Truyền thông trong nước ngày 1 tháng 10 đưa tin trích dẫn đề xuất của Bộ Thông tin – Truyền thông về việc bỏ yêu cầu chủ thuê bao phải nộp ảnh chân dung. Trong khi đó chưa đầy 6 tháng trước, hàng triệu chủ thuê bao phải tất tả ngược xuôi đi chụp ảnh bổ sung để sim điện thoại không bị khóa.
Thực tế này khiến nhiều người bất bình.
Đề xuất bỏ chụp ảnh chân dung chủ thuê bao
Trao đổi với truyền thông trong nước, cơ quan soạn thảo của Bộ Thông tin – Truyền thông giải thích rằng việc chụp, bổ sung ảnh trên thực tế không mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý mà chính Bộ này đã nhắc đến trước đó. Do vậy, nếu tiếp tục yêu cầu các chủ thuê bao, đặc biệt là những người đã có thông tin đầy đủ và chính xác như thuê bao trả sau sẽ tiếp tục gây phản ứng từ phía dư luận. Vì thế, cơ quan soạn thảo đề xuất cần xem xét, bãi bỏ quy định này.
Nghe bỏ thấy cũng tức cười, dân mình quen quá rồi, lật tới lật lui miết rồi kiểu như bị chai, bất lực. Nói chung vừa tốn tiền bạc, phí phạm thời gian của người khác. - Yến
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng đề xuất bỏ yêu cầu chủ thuê bao phải nộp ảnh chân dung là điều rất là tốt, đúng theo hiến pháp và các quy định pháp luật khác. Giải thích rõ hơn, ông nói:
“Bởi vì đó là quyền riêng tư cá nhân của họ, mà đây là một giao dịch dịch vụ thì tôi thấy không cần thiết là phải chụp chân dung. Bởi vì thông qua chứng minh thư, thẻ căn cước đã thể hiện số và nhân thân ở đó. Nếu cần thì có thể tìm ở đó.”
Dân bị ‘hành’
Tuy nhiên, qui định của cơ quan chức năng buộc thuê bao phải bổ sung ảnh chân dung từng khiến nhiều người người dân phải tốn công, mất thời gian đi chụp hình đăng ký nhưng nay lại chẳng ích gì. Bạn Yến, một người dân sống tại Sài Gòn, bày tỏ bức xúc:
“Cũng bực, đâu phải là rảnh rỗi chạy tới chạy lui, rồi làm lúc đông quá, dạng như đổ xô đi làm, phải xếp hàng, đứng chờ. Vừa mất thời gian mà vô đông nghẹt người, mệt lắm. Nghe bỏ thấy cũng tức cười, dân mình quen quá rồi, lật tới lật lui miết rồi kiểu như bị chai, bất lực. Nói chung vừa tốn tiền bạc, phí phạm thời gian của người khác.”
Đồng ý với suy nghĩ của bạn Yến, bạn Minh hiện ở Tây Ninh cũng cho biết bạn không ủng hộ cách làm của Bộ Bộ Thông tin – Truyền thông:
“Thấy không đồng nhất. Ví dụ như đưa ra đề án nào thì mình phải tính tới là có khả dụng hay không, có ảnh hưởng tới người dùng hay không tại vì bắt nhiều người phải chụp hình nữa thì thấy cái đó không hợp lý. Bắt đề ra cho đã rồi thấy không hợp lý thì lại hủy bỏ.”
Những đề xuất – quy định không khả thi
Trong thực tế, dự thảo do Bộ Thông tin – Truyền thông vừa đưa ra không phải là cá biệt lần đầu tiên một dự luật, quy định được đưa ra gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân rồi phải thu hồi.
Có thể kể ra nhiều vụ như qui định từng gây ồn ào trong năm 2013 khi Cục Cảnh sát giao thông ra Công văn 1042 ngày 26/4 cấm người dân ghi hình lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ nhằm mục đích "ngăn chặn tình trạng giả danh phóng viên báo đài, chửi bới, lăng mạ và chống đối lực lượng chức năng". Tuy nhiên tới ngày 23/8, sau khi bị Bộ Tư Pháp kết luận văn bản này có nhiều điểm không đúng quy định của pháp luật và vượt quá thẩm quyền, Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt đã huỷ quy định này.
Việc quản lý đối với vấn đề không chỉ bưu chính viễn thông mà nhìn chung thiếu sự hiểu biết nền tảng cơ bản mà người ta chạy theo cảm tính là nhiều hơn. - LS. Đặng Đình Mạnh
Gần đây nhất, vào ngày 11/3/2018, Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quyết định về việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước 1975 bao gồm Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú, Con đường xưa em đi. Nhưng quyết định này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Việt trong và ngoài nước nên đến ngày 14/4, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Nguyễn Đăng Chương đã ký văn bản thu hồi quyết định này.
Giải thích lý do ban hành rồi lại thu hồi, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng việc này là do những người đang quản lý trong từng lĩnh vực thiếu hiểu biết nền tảng cơ bản:
“Tôi cho rằng việc quản lý đối với vấn đề không chỉ bưu chính viễn thông mà nhìn chung thiếu sự hiểu biết nền tảng cơ bản mà người ta chạy theo cảm tính là nhiều hơn. Cứ mỗi khi họ có cảm tính, họ suy nghĩ điều gì đó đúng, họ bắt toàn dân thực hiện rập khuôn theo vấn đề đó. Chỉ đến khi điều đó trải qua một thời gian nhất định thì sự trải nghiệm của mọi người mới rõ ra là yêu cầu của họ không thực tế, không mang ý nghĩa, không có giá trị gì cả.”
Trước những thắc mắc của người dân liệu các Bộ ngành đã bỏ qua công tác tham vấn với các luật sư, văn phòng luật, các chuyên gia trước khi đưa ra những đề xuất áp dụng cho toàn xã hội, Luật sư Mạnh giải thích:
“Thật ra ở cấp Trung ương có Bộ Tư pháp, còn ở cấp tỉnh thành thì sẽ có Sở Tư pháp. Hai cơ quan cấp trung ương và cấp tỉnh thành đều có chung chức năng gần như là nơi để nhận xét tính cách pháp lý của vấn đề. Tuy có một quy định như vậy nhưng hầu như các bộ, các ngành ít để ý đến vấn đề đó, thường là họ cũng không tôn trọng vấn đề đó. Mà Bộ Tư pháp hoặc các Sở Tư pháp thật ra chỉ có thể tham vấn dưới mức độ luật pháp thôi, cũng chưa thể tham vấn được dưới góc độ nghề.”
Vẫn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, để giải quyết tình trạng ban hành quy định rồi thu hồi khi bị dân chúng phản ứng mạnh, thì các cấp lãnh đạo cần hiểu biết nền tảng cơ bản để không phải “bơi” theo những dòng sự kiện, để rồi “đẻ ra” những quy định không đi vào cuộc sống.