Hai khối chiến lược
Từ Indo-Pacific, tức là Ấn Độ-Thái Bình Dương, được Tổng thống Mỹ Donald Trump nói đến vào trung tuần tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam, khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh các quốc gia châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại đây.
Từ này được người Nhật đề cập đến lần đầu tiên vào năm 2007, nay được Tổng thống Hoa Kỳ dùng lại để chỉ một không gian chiến lược mới có trọng tâm là bốn quốc gia Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, và Mỹ.
Hầu như cùng lúc với thượng đỉnh APEC, bốn quốc gia này gặp nhau tại Manila, Philippines để bàn chuyện hợp tác an ninh và phát triển.
Điều đặc biệt là trong không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương này người ta không đề cập đến Trung Quốc, quốc gia lớn nhất ở châu Á.
Ngược lại vào năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tuyên bố nước ông đề xuất sáng kiến Vành đai Con đường, theo đó Trung Quốc nổ lực hợp tác với các quốc gia qua hai trục, trục đường bộ từ Bắc Kinh tới châu Âu, và trục đường biển từ Trung Quốc xuống biển Đông và sang Ấn Độ Dương, vươn tới châu Phi.
Đó (Indo-Pacific) là một mô thức phát triển mới, đồng minh mới, liên minh mới, dựa trên luật pháp quốc tế, tạo dựng những khuôn khổ để vừa an ninh vừa phát triển.<br/>-Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan cho chúng tôi nhận xét về hai ý tưởng chiến lược vừa nêu. Đầu tiên ông nhận xét về khối Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Tổng thống Mỹ nêu ra ở Đà Nẵng cuối năm 2017:
“Đó là một mô thức phát triển mới, đồng minh mới, liên minh mới, dựa trên luật pháp quốc tế, tạo dựng những khuôn khổ để vừa an ninh vừa phát triển. Mô thức khác, Vành đai Con đường thì có người như Bộ trưởng Ngoại giao Đức trong hội nghị an ninh Munich đã nói thẳng là cái Vành đai Con đường này là thách thức các thể chế dân chủ, cái cách làm rất ảnh hưởng đến những nước mở rộng đầu tư ở đây.”
Tại cuộc hội thảo về an ninh tổ chức tại thành phố Munich, có cả sự hiện diện của Trung Quốc, ông Sigmar Gabriel, Ngoại trưởng Đức, nói rằng Trung Quốc lợi dụng kế hoạch Vành đai Con đường để gây những ảnh hưởng chính trị và quân sự lên khu vực châu Á, Ấn Độ Dương, và Trung Quốc đang khuếch trương những điều trái ngược với tinh thần dân chủ của phương Tây.
Đáp trả lại sự lo ngại này, trước hội thảo an ninh Munich, bà Phó Oánh, Đại sứ Bắc Kinh tại Anh viết trên một tờ báo ở Đức rằng Trung Quốc không có ý định xuất khẩu những ý thức hệ cũng như mô hình phát triển của mình.
Lựa chọn của Việt Nam
Trong cả hai không gian chiến lược, Ấn Độ-Thái Bình Dương của phương Tây, và Vành đai Con đường của Trung Quốc, Việt Nam đều chiếm một vị trí quan trọng. Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói tiếp:
"Bài học liên minh trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Chiến lược Indo-Pacific và sáng kiến Vành đai Con đường đã bắt đầu va chạm nhau vào cuối năm ngoái, khi ông Trump đến Đà Nẵng đã nói rằng tôi đến đây là đến trung tâm của Indo-Pacific, như vậy là Mỹ đã coi Việt Nam là trung tâm của Indo-Pacific. Ngược lại, Trung Quốc, trong những thông cáo chung Việt Trung đều nói đến Việt Nam là đầu cầu của sáng kiến Vành đai Con đường. Vấn đề bây giờ là Việt Nam lựa chọn như thế nào."
Việc chọn lựa của Việt Nam giữa phương Tây và Trung Quốc là đề tài làm tốn rất nhiều bút mực của giới quan sát chính trị và ngoại giao, trong cũng như ngoài nước.
Vào cuối năm 2014, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á Thái Bình Dương ở Hawaii có nói với chúng tôi rằng cho đến thời điểm đó, Việt Nam vẫn nghiêng về Trung Quốc hơn do những quan hệ gần gũi về ý thức hệ cộng sản. Nhưng sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015, ông Lâm nói với chúng tôi rằng chuyến đi này dự báo một sự thay đổi lớn lao trong quan hệ Mỹ Việt Nam.
Tháng 3/2018, tàu sân bay tối tân của Hoa Kỳ Carl Vinson cặp cảng Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ bỏ neo trong hải phận Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, và lần đầu tiên trong lịch sử một tàu sân bay Mỹ thực hiện một chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng gọi đây là một bước ngoặc địa chính trị rất lớn.
Bình luận về sự lựa chọn giữa Ấn Độ Thái Bình Dương và Vành đai Con đường, ông nói với chúng tôi:
"Tuyên bố chung khi ông Trần Đại Quang đi Trung Quốc thì cũng đặt vấn đề Vành đai Con đường vừa phải thôi, nói rõ là cái này phải kết hợp với hoàn cảnh khách quan lịch sử của Việt Nam, chứ không phải Việt Nam tham gia một cách vô điều kiện. Tôi nghĩ lãnh đạo Việt Nam cũng thấu hiểu vấn đề này, chỉ có điều là họ hành động trong một sự ràng buộc. Ngược lại là vấn đề Indo-Pacific, Việt Nam nhận thức được sự khác nhau giữa hai khung cảnh ấy."
Sự đối đầu giữa phương Tây và Trung Quốc hiện nay không chỉ có hai ý tưởng Ấn Độ-Thái Bình Dương và Vành đai Con đường, mà còn nhiều tổ chức khác. Đối lại với khối mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương mà 11 quốc gia (gọi tắt là CP TPP) trong đó có Việt Nam vừa ký kết, là khối Hiệp định đối tác toàn diện khu vực do Trung Quốc chủ xướng (RCEP), đối với định chế ngân hàng phương Tây là Ngân hàng phát triển châu Á thì Trung Quốc có Ngân hàng phát triển hạ tầng Á châu.
Việt Nam đã tham gia vào các sáng kiến (của Trung Quốc) này ngay từ đầu. Nhưng sự dính líu của Việt Nam vào các sáng kiến này không phải là quá mặn mà.<br/>-Tiến sĩ Nguyễn Quang A. <br/>
Việt Nam tham gia tất cả những tổ chức này.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội bất đồng chính kiến tại Việt Nam nhận xét về sự tham gia của Việt Nam vào các tổ chức do Trung Quốc thành lập:
“Theo tôi thì Việt Nam đã tham gia vào các sáng kiến này ngay từ đầu. Nhưng sự dính líu của Việt Nam vào các sáng kiến này không phải là quá mặn mà. Cũng là tham dự vào cho nó phải lẽ, nhưng mà Việt Nam hy vọng nhiều vào sự đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có kinh tế đối ngoại với các khu vực khác, trong đó có EU, Nhật Bản, và nhất là TPP.”
TPP là thỏa ước tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương gồm 12 quốc gia, nhưng Hoa Kỳ đã rút ra hồi đầu năm 2017 vì những lý do chính trị bảo hộ mậu dịch bên trong nước Mỹ. Một số người hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ trở lại sau khi Tổng thống Trump có tuyên bố như vậy tại Diễn đàn kinh tế Davos ở Thụy sĩ vào đầu năm nay.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng đánh giá rất cao sự tham dự của Việt Nam hiện nay vào CP TPP, và có thể là TPP 12 quốc gia trong tương lai khi Hoa Kỳ quay trở lại, ông nói:
"Đấy không chỉ là vấn đề thị trường, vấn đề đầu tư, hay cái mô thức, cách làm ăn kinh doanh, mà vấn đề nó là động lực nội tại, động lực tự thân để mà Việt Nam cải cách, để Việt Nam mở cửa, chứ không phải là vấn đề ép nhau. Cái quan trọng của CP TPP là Việt Nam đã buôn có bạn bán có phường, đã ở trong một cái nhóm, một tập hợp lực lượng mà phải nói là những cái giá trị phổ quát của nhân loại, những cái giá trị của dân chủ được tôn trọng."
Đây cũng là điều mà ông Vũ Hồng Lâm nhận xét, cho rằng nhiều người mong muốn những hiệp ước kiểu CP TPP sẽ làm một sức ép để Việt Nam tự cải cách.
Trở lại với sự chọn lựa của Việt Nam giữa các liên minh chiến lược phương Tây và Trung Quốc, Việt Nam đang dần nâng cấp các quan hệ đối tác với bốn quốc gia trụ cột trong tứ giác Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, mà Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng gọi là tứ giác kim cương, với sự kiện gần đây nhất là nâng cấp quan hệ Việt Nam Úc lên quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 3/2018.