Lần đầu hạ chỉ tiêu
Từ đầu 2011, sau khi chính phủ loan báo quyết định tăng lãi suất vay vốn ngân hàng đối với các doanh nghiệp trong mục đích kềm chế lạm phát, mức tăng trưởng kinh tế quí đầu của năm đã có phần chậm lại.
Tính chín tháng đầu năm, số liệu của Tổng Cục Thống Kê công bố hôm đầu tuần cho trong ba quí đầu 2011, tăng trưởng Việt Nam đạt 5,6% so với mức 6,54% của ba quí đầu 2010.
Bằng mọi cách giữ vững nền kinh tế vĩ mô, từ tháng Mười Một 2010, khi vật giá trên các nhóm mặt hàng chủ yếu tiếp tục leo thang, Ngân Hàng Nhà Nước đã nâng lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất từ 7% năm 2010 lên 15% năm 2011, trước khi giảm nhẹ xuống khoảng 14% hồi tháng Bảy vừa qua.
thay vì tập trung nâng tăng trưởng bằng mọi giá, nay Việt Nam quay sang chống lạm phát bằng mọi giá
kinh tế trưởng Mark Djandji
Bản tin của Bloomberg, một tổ chức thẩm định đầu tư và kinh doanh quốc tế, đăng trên báo The Nation ấn bản tiếng Anh của Thái Lan hôm thứ Hai, nói rằng Ngân Hàng Trung Ương Việt Nam đang cân nhắc có nên cắt giảm lãi suất vay vốn để giúp tăng trưởng khi kinh tế đang đối diện mức lạm phát 22,42%, được coi là tăng nhanh nhất Châu Á.
Số liệu của Bloomberg còn cho thấy VN Index của Việt Nam trên thị trường chứng khoán giảm 2%, trong lúc tiền đồng giảm 0,1% so với đồng Mỹ kim. Nói cách khác, đây là đợt hạ giá lần thứ tư của tiền đồng Việt Nam trong vòng 15 tháng qua.
Ông Marc Djandji, giám đốc nghiên cứu của Viet Capital Securities Joint Stock, còn gọi là Bản Việt, một công ty chứng khoán và tư vấn cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhận xét rằng doanh nghiệp quả thật đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động và sản xuất kinh doanh bởi lãi suất vay vốn quá cao. Theo ông thì rõ ràng lạm phát là vấn đề trước mắt của nền kinh tế, của giới tiêu thụ và của cả một quốc gia nói chung.
Ông nói trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, không riêng Việt Nam mà Nam Hàn hay Philippines và các quốc gia Châu Âu cũng bị áp lực tương tự khi cố gắng giữ vững mức tăng trưởng. Việt Nam đã cố thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ một cách liên tục bên cạnh việc hỗ trợ mức tăng trưởng. Nhưng Việt Nam đã phải từ bỏ mục tiêu tăng trưởng, như chuyên gia Marc Djandji nhận xét tiếp:
"Đây là lần đầu tiên trong vòng tám năm làm việc ở Việt Nam mà ông thấy được là có sự chuyển hướng của chính phủ, nghĩa là thay vì tập trung nâng tăng trưởng bằng mọi giá, nay Việt Nam quay sang chống lạm phát bằng mọi giá, thể hiện qua chiến lược kiểm soát và thắt chặt tiền tệ dù phải trả giá bằng chỉ số tăng trưởng thấp. Việt Nam đang thể hiện quyết tâm kềm chế lạm phát dù không thể đạt mục tiêu tăng trưởng như dự định"
Vòng luẩn quẩn
Trong khi đó ông Trương Lê Minh, chuyên gia nghiên cứu và phân tích của Viet Capital Securities Joint Stock , cho rằng kinh tế 2011 chỉ phát triển trong mức 5,6 đến 5,8% , tức chậm hơn năm ngoái và thấp hơn mục tiêu 6 hoặc 7% đã đề ra, nhưng đó là cái giá Việt Nam phải trả nếu muốn hướng mọi nỗ lực và chính sách vào việc kềm chế lạm phát:
"Nếu nhìn ngắn hạn năm nay và năm sau thì có thể việc kềm chế lạm phát sẽ kềm hãm sự phát triển của Việt Nam. Nhưng nếu nhìn trong dài hạn thì đó là điều tốt vì một khi ổn định lạm phát, ổn định tỷ giá thì lúc đó phát triển kinh tế mới có nền tảng vững chắc để mà tăng lên theo mỗi năm"
Thưc tế cái khó của nhà đầu tư nhà kinh doanh Việt Nam khi vay vốn ngân hàng là ở chỗ nào?
"Lãi suất cho vay 16 tới 17% hiện giờ thực ra là lãi suất danh nghĩa , còn với tình hình này thì muốn vay rất là khó, ngân hàng nhà nước và chính phủ vẫn cố gắng để cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay nhưng mà thực sự hiện tại trong nền kinh tế bây giờ tiền tệ thì thắt chặt tiền mặt thì không có! Nó là một vòng luẩn quẩn, nếu cho vay ra ngoài thì phải đảm bảo việc quản lý số tiền vay đó đi vào sản xuất, muốn vay thì lãi suất thực tế là 18% 19%. Nói chung là chính phủ cố gắng đưa lãi suất cho vay thực tế đó về với lãi suất danh nghĩa tầm 16% trong năm nay mà theo tôi nghĩ cái chuyện đó hơi khó"
Ông Adam Mc Carty, kinh tế gia trưởng của Mekong Economist ở Hà Nội, cho hay ông đã nghe rất nhiều doanh ngiệp than phiền về sự thiếu hụt vốn do lãi suất vay tại các Ngân hàng Thương Mại quá cao, nhưng mặt khác ông cũng không thấy công ty nào ngưng hoạt động. Điều này được chuyên gia nghiên cứu và tư vấn Trương Lê Minh của Viet Capital Securities Joint Stock, tức công ty chứng khoán Bản Việt, ở thành phố Hồ Chí Minh, giải thích thêm:
"Thật sự mà nói cái văn hóa phá sản hầu như người Việt Nam chưa quen với điều đó. Ví dụ ở Châu Âu hay ở Mỹ có thể dễ dàng khai báo chuyện công ty bị phá sản, nhưng người Việt Nam chưa quen với điều đó. Cho nên nhìn bên ngoài hầu như không ai phá sản hết, nhưng thực sự bên trong thì hoạt động M and A (Merger and Acquisition: Hoạt Động Thâu Tóm Doanh Nghiệp) diễn ra rất nhiều mà theo tôi nghĩ cũng là một dạng của phá sản, không tuyên bố công khai nhưng mà bán hoàn toàn công ty cho một công ty khác có đủ tiềm năng tài chính để hoạt động và tiếp tục phát triển"
Khó khăn, vẫn phải làm
Trở lại câu chuyện cuối tháng trước, lúc Việt Nam tuyên bố nếu lạm phát không tăng tốc thì Ngân Hàng Trung Ương có thể hạ giảm phần nào lãi suất vay vốn trong lúc vẫn duy trì thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.
Ông Santitarn Sathirathai, phân tích gia của tổ chức tài chánh Credit Suisse Group trụ sở tại Singapore, cảnh báo rằng hệ quả của việc cắt giảm lãi suất trong lúc này có thể khiến Việt Nam bị mất uy tín trước quyết tâm chống lạm phát , đồng thời làm cho đồng tiền Việt Nam mất giá thêm. Theo dự báo từ văn phòng của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB ở Hà Nội, được báo chí trong nước tường thuật lại, tăng trưởng sáu tháng còn lại của 2011 sẽ kém hơn sáu tháng đầu năm.
tôi vẫn ủng hộ quan điểm đưa mục tiêu chống lạm phát lên hàng đầu, phải thắt chặt chính sách tài chính và chính sách tiền tệ
TS Đinh Sơn Hùng
Vẫn theo ước tính của ADB, quyết định của chính phủ Việt Nam tăng mức lương tối thiểu, có hiệu lực đầu tháng Mười tới đây, sẽ góp tăng trưởng phần nào cho khu vực tư.
Về tốc độ tăng của lạm phát Việt Nam, được coi là nhanh nhất trong mười bảy nước Châu Á hiện giờ, tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Phát Triển thành phố Hồ Chí Minh, nhận định là Việt Nam đã không đạt mục tiêu giữ lạm phát ở mức một con số:
"Đúng là lạm phát của Việt Nam trong thời gian qua tăng rất nhanh, bây giờ lạm phát đã là hai con số rồi, và một số nhà khoa học dự báo lạm phát Việt Nam 2011 này có thể lên đến 18 hay 19%. Tuy hiện nay chính phủ đang nỗ lực kềm chế lạm phát, coi việc kềm chế lạm phát là một trong những nhiệm vụ trung tâm, tôi nghĩ lạm phát 2012 vẫn tiếp tục ở mức hai con số.
Đương nhiên chống lạm phát thì phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt , và đương nhiên một chính sách kinh tế bao giờ cũng có hai mặt của nó . Chính sách thắt chặt tiền tệ đã đẩy lãi suất lên cao và đồng thời hạn chế đầu tư. Mà hạn chế đầu tư ngày hôm nay thì trong tương lai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Do đó hiện nay Việt Nam dùng từ “chính sách tiền tệ thắt chặt linh hoạt và phù hợp” Đây là thời điểm khó khăn cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam và cả các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng tôi vẫn ủng hộ quan điểm đưa mục tiêu chống lạm phát lên hàng đầu, phải thắt chặt chính sách tài chính và chính sách tiền tệ. Còn các doanh nghiệp cũng phải tìm cách tái cấu trúc lấy mình và tìm cách thoát khỏi giai đoạn khó khăn này"
Theo kinh tế trưởng Marc Djandji của Viet Capital Securities Joint Stock, ngoài việc kiên trì với chính sách kiểm soát thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, Việt Nam còn phải chú trọng đến lãnh vực nâng mức tìn nhiệm tức là nâng trị giá của đồng bạc, nếu không muốn trở lại thời kỳ 1980 khi mà đồng bạc Việt Nam bị mất giá nặng, không chỉ so với đồng đô la hay đồng euro mà cả những loại tiền tệ khác trong khu vực.
Thanh Trúc tường trình từ Thái Lan.