, vốn bị coi là kẻ thù từ nước ngoài xâm nhập. Dù vậy, vẫn còn phải xem chính phủ Hà Nội sẽ chơi lá bài chủ nghĩa dân tộc trực tuyến như thế nào trước cuộc cải tổ lãnh đạo vào đầu năm tới.