Bên trong Trung tâm hỗ trợ xã hội TPHCM: “Như một nhà tù trá hình, nhân phẩm con người bị xúc phạm”

0:00 / 0:00

Chiều ngày 17/11/2019, công an TPHCM ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Tiến Dũng, một nhân viên làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội (quận Bình Thạnh) vì hành vi dâm ô nhiều bé gái.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời báo chí trong buổi họp báo ngày 18/11/2019 rằng có ít nhất 6 bé gái từ 14-16 tuổi đang ở tại trung tâm này bị ông Dũng dâm ô nhiều lần trong thời gian dài.

Ngoài ra, khi thực hiện xong hành vi, ông Dũng cho các em hút thuốc lá, uống nước ngọt và cho nước sôi nầu mì tôm ăn. Ông cũng hứa hẹn sẽ chỉnh sửa hồ sơ cho các trẻ sớm được trở về với gia đình.

Sau khi báo chí Nhà nước đưa tin về vụ việc, có ít nhất năm người đã xác nhận với RFA rằng họ đã bị bắt đưa về Trung tâm Hỗ trợ xã hội quận Bình Thạnh vì đi biểu tình phản đối Formosa, và giam giữ nhiều ngày, bị đối xử tàn tệ. Những người này bao gồm bà Trần Thu Nguyệt, ông Long Trần, ông Chế Hoàng, Đỗ Phi Trường và ông Lê Xuân Diệu.

Họ chia sẻ về những trải nghiệm của mình trong quãng thời gian bị cưỡng ép đưa về đây, cho thấy rằng bên trong một Trung tâm hỗ trợ xã hội, nhân phẩm của nhiều người bị xúc phạm nặng nề.

Trung tâm hỗ trợ xã hội giam người biểu tình vì môi trường

Theo Nghị định Về thành lập và hoạt động của cơ sở Bảo trợ xã hội của Chính phủ nước Việt Nam thì các “Cơ sở bảo trợ xã hội” được thành lập với mục đích cung cấp dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, không có điều kiện sống ở gia đình như người già, người tâm thần, người tàn tật và trẻ em và những người có hoàn cảnh đặc biệt.

Tuy vậy, hàng chục người tham gia biểu tình phản đối Formosa hồi năm 2016 đã bị bắt về đây giam giữ trong nhiều ngày.

Bà Trần Thu Nguyệt, một người từng bị bắt giam ở đây kể rằng bà đi biểu tình vào một sáng Chủ Nhật năm 2016:

"Tôi vừa bước lên để bắt taxi thì phía đằng trước có bốn người mặc thường phục chặn đầu xe và có hai người khác chạy lại đẩy tôi lên taxi đưa tôi về công an phường Bến Thành. Đến tối họ đưa tôi về trung tâm hỗ trợ xã hội ở Bình Thạnh lúc khoảng 6h chiều.

Khi vào trong trung tâm hỗ trợ xã hội thì họ bắt tôi phải lấy tiền ra đưa cho họ, điện thoại các thư đưa cho họ hết. Họ giữ lại hết rồi đưa tôi vào một phòng giam."

Hình minh họa. Biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường hôm 1/5/2016 ở thành phố Hồ Chí Minh
Hình minh họa. Biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường hôm 1/5/2016 ở thành phố Hồ Chí Minh (Courtesy of Tin Mừng Cho Người Nghèo)

Ông Trần Long bị nhốt trong trung tâm này 6 ngày cho biết cũng bị đưa về đây vì đi biểu tình:

"Đợt đó đi biểu tình phản đối Formosa, giữa năm 2016. Lúc bị bắt thì người ta đưa tôi vào công an phường Bến Nghé, quận Một, giam từ 11 giờ trưa đến 7 giờ tối thì mới đưa qua Trung tâm hỗ trợ Xã Hội ở Nơ Trang Long, Bình Thạnh.

Họ đưa tôi và một người em lên xe buýt. Trên xe có mấy chục người nữa, đến trung tâm thì có hơn 80 người ở đó, rất là đông.

Theo tôi biết thì trung tâm đó chỉ giữ những người vô gia cư, kiểu như công an đùn đẩy trách nhiệm cho trung tâm đó giam tụi tôi như là những người vô gia cư. Họ kêu là luật của trung tâm đó là phải xác minh 30 ngày, nếu mình không có hộ khẩu hay tạm trú gì đó thì họ giữ luôn."

Như một nhà tù trá hình

Sau khi bị đưa đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội ở quận Bình Thạnh, cả ông Long và bà Nguyệt đều bất ngờ khi nhận thấy nơi đây giống như một nhà tù giam giữ người hơn là một nơi để nuôi dưỡng, giáo dục những người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội.

Bà Trần Thu Nguyệt nhớ lại ấn tượng đầu tiên khi bị đưa vào phòng giam là các phòng đều có khoá ngoài hai lớp cửa, nhà vệ sinh ngay trong phòng và được ngăn cách bởi bức tường cao chỉ tầm một mét. Nó không khác gì phòng giam các tù nhân:

"Khi họ đưa tôi vào một phòng giam, tôi nghĩ rằng trung tâm hỗ trợ xã hội là một cái nơi để mà đưa những em cơ nhỡ về để giáo dục tốt hơn, nhưng khi tôi vào trong đó thì tôi thấy nó gần giống như là một cái phòng giam chứ không phải là một cái phòng để cho các em ở đó, để huấn giáo các em trở thành một người sống tốt hơn.

Tôi nghĩ nó (Trung tâm Hỗ trợ xã hội - PV) đã không làm đúng chức năng, vì khi tôi vào đó thì cần thấy chỉ là cái nơi ở thôi, một nơi phục hồi chức năng cho những người cơ nhỡ, sống ở ngoài lề xã hội, hút chích… Đúng ra đưa về trung tâm thì phải cho người ta có một cuộc sống tốt hơn và hướng dẫn cho người ta trở thành con người tốt hơn, nhưng khi tôi vào trong đó thì tôi thấy hoàn toàn khác hẳn, nó khác lắm, nó giống như một cái trại tù trá hình chứ không phải là phục hồi chức năng cho người ta sống tốt hơn."

Hình minh họa. Một người bị đánh chẩy máu đầu khi tham gia biểu tình vì môi trường ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/5/2016
Hình minh họa. Một người bị đánh chẩy máu đầu khi tham gia biểu tình vì môi trường ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/5/2016 (Courtesy of Tin Mừng Cho Người Nghèo)

Cùng quan điểm, Ông Trần Long kể lại:

"Tối đầu tiên bị bắt thì tôi thấy công an thường phục làm việc, y như đi tù vậy, hỏi số báo danh, đồ đạc, chứng minh nhân dân, điện thoại đồ bị lấy hết. Tất cả những người bị bắt lúc đó đều bị lăn tay hết, xong rồi mới đưa chúng tôi vô từng phòng của trung tâm bảo trợ xã hội.

Ở đó thì tôi thấy y như ở tù vậy chứ không phải là trung tâm bảo trợ xã hội. Bởi vì một phòng đó là giam anh em chúng tôi là hai mươi mấy người. Buổi sáng họ đưa một thùng đựng nước cho tụi tôi uống. Sáng thì họ phát cho tụi tôi ổ bánh mì ngọt, trưa ăn cơm, tối ăn cơm, trưa ăn chả thì tối ăn chả, trưa ăn thịt thì tối ăn thịt, có một món thôi.

Đêm đó công an làm việc xong thì những ngày sau là cán bộ của trung tâm làm việc chứ không phải là công an nữa."

Ông còn khẳng định rằng Trung tâm hỗ trợ xã hội quận Bình Thạnh hoạt động không hề giống với cái tên của nó:

"Nó không giống như tên của trung tâm là hỗ trợ xã hội, hỗ trợ những người vô gia cư, những người lang thang nhưng theo tôi biết trong đó như là trại tù vậy.

Những người bị giam trong đó phải đi lao động hết. Sáng những người bị nhốt trong đó là phải đi lao động, tới trưa về ăn cơm, chiều phải đi lao động thêm tới 6 giờ tối mới về."

Ông Lê Xuân Diệu nói rằng ngoài việc bị lấy hết điện thoại, tiền bạc, tư trang thì tất cả mọi người đều phải cầm bảng có tên, có số trước ngực để chụp hình như tù nhân hình sự.

Trung tâm hỗ trợ xã hội xúc phạm nhân phẩm người dân

Nghị định về thành lập và hoạt động của cơ sở Bảo trợ xã hội cũng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm Hỗ trợ xã hội là tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng như người già, người tàn tật, vô gia cư, trẻ em và những người có hoàn cảnh đặc biệt; Giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng xã hội phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, nhân cách; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng.

Nhưng theo lời tường thuật của cả bà Nguyệt và ông Long thì họ đã bị chính nhân viên trung tâm này đã đánh đập và xúc phạm nhân phẩm.

Khi bị bắt vào đây, cho rằng mình không có tội, bà Nguyệt nói rằng bà đã phản kháng rất dữ dội. Chính vì vậy mà vào ngày thứ Hai, bà bị hơn hơn 20 người cả nam lẫn nữ, cả an ninh và nhân viên ở Trung tâm hỗ trợ xã hội ở quận Bình Thạnh cưỡng chế, lột quần áo và khám xét người:

"Tôi nằm thiêm thiếp thì nghe tiếng chân rất nhiều người đến mở cửa thì có khoảng năm người phụ nữ đến chỗ người tôi. Họ sờ ngực, sờ bụng thì tôi hất tay họ ra rồi hỏi "mấy người làm gì vậy!".

Tôi quay ra cửa thì thấy có khoảng 20 người đàn ông đứng ở cửa và họ bắt đầu bước vào trong phòng. Có 1 người đàn ông chỉ thẳng tay vào mặt tôi và nói "lột hết đồ nó ra!" thì gần 20 người tràn vào bên trong.

Năm người đó là nhân viên của trại phục hồi nhân phẩm. Còn trong số những người đàn ông thì có một số là nhân viên trung tâm, một số mặc thường phục. Một số đàn ông là nhân viên họ mặc áo đồng phục của trung tâm đó.

Lột đồ xong thì họ bỏ đi."

Bà Nguyệt bị giam đến chiều ngày thứ Ba thì được thả về.

Còn ông Long bị nhốt cùng với hơn 20 người khác. Tất cả đều bị tra hỏi nhân thân, ai phản đối sẽ bị lôi đi đánh:

"Có đánh một người bạn của tôi, bị nhốt chung buồng của tôi. Cán bộ trung tâm với cơ động cầm roi điện vô bắt người bạn của tôi ra ngoài, đánh xong thì bạn tôi cũng bị mất chiếc nhẫn cưới luôn.

Anh đó nói rằng chúng tôi không có tội, tự nhiên nhốt tôi vô đây, người ta đi làm ngang quận Nhất chụp hình cái tự nhiên bắt tôi. Anh đó nói nhốt tôi là vô lí, tôi có hộ khẩu chứ đâu phải vô gia cư mà nhốt.

Cán bộ thấy vậy bắt lên đánh. Đánh xong tầm 30 phút đưa xuống thì tôi thấy anh đó bầm tím người."

Không chỉ đối xử mạnh tay với những người đi biểu tình bị bắt, bà Nguyệt còn cho biết thời gian ở trong trung tâm, bà thường xuyên nghe tiếng la hét của những người đang sinh sống tại đó bị đánh:

"Khi tôi ở trong đó thì có một số người hút chích, làm gái cũng bị bắt về và họ nhốt vào tầng lầu ở bên trên tôi.

Tôi nghe có tiếng đánh đập. Không biết chuyện gì xảy ra ở trên đó nhưng có nghe thấy tiếng dùi cui đánh người và nghe thấy tiếng mà mấy em bị đánh hét lên.

Tôi nằm ở tầng dưới còn mấy em bị nhốt ở tầng trên. Vì bị nhốt riêng phòng nên không có nói chuyện được.

Tôi thấy những người nhân viên trong đó rất là hung hăn, dữ tợn."

Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với Trung tâm Hỗ trợ xã hội quận Bình Thạnh nhưng họ từ chối bình luận về những cáo buộc trên với lý do là “không được phát ngôn, muốn gì phải có giấy giới thiệu của Sở Lao Động”.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Bộ LĐTB&XH trả lời báo chí nhà nước cho biết Mỗi năm ngân sách Nhà nước tốn khoảng 300 tỷ đồng cho các trung tâm bảo trợ xã hội, tính trung bình mỗi người ở trung tâm được hưởng 1 triệu đồng mỗi tháng.