Căn cước thể hiện chủ quyền biển đảo Việt Nam: hợp lòng dân Việt!

0:00 / 0:00

Bộ Công an Việt Nam đặt mục tiêu cấp 50 triệu căn cước công dân có gắn chip điện tử trước ngày một tháng Bảy năm nay. Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bản đồ Việt Nam kèm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên mặt trống đồng. Đây là lần đầu tiên người dân thấy hình ảnh khẳng định chủ quyền Việt Nam được in công khai trên giấy tờ chứng minh nhân thân như thế.

Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng, sự thật đã được khẳng định khi ông lần đầu nhìn thấy căn cước in hình bản đồ Việt Nam đầy đủ như thế. Ông chia sẻ với RFA cảm nghĩ của mình:

"Khi đối chiếu căn cước của người đến khám bệnh thì tôi thấy ngay bản đồ trên căn cước vì vấn đề này trong đầu tôi mấy năm nay rồi. Về mặt pháp lý thì rõ ràng rồi, tất nhiên chỉ là hình nền nhưng đó là việc Nhà nước phải làm. Nhà nước đã làm việc đắc nhân tâm trong trường hợp này. Nó hợp với lòng dân. Bây giờ việc tranh chấp ngày càng hiển nhiên và minh bạch nên Nhà nước phải theo xu hướng đó thôi.

Trước đây không in bản đồ Việt Nam trên các giấy tờ như CMND hay hộ chiếu. Bây giờ họ công khai in nền có hình bản đồ Việt Nam thì phải có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên đó. Họ phải làm thế nó mới phù hợp với những điều họ tuyên bố xưa nay; phù hợp với lịch sử và nhất là hợp lòng dân. Công dân nào cũng nhìn thấy để biết. Trước kia họ để ở mức hàn lâm, nghĩa là mức chính phủ, ngoại giao hoặc công khai trên báo chí Nhà nước. Bây giờ họ cụ thể hóa như thế là hướng tốt.”

Họ phải làm thế nó mới phù hợp với những điều họ tuyên bố xưa nay; phù hợp với lịch sử và nhất là hợp lòng dân. Công dân nào cũng nhìn thấy để biết. - Bác sĩ Đinh Đức Long

Việt Nam mất Hoàng Sa đến nay đã 47 năm. Khi Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) trao quyền thăm dò, khai thác dầu khí cho các công ty nước ngoài ở nhóm đảo Trăng Khuyết vào giữa năm 1973, Hải quân VNCH và Trung Quốc đã bắt đầu có những vụ đụng độ trên biển. Cao điểm là trận hải chiến đầu năm 1974.

Ngày 19 tháng Một năm 1974, một trận hải chiến xảy ra ở vùng biển Quần đảo Hoàng Sa giữa Hải quân Trung Quốc và Hải quân VNCH. Ngày 20 tháng Một năm 1974, Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát tất cả các đảo từ phía VNCH. 74 thủy thủ VNCH tử trận, 16 thủy thủ bị thương và 48 thủy thủ bị bắt làm tù binh. Phía Trung Quốc có 18 thủy thủ tử trận, 67 thủy thủ bị thương.

Có một câu nói của ông Lê Đức Thọ và Ban Tuyên giáo trung ương được Nhà báo Bùi Tín nhắc lại vào năm 2014 rằng: “Hãy yên tâm, Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền tay sai của đế quốc Mỹ”.

Nhiều người cho rằng, chuyện mất Hoàng Sa là cái giá phải trả cho đường lối ngoại giao kiểu đồng chí của người cộng sản.

Còn với Trường Sa, ngày 14 tháng Ba năm 1988, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đổ bộ lên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa thảm sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam và chiếm đảo. 56 người mãi mãi nằm lại biển khơi; tám người được đồng đội mang xác về; chín người sống sót. Báo chí Trung Quốc hàng năm vẫn nhắc lại như một chiến thắng. Còn phía Việt Nam thì im lặng đến mấy chục năm sau mới dè dặt đề cập đến.

Là một người dân, cô Tuyết Lan từ Sài Gòn cho biết, cô chẳng bao giờ quan tâm hình nền giấy tờ tùy thân được Nhà nước cấp có ý nghĩa gì. Nhưng lần này thì khác. Cô nói:

“Em thấy đây là việc làm tốt về phía Nhà nước vì lâu nay nhiều người không hiểu quan điểm của Nhà nước khi người dân nói Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thì bị bắt bớ, đánh đâp.

Em thấy mừng vì bây giờ Nhà nước đứng về phía người dân. Đây là sức mạnh để bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Em mong một ngày nào đó có bản đồ Việt Nam kèm Hoàng Sa, Trường Sa trên hộ chiếu cho quốc tế biết.”

2017-01-19T120000Z_1004099130_RC1410E95D00_RTRMADP_3_VIETNAM-PROTEST.JPG
Người biểu tình nhân kỷ niệm 43 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam. Biểu tình tổ chức ở Hà Nội hôm 19/1/2017. Reuters

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định rằng, việc Nhà nước cho in hình bản đồ có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lên hộ chiếu thì chưa có tiền lệ trong tất cả các nước có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Hơn nữa, việc khẳng định chủ quyền như thế trên hộ chiếu không có lợi cho công dân Việt Nam khi ra nước ngoài, cho đến lúc này. Còn với thẻ căn cước công dân, ông Phúc nói:

“Thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử mà Bộ Công An mới triển khai từ đầu năm đến nay có một điều làm mọi người hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy mẫu thẻ có hình bản đồ Việt Nam kèm hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. Đây là lần đầu tiên Việt Nam khẳng định chủ quyền trên giấy tờ như vậy. Nó tạo ra cái hy vọng, cái phấn khởi trước tinh thần chống sự bành trướng, quấy rối của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đó là một chỉ dấu cho thấy rằng cái âm mưu xâm lược của Trung Quốc đối với Biển Đông không bao giờ thay đổi và sức chịu đựng của Việt Nam đã đạt ngưỡng. Chính vì vậy Việt Nam bắt đầu mạnh mẽ trong thái độ của mình. Nhất là hôm qua, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam khi nói vấn đề Trung Quốc tiến hành hàng loạt cuộc tập trận trong tháng Ba này đanh thép và mạnh mẽ hơn.”

Đó là một chỉ dấu cho thấy rằng cái âm mưu xâm lược của Trung Quốc đối với Biển Đông không bao giờ thay đổi và sức chịu đựng của Việt Nam đã đạt ngưỡng. Chính vì vậy Việt Nam bắt đầu mạnh mẽ trong thái độ của mình. - Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc hôm ba tháng Ba vừa qua có đưa bản tin kèm theo video clip về cuộc tập trận quy mô nhưng không nói rõ diễn ra ngày nào. Trong video đó, người ta thấy một nhóm chiến hạm từ tàu chở quân đổ bộ cỡ lớn, đi cùng với các khu trục hạm hộ tống. Lính Trung Quốc và chiến xa từ tàu đổ bộ chở vào đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền. Trên không có máy bay ném bom và trực thăng.

Cục Hải sự Trung Quốc vào cuối tháng Hai và vào ngày 11 tháng Ba công khai công bố hai cuộc tập trận: một cuộc tại Vịnh Bắc Bộ trong suốt tháng Ba và một cuộc từ ngày 12 đến 14 tháng Ba.

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 11 tháng Ba năm 2021, trả lời đề nghị cho biết phản ứng trước thông tin Trung Quốc tổ chức diễn tập trái phép trên đảo Tri Tôn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quan hệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông”.

Đây là câu mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lặp đi, lặp lại mỗi khi báo giới hỏi về hoạt động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông.