Kỷ niệm 70 năm ngày Quốc Tế Nhân Quyền, cũng là Ngày Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) và Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam để vinh danh ba nhà hoạt động nhân quyền với những đóng góp quan trọng trong năm 2018, đó là hai tù nhân chính trị Trần Thị Nga, Hoàng Đức Bình và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang.
Chương trình diễn ra vào lúc 1 giờ trưa Thứ Bảy, 9 Tháng 12 tại nhà hàng Moonlight ở thành phố Westminster, miền Nam California, với sự tham dự của đại diện hội đồng thành phố, của các hội đoàn chính trị, tôn giáo, bạn bè thân hữu của những khôi nguyên nhân quyền, và đồng hương quan tâm.
Phát biểu chào mừng những người được vinh danh trong ngày đặc biệt này, ông Nguyễn Kim Bình, Trưởng Ban Phối Hợp MLNQVN, nói:
“Vinh dự ngày hôm nay, cá nhân tôi có được sự may mắn là được thay mặt cho toàn thể mạng lưới nhân quyền để gửi lời chúc mừng đến ba người bạn trẻ này và xin chia sẻ vinh dự của ba bạn. Trong sự vinh danh đó, chúng ta cũng nhắc nhở nhau, và một lần nữa chúng ta cùng hứa với ba người bạn trẻ này, cũng như với các tù nhân lương tâm, và những người dân trong nước đang sống dưới sự đàn áp là chúng ta không bao giờ quên họ”
Mở đầu buổi lễ, ‘người tù bất khuất,’ sử gia Phạm Trần Anh điểm sơ qua về Ngày Quốc Tế Nhân Quyền:
"Hôm nay là ngày kỷ niệm 70 năm Liên Hiệp Quốc công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 10 Tháng 12, 1948, để tuyên dương lý tưởng nhân bản cao đẹp của nhân loại, đồng thời cũng là ngày kỷ niệm năm thứ 12 ngày thành lập Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam.
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền long trọng tuyên cáo trước toàn thể nhân loại rằng mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền sống làm người, quyền tự do căn bản, như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng để mọi người không còn nghèo khó và sợ hãi bạo quyền, nhân quyền phải được tuyên xưng như một ước vọng cao cả nhất của con người.
Ngày nay nhân loại bước sang thiên niên kỷ thứ, chỉ còn vài nước, trong đó có nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không tôn trọng nhân quyền và dân quyền.”
Ngày nay nhân loại bước sang thiên niên kỷ thứ, chỉ còn vài nước, trong đó có nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không tôn trọng nhân quyền và dân quyền. - Sử gia Phạm Trần Anh
Trong phần vinh danh các khôi nguyên được nhận Giải Nhân Quyền 2018, lần lượt giáo sư Đỗ Anh Tài, ông Ngô Văn Hiếu, phó trưởng ban phối hợp MLNQVN, và nhà hoạt động xã hội Jackie Bông đã lần lượt lên giới thiệu về tiểu sử cũng như thành tích của ba người được trao giải.
Theo đó, anh Hoàng Đức Bình là nhà hoạt động tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường và giúp dân khiếu kiện sau thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh gây nên. Anh bị tuyên án 14 năm tù tại phiên xử hôm ngày 6 Tháng Hai năm nay với cáo buộc ‘Chống người thi hành công vụ’ và Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích của các tổ chức, công dân’.
Là người nhận giải thay cho anh Hoàng Đức Bình, cô Holly Ngô phát biểu:
“Cám ơn Mạng lưới nhân quyền đã trao cho anh Hoàng Đức Bình giải thưởng ngày hôm nay. Giải thưởng này tôi đã báo về cho gia đình Bình biết một tuần trước đây, cả nhà rất mình, hãnh diện, và hy vọng rằng với giải thưởng này nhà anh sẽ có thêm phương tiện đi thăm nuôi và duy trì ý chí đấu tranh của anh trong nhiều năm tới.”
Người thứ hai được trao giải là Nhà báo Phạm Đoan Trang, từng là phóng viên của một số báo Nhà nước nhưng trở thành blogger, nhà hoạt động xã hội. Cô tham gia những hoạt động gồm chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, phát động chiến dịch bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, tổ chức các lớp đào tạo về báo chí, chính trị học, chính sách công cho các nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam. Nhà báo Phạm Đoan Trang là tác giả của các cuốn sách Kỹ Năng Báo Chí Căn Bản, Cẩm Nang Hoạt Động Xã Hội, cùng dịch sách "Từ Facebook Đến Xuống Đường".
Tác phẩm gần đây nhất là "Chính Trị Bình Dân" xuất bản trên Amazon năm 2017 và vì cuốn sách này cô nhiều lần bị cơ quan an ninh đưa lên đồn làm việc.
Cô Lý Trí Anh, người bạn thân thiết của Phạm Đoan Trang, nhận giải thay cô, bày tỏ cảm nghĩ:
“Tôi hãnh diện được đến đây để nhận giải Nhân Quyền Việt Nam 2018 cho em Phạm Đoan Trang. Em thực sự là người xứng đáng để nhận giải nhân quyền này… Em là người không vì mình, lúc nào cũng vì tất cả mọi người và em đưa những chuyện chung, chuyện chính cho quê hương, dân tộc lên cao hơn tất cả những quyền khác, em không hề nghĩ đến bản thân em, bất cứ việc gì em cũng đều nghĩ đến đồng đội.”
Người thứ ba được vinh danh là bà Trần Thị Nga, mẹ của hai con nhỏ, hiện đang phải thụ án 9 năm tù tại Trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Bà Trần Thị Nga từng là nạn nhân của nạn xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Khi về nước bà tham gia giúp đỡ cho những nạn nhân khác, và rồi dấn thân tranh đấu vì quyền con người.

Nhà báo Uyên Vũ nhận giải thay cho bà Trần Thị Nga phát biểu:
“Kính thưa quý vị, tôi rất lấy làm vinh dự được có mặt hôm nay và được một vinh dự lớn hơn là nhận giải thưởng này thay cho Trần Thị Nga, một người thân thiết, một người bạn cùng chí hướng với chúng tôi. Tôi còn nhớ cách đây hai năm, tôi cũng có vinh dự nhận giải dùm cho chị Hồ Thị Bích Khương, hôm nay lại cũng là một phụ nữ nữa ở Việt Nam. Như lời chị Jacki Bông vừa mới phát biểu, mọi người đều nhìn thấy những cảnh tượng cô Trần Thị Nga bị gãy chân, gãy tay vì những đòn thù của bọn công an. Ngày cô Trần Thị Nga bị bắt, thực ra tôi không hề ngạc nhiên chút nào, vì một người phụ nữ bất khuất, một người phụ nữ có thể nói là uy vũ bất năng khuất, cô không bao giờ, không lúc nào chịu quỵ lụy hoặc chịu nhún nhường trước bọn công an.”
Cũng tại buổi này, MLNQVN và Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam cũng trao Giải Dân Quyền và Cây Mùa Xuân Dân Chủ 2018 cho Hứa Hoàng Anh, Huỳnh Tấn Tuyên, Đinh Văn Hải và Đoàn Huy Chương, là những người đại diện cho đồng bào trong nước bị đánh đập trọng thương và bị xét xử với những bản án nặng nề trong ngày biểu dương sức mạnh của toàn dân 10 Tháng Sáu, 2018 vừa qua.
Giải Nhân Quyền Việt Nam thành lập từ năm 2002 được trao tặng hàng năm. Cho đến nay đã có 42 cá nhân và 3 tổ chức có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho công lý và nhân quyền tại Việt Nam được nhận giải.
Theo Ban tổ chức, Giải Nhân Quyền VN còn là một cơ hội để người Việt hải ngoại bày tỏ tình liên đới với những nhà hoạt động tại quê nhà.