Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội hôm 18 tháng 9 cho biết trong quý II năm nay, cả nước có số người thất nghiệp trình độ đại học là 126.900 người, chiếm 2,47%, có giảm 15.400 người so với quý I.
Mặc dù đây là một tín hiệu được bộ này đánh giá là đáng mừng, tuy nhiên số lao động trình độ đại học thất nghiệp đến nay vẫn được đánh giá là quá cao, ở mức báo động.
Ngoài hơn một trăm ngàn cử nhân thất nghiệp ra, còn có 70.800 người trình độ cao đẳng chưa có việc làm.
Chị Thu, một người đã tốt nghiệp đại học hơn 10 năm nay, nhưng do không xin được việc làm đúng ngành học, hiện nay đang kinh doanh nhỏ tại Hà Nội cho biết:
Trước tôi nghĩ rằng mình học đại học có tấm bằng sẽ được hưởng mức lương cao hơn. Song khi tốt nghiệp thì mãi cũng chẳng tìm được việc làm phù hợp với tấm bằng mà mình học. Chính vì thế mà tôi lựa chọn một nghề phổ thông khác phù hợp với khả năng của tôi.
Hiện nay có rất nhiều sinh viên đồng cảnh ngộ với chị Thu, tốt nghiệp đại học, nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng đành phải chấp nhận ở nhà chờ việc, hoặc làm các công việc khác, thậm chí cá biệt còn có người phải chọn lao động tay chân để trang trải cuộc sống, đó là điều hết sức phổ biến. Cũng có những người bỏ bằng Đại học để đi học nghề với hy vọng để có việc làm.
Hệ thống giáo dục đào tạo vẫn chưa bắt kịp được nhu cầu của thị trường.- TS Đào Quang Vinh
Chúng tôi nêu câu hỏi vì sao tỷ lệ lao động trình độ đại học thất nghiệp đến nay vẫn còn cao như vậy với Tiến sĩ Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thuộc Bộ Lao động- Thương Binh- Xã hội. TS Đào Quang Vinh cho biết nguyên nhân là do các chính sách của Nhà nước bên cạnh những biện pháp hiệu quả, vẫn còn nhiều điểm bộc lộ yếu kém:
Các chính sách tốt cần duy trì đó là tiếp tục thúc đẩy để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tức là chuyển sang các ngành nghề có sức cạnh tranh lớn hơn, có giá trị gia tăng cao hơn. Đẩy mạnh những ngành có các khâu cần lao động tay nghề cao. Điều này được cho thấy rất rõ là trong quý II số doanh nghiệp mới được thành lập nằm trong ngành công nghệ mới nhiều hơn.
Những điểm mà chưa được là hiện nay trong khâu đổi mới giáo dục đào tạo bởi vì một số ngành, lĩnh vực hiện nay thị trường lao động vẫn còn thiếu. Hệ thống giáo dục đào tạo vẫn chưa bắt kịp được nhu cầu của thị trường. Vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động vẫn còn khó khăn, ví dụ như các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ thông tin, các kỹ sư về cơ khí chế tạo.
Một điểm nữa đó là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần thay đổi chương trình đào tạo, bám sát hơn với nhu cầu thị trường bởi vì vẫn còn tình trạng nhiều học sinh học nghề xong, khi được tuyển dụng vào các doanh nghiệp mất nhiều thời gian đào tạo bổ sung cho họ thì mới có thể làm việc được. Lý do là vì trong chương trình đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết so với thực hành, khác với nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp. Hiện nay việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp diễn ra rất nhanh, trong khi chương trình đào tạo chưa bắt kịp được nhu cầu thực tế.
Một điểm nữa TS. Đào Quang Vinh nêu ra đó là trong các chính sách kết nối cung-cầu lao động cũng cần phải cải thiện. Ví dụ như việc dự báo các ngành nghề, lĩnh vực sẽ cần tuyển dụng lao động để giúp học sinh, sinh viên hướng vào học những nghành thị trường còn có nhu cầu. Hệ thống thông tin thị trường lao động cũng cần được cập nhật nhiều hơn để cung cấp những thông tin chi tiết và đầy đủ hơn. Hệ thống dịch vụ việc làm cũng phải làm thế nào đó để đảm bảo học sinh, sinh viên, những người có nhu cầu việc làm tiếp cận dễ dàng hơn, đặc biệt ở khu vực nông thôn, các thành phố nhỏ để họ biết nhu cầu tuyển dụng, tìm việc nhanh hơn.
Đã từ lâu, các chuyên gia giáo dục cảnh báo về tình trạng chương trình giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng không bám sát với nhu cầu thực tế, khiến sinh viên ra trường cầm tấm bằng trên tay nhưng không thể xin được việc. Các chương trình đào tạo thường được giảng dạy hết năm này qua năm khác, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp thay đổi theo từng năm.
Một thống kê của mạng việc làm Jobstreet Việt Nam cho thấy ngoài việc sinh viên trình độ đại học thất nghiệp, có đến 90% đối tượng mới tốt nghiệp đại học không bằng lòng với công việc đang làm, 55% trong số này cho biết, lý do là vì công việc không mang lại hướng đi sự nghiệp rõ ràng.
Trong khi đó tại buổi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục VN ông Phùng Xuân Nhạ lại nói rằng tỷ lệ thất nghiệp trình độ đại học ở VN khoảng trên dưới 4%, tức tầm 200.000 sinh viên thất nghiệp, là con số không quá lớn.
Chúng tôi cũng nêu vấn đề với chuyên gia giáo dục Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nguyên giảng viên trường đại học Liège - Bỉ, ông nhận định:
Các trường đại học ở VN trong những năm gần đây lại được mở ra khá thoải mái. Gần như tỉnh nào cũng có một trường đại học, trong khi đó thì chương trình giảng dạy và đội ngũ giảng viên không được chỉn chu và không có chất lượng. Cho nên những sinh viên ra trường sau 4 năm đại học rất đông đảo nhưng lại không đáp ứng được chất lượng. Hơn nữa, kiếm chỗ làm ở VN là một vấn đề khó, nhất là khu vực Nhà nước đang gặp cản trở rất lớn, đó là vấn nạn cửa quyền, một cái thói là phải chi cái gì đó thì mới có công ăn việc làm. Mà số tiền chi đó khá lớn, lên cả trăm triệu, cho nên con em của những gia đình khó khăn, hay kể cả bình thường, rất khó có được chỗ làm như vậy.
Kiếm chỗ làm ở VN là một vấn đề khó, nhất là khu vực Nhà nước đang gặp cản trở rất lớn, đó là vấn nạn cửa quyền. - GS. Nguyễn Đăng Hưng
Không hiếm để bắt gặp những câu chuyện sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí loại giỏi, ưu tú, nhưng lại thất nghiệp vì gia đình không có tiền xin việc. Vấn nạn chi tiền mua việc làm ngày càng gia tăng trong xã hội Việt Nam. Năm 2016, báo cáo Hiệu quả Quản trị và Hành chính của VN cho thấy có đến 54% số người dân cho biết họ phải hối lộ mới xin được việc trong cơ quan Nhà nước, cao hơn tỷ lệ 51% năm 2015 và 46% năm 2011. Đây cũng là nguyên nhân nguồn nhân sự ở nhiều cơ quan Nhà nước không đạt chất lượng, vì họ được tuyển dụng không chỉ dựa trên năng lực.
Tại Hội thảo Giáo dục 2018 tổ chức vào tháng trước, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm bớt số lượng trường công, trường đại học vùng để tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu quả giáo dục. Các chuyên gia chúng tôi tiếp xúc nói rằng đây là một đề nghị hợp lý, tuy nhiên đồng thời cũng cho thấy sự khủng hoảng trong hệ thống giáo dục hiện nay.