Trong một văn bản Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Việt Nam ban hành mới đây có yêu cầu phối hợp thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, việc này nhằm triển khai hiệu quả ‘Kế hoạch 455’ được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm...
Cụ thể, trong ‘Kế hoạch 455’ có nhiều nội dung khác nhau như phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm… Tuy nhiên có hai yêu cầu khiến dư luận phản ứng, đó là yêu cầu ‘thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện giao thông’ và ‘xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh niên, thiếu niên và học sinh, sinh viên’.
Các giáo viên khi trả lời báo chí nhà nước cho biết bị ‘choáng váng’ không thể tin khi đọc văn bản của Bộ GD-ĐT liên quan đến việc yêu cầu thử ma túy cho học sinh. Hay có người cho biết không hiểu tại sao Bộ GD-ĐT lại thí điểm thử ma tuý cho học sinh?
Theo tôi nếu bắt người khác đi xét nghiệm ma túy khơi khơi như vậy là vi phạm quyền tự do của người ta. Như vậy bắt học sinh xét nghiệm ma túy là xúc phạm quyền tự do. Khi nào đứa bé học sinh đó có biểu hiện triệu chứng nghiện ngập, thì hãy xét nghiệm.
-Anh Đệ
Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín, Hà Nội, nhận định với RFA hôm 28/5:
“Theo tôi có thể tạm chấp nhận đây là một văn bản lỗi khi đánh máy, in ấn... chữ ‘thử ma túy’ ở đây là ‘test ma túy’... và có lẽ dịch như vậy. Nếu mà để nguyên như vậy sẽ gây hiểu lầm rất lớn trong văn bản của ngành. Cho nên cần thu hồi sửa lại, chứ không thể bắt người khác hiểu ‘thử’ nghĩa là ‘test’...”
Trước phản ứng của dư luận trên báo chí, Bộ GD-ĐT tiếp tục có văn bản hướng dẫn làm rõ hơn về ‘Kế hoạch 455’. Theo văn bản này, cụm từ ‘thử ma túy’ được hiểu là ‘xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể’. Nhiệm vụ ‘dự phòng nghiện ma túy’ được hiểu là ‘hoạt động phòng ngừa nghiện ma túy’.
Dù vậy văn bản hướng dẫn này tiếp tục bị dư luận phản ứng cho rằng liệu có cần xét nghiệm ma túy trên diện rộng cho học sinh?
Anh Đệ, một phụ huynh có hai con đang đi học tại thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA hôm 28/5, cho biết ý kiến của mình:
“Tôi nghĩ Bộ Giáo dục phải nói rõ lứa tuổi nào thì mới xét nghiệm vấn đề ma túy. Tại vì một đứa trẻ mà đem vô xét nghiệm ma túy thì sẽ tạo ấn tượng không tốt cho đứa bé đó. Điều đó chắn chắc là không nên làm, nếu Bộ Giáo dục làm thì khi xét nghiệm phải dùng những lời lẽ như thế nào, cách thức như thế nào để các bé không bị xúc phạm. Theo tôi nếu bắt người khác đi xét nghiệm ma túy khơi khơi như vậy là vi phạm quyền tự do của người ta. Như vậy bắt học sinh xét nghiệm ma túy là xúc phạm quyền tự do. Khi nào đứa bé học sinh đó có biểu hiện triệu chứng nghiện ngập, thì hãy xét nghiệm.”
Anh Đệ cho biết, nếu xét nghiệm hàng loạt thì với tư cách là phụ huynh, anh sẽ không chấp nhận, vì xúc phạm con cái, xúc phạm quyền tự do của con, nên anh không tán thành.
Nhiều ý kiến dư luận cho rằng, văn bản của Bộ GD-ĐT thì phải ban hành theo nguyên tắc chính xác, ngắn gọn, rõ ràng, đủ ý, dễ hiểu để các đối tượng liên quan thực hiện đúng và nhất quán, chứ không thể để ai hiểu thế nào thì hiểu. Nếu văn bản sai thì phải xin lỗi, thu hồi lại và phát hành văn bản mới hoàn chỉnh. Chứ không thể ra một văn bản hướng dẫn tiếp tục gây phản ứng như vậy.
Thầy Đỗ Việt Khoa nhận định thêm liên quan vấn đề xét nghiệm ma túy cho học sinh:
“Thực tế là không cần xét nghiệm, tỷ lệ học sinh nghiện ma túy là cực kỳ ít, nếu có chỉ ở những vùng núi vùng sâu vùng xa, các địa bàn có truyền thống buôn bán sử dụng ma túy... chứ đại bộ phận là không có. Do đó nếu thực hiện ý đồ test thử trên diện rộng thì sẽ mất thời giờ, lãng phí. Bộ Giáo dục nên tập trung vào việc dạy dỗ, và các công việc khác. Thật ra bây giờ xét nghiệm cũng đơn giản, chỉ cần thử nước tiểu... Nhưng thật sự là mất thì giờ vô ích, tốn ngân sách... bao nhiêu học sinh test cho vừa. Cho nên đối tượng nào có nghi ngờ sử dụng ma túy, nhìn là biết vì mặt mũi sắc khí bất thường lắm... thì đem đi xét nghiệm. Chứ đại bộ phận học sinh không như thế.”
Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện nay trong môi trường giáo dục còn có những thứ nghiện khác đáng lo ngại hơn nhiều ma túy, như việc các em học sinh bây giờ có phong trào hút thuốc điện tử rất đông. Theo Thầy Khoa, đó mới là vấn đề đáng quan tâm hơn việc xét nghiệm ma túy.
Cái đấy (xét nghiệm ma túy cho học sinh) thì không nên, chỉ trừ khi nào thấy có hiện tượng thì mình mới xét nghiệm thôi. Chứ còn không nên xét nghiệm đại trà, nó vừa tốn kém vừa gây ra tâm lý không tốt đối với học sinh.
-Mục Sư Lê Minh Phương
Để tìm hiểu thêm về chuyên môn, RFA hôm 28/5 liên lạc Mục Sư Lê Minh Phương, Lãnh đạo mục vụ cai nghiện trung tâm giải cứu gia đình Nissi Center, Mục Sư Quản Nhiệm Hội Thánh Nissi, và được ông giải thích:
“Cái đấy (xét nghiệm ma túy cho học sinh) thì không nên, chỉ trừ khi nào thấy có hiện tượng thì mình mới xét nghiệm thôi. Chứ còn không nên xét nghiệm đại trà, nó vừa tốn kém vừa gây ra tâm lý không tốt đối với học sinh.”
Mục Sư Lê Minh Phương nói thêm về vấn đề bảo mật nhân thân cho người cai nghiện khi đến trung tâm do ông quản lý:
“Tùy từng người sẽ khác nhau, không ai giống ai, nhưng mà có điểm chung... Chẳng hạn các anh em lăn lộn ngoài giang hồ, bệ rạc, thì suy nghĩ cũng khác một chút. Còn những người học sinh sinh viên thì suy nghĩ của họ khác so với người từng trải qua cai nghiện nhiều lần. Đương nhiên là mình phải bảo mật cho họ, nhưng đa số thì ai yêu cầu mới bảo mật. Còn không yêu cầu thì cũng không công khai, trừ khi có những trường hợp cần thiết mà chính quyền yêu cầu, với lại đến đây thì cũng phải đăng ký tạm trú tạm vắng rồi, chính quyền họ quản lý.”
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội vào năm 2020, trong số hơn 235 ngàn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của Việt Nam, người dưới 16 tuổi chỉ chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, còn nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này là 76%.