Trước những diễn biến lây lan phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chính phủ Hà Nội đã ban hành lệnh cách ly tập trung đối với tất cả công dân Việt hồi hương và du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Cụ thể, những người đi bằng đường hàng không hay đường bộ khi đến đất nước hình chữ S đều được đưa thẳng đến những khu cách ly tập trung nhà nước chỉ định và hoàn toàn không phải tốn chi phí.
Tuy vậy, truyền thông trong nước liên tục đưa tin về những bất cập tại các khu cách ly điển hình như những than phiền về vệ sinh, chỗ ở…
Trước đó, việc người nhà những người cách ly không lo ngại lây lan dịch bệnh, đứng xếp hàng dài để gửi đồ tiếp tế mà không giữ khoảng cách an toàn cũng từng gây xôn xao dư luận.
Theo thống kê từ Bộ Y tế được cập nhật vào 9h hàng ngày, mới nhất ngày 12/8, cả nước hiện đang có 134.248 người cách ly. Trong đó, số người cách ly tập trung tại bệnh viện là 5.365 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 24.180 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 104.703 người.
RFA vào tối 12/8 có liên lạc với một người lao động nước ngoài về nước hiện đang ở tại khu cách ly Thanh Trì, Hà Nội đến nay được 12 ngày, để hỏi về tình hình cách ly và được nghe anh than phiền tình trạng bất hợp lý, không đảm bảo an toàn tại đây.
“Đưa một đoàn mới về, là chuyến bay từ Mỹ về thì có khả năng bị COVID-19 nhiều hơn nhưng tại sao lại đưa vào chung khu cách ly của tụi em. Lúc sáng đưa vào thì những người đó đi tới đi lui, thay vì thời gian đưa phải thông báo cho tụi em phải ở trong phòng, đưa những người đó đi lên phòng trên thì em đồng ý. Còn đằng này đang ở ngoài sinh hoạt bình thường thì đưa những người đó vào như vậy lỡ có người nào bị COVID-19 thì những người như em sẽ thế nào?”
Anh cho rằng anh và những người trong cùng chuyến bay đã cách ly được 12 ngày, chỉ còn 2 ngày nữa là hoàn thành thời gian cách ly và trở về nhà. Nhưng ban quản lý lại đưa một đoàn mới vô chưa xác định bên đoàn đó có ai bị dương tính với SARS-CoV-2 hay không để hòa nhập với người cũ như vậy là nguy hiểm. Anh lo ngại:
“Lỡ đoàn mới có nguời bị thì tụi em phải cách ly tiếp hả? Tụi em còn có gia đình, công việc mà không hiểu sao khu cách ly này lại làm việc như vây. Bà con muốn phản ánh nhưng cũng không biết phản ánh từ đâu.”
Trước sự việc vừa nêu, anh và những người trong khu cách ly thống nhất gọi điện thoại lên đường dây nóng của Bộ Y tế Việt Nam để hỏi rõ về chuyện này nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng:
“Bên đó lại nói đường dây nóng đó chỉ dành cho công dân nào bị nhiễm virus COVID mới tiếp nhận, chứ không tiếp nhận trường hợp như em. Em hỏi cái này liên quan đến sức khỏe công dân mà sao đường dây nóng mà tiếp chuyện lại nói vây? Em có xin tên anh tiếp chuyện, anh ấy không cho, rồi em xin mã số để biết người nào đang tiếp nhận cuộc gọi của em thì anh đó không chịu. Anh đó kêu em nếu có thắc mắc gì thì tự liên hệ với chính quyền địa phương, liên hệ với quan chức của tỉnh chứ Bộ Y tế không can thiệp. Em thấy cái đó hơi bị quá vì đường dây nóng lập ra để làm gì, để chơi hay sao? Những trường hợp này công dân cần Bộ Y tế vào cuộc tại sao phải làm như vậy mà Bộ Y tế lại từ chối, không tiếp nhận thông tin của em. Em thấy vô lý.”
Chúng tôi có liên lạc với đường dây nóng của Bộ Y tế Việt Nam nhưng không ai bắt máy.
Giải thích rõ hơn về lý do vì sao lại đưa những người mới vào nhưng không thông báo cho những người cách ly lâu ngày được biết để không có tiếp xúc gần, ông Tạ Quang Trung, Quản lý khu cách ly Thanh Trì, Hà Nội cho hay:
“Mình giải thích rất đơn giản vì họ có ở cùng nhau đâu. Vào thì người ta ở riêng tầng trên cùng, đội này ở dưới, đi cầu thang riêng chứ không cùng cầu thang, chẳng ai gặp ai cả. Có phải xếp người cũ, người mới lẫn nhau đâu. Nhóm người mới rất đơn giản thế này, thôi thì họ cũng là chỗ quen biết hết, họ cách ly từ Sơn Tây đã âm tính rồi nhưng vất vả quá, ở đấy tắm chung tập thể nên họ xin về đây. Có thể họ cũng chuyến bay đó nhưng họ bị điều về Sơn Tây, một số được điều về đây. Khi ở Sơn Tây họ đã thử âm tính nhưng bên đó vất vả, chật quá nên đẩy về sang bên này. Thật ra họ về Việt Nam cùng một ngày nhưng ở trên Sơn Tây 2 ngày, chứ không phải là chuyến bay lẻ về đây được 1, 2 người.”
![Hình minh hoạ. Người đeo khẩu trang trên bãi biển Mỵ Khê ở Đà Nẵng hôm 28/7/2020](https://www.rfa.org/resizer/v2/4BMIG6SYK2PAP2F7VKUW4DPZOE.jpg?auth=19504aadbd87f767b45e5d0a855ed0ece253c087a28add0fc14ca44002b52285&width=800&height=533)
Sau gần 100 ngày không có ca nhiễm mới COVID-19 nào trong cộng đồng tại Việt Nam, Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Nha Trang vào sáng ngày 24/7/2020 đã thông báo kết quả xét nghiệm của một người đàn ông 58 tuổi tại thành phố Đà Nẵng dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay lập tức cơ quan chức năng Việt Nam đã nỗ lực đưa 80.000 người, chủ yếu là khách du lịch nội địa, đến Đà Nẵng kể từ ngày 1/7 phải ra khỏi thành phố này sau khi phát hiện 3 ca dương tính với COVID-19 tại đây.
Đến ngày 28/7, toàn Thành phố Đà Nẵng tiến hành cách ly trong hai tuần. AP dẫn nguồn từ chính phủ Việt Nam cho biết biện pháp vừa nêu được áp dụng sau khi phát hiện 15 trường hợp nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở địa phương.
Tờ The Diplomat trong ngày 5/8 vừa qua có bài viết cho rằng người dân tại Đà Nẵng hoan nghênh phản ứng tích cực của chính phủ Hà Nội đối với sự hồi sinh đáng kinh ngạc của COVID-19.
Bài viết dẫn lời một người dân địa phương và những du khách nước ngoài đang bị kẹt lại Đà Nẵng cho biết họ hài lòng vì chính phủ Hà Nội đang rất coi trọng vấn đề này khi chính quyền địa phương đã có kế hoạch kiểm tra toàn bộ dân số Đà Nẵng, khoảng 1,1 triệu người, tìm loại coronavirus mới.
Bên ngoài tâm dịch, những người dân, du khách từ Đà Nẵng được đưa đến các địa phương khác đều bị cách ly tập trung trong 14 ngày.
Báo chí trong nước cũng đăng tải đầy đủ thông tin về ngày giờ, địa điểm, họ tên những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã đến, yêu cầu người dân nếu có tiếp xúc thì tự khai báo.
Tuy nhiên, theo lời chị P.T.N.T tại Sài Gòn, từng có mặt tại Đà Nẵng trong thời gian báo chí đăng tải cho biết đường dây nóng Bộ Y tế thời gian đó gần như quá tải nên không thể liên lạc. Chị viết qua Facebook Messenger cho chúng tôi như sau:
“Chị về Sài Gòn lại ngày 14/7, lúc báo đăng thông tin là chị về được 13 ngày rồi. Chị có gọi số hotline của Bộ Y tế mà không ai bắt máy, còn cúp máy ngang, chắc tại đông người gọi. Gọi vài lần không được thì chị có khai báo online, cũng dễ dàng gồm những câu như đi đâu ngày nào, có biểu hiện của COVID-19 không, có tiếp xúc với những người mắc bệnh không, có đi đến những nơi có dịch không. Khai xong nhưng vẫn không có ai liên lạc lại chắc tại mấy chục ngàn người, đông quá nên làm không kịp. Chiều nay chị mới đi ra y tế phường khai báo vì đọc báo thấy hết ngày 14/8 không đi khai thì bị truy tố trách nhiệm hình sự.”
Nhằm giúp người dân chủ động hơn trong việc cập nhật thông tin COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị mọi người dân có điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bluezone, một ứng dụng để quét và cảnh báo nguy cơ tiếp xúc người nhiễm SARS-CoV-2.
Việt Nam trong ngày 12/8 vừa ghi nhận thêm ca tử vong thứ 17 do COVID-19 là một bệnh nhân ở Đà Nẵng, ổ dịch lớn nhất của Việt Nam trong đợt dịch COVID-19 lần thứ hai.
Đến chiều cùng ngày, Bộ Y tế Việt Nam cho biết đã có thêm 14 ca mắc mới, đưa tổng số người nhiễm bệnh lên 880 ca.