Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Kerrey là người đóng vai trò quan trọng trong việc bình thường quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Ông cũng đồng thời là người góp phần đưa đại học Fulbright đến Việt Nam, một biểu tượng trong hợp tác giáo dục giữa hai nước. Nhưng ông cũng là người gặp phải những chỉ trích về sự tham gia của mình vào chiến tranh Việt Nam khiến ông phải từ chức chủ tịch Hội đồng tín thác đại học Fulbright Việt Nam. Thượng nghị sĩ Bob Kerrey dành cho Đài ACTD một buổi phỏng vấn đặc biệt nói về những gì ông đã làm cho Việt Nam và kế hoạch sắp tới liên quan đến giáo dục Việt Nam.
Diễm Thi: Xin chào TNS Bob Kerrey. Tôi rất vui có dịp được trò chuyện cùng ông về giáo dục ở Việt Nam.
TNS Bob Kerrey: Xin chào cô. Hoa Kỳ và Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt và tôi rất vui được là một phần nhỏ trong đó.
Diễm Thi: Là người tích cực ủng hộ cho bình thường hóa quan hệ hai nước và thúc đẩy cho dự án đại học Fulbright ở Việt Nam, ông đánh giá thế nào về hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua?
TNS Bob Kerrey: Tôi nghĩ sự hợp tác đó rất mạnh mẽ và rộng rãi. Chúng tôi mở trường đào tạo bằng cấp trên đại học và các chương trình chuyên môn cũng như hợp tác thành lập với Havard thành lập trường đại học tại TP. HCM, Việt Nam.
Theo tôi thì đã có 1.200 sinh viên tốt nghiệp từ những trường này và một nửa trong đó đang làm việc cho chính phủ. Tôi hoàn toàn tự tin để nói rằng họ đóng góp rất nhiều cho việc ra nhưng quyết định để giải quyết tốt hơn những vấn đề trong chính phủ.
Diễm Thi: T heo ông Việt Nam có thể học được gì từ giáo dục của M ỹ?
TNS Bob Kerrey:Nó là sự liên quan giữa sự phát triển kinh tế với việc tạo ra công việc và công việc lương cao bao gồm cả giáo dục đại học. Việt Nam bây giờ phải cố gắng bắt kịp với thế giới nhưng Việt Nam có những khó khăn dưới thời Pháp và trong thời gian chiến tranh để thiết lập những trường đại học. Có những bằng chứng cho thấy người dân sẽ biết được tốt hơn là làm việc trong lãnh vực nhà nước hay lãnh vực tư nhân. Họ mong muốn phát triển kinh tế. Khi kinh tế mạnh thì sẽ có hệ thống đại học tốt.
Diễm Thi: C ó một thực tế là nhiều sinh viên VN sang Mỹ du học nhưng sau đó lại không trở về nước, ông có thể có lời khuyên nào đối với Việt Nam trong việc thu hút người tài trở về nước không?
TNS Bob Kerrey:Không chỉsinh viên Việt Nam đến Mỹ du học mà còn có sinh viên của nhiều nước khác như Úc, Trung Quốc, Singapore…
Khi đến một nơi có nhiều cơ hội làm việc hấp dẫn hơn thì thường họ ít quay trở về. Ví dụ như nơi tôi ở là Nebraska. Nhiều sinh viên rời Nebraska đi học rồi họ cũng không trở về.
Để thu hút sinh viên trở về thì Việt Nam phải có những cơ hội việc làm tốt cho họ.
Diễm Thi: Đại học Fulbright theo ông đóng vai trò thế nào trong việc cải thiện quan hệ hai nước?
TNS Bob Kerrey: Tôi nghĩnó chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Những sự hợp tác và làm việc chung trong nhiều lãnh vực để hướng tới tương lai chứ không vướng mắc vào quá khứ thì càng hữu hiệu, dù quá khứ cũng quan trọng.
Diễm Thi: Khi vận động cho Đại học Fulbright ở Việt Nam, ông có thể cho biết vắn tắt về quá trình vận động, những thuận lợi và khó khăn mà ông phải đi qua để trường được mở?
![TNS Bob Kerrey (giữa) tại Việt Nam hôm 25/5/2016.](https://www.rfa.org/resizer/v2/336YCGW3DYGC3TOXMHCR3KADMY.jpg?auth=da27209bc02ad8a163389c59b50cc90b6c74dd21f62d3c3250bdfbf68bd4ba21&width=800&height=600)
TNS Bob Kerrey: Thử thách đầu tiên mà chúng tôi gặp phải là chúng tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu trong hơn 10 năm và đòi hỏi của chính phủ Việt Nam rất cao về học vị. Bên cạnh đó phải làm sao bảo đảm chương trình học và sinh hoạt ởđại học Fulbright có tính cách độc lập. Vấn đề học tập dưới sự kiểm soát của nhà cầm quyền Việt Nam gần như là một truyền thống đương nhiên. Khi khởi đầu đã khó mà phát triển lại càng khó khăn hơn.
Nếu muốn sống còn, thí dụ hai, ba trăm năm tới, phải đồng hành với hàng chục thế hệ ở đó. Giai đoạn khởi đầu phải được coi như là một đại học Việt Nam hơn là một đại học Mỹ muốn thâm nhập vào đất nước này và thu hút sinh viên.
Diễm Thi: Nhiều sinh viên, học sinh Việt Nam muốn sang Mỹ học, nhưng giờ đây ngay tại Việt Nam cũng có một trường đại học của Mỹ là Fulbright . Đại học Fulbright có gì khác so với các trường ở Mỹ?
TNS Bob Kerrey: Thật sự tôi không thấy khác biệt nhiều lắm ngoại trừ việc nó hướng đến một cộng đồng mang tư tưởng Hồ Chí Minh, một biểu tượng khá là giống như biểu tượng ở đại học Hoa Kỳ, thí dụ như Benjamin hay như ở các đại học châu Á khác đều có biểu tượng của mình.
Tôi nghĩ nâng cao kiến thức về khoa học công nghệ để Việt Nam có thể sánh vai với các nước trên thế giới về công nghệ cao cũng là điều rất cần thiết. Nếu muốn thì đó là sự lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam.
Quan điểm của riêng tôi là chất lượng của từng phân khoa, vì đó là những yếu tố dẫn tới thành quả cao nhất. Tôi hoàn toàn tự tin rằng đại học Fulbright sẽ tồn tại ở Việt Nam bởi sự thành lập quỹ tín thác rất quan trọng. Tài chánh vững chắc và giảng dạy chất lượng sẽ tạo nên một trường đại học tốt.
Diễm Thi: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác giáo dục sắp tới giữa hai nước?
TNS Bob Kerrey:Tôi nghĩ nó rất khả quan. Ở đây không phải chúng ta đang gặp khó khăn cần phải giải quyết hay đang cố gắng tìm một giải pháp tối ưu nào đó. Đôi khi có những trở ngại nhất thời khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta không biết hướng sắp tới là gì hoặc không thể đến nơi mình muốn.
Để đạt được mục tiêu thì tôi nghĩ phải thay đổi cách làm của chính phủ, thay đổi cơ cấu tổ chức, và phải có niềm tin rằng về lâu về dài Việt Nam cũng sẽ có những trường đai học tuyệt vời.
Diễm Thi: Bản thân TNS có những dự định hay kế hoạch gì sắp tới trong hợp tác giáo dục tại Việt Nam không?
TNS Bob Kerrey:Nói chung, vai trò của tôi lúc này là cố vấn và cũng là người trợ giúp gây quỹ để cấp học bổng cho sinh viên, cho xây dựng trường….
Không phải là tôi có thể làm hết tất cả những việc đó nhưng tôi dành nhiều thời gian cho Việt Nam cũng như nỗ lực để có được một trường đúng chuẩn. Thật ra, chúng tôi đã nỗ lực từ những năm 1992 – 1993. Đó là phát triển dự án thư viện trong khi tôi còn ở Việt Nam thông qua chương trình của Bộ Ngoại Giao.
Diễm Thi: Khi ông được bầu làm Chủ tịch quỹ tín thác của đại học Fulbright, đã có một số những tiếng nói phản đối ông vì sự tham gia của ông trong cuộc chiến Việt Nam. N hững điều này gây cho ông suy nghĩ gì, nó có những ảnh hưởng thế nào đối với những dự định sắp tới của ông tại Việt Nam?
TNS Bob Kerrey:Không. Điều đó hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến những dự định sắp tới của tôi. Cơ hội đã có ở đó nhưng lý do tôi từ chức vì lúc đó tôi không có thời gian làm Chủ tịch nhưng tôi có điều kiện để giúp trong việc thuyết phục Quốc hội cấp ngân khoản, cũng như có thời gian để kêu gọi các nhà tài trợ cho mục tiêu này. Hôm qua ở Washington, DC chúng tôi có thảo luận và hy vọng sẽ có một nhà tài trợ lớn cho mục tiêu này.
Việc tôi quyết định lúc đó hoàn toàn hợp lý về vấn đề thời gian để chuyển từ trách nhiệm quản trị sang vai trò cố vấn và hỗ trợ công tác gây quỹ.
Diễm Thi: Xin cảm ơn ông rất nhiều đã dành thời gian chia sẻ những suy nghĩ về giáo dục Việt Nam với Đài Á Châu Tự Do.
TNS Bob Kerrey:Tôi rất vui lòng được giúp đỡ và chia sẻ những suy nghĩ của tôi. Cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều rất quan tâm đến các dự án về giáo dục và rất nhiều người đã tham gia. Thật là thú vị khi có sự hợp tác giữa những người Việt đến Hoa Kỳ sau chiến tranh và những người Việt ở tại TP. HCM.