Hệ lụy việc khai thác titan ven biển miền Trung

Với trữ lượng lên đến hàng triệu tấn, việc khai thác titan diễn ra rầm rộ tại nhiều khu vực ven biển miền Trung trong nhiều năm qua.

Đến nay, những hệ lụy từ việc khai thác loại quặng sa khoáng này cần được nhìn nhận nghiêm túc hơn.

Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường trình như sau:

Có vẻ lợi nhuận đem lại từ công việc khai thác titan là rất lớn. Mặc dù giấy phép khai thác đã hết thời hạn, nhưng nhiều công ty vẫn tiến hành khai thác bất hợp pháp, đến khi cơ quan cấp tỉnh vào cuộc mới phát hiện được. Theo chân các doanh nghiệp, không ít các nhóm dân cư địa phương đổ xô đi khai thác titan theo kiểu thủ công về bán lại cho các đầu nậu. Chẳng hạn như ở một khu vực thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, thính giả Đài Á Châu Tự Do có thể nghe Phó Chủ tịch Ủy ban huyện này là ông Lương Ngọc Anh cho biết như sau:

“Cái tình hình khai thác titan trái phép của dân ở Cát Thành là có. Trước tình hình đó Ủy ban nhân dân tỉnh có chỉ đạo, thành lập tổ công tác của tỉnh. Rồi Ủy ban nhân huyện cũng thành lập tổ công tác của huyện. Đối với dân là tuyên truyền, giải thích trong việc khai thác, vận chuyển, mua bán như thế là không đúng pháp luật. Thì vừa qua nó cũng có tạm lắng.

Nhưng gần đây, Bộ Công thương có cho phép, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là xuất titan thô đến hết tháng 6. Do đó cho nên một số doanh nghiệp trên các tỉnh trong đó có Bình Định, tiếp tục người ta mua trở lại. Cho nên một số bà con họ tiếp tục ra, họ hốt trở lại. Tình hình vẫn chưa chấm dứt hẳn.”

Nguy cơ biển xâm thực

Để lấy được hàng triệu tấn titan, hàng trăm hécta rừng phòng hộ ven biển đã bị phá, nhiều con đê chắn cát cũng cùng chung số phận. Bờ biển thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình bị sụt lở nghiêm trọng từ kiểu khai thác khoáng sản vô tội vạ này. Có nơi thuộc tỉnh Quảng Trị, vì mạch nước ngầm sụt giảm mạnh đã xuất hiện hiện tượng sa mạc hóa đồng ruộng vì đất bị kiệt nước và cát lấn chiếm khu vực đất trồng trọt. Nguy cơ biển xâm thực đã hiện rõ tại các địa phương trên.

Phải sàng, phải đãi để lấy các thành phần của nó thì như vậy cái thảm thực vật môi trường cũng phải phá bỏ đi để mà dẫn đến khai thác.

Ô. Phan Thế Hy

Về mặt lý thuyết, các doanh nghiệp phải cam kết sau khi khai thác titan xong thì thực hiện công đoạn hoàn thổ. Ông Phan Thế Hy, Phó Thanh Tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết:

"Cái việc khai thác titan thì chắc chắn là anh biết rồi. Phải sàng, phải đãi để lấy các thành phần của nó thì như vậy cái thảm thực vật môi trường cũng phải phá bỏ đi để mà dẫn đến khai thác.

Tất nhiên, ví dụ anh phá đi cái thảm thực vật mà anh muốn trồng cây lại thì không phải là 1, 2 năm là nó có liền cái cây đâu. Nhưng mà có điều anh kiểm tra được rồi, anh trồng cây sống rồi, đó là một giải pháp.”

Ô nhiễm phóng xạ

titan-250.jpg
Khai thác titanium trái phép tại Núi Thành (Quảng Nam). Hình của Thanh Nien Online.

Khai thác titan không đúng quy trình sẽ dẫn đến những tác hại rất lớn về môi trường. Thường những cây trồng trong công đoạn hoàn thổ đa phần không có khả năng bén rễ, do cát đã bị hút cạn kiệt nước sau quá trình sử dụng để sàng tuyển quặng titan. Đã từng xảy ra hiện tượng người dân bao vây công ty khai thác titan, dựng rào cản không cho doanh nghiệp hoạt động vì những tác hại trực tiếp đến môi trường sống trong khu vực.

Ngoài ra việc khai thác, chế biến titan còn gây ra ô nhiễm phóng xạ, để lại những hệ lụy lâu dài. Theo một báo cáo khoa học của Giáo sư Tiến sỹ Lê Khánh Phồn vào năm 2007, các doanh nghiệp thực hiện việc sàng tuyển cát lấy titan đã thải ra một lượng lớn hỗn hợp khoáng chất, trong đó có monazit phát ra tia phóng xạ với cường độ rất nguy hiểm. Nhân Khánh đã có cuộc trao đổi cùng Tiến sỹ Lê Khánh Phồn, với câu hỏi về cường độ phóng xạ lẫn trong quặng titan sa khoáng có nguy hiểm với sức khỏe con người không, thì được trả lời như sau:

“Thực chất là người ta chỉ quan niệm là cái tự nhiên thì nó không ảnh hưởng gì mấy, trước nay người ta vẫn quan niệm thế. Chỉ khi con người tác động vào thì nó mới nguy hiểm thôi. Khi có tác động của con người thì ảnh hưởng, cái đó còn rất nhiều, vấn đề còn đang tranh cãi.

Khi con người tác động vào thì nó có tiêu chuẩn quốc tế, thì cứ theo kiểu quốc tế mà làm thôi. Chứ còn môi trường tự nhiên, con người đã quen rồi thì lại không ảnh hưởng. Nhìn chung như vậy.

Tôi nói ví dụ là ở vùng nước mà ở vùng mỏ thì hàm lượng vẫn không có gì cả. Chỉ khi mà ông nghiền tuyển, ông tác động vào nó mới thải ra thì nó mới có vấn đề thôi. Còn nếu mà bình thường thì chúng tôi vẫn chưa phát hiện gì mấy.”

Báo cáo khoa học này được rút ra từ công trình nghiên cứu đo mức phóng xạ tại một khu khai thác quặng titan ven biển Nam Trung Bộ. Các nhà khoa học kết luận, vùng ô nhiễm phóng xạ bao quanh khu vực mỏ quặng sa khoáng đã vượt quá tiêu chuẩn an toàn cho phép, có bề rộng vài trăm mét và kéo dài hơn 6 cây số.

Nhiều quy trình khai thác titan bằng công nghệ cao trên thế giới, cũng có các khuyến cáo quan trọng liên quan đến sức khỏe của những người tiếp xúc trực tiếp, gần kề và liên tục với quặng titan. Trong khi đó, ông Lương Ngọc Anh lại cho chúng tôi biết về cách khai thác của người dân địa phương, như sau:

“Mà khai thác ở đây là dân hốt nắm, mớ rồi người ta đãi. Rồi người ta bán cho các đầu nậu, người ta chuyển đi vô trong Quy Nhơn và các nơi khác.

Người ta ra người ta hốt ở ngoài bãi. Làm thủ công vậy thôi, máy móc gì đâu mà hốt. Chỗ nào đen đen, dồn tập trung cái, rồi các đầu nậu tới mua. Không có máy móc gì hết.”

titan-2-250.jpg
Hàng chục khối quặng titan do các xe tải vận chuyển bị Công an xã Duy Hải thu giữ. Photo courtesy of Báo Quảng Nam/Ảnh: Văn Sự.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp chế biến titan ở Nam Trung Bộ mặc nhiên đổ phế phẩm có trộn lẫn bụi monazit thành đống lộ thiên, nằm gần các khu dân cư hoặc có khi ngay cạnh các con đường. Mỗi khi có gió, bụi monazit phát tán tự do ra môi trường mà không được quản lý như một chất phóng xạ. Việc này, Tiến sỹ Lê Khánh Phồn có ý kiến rằng:

“Tiếp xúc trực tiếp thì thế này, hiện nay là… Nói thực anh, hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề ấy, tức là ảnh hưởng nó nhiều mặt. Thế này nhé, một con người ung thư thì có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ có một nguyên nhân ấy. Nhưng tách bạch ra nguyên nhân nào là vẫn chưa xác định được, phải điều tra rất kỹ.”

Tưởng cũng nên nhắc lại, quy trình phân rã của monazit là hàng thế kỷ. Có lẽ khả năng phục hồi đất sau khi khai thác titan không được các cơ quan hữu trách nghiên cứu kỹ trên thực địa, tình trạng đất phải vĩnh viễn bỏ hoang là một thực tế cần phải bàn đến. Xem ra, sau một thời gian dài liên tục lên tiếng về những hệ lụy của việc khai thác titan xô bồ, đến nay giới truyền thông chỉ còn vài lời trần tình thưa thớt, không phải vì tình hình được cải thiện tốt hơn mà có lẽ đã đến lúc không còn gì để nói nữa.

Kiểu khai thác chụp giựt dẫn đến tình trạng lợi bất cập hại. Nguồn lợi từ việc khai thác titan đem lại và những chi phí sẽ phải bỏ ra cho việc khắc phục sự thoái hóa nghiêm trọng của môi trường, cùng sức khỏe của hàng trăm ngàn cư dân đang sinh sống xung quanh các khu vực đang khai thác quặng sa khoáng, hình như chưa được các cơ quan chức năng cân nhắc đến. Lãnh vực khai thác titan sa khoáng ở nhiều địa phương ven biển miền Trung chỉ giải quyết được một phần nan đề tăng trưởng kinh tế, song để phát triển bền vững thì còn nhiều vấn đề phải bàn tới.

Theo dòng thời sự: