Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết hiện tại trên hệ thống sông Mekong từ đầu nguồn đến Việt Nam đã có 11 công trình thủy điện do Trung Quốc xây dựng và đã đưa vào vận hành, trong khi đó khu vực Lào, Thái Lan, Campuchia cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm 11 công trình đập nữa.
Giảm 50% phù sa
Theo kết luận của các chuyên gia đưa ra tại buổi tham vấn ý kiến của Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức ngày 4/11, nếu chỉ tính riêng 11 công trình phía TQ đã tác động đáng kể đến lượng phù sa, cát bùn, làm giảm hơn 50% tổng lượng phù sa của lưu vực sông Mekong.
Trả lời RFA hôm 4/11, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và tài nguyên, đang làm việc tại Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu của Đại Học Cần Thơ, xác nhận thông tin vừa nêu là hoàn toàn chính xác, ông dẫn chứng:
“Ngày xưa lưu lượng phù sa hoặc cát tải xuống hạ nguồn là 160 triệu tấn mỗi năm. Còn theo số liệu đo đạt gần đây chỉ còn khoảng 80 triệu tấn/năm, tức là mất khoảng một nửa hoặc hơn một nửa một ít.”
Trong khi đó, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, khi trao đổi với RFA hôm 4/11cho rằng, không chỉ giảm phù sa mà lâu nay, hệ thống các thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong gây ra nhiều tác động khác nhau ở hạ nguồn. Nhưng, ông cũng khẳng định tác động đáng lo ngại nhất là giảm lượng phù sa ở hạ nguồn sông Mekong:
“Việc hạ giảm lượng phù sa ở hạ nguồn sông Mekong trực tiếp ảnh hưởng đến dinh dưỡng trong đất trồng lúa, trong nước tưới lúa. Ngoài ra nó còn làm giảm bớt khả năng bồi đắp cho lòng sông, và bồi đắp ở cửa biển. Vì thế nó có nguy cơ tăng xói lở ven bờ sông, làm cho ĐBSCL không có điều kiện giữ vững nền của nó và phát triển ra biển Đông, như hàng ngàn năn trước nữa. Cò thể nói đây là tác động rất xấu cho sản xuất nông nghiệp, cũng như cho đời sống của người dân khu vực ĐBSCL ở Việt Nam.”
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, một khi lượng phù sa suy giảm như vậy thì làm cho vùng đồng bằng lún sâu hơn, vì đồng bằng sông Mekong là đồng bằng trẻ, được bồi đắp bằng vật liệu rời rạc, tính năng công trình yếu, chủ yếu là lớp cồn cát bị chìm nén, nhờ phù sa nên từ từ mới nhô lên và vươn ra ngoài biển được. Bây giờ do phù sa trên thượng nguồn về ít thì tốc độ lún tăng lên, vì không có lượng bù lún.
Thiếu giải pháp khả thi
Tính đến tháng 10 năm 2019, trên đoạn Mêkông chảy qua Trung Quốc đã có 11 đập thủy điện mang lại 21.300 megawatt điện cho nước này. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang lên kế hoạch xây thêm 8 đập ở lưu vực sông, cả ở dòng chính và trên các nhánh phụ, ước tính những đập này có thể tạo thêm 6.000 megawatt điện.
Theo thông tin từ chuyên gia Premrudee Deoruong của tổ chức bảo vệ môi trường Laos Dam Investment Monitor tại Lào, được Reuters trích dẫn hôm 24/07/2019 cho biết, hiện giờ Trung Quốc gần như kiểm soát hoàn toàn dòng sông Mekong và từ nay, có một mối lo ngại là dòng sông sẽ bị các nhà khai thác đập thủy điện TQ kiểm soát.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Tổng Thư ký phụ trách văn phòng phía nam của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 4/11/2019 thì cho rằng:
“Thật ra trên thượng nguồn sông Mekong không chỉ có Trung Quốc, mà còn có Lào, Campuchia, Myanmar… là các quốc gia thượng nguồn sông Mekong, còn Việt Nam là hạ nguồn. Tất cả thủy điện trên đấy đều gây ảnh hưởng phù sa và nguồn nước… cho nên nếu họ không xả nước thì ĐBSCL sẽ thiếu nước, mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền... Vì vậy nếu muốn chủ động trong sản xuất hay cấp nước sinh hoạt thì phía Việt Nam phải chủ động. Có rất nhiều giải pháp để hạn chế tác động do người ta không xả nước xuống, như thay đổi giống cây trồng, thay đổi mùa vụ…”

Theo Ủy ban sông Mê Kong Việt Nam cho biết, hiện tại trên hệ thống sông Mekong không chỉ có các công trình đập thủy điện do Trung Quốc xây và đưa vào vận hành, tại khu vực Lào, Thái Lan và Campuchia cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm 11 công trình đập thủy điện nữa.
Nếu chỉ tính tại Lào, hiện có 64 đập thủy điện, các đập thủy điện tại Lào nhiều, nhưng có quy mô nhỏ hơn so với Trung Quốc nhiều, 64 đập hiện mang lại sản lượng chưa tới 6.000 megawatt điện. Nhưng có tới 63 đập khác đang được Lào xây dựng hoặc được lên kế hoạch xây dựng. Với tham vọng trở thành nguồn cung cấp năng lượng tại châu Á, Lào còn đề xuất xây thêm hơn 300 đập. Kế hoạch này có thể khiến sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện của Lào trên sông Mêkông vượt Trung Quốc.
Với số lượng đập thủy điện khổng lồ ở thượng nguồn, trong tương lai, lượng phù sa tại ĐBSCL sẽ còn giảm đáng kể, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cây lúa như thế nào? Để tìm hiểu thêm, hôm 4/11, RFA liên lạc Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lai, nguyên Viện trưởng Viện Nông hóa Thổ nhưỡng, và được ông cho biết như sau:
“Ảnh hưởng từ thủy điện ở thượng nguồn thì chắc chắn rồi, đầu tiên là lũ thì thấp, còn ruộng thì không có phù sa thì ảnh hưởng độ phì nhiêu đất, dẫn đến ảnh hưởng năng suất, sinh trưởng của cây lúa. Thế nhưng mà biện pháp hạn chế ảnh hưởng khi thiếu phù sa thì tổng quát chỉ có thể áp dụng biện pháp quản lý dinh dưỡng, ví dụ như bón phân hữu cơ, xử lý phân vô cơ hợp lý, chứ còn bù phù sa thì rất khó…”
Với thông tin liệu nếu Trung Quốc xả đập thường xuyên có giúp gì cho lượng phù sa ở ĐBSCL? Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lai cho rằng, nếu thực sự Trung Quốc xả đập thì chủ yếu là nước trong, vì họ trữ nước trong hồ thì phù sa đã lắng xuống rồi, nên hàm lượng phù sa trong đó không đáng kể. Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lai, thật ra giải pháp tốt nhất là không có cái đập nào hết, trả lại dòng sông Mekong như cũ.
Tuy nhiên, điều mong muốn của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lai tất nhiên là không thể xảy ra. Vậy Việt Nam cần làm gì để hạn chế tác động môi trường do thủy điện gây ra?
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định:
“Tôi nghĩ với cung cách thông tin không tương xứng như hiện nay, với cung cách mà chúng ta chưa có một cái ‘chức’ để mà đàm đạo, thương thảo, thống nhất toàn vùng như hiện nay… thì cách tốt nhất theo tôi là phải tổ chức các công trình nghiên cứu, để xem thực sự mức độ tác động của các đập thủy điện trên thượng nguồn đối với phù sa, đối với tính đa dạng sinh học của thủy sản, đối với nước hay các yếu tố khác nhưng thế nào? Và tốt hơn hết là xây dựng một cơ chế thông tin minh bạch, có thể giám sát quốc tế một cách hết sức khách quan, để xem tác động này diễn ra như thế nào? Từ đó, có được tiếng nói của các tổ chức chính phủ, của các tổ chức phi chính phủ, để thống nhất với nhau, bảo vệ một lưu vực sông Mekong phát triển vững bền, và đảm bảo quyền lợi cho các bên, nhất là người dân, người sản xuất nông nghiệp, và người sống trên lòng sông…”
Còn vấn đề trao đổi song phương với phía Trung Quốc thì Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết, chính phủ hay ủy ban sông Mekong cũng đã đề cập vấn đền này trong các thảo luận, nhưng tới giờ ông cũng chưa thấy dấu hiện nào cho rằng Trung Quốc sẽ đáp ứng những vấn đề mà ủy ban sông Mekong đưa ra.