Vũ khí truyền thông, kinh nghiệm Ba Lan

Ba Lan đã vận dụng hữu hiệu sức mạnh của truyền thông góp phần xé tan bức màn sắt cộng sản tại Đông Âu năm 1989. Bài học có thể áp dụng như thế nào trong bối cảnh của Việt Nam hôm nay?

0:00 / 0:00

Gần đây, dư luận quan tâm về những gì truyền thông nước ngoài nói về cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan. Số người Việt sống tại Ba Lan không nhiều so với các nước Mỹ và Tây Âu nhưng dường như đây là con số tỉ lệ nghịch trong mối quan tâm của báo chí nước ngòai.

Vẫn đề tài về cộng đồng người Việt tại Ba Lan, khai thác khía cạnh hoạt động dân chủ và truyền thông của người Việt, thông tín viên Vân Anh của RFA có cuộc trao đổi với ông Robert Krzysztoń về cách tiếp cận truyền thông của người Việt tại Ba Lan và về vai trò Ba Lan trong việc hỗ trợ mang lại tự do cho Việt Nam.

Ông Robert Krzysztoń từ nhiều năm nay luôn hoạt động nhằm bảo vệ nhân quyền cho người Việt tại Ba Lan, ông là thành viên Hội Tự do Ngôn luận, tập trung đội ngũ các nhà hoạt động dân chủ tại Ba Lan từng hoạt động đối lập trước năm 1989.

Bài học Ba Lan

Vân Anh: Điều đầu tiên dễ nghi nhận là cộng đồng người Việt tại Ba Lan có một chỗ dựa đặc biệt là những người Ba Lan nhiệt thành trợ giúp Việt Nam, mong người Việt thoát khỏi những bế tắc hiện nay. Xin được hỏi ông thấy những kinh nghiệm nào của Ba Lan cần được thực hiện ở Việt Nam và người Ba Lan có thể giúp Việt Nam ở những lãnh vực nào nhất?

Tự do không có biên giới nên hễ Việt Nam bị kìm kẹp thì đó phải là mối quan tâm của Ba Lan.

Robert Krzysztoń

Robert Krzysztoń: Tự do không có biên giới nên hễ Việt Nam bị kìm kẹp thì đó phải là mối quan tâm của Ba Lan. Nhưng làm gì và bao giờ làm là quyết định thuộc về phía người Việt bởi chỉ họ mới có chủ quyền với đất nước, chỉ có người Việt mới nắm bắt được thực trạng Việt Nam. Chúng tôi, người Ba Lan, chỉ là những người phụng sự chứ không có vai trò quyết định thay cho người Việt Nam. Trả lời câu hỏi của cô, tôi tin rằng nếu chúng ta thiệt tình muốn thắng trận, phải hoạt động hiệu quả, song song, trên ba chiến trường.

Thứ nhất, thiết lập các tổ chức vừa công khai với xã hội, vừa du kích với an ninh cộng sản để tránh bị phát giác và hủy hoại. Thứ hai là chăm bẵm mảng văn hóa độc lập đồng thời thâu tập người dân quanh những giá trị truyền thống cơ bản vốn có trong tôn giáo. Thứ ba là chia sẻ với thế giới, vốn lười không muốn nghe, về những gì xảy ra trong chế độ độc tài. Điều này có nghĩa là tận dụng hiệu quả các công cụ liên lạc với thế giới, với xã hội tự do. Tại chiến trường thứ nhất và thứ hai người Ba Lan chỉ có thể giúp được chút ít, bằng cách hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm. Ở mảng thứ ba, có lẽ chúng tôi có thể giúp nhiều nhất.

Vân Anh: "Thế giới lười nghe" là vấn đề suy tư của người Việt chúng tôi. Trước 1989, người Ba Lan nói gì và thế giới có lắng nghe?

Robert Krzysztoń: Ba Lan từng nằm ở vị thế y hệt như Việt Nam bây giờ. Các nước Tây Âu từng muốn bằng mọi cách an lành với Sô-Viết nên chính phủ các nước không làm ầm ĩ những vụ việc liên quan nhân quyền Ba Lan còn truyền thông các nước thời đó thì chỉ đề cập tới Ba Lan khi có bài thu hút dư luận.

Ba Lan bị nằm trong tình thế không thuận lợi chút nào nhưng chúng tôi vẫn tận dụng được nó cho lợi ích chính trị của mình. Xin kể đây một thí dụ. Khi chính quyền cộng sản tại Ba Lan công bố thiết quân luật, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Pháp tránh né không bình luận sự việc, đồng nghĩa với việc ông ủng hộ thiết quân luật. May cho chúng tôi, truyền thông Pháp làm rung dư luận khiến chính phủ Pháp, ngay sau đó, phải ra mặt chỉ trích tác giả thiết quân luật. Chúng tôi làm được vậy nhờ trước đó, người Ba Lan tại Pháp đã có một quá trình xây dựng hệ thống liên lạc với truyền thông và tận dụng được xã hội tây phương.

Dùng Truyền thông làm Vũ khí

Vân Anh: Không chỉ có truyền thông Ba Lan, mà hiện nay, cả truyền thông nước ngoài cũng đã quan tâm tới đề tài Việt Nam, bắt đầu từ người Việt tại Ba Lan. Vì sao người Việt tại Ba Lan có được vị thế đó và làm thế nào mà nhóm cộng đồng này có được điều đó?

Tại Ba Lan không có mafia Việt Nam. Chính thể nhà nước cộng sản mới là cơ quan hoạt động thế chân mafia.

Robert Krzysztoń

Robert Krzysztoń: Đấy là những bí quyết tốt hơn đừng để cán sự cộng sản nghe được mà tôi chắc họ cũng nghe RFA. Không nói về bí quyết của người Việt tại Ba Lan nhưng tôi có thể nói về thành quả tiếp cận truyền thông của cộng đồng này. Có những bài rất tốt, có những bài rất tồi bởi truyền thông là vậy.

Có những ký giả thông minh, nhưng cũng có những phóng viên rất kém. Lấy thí dụ: mới năm ngoái truyền hình quốc gia Đức chiếu phóng sự về người Việt tại Ba Lan. Tôi rất thỏa mãn với bài phóng sự đó bởi nó mô tả thực tế rành rọt, nhấn mạnh rằng vấn nạn cộng sản là nguồn gốc của các vấn đề. Sau một năm, vẫn là đài này, vẫn đề tài Việt Nam nhưng tác giả là một ký giả khác.

Phóng sự mới được chiếu cuối tháng 10 qua rốt cuộc vẫn có lợi cho phe dân chủ bởi không né tránh đề tài cộng sản. Mỗi tội là để thêm sắc màu cho phóng sự, tác giả đã cho phép mình tùy tiện uốn nắn câu chữ, ví dụ dịch lại lời nói của tôi một cách không chính xác. Luận điểm của tôi là: tại Ba Lan không có mafia Việt Nam. Chính thể nhà nước cộng sản mới là cơ quan hoạt động thế chân mafia. Vậy mà trên ti-vi lời dịch lại nói từ miệng tôi về „mafia Việt Nam”.

Những chuyện như vậy vẫn xảy ra và đó là cái giá phải trả khi tiếp cận với truyền thông. Nói cho cùng, trả giá như vậy không cao. Cần ghi nhận rằng trước kia, truyền thông Ba Lan hay Đức quốc không đề cập tới vấn nạn cộng sản trong những mô tả về Việt Nam và người Việt Nam. Điều này đã thay đổi trong những năm trở lại đây và đó là công của những ai chịu khó miệt mài hoạt động tại Ba Lan.

Vân Anh: Nhưng gây ảnh hưởng với truyền thông không phải là tất cả những gì có thể làm tại Âu Châu?

Robert Krzysztoń: Tất nhiên là không. Cần phải bảo vệ những người Việt di cư, chẳng hạn qua đòi hỏi thi hành Hiệp định về người tị nạn và Hiệp định bảo vệ nạn nhân buôn người. Càng nhiều người Việt ổn định ở nước ngoài, sẽ càng có nhiều người công khai đòi hỏi tự do cho người dân trong nước. Một thực tế là dòng người từ Việt Nam sang Châu Âu chảy qua Ba Lan là cửa ngõ đầu tiên. Thế nên Ba Lan là nơi có trách nhiệm thi hành những nghĩa vụ tất yếu đó.

Vân Anh: Những trường hợp như của anh Nguyễn Lâm hôm trước có nói chuyện với đài chúng tôi thể hiện Ba Lan là chiến trường cam go. Một mặt anh bị an ninh Việt Nam đe dọa ngay tại đông Âu, mặt khác tình trạng pháp lý trên nước sở tại bấp bênh…

Robert Krzysztoń:Người tị nạn Việt Nam gặp khó khăn chỉ là hậu quả của việc dư luận thế giới còn thiếu thông tin mà trên thực tế, tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam chưa được phổ biến rộng rãi. Điều này nhất thiết cần khắc phục. Ngoài ra, cần chống lại an ninh cộng sản bằng cách đưa ra ánh sáng mọi trường hợp bị áp bức.

Công an cộng sản không làm việc vì lý tưởng mà chỉ làm việc trong bóng tối. Chúng là những kẻ hèn hạ, lấy tiền để làm những công việc hèn hạ. Chúng không dám ho he khi thấy động hoặc không đủ thông minh để nhận biết đã bị phát giác.

Rất nhiều trường hợp các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam tại Ba Lan bị sách nhiễu, khủng bố, đe dọa tinh thần thể xác. Tôi đây rất khâm phục lòng quả cảm của họ, những người dám lộ diện và tranh đấu ngay cả khi tình trạng pháp lý còn bấp bênh. Họ biết họ rất mạo hiểm nhưng họ vẫn trung thành với lương tâm mình.