Amazon vào Việt Nam sẽ như thế nào?

Sự khởi đầu tại Việt Nam

Việt Nam hiện là thị trường màu mỡ nhận được thu hút đầu tư của nhiều đại gia thương mại điện tử nước ngoài. Trước khi Amazon công bố vào Việt Nam trong tháng 3 năm 2018, tập đoàn Thương Mại Điện Tử Alibaba của tỷ phú người Trung Quốc Jack Ma cũng lấn sâu hơn vào Việt Nam bằng việc mua lại Lazada, một trong năm cổng thương mại điện tử được coi là lớn nhất hiện nay tại Việt Nam.

Vào ngày 14 tháng 3 năm 2018, Giám đốc kinh doanh toàn cầu của Amazon tại Singapore ông Gijae Seong đã có mặt tại diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018 (VOBF) tổ chức tại Hà Nội.

Ông cho biết chiến lược, kế hoạch chính thức gia nhập vào thị trường Việt Nam, bằng cách khởi động một chương trình hợp tác cùng với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để tổ chức các chương trình huấn luyện hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bán hàng, xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra thị trường thế giới.

Ông Seong trả lời với báo chí rằng: "Chúng tôi đang xây dựng đội ngũ nhân viên để giúp đỡ người bán, chủ thương hiệu, nhà sản xuất để giúp họ tận dụng kênh phân phối trực tuyến bán hàng toàn cầu, tiếp cận khách hàng qua các trang bán hàng của Amazon"

<i> <i>Chúng tôi đang xây dựng đội ngũ nhân viên để giúp đỡ người bán, chủ thương hiệu, nhà sản xuất để giúp họ tận dụng kênh phân phối trực tuyến bán hàng toàn cầu.<br/>- Ông Gijea Seong</i> </i>

Ngoài việc hợp tác với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, thì người đại diện của Amazon cũng không cho biết kế hoạch nào về việc tham gia vào thị trường 90 triệu dân, hay ít nhất một tên miền .vn nào đang được Amazon xây dựng. Ông chỉ đề cập đến việc hiện tại, Amazon đang tìm kiếm các nhà sản xuất, doanh nghiệp và triển khai các hoạt động liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm trên nền tảng của Amazon.

Để lý giải về điều này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho báo chí biết như sau: "Phía Amazon nhận thấy có rất nhiều website nhận đơn mua hàng về Việt Nam, trong khi đó, ở chiều ngược lại, hầu như không có doanh nghiệp Việt Nam nào rao bán sản phẩm trên Amazon. Vì vậy, họ muốn thúc đẩy theo chiều ngược lại, nghĩa là đưa sản phẩm Việt Nam ra toàn cầu"

Giải thích về lý do tại sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận mua hàng từ Amazon về, nhưng ít doanh nghiệp bán hàng trên Amazon hơn so với trang mạng của Trung Quốc, ông Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng:

“Một số cá nhân, doanh nghiệp chủ động đăng ký bán hàng trên Amazon nhưng lại vướng mắc nhiều về vấn đề thủ tục pháp lý mà không biết giải quyết như thế nào”

Cách thức hoạt động

Các hộp hàng đi xuống băng truyền tại Trung tâm San Bernardino của Amazon, ngày 29 tháng 10 năm 2013. (Ảnh minh họa)
Các hộp hàng đi xuống băng truyền tại Trung tâm San Bernardino của Amazon, ngày 29 tháng 10 năm 2013. (Ảnh minh họa) (AFP)

Đại diện của Amazon khẳng định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt nam bán hàng trên Amazon thông qua dịch vụ FBA, tức là các nhà sản xuất Việt Nam chỉ cần tập trung sản xuất, tìm kiếm khách hàng và đưa về kho lưu trữ, khi có đơn hàng Amazon sẽ đóng gói và vận chuyển cho khách.

Bạn Ngọc Nga cũng là một thành viên tham gia hệ thống của Amazon cho chúng tôi biết qua email: "Bên phía Amazon họ có kho hàng anh, họ sẽ chuyển hàng đi khắp thế giới cho mình, đừng nói là không chỉ người Mỹ. Ở nước ngoài mọi người cũng sử dụng nhiều trang mạng xã hội khác nhau, em có thể chạy quảng cáo thông qua các trang mạng xã hội dẫn họ vào shop trên Amazon".

Như vậy việc Amazon vào thị trường Việt nam cũng với mong muốn đưa hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài, cũng như người nước ngoài có thể mua hàng của Việt Nam.

<i>Amazon vào Việt Nam thì nó dùng cho các doanh nghiệp muốn xuất khẩu và người nước ngoài muốn mua hàng của Việt Nam chứ không phải dành cho người tiêu dùng.<br/>- Chị H.Thương</i>

Chị Huyền Thương, quản lý marketing của một công ty truyền thông tại Việt Nam cho rằng, ban đầu khi nghe tin Amazon vào Việt Nam thì nghĩ có thể mua được các mặt hàng từ Mỹ mà trước đây muốn mua mà không được nhưng giờ có thể sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng khi có thông tin chính thức về Amazon, chị cho biết:

"Em nghĩ Amazon vào Việt Nam thì nó dùng cho các doanh nghiệp muốn xuất khẩu và người nước ngoài muốn mua hàng của Việt Nam chứ không phải dành cho người tiêu dùng như em. Amazon vào Việt Nam có thể theo hình thức B2B có nghĩ là từ doanh nghiệp này buôn bán qua doanh nghiệp khác, hoặc cũng có thể là B2C nghĩa là từ doanh nghiệp đến thẳng khách hàng, nhưng em thấy vậy chỉ dành cho khách hàng ở nước ngoài muốn mua hàng của Việt Nam."

Amazon hiện tại có mặt tại 13 quốc gia trên thế giới. Hai quốc gia mới nhất mà Amazon tiến quân gần đây là Brazil và Australia. Hơn 51% mặt hàng bán trên Amazon đều đến từ bên thứ 3 và 25% doanh số bán lẻ thuộc về người bán đến từ hàng trăm quốc gia trên thế giới. Những người bán hàng trên Amazon có mặt tại 172 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm ngoái và cho biết đã thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia kinh doanh chỉ sau nửa năm. Trong khi đó mặc dù chưa chính thức gia nhập Việt Nam nhưng Amazon hiện đã có khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam là thành viên.

Theo báo cáo của tập đoàn nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Năm 2016, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam tăng 23% đạt 5 tỷ USD, chiếm 3% tổng doanh thu bán lẻ trong nước. Tốc độ tăng trưởng được ước tính là 25% trong năm 2017, và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trong ba năm tới.