Mặc Lâm phỏng vấn Giáo sư Ngô Đức Thọ, người luôn có mặt trong các cuộc biểu tình vừa qua để biết ý kiến một trí thức trước quyết định này.
Biểu tình là tự nguyện
Mặc Lâm : Thưa Giáo Sư, khi ông biết quyết định ngăn cấm biểu tình của UBND thành phố Hà Nội phát trên TV cũng như các tờ báo nhà nước, thì phản ứng đầu tiên của ông là gì?
GS Ngô Đức Thọ : Đây là một vấn đề, theo chúng tôi, thuộc phạm vi địa bàn Hà Nội này thôi. Thông báo là thông báo trong khu vực Hà Nội là đủ, nhưng chính quyền đã làm một cách là đưa lên VTV1 phát đi toàn quốc. Đài truyền hình toàn quốc đưa, rồi đồng loạt mấy chục tờ báo chưa tới ngày mai nhưng hôm nay đã đăng rồi, tức là họ mở một đợt phản công rất mạnh.
Đối với thông báo đó thì cũng đã có những phản ứng rất nhanh, nhiều người đã phản đối thông báo ấy vi phạm hiến pháp về việc người dân có quyền tự do phản ánh nguyện vọng của mình. Đây là nguyện vọng của nhân dân bức xúc trước việc Trung Quốc lấn chiếm biển đảo của Việt Nam.
Mặc Lâm : Theo thông báo này xác định thì những nhóm phản động trong và ngoài nước chính là tác nhân xúi giục người biểu tình, giáo sư là người trực tiếp tham gia cả mười lần vừa qua, ông nhận thấy kết luận này có đúng hay không?
GS Ngô Đức Thọ : Hoàn toàn không có. Đây là một sự vu cáo. Không có ai xúc xiểm, không có ai xúi giục, lợi dụng cả. Đây là những người nhiều tuổi có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, người ta tự chịu trách nhiệm cho hành động của người ta chớ không có ai xúi bậy người ta được. Chúng tôi là bạn bè với nhau. Thực tế không bao giờ ai rủ người này đi, rủ người kia đi, mà là tự nguyện hoàn toàn. Hai người bạn thân nhau cũng không bao giờ rủ nhau.
Thực tế không bao giờ ai rủ người này đi, rủ người kia đi, mà là tự nguyện hoàn toàn. Hai người bạn thân nhau cũng không bao giờ rủ nhau.
GS Ngô Đức Thọ
Tôi không dám nói là có thế lực ở ngoài nước, ở trong nước. Ở ngoài nước thì từ xưa tới giờ không nói rồi, nhưng mà ngay trong nước từ xưa tới giờ người ta cũng rất là thận trọng, vậy mà bây giờ họ lại dám nói ra như thế. Trước tình hình này rồi đây dư luận cần phải cân nhắc, và giới trí thức thì cũng có nhiều người đề xuất phải lập tức ra bản yêu cầu hủy bỏ cái quyết định sai trái của UBND TP.Hà Nội.
UBND mà ra một cái thông báo như vậy (thông báo không số, không có người ký, không có căn cứ pháp luật) thì không biết của nhân viên cấp nào, của một anh nhân viên văn phòng hay của chủ tịch thì không ai biết cả. Hiện nay tôi thấy người ta đang phản đối rất gắt.
Mặc Lâm : Theo nhận xét của giáo sư thì những trí thức mà ông quen biết chung quanh ông thì họ có phản ứng ra sao?
GS Ngô Đức Thọ : Trước sự việc đó thì hiện bây giờ tôi thấy cũng có nhiều người phản ứng ngay trên mạng rồi. Những người từng tham gia biểu tình thấy phẫn uất bởi vì người ta thấy (chính quyền) không thể hiện được cái nguyện vọng của người dân một cách đúng đắn, không thể hiện được thái độ tiếp thu đúng mức trong cái tư trào của thế giới hiện nay, và cả đất nước hiện nay nữa.
Trong nước còn chưa được huống hồ đối với thế giới! Nó không đáp ứng thỏa đáng tất cả tình cảm của người dân trong nước và quốc tế đối với những hoạt động phản đối (Trung Quốc) của giới trí thức, giới khoa học, thanh niên, sinh viên vừa qua. Chính nhiều người đã yêu cầu phải có sự giải thích chuyện đó .
Sức mạnh lòng dân
Mặc Lâm : Trong tình hình căng thẳng hiện nay thì liệu hành động tương đối mạnh mẽ và có tính cách bạo lực này của nhà nước có thể coi là quá tay hay không đối với những người chỉ biểu tình để chống Trung Quốc thôi?
GS Ngô Đức Thọ : Mấy ông lãnh đạo làm như vậy tôi cho là thất sách, làm mất đi cái vũ khí của mình. Trong lãnh vực ngoại giao thì anh cũng biết là gần đây nhà nước cũng nói có thứ "ngoại giao nhân dân" thì chính những cuộc biểu tình này là một thứ ngoại giao nhân dân, mà ngoại giao này không phải là ngoại giao bắt tay mà là ngoại giao phản đối. Ngoại giao phản đối cũng là một hình thức ngoại giao nhân dân. Mình phải thấy đó là một sức mạnh.
Mà rõ ràng là số lượng không phải hàng triệu hàng vạn mà chỉ chút chút như thế thôi nhưng mà rất có ảnh hưởng. Thực tế tôi thấy chưa nói các đài báo mà mỗi chủ nhật mọi người, những người nước ngoài đến tham quan biểu tình; có nhiều người đi hòa cùng.
Anh xem tivi, xem trên màn ảnh cũng thấy là họ đi hòa cũng với mọi người. Những người đi biểu tình không có gì căng thẳng cả, rất bình thường; chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, hô khẩu hiệu, chớ không phải là quá bức xúc mà chỉ để thể hiện.
Video: Chuyện gì sẽ xảy ra ở Hà Nội cuối tuần này?
Chủ nhật là những người nước ngoài đến tham quan biểu tình, có nhiều người đi hòa cùng với mọi người. Không phải là bình thường.
Bên Tàu là nó rất coi thường Việt Nam. Bên họ thì không có biểu tình nhưng mà đọc trên mạng thì thấy nó xỉ vả người Việt Nam, coi thường dân tộc Việt Nam quá đáng lắm, sao (chính phủ) Việt Nam không làm việc với Trung Quốc để cho Trung Quốc dẹp những blog hiếu chiến đó đi, dẹp những trang mạng thù địch với Việt Nam đó đi, mà lại còn kềm kẹp phía Việt Nam.
Mặc Lâm : Những lúc gần đây, nhà nước ngày càng tiến gần hơn tới các hành động đàn áp những người làm trái với chính sách của họ, trong đó có cả việc quy kết những hành động bình thường trở thành nguy hiểm. Giáo sư nghĩ sao về việc này?
GS Ngô Đức Thọ : Theo tôi, so với từ trước đến bây giờ, ngay cả trong tuyên bố của ông Giám Đốc Công An Hà Nội - Nguyễn Đức Nhanh thì ông cũng không đến nỗi nói như thế. Họ cho là một số phần tử phản động ở trong và ngoài nước, những thế lực thù địch lợi dụng...rất nhiều người phản đối điều đó. Bây giờ đã thấy ở một số trang mạng có người phản ứng rồi. Cái đó bằng cớ ở đâu? Không có bằng cớ! Nói chung, xưng lên như vậy là không ổn.
...chính những cuộc biểu tình này là một thứ ngoại giao nhân dân, mà ngoại giao này không phải là ngoại giao bắt tay mà là ngoại giao phản đối.
GS Ngô Đức Thọ
Cái thứ hai là gần đây, trong những buổi tiếp xúc hay hội thảo có những người như ông Đỗ Thịnh bên báo Văn Nghệ, là người lần đầu tiên đúc kết tình hình tư tưởng dính đến tình thế ra báo, cho rằng tình thế năm 1972 trước khi Việt Nam và Hoa Kỳ ký hiệp định ở Miền Nam, là địch một bên và ta một bên có nghĩa là cuộc đấu tranh này người ta coi không có mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Từ trước tới giờ người ta quan niệm tất cả những chuyện kiện cáo đất đai là những vấn đề mâu thuẫn trong nhân dân cả. Ông Đỗ Thịnh cho rằng chuyện kiện cáo bây giờ nằm trong phạm trù địch ta có nghĩa là đối kháng với nhà nước với nhân dân. Ông Thịnh là đại diện cho Văn Nghệ mà ông nói như vậy. Ông nói là có một cái tình thế ra báo, tức là một cái tình thế địch - ta, đó là một, rồi cũng trong cuộc họp của UBND cũng có người nói như thế. Tôi cho là có những ngôn ngữ xúc phạm. Chính văn kiện của Đảng, chính ông Tổng bí thư cũng chưa dám nói cái câu đó. Lời nói mà không biết tôn trọng đội ngũ trí thức này là coi thường dân tộc.
Cần minh bạch thông tin
Mặc Lâm : Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa đi đến nhiều cơ sở địa phương để tiếp xúc cử tri và có nói về vấn đề Trung Quốc, giáo sư nghĩ là những lời nói của ông có đủ để trấn an dư luận hay chưa ạ?
GS Ngô Đức Thọ : Lời nói của TBT Nguyễn Phú Trọng thì cũng toàn diện đấy nhưng mà đưa ra cũng không kịp thời. Tôi cho rằng nếu như mạnh mẽ thì lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam phải tuyên bố rất là mạnh mẽ, rất đầy đủ trước công luận thế giới thì có lẽ người trí thức cũng thỏa mãn cái chuyện đấy, nhưng đến bây giờ anh không tuyên bố gì cả. Theo tôi, về mặt chính phủ và Đảng CSVN chưa hề tuyên bố một cái gì cả.
Ta nhớ là hồi trước đây có những vấn đề Trung Quốc xâm lược, hoặc là ngay trước đây quan hệ (với Trung Quốc) hồi kháng chiến chống Mỹ cũng thế, Mỹ ném bom Miền Bắc, vân vân, thì bao giờ cũng có, tùy mức độ, nhưng mà các đoàn thể rồi thì có tuyên bố của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, rồi long trọng nhất là tuyên bố của chính phủ Việt Nam rất là rõ ràng lập trường của mình trong vấn đề giữ biển đảo như thế nào, kiên quyết như thế nào, giữ hòa bình như thế nào, ổn định và phát triển như thế nào. Nếu mà có những thông báo đó, tôi cho rằng nếu mà đi sớm trước đây vài tháng có một lập trường rõ ràng như vậy thì trên dưới đoàn kết đâu có vấn đề gì.
Mặc Lâm : Thưa giáo sư, xin quay lại với thông báo cấm biểu tình, theo ông thì tại sao nhà nước quay trở lại 180 độ khi chỉ hai tuần trước họ hoà hoãn với người biểu tình mà bây giờ lại có vẻ cực đoan như vậy? Có yếu tố Trung Quốc nào trong thông báo này hay không, thưa ông?
Lời nói của TBT Nguyễn Phú Trọng thì cũng toàn diện đấy nhưng mà đưa ra cũng không kịp thời. Theo tôi, về mặt chính phủ và Đảng CSVN chưa hề tuyên bố một cái gì cả.
GS Ngô Đức Thọ
GS Ngô Đức Thọ : Phải nói là người dân chúng tôi tự phát chớ không có ai tổ chức chúng tôi. Tự nhiên ra đấy gặp gỡ mọi người rồi thành ra đồng lòng, như thế mọi người nhìn thấy tán thành ở đây. Không có ai tổ chức, không có ai giật dây, nhà nước xác định rất rõ ràng như vậy.
Mọi người ra đấy với các khẩu hiệu đều là yêu nước. Nhưng mà thực ra nếu có tổ chức phóng ra một hệ khẩu hiệu thì chỉ có tổ chức đảng cộng sản mới làm được. Việc đó người dân họ hoan nghênh, số người tham gia càng ngày càng tăng lên nhưng mà cũng chỉ trong phạm vi như vậy, có những phản ứng rất là đẹp.
Phải nói rằng ngoài cái việc biểu tình thể hiện lòng yêu nước tôi cho rằng một phần nào còn cả một sinh hoạt chính trị. Ở Việt Nam họ rất ngại chuyện người dân có thái độ chính trị. Họ không thích. Họ chỉ thích một thái độ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam mà họ cho là đại diện cho toàn bộ nhân dân. Cái điều đó là không thể được. Trong thế giới này bây giờ như thế là không thể được. Cái gì cũng muốn đi đều bước, mọi người một ý với Đảng thì không được bởi vì đảng theo kiểu đảng, chính phủ theo kiểu chính phủ, còn người dân có cái kiểu của người dân. Đó là cái điều mà theo tôi thì lãnh đạo Việt Nam nên coi đó là một cái biểu thị sức mạnh của dân tộc mình.
Mặc Lâm : Xin cám ơn giáo sư đã giúp cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Theo dòng thời sự:
- Giới trẻ phản ứng lệnh cấm biểu tình
- Vì sao lại coi thường hành động yêu nước?
- Kết thúc phép thử về biểu tình?
- Luật biểu tình - lợi khí của cả dân lẫn nhà nước
- Hà Nội ra lệnh cấm biểu tình
- Những bông hồng Việt trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc
- Các bạn trẻ "chấm điểm" chính quyền
- Khó có luật biểu tình trước năm 2014