Một loạt tổ chức xã hội dân sự độc lập và nhiều nhân sĩ, trí thức, thành viên cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước hôm 05/9/2023 đã công bố một bản tuyên bố với tựa đề “Đã đến lúc công dân thực hiện Điều 25 Hiến pháp”.
Nhắc lại một bản yêu sách về chính trị và nhân quyền của một số nhà hoạt động đòi độc lập, dân chủ và nhân quyền của Việt Nam từ đầu thế kỷ trước, trong đó có nhân vật là ‘lãnh tụ’ của chính đảng Cộng sản Việt Nam sau này, bản tuyên bố có đoạn nêu rõ:
“Ngày 18 tháng 6 năm 1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, gởi Bản Yêu Sách của Nhân Dân An Nam đến hội nghị Véc Xây (Pháp). Bản yêu sách gồm 8 điểm: 1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; 2. Cải cách nền pháp lý Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam; 3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận; 4. Tự do lập hội và hội họp; 5. Tự do cư trú nước ngoài và tự do xuất dương; 6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; 7. Thay thế các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; 8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ. Hơn 100 năm qua những quyền tự do trong Bản yêu sách chưa được thực hiện.”
'Cách tốt nhấ t l à thực thi ngay các quyền đã hiến định'
Tuyên bố hôm 05/9/2023, với chữ ký của hàng chục nhân sĩ trí thức, tính tới thời điểm ngày 07/9, và được đồng ký bởi các tổ chức xã hội dân sự độc lập như Lập Quyền Dân đại diện bởi ông Nguyễn Khắc Mai, từ Hà Nội, Diễn đàn Xã Hội Dân Sự đại diện bởi Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, Bauxite Việt Nam, đại diện bởi GS. Nguyễn Huệ Chi, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam, Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh đại diện bởi GS. Nguyễn Đình Cống, Câu lạc bộ Phan Tây Hồ đại diện bởi Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đại diện bởi ông Võ Văn Thôn…, nhắc lại nội dung trong Bản tuyên ngôn độc lập do cố Chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố trước quốc dân Việt Nam 78 năm trước vào ngày 02/9/1945, bản tuyên bố hôm 05/9 nhấn mạnh:
“Ngày 2/9/1945 nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời với Tuyên Ngôn Độc Lập. Trong đó có nói: Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nguyên tắc vận hành một đất nước là Hiến pháp, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vậy thì cách tốt nhất là thực thi ngay cái Hiến pháp đang có sẵn, thực hiện ngay những điều mà dân là chủ nhân thật sự của đất nước.”
Đề cập Điều 25 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, bản tuyên bố của các tổ chức XHDS độc lập và các nhân sĩ, trí thức Việt Nam nêu quan điểm:
“Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định rằng: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Theo điều này, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình là quyền hiến định. Vì đã là hiến định thì người dân được quyền được thực thi các quyền hiến định đó mà không phải xin phép bất cứ ai; với một số quyền nếu luật yêu cầu người dân thông báo (như quyền biểu tình) thì người dân thông báo, không có quy định thông báo là lỗi của Quốc Hội; với một số quyền (như lập hội) nếu người dân muốn đăng ký để có tư cách pháp nhân và được luật pháp bảo vệ thì người dân có thể đăng ký với nhà cầm quyền. Phải nghiêm trị tất cả các cá nhân hay tổ chức ngăn cản, gây khó khăn, đàn áp người dân thực hiện quyền hiến định của mình.”
'Lời kê u g ọi nhắm vào toàn thể công dân'
Cuối cùng bản tuyên bố đưa ra lời kêu gọi được cho là nhắm vào không chỉ chính quyền Việt Nam mà còn vào toàn thể công dân của đất nước này:
“Để đất nước phát triển tốt, bền vững, ngăn chặn tham nhũng, cải thiện và thúc đẩy các hoạt động trong xã hội phát triển trở về cội nguồn dân tộc, đất nước cường thịnh, xứng đáng sánh ngang tầm các nước trong khu vực, nhân dân được ấm no hạnh phúc, chúng tôi các cá nhân, các tổ chức xã hội dân sự tuyên bố rằng:
Mọi công dân hãy tích cực thực thi các quyền được ghi trong điều 25 Hiến pháp 2013 và đòi nhà cầm quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực thi các quyền hiến định đó; đồng thời cần ra các luật trừng trị nghiêm khắc các cá nhân và tổ chức cản trở công dân thực hiện những quyền này; trong đó bao gồm cả việc lần lữa viện dẫn chưa có luật hay nghị định hướng dẫn, hay đàn áp người dân thực thi quyền hiến định của họ. Chúng tôi tin rằng đông đảo người dân Việt Nam mong ước được thực thi điều 25 của hiến pháp 2013 như bản tuyên bố đã trình bày.”
Hôm 07/9/2023, từ Sài Gòn, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, trên quan điểm riêng, giải thích với Đài Á Châu Tự Do vì sao ông quyết định ký tên vào bản Tuyên bố này:
“Tôi tham gia ký bởi vì thực ra những vấn đề mà yêu cầu phải thực thi Điều 25 của Hiến Pháp, trong tất cả những anh em trí thức, văn nghệ sỹ cũng như làm báo chí, từ lâu chúng tôi đã thấy vấn đề này bức thiết rồi, cũng thấy rằng rất nhiều lần chính phủ cũng như Quốc hội đã bàn đi bàn lại, nhưng vì những lý do gì đó mà nó cứ trì hoãn mãi.
Rồi đến lần này, thấy Quốc hội đưa ra trong những văn bản luật để chuẩn bị đưa vào danh sách (nghị trình) để có thể thảo luận, để mà thông qua, thì cũng lại hoãn lại luôn. Luật về lập hội hay luật về biểu tình, chẳng hạn, cũng hoãn mãi, lúc nào cũng chỉ đưa một từ gọi là ‘đến lúc thích hợp.’ Chúng ta không biết lúc nào đến lúc thích hợp, trong khi tình hình đất nước cho thấy bức thiết là phải thực thi những điều đó, trong đó có quyền lập hội, quyền biểu tình…
Và một cách rõ ràng nhất là những vụ đại án tham nhũng khủng khiếp, như vừa xảy ra mà chỉ chứng tỏ một cách rõ rệt là những biện pháp mà nhà nước một mình đứng ra để giải quyết những việc đó là không xong. Bắt buộc phải có những tác động của xã hội dân sự hay là của người dân để kiểm soát quyền lực.
Tức là phải có các hội và phải có quyền biểu tình để thực hiện tâm nguyện, ý chí của người dân, là một cách để kiểm soát, mà cũng là để lên tiếng kịp thời báo động và ngăn chặn những việc làm sai trái của các quan chức hay chính quyền ở các cấp. Nếu như có sự lên tiếng kịp thời, độc lập, khách quan của xã hội dân sự và của người dân, tôi tin chắc rằng đã ngăn chặn được rất nhiều những vụ bê bối, những vụ tham nhũng, chúng không thể nào đến mức độ ghê gớm như là qua mấy vụ ‘Chuyến bay giải cứu’, hay vụ ‘Que thử test-kit’ vừa rồi.”
Còn từ Hà Nội, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, người đại diện tổ chức Diễn đàn Xã Hội Dân Sự ký tên vào bản Tuyên bố nói với RFA Tiếng Việt về tính thời điểm của thông điệp chính trị ngỏ mà được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến vào ngày 10/9/2023, ông nói:
“Chúng tôi, những người Việt Nam rất coi trọng sự ủng hộ, sự giúp đỡ của những người nước ngoài và chúng tôi đánh giá cao những sự ủng hộ, giúp đỡ ấy. Và đối với cuộc viếng thăm của Tổng thống Joe Biden sắp tới trong mấy ngày tới, tôi cũng chỉ muốn nói với ông ấy là chúng tôi rất đánh giá cao sự giúp đỡ, sự ủng hộ của họ.
Nhưng chúng tôi cũng phải nói lại một cách rất rõ ràng rằng chuyện ấy (đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền-PV) là chuyện của người dân Việt Nam. Sở dĩ mà tiêu đề của Tuyên bố này là nói với nhân dân Việt Nam là chính, chứ không phải là nói với chính quyền Việt Nam và càng không phải để nói với các chính phủ nước ngoài.
Bởi vì nếu mà nhân dân biết được quyền của mình và thực hiện theo khẩu hiệu là ‘quyền của ta thì ta cứ làm’, và ta phải gây áp lực một cách rất xây dựng, để cho những người cầm quyền hiểu rằng việc thực hiện những quyền đó - là những quyền mà họ long trọng tuyên bố rằng họ tôn trọng ở trong Hiến pháp – thì có lợi cho họ, có lợi cho cả dân tộc này. Hay nói một cách khác là người dân mới là quan trọng nhất.
Người dân phải hiểu quyền của mình, và phải thực thi quyền của mình, ở mọi lúc, mọi nơi, và càng đông càng tốt. Tôi chỉ nói thí dụ là người ta đưa ra rất nhiều điều trong Luật hình sự mà thực sự là vi hiến, để trấn áp những người đòi những quyền như vậy, nếu hàng triệu người, hàng chục triệu người đều rất quyết tâm thực hiện những quyền ấy, thì tôi nghĩ rằng chẳng có một lực nào mà có thể ngăn cản được cả, đấy mới là điểm chính,” ông Nguyễn Quang A nhấn mạnh với Đài Á Châu Tự Do về tinh thần thông điệp chính của Bản Tuyên bố.