Nếu Việt Nam cho dân tự do hơn, quốc gia chỉ có thể mạnh hơn: cựu Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ Cao Quang Ánh

0:00 / 0:00

Hôm 15/11/2023, Reuters đưa tin Việt Nam bắt giữ cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng với cáo buộc "chiếm đoạt tài sản". Một sự trùng hợp đáng chú ý là vụ bắt giữ vị Đại biểu Quốc hội mà Reuters nhận xét "nổi tiếng là người thỉnh thoảng bày tỏ quan điểm chỉ trích các quan chức chính phủ và lực lượng an ninh" diễn ra trong lúc chuyến thăm Việt Nam của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển, Surya Deva, còn chưa kết thúc.

Vào tháng 9 năm 2023, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cùng ông Nguyễn Phú Trọng công bố nâng cấp quan hệ song phương hai nước, Việt Nam đã bắt bà Hoàng Thị Minh Hồng, một chuyên gia về môi trường và năng lượng xanh, với cáo buộc trốn thuế, bắt bà Ngô Thị Tố Nhiên với cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu” của chính phủ. Từ năm 2021 đến nay, trong khi Hà Nội đang làm việc với các quốc gia G-7 để được hỗ trợ tài chính nhằm giảm sử dụng than, Việt Nam đã bắt 5 nhà hoạt động môi trường.

Trong cuộc họp báo hôm 15/11, khi kết thúc chuyến làm việc 10 ngày tại Việt Nam, ông Surya Deva đã cảnh báo chính quyền Việt Nam “sử dụng luật pháp một cách có chọn lọc” nhắm vào một số nhà hoạt động nhân quyền và hoạt động môi trường.

Trong bối cảnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng Hoa Kỳ đang “tạm thời” cho Việt Nam nhiều hơn là “đòi hỏi” và không chú ý đúng mức đến vấn đề nhân quyền. Trái với bầu không khí lạc quan về quan hệ hai nước, có ý kiến cho rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam có thể phá vỡ quan hệ hai nước trong tương lai không xa. Nhân dịp này, RFA có cuộc trao đổi với Cựu Dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ Cao Quang Ánh về các vấn đề nói trên trong quan hệ Việt Mỹ.

RFA. Ông có quan điểm thế nào về ý kiến cho rằng trong bang giao Việt- Mỹ thì Hoa Kỳ đang cho Việt Nam quá nhiều mà không đòi hỏi những vấn đề tự do cơ bản cho người dân?

Cao Quang Ánh: Trước hết, qua kinh nghiệm của tôi, nước Mỹ ít khi cho nước nào một quyền lợi gì đó mà không đòi hỏi ngược lại. Nước Mỹ luôn đòi hỏi mình cũng có lợi trong cuộc bang giao đó.

Đối với tôi, trong vấn đề hai nước Hoa Kỳ - Việt Nam tuyên bố nâng cấp quan hệ trong bang giao giữa hai nước, thì lời tuyên bố thường khác với việc hai bên thực sự làm khi họ ngồi xuống để bắt đầu bàn luận, trao đổi ý kiến về những gì hai bên sẽ làm.

Khi hai quốc gia đã ngồi xuống với nhau rồi thì chắc chắn Mỹ sẽ đã đòi hỏi Việt Nam phải làm một cái gì đó để hưởng lợi ích từ nước Mỹ. Nếu chúng ta nghĩ Mỹ chỉ cho mà không đòi hỏi ngược lại thì điều đó không có trong kinh nghiệm làm việc của tôi.

RFA. Trong bản tuyên bố chung khi nâng cấp quan hệ hai nước, bản tiếng Anh nêu bật vấn đề nhân quyền, rằng Mỹ sẽ hợp tác với Việt Nam cải thiện vấn đề nhân quyền trong nước, nhưng bản tiếng Việt mà Hà Nội công bố không nhắc đến vấn đề đó.

Cao Quang Ánh: Có thể họ sơ ý trong vấn đề thông dịch. Nhưng nói chung, trong những giấy tờ hai bên đã đồng ý thì những bản đã được thông dịch từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ kia thì sẽ chính xác hơn. Còn những văn bản mà mỗi bên tuyên bố riêng thì đôi khi mỗi bên có thể lược bỏ chương trình này, chương trình nọ. Điều đó cũng thỉnh thoảng xảy ra chứ không phải không.

Tuy nhiên như tôi đã nói ở trên, lúc hai bên đã ngồi xuống làm việc với nhau, phía Mỹ sẽ phải bàn luận mọi vấn đề quan trọng với nước Mỹ, Hiến pháp Mỹ, người dân Mỹ, các cơ quan thương mại của Mỹ. Qua kinh nghiệm của tôi, tôi thấy nước Mỹ thường đòi hỏi nhiều hơn là cho, vì nước Mỹ là nước lớn trên thế giới.

Khi chúng ta nói trong bang giao Việt- Mỹ nước nào cần cho nước nào hơn, theo hiểu biết của tôi thì nước Việt Nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam.

Mỹ hiện tại cũng đang lo về sự bành trướng của Trung Quốc nhưng nói chung Việt Nam lo lắng trước Trung Quốc hơn là Mỹ. Vì Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc, và giả sử xảy ra chiến tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc thì Việt Nam không thể chống lại Trung Quốc nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ. Qua kinh nghiệm của tôi thì tôi biết là khi nước Mỹ ngồi xuống bàn luận về bang giao thì nước Mỹ chắc chắn đòi hỏi lợi ích cho nước Mỹ, người dân Mỹ.

RFA. Trước những vụ bắt bớ trước và sau khi Việt- Mỹ nâng cấp quan hệ bang giao, có quan điểm cho rằng nếu Việt Nam tôn trọng nhân quyền, tự do của người dân thì Việt Nam sẽ mạnh lên và Đảng cầm quyền cũng mạnh lên. Ông nghĩ thế nào về ý kiến đó?

Cao Quang Ánh: Tôi đồng ý rằng nếu Hiến pháp, luật lệ của Việt Nam thay đổi để trở nên tự do, dân chủ thì chắc chắn làm cho nước mạnh lên. So sánh hai nước Bắc Hàn và Nam Hàn, một bên độc tài một bên dân chủ, thì chúng ta biết nước nào mạnh hơn.

Xã hội nào mà người dân có quyền tự do, dân chủ, tự do tư duy, tự do thương mại thì xã hội đó sẽ mạnh hơn.

Nhưng nếu chúng ta nói là Đảng sẽ mạnh hơn nếu họ cho dân quyền dân chủ tự do thì tôi không dám chắc. Nếu làm vậy giúp Đảng mạnh hơn thì tại sa họ không làm? Chắc chắn là nếu họ cho dân quyền tự do, dân chủ như chúng ta được hưởng ở nước Mỹ thì quyền lực, quyền lợi của Đảng Cộng sản sẽ yếu đi. Cho nên họ sẽ đẩy ngược lại hướng đi đó. Nếu họ cho những người không thuộc về Đảng tranh cử thì quyền lợi của họ sẽ yếu đi.

RFA. Tôi không muốn nói đến quyền tranh cử mà chỉ muốn nói về những quyền cơ bản như hoạt động xã hội dân sự, truyền thông, tự do ngôn luận. Các nhà hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam không có ý định tranh quyền lực với ai. Nếu giới xã hội dân sự này được các quyền tự do cơ bản đó thì quyền lợi của Đảng cầm quyền có mạnh hơn không?

Cao Quang Ánh: Tôi không biết điều đó sẽ đúng hay sai. Nói chung lý do họ sợ dân có quyền lên tiếng vì họ muốn che đậy điều gì đó đằng sau. Ví dụ, có thể là họ không muốn lộ ra các vấn đề của mình như hối lộ, tham nhũng. Nói chung nếu xã hội Việt Nam có tự do hơn thì chắc chắc xã hội Việt Nam sẽ mạnh hơn nhưng Đảng sẽ suy giảm quyền lợi, quyền lực của họ.

RFA. Có ý kiến cho rằng Việt Nam là một xã hội đa dạng, nếu nước này có nhiều đảng phái, nhiều tổ chức xã hội thì nó có nguy cơ bị nhiều nước lớn sẽ can thiệp vào, xé lẻ Việt Nam ra, làm chính quyền suy yếu và quốc gia cũng suy yếu.

Cao Quang Ánh: Tôi nghĩ quan niệm đó là sai. Ở Mỹ chúng ta có kinh nghiệm chính quyền thuộc về hai đảng, Cộng hòa và Dân chủ. Tôi nghĩ đó là cơ chế tốt nhất để tránh vấn đề tham nhũng, lạm quyền.

Có nhiều nước có hệ thống nhiều đảng. Có nước có hàng chục đảng đấu tranh giành quyền lợi cho những người họ đại diện. Nhưng có nước nào bị ngoại quốc can thiệp, xâu xé? Tôi nghĩ Việt Nam cũng vậy. Nếu Việt Nam có nhiều đảng và có một hệ thống luật pháp ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài thì quốc gia chỉ mạnh hơn.

Nếu Việt Nam trở thành một xã hội đa đạng, có nhiều tiếng nói, thì điều đó sẽ giúp xã hội năng động hơn. Điều đó thuộc về bản tính con người. Nếu chúng ta làm việc mà không được gì cho mình thì động lực làm việc không còn. Ngay trong xã hội cộng sản cổ điển, quyền lợi cá nhân không được bảo đảm, cho nên xã hội tan rã rất nhanh chóng. Những người Cộng sản cũng không ngu. Họ hiểu ra là nếu giữ lại mô hình cộng sản chính gốc thì xã hội sẽ tan vỡ nên họ đã thay đổi về vấn đề kinh tế, thương mại để cho người dân cũng được hưởng quyền lợi riêng.

Chỉ khi người dân có tự do thì chúng ta mới có thể tạo ra một xã hội vững mạnh trong quá trình vận hành quốc gia. Nếu chúng ta đưa người dân vào hoàn cảnh phải đóng góp cho quốc gia dưới sức ép, nếu chúng ta không có sự hợp tác và đóng góp của dân một cách tự do thì sẽ không thể thành công.

Nếu cho dân tự do về mặt đóng góp và hưởng quyền lợi thì xã hội sẽ mạnh mẽ hơn. Chúng ta rất rõ điều đó nếu so sánh Bắc Hàn, Nam Hàn, so sánh Trung Quốc trước và sau cải cách. Trước cải cách thì Trung Quốc cũng là một nước lớn mà nghèo, khoa học tối tân thì không đi tới đâu. Sau khi họ cải cách theo hướng Tây phương thì Trung Quốc mới tiến lên.

Việt Nam chúng ta cũng như vậy. Nếu chúng ta không chỉ mở rộng cửa cho kinh tế, thương mại mà còn mở rộng cho dân về tự do trong tư duy thì xã hội chúng ta chắc chắn sẽ mạnh hơn.

RFA xin cảm ơn Cựu Dân biểu Cao Quang Ánh đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.