Chỉ thị phòng chống COVID-19 của Chính phủ Việt Nam có trái Hiến pháp và pháp luật?

Chính quyền các cấp ở Việt Nam đang chống dịch COVID-19 bằng các văn bản do Thủ tướng Chính phủ ban hành, được biết rộng rãi là Chỉ thị 15, 16 và 19. Thế nhưng, các chỉ thị này lại không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do vậy không thể áp dụng lên người dân, đặc biệt là không thể giới hạn quyền của công dân. Phải chăng Chính phủ đang chống dịch trái với Hiến pháp và pháp luật?

0:00 / 0:00

Sai ngay ở cái tên văn bản

Từ ngăn cản người dân đi lại, đến cấm đoán các hoạt động kinh tế, và tước đoạt nhiều quyền tự do khác. Tất cả đều được thực hiện dựa trên ba Chỉ thị 15, 16, và 19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Nhưng trong hệ thống luật pháp ở Việt Nam, cụ thể là ở Điều 4 của Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật, quy định rất rõ những văn bản nào được cho là văn bản quy phạm pháp luật, và trong số những văn bản đó không bao gồm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị của thủ tướng, theo Khoản 2, Điều 30 của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, là văn bản nội bộ áp dụng cho các cơ quan của Nhà nước. Suy ra, không thể dùng văn bản này để áp dụng lên người dân, hoặc các tổ chức ngoài Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay chính quyền các cấp ở Việt Nam, từ trung ương cho đến địa phương lại đang thực hiện công tác chống dịch COVID-19 dựa trên các chỉ thị, vốn không hề có hiệu lực pháp lý nhưng lại tác động to lớn đến đời sống của người dân.

Một luật sư ở Hà Nội, trao đổi với RFA về vấn đề này với điều kiện giấu tên vì lý do an toàn, ông cho biết:

“Theo Điều 14.2, Chương 2 của Hiến pháp Việt Nam thì quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng.”

“Thì ta thấy ở đây là quyền con người và quyền công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật mà thôi.”

"Nhưng ở Việt Nam hiện nay thì họ ban hành chỉ thị để hạn chế quyền công dân, và cái chỉ thị này thì lại không cho thấy tuân theo quy định của luật, hay trích dẫn hiến pháp, đây là một sự vi hiến!"

Cũng theo vị luật sư này thì giả sử trong trường hợp Việt Nam có toà bảo hiến thì các Chỉ thị 15, 16 và 19 sẽ không thể được thông qua, vì chúng vi phạm Hiến pháp và vi phạm quyền con người.

Có luật nhưng không dùng

“Ở Việt Nam, điều thú vị là tất cả những hiện tượng mà chúng ta đang chứng kiến, bản chất là hiện tượng khẩn cấp, toàn bộ sự tự do dân sự của người dân bị hạn chế rất là rõ, tuy vậy thì cái pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp lại không được sử dụng.”

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, phát biểu trong buổi toạ đàm diễn ra vào ngày 19 tháng 6.

Trên thực tế, ở Việt Nam tồn tại ba văn bản quy phạm pháp luật có thể được sử dụng để ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh, bao gồm: Hiến pháp 2013, Pháp lệnh Tình trạng Khẩn cấp (được thông qua vào năm 2000), và Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa ban bố tình trạng khẩn cấp dựa trên quy định của luật pháp.

Ngoài việc các Chỉ thị 15, 16, và 19 không có hiệu lực pháp lý vì không phải văn bản quy phạm pháp luật ra, thì bản thân nội dung của các văn bản này cũng không trích dẫn hoặc viện dẫn luật.

Lý giải về hiện tượng này, luật sư giấu tên từ Hà Nội cho biết:

“Điều đáng buồn là ở những nước độc tài, nó (chính phủ) thường ban hành các chỉ thị hoặc công văn vi phạm quy trình pháp luật như thế này, bởi vì không có một cơ chế nào để có thể hạn chế quyền của nó (chính phủ).”

Ngày 27 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc ký lệnh ban hành Chỉ thị số 15 “Về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19”.

Đến ngày 31 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng tiếp tục ban hành chỉ thị số 16 với tiêu đề “Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19”,

Chỉ thị số 19 được ban hành vào ngày 24 tháng 4 năm 2020, với tiêu đề “Về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.”

Các chỉ thị này yêu cầu uỷ ban nhân tỉnh, thành phố trên cả nước giới hạn các hoạt động của người dân trong hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội và kinh tế.