Bình đẳng giới ở Việt Nam có tiến bộ không?

0:00 / 0:00

Một báo cáo của McKinsey mới được công bố hôm 3 tháng 11 vừa qua về bình đẳng giới tại Việt Nam nhận định, bình đẳng giới có thể làm tăng thêm 40 tỷ USD cho GDP hàng năm của Việt Nam cho đến năm 2025 và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng lên 10%. Trong quá trình phục hồi hậu COVID-19, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động sẽ là nguồn lực chủ chốt để gia tăng năng suất, thúc đẩy bình đẳng thu nhập, và tăng sự đa dạng kinh tế ở Việt Nam.

Trước đó, vào hai ngày 2 và 3 tháng 7 năm 2020, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Tham vấn dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030”. Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam cho rằng, bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ là một trong nhiều mục tiêu phát triển bền vững và cũng không thể thiếu đối với tất cả các khía cạnh đời sống kinh tế xã hội.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững xác định rõ, trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.

Thực tế thì trong hiến pháp năm 1946 đã nói đến quyền của người phụ nữ Việt Nam qua cụm từ “nam nữ bình quyền” nhưng dường như khái niệm này chỉ được thực hiện những năm gần đây.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học, nêu nhận định của ông:

“Vấn đề bình đẳng giới đã đạt được những bước tiến đáng kể, rất quan trọng trong mấy năm qua. Vị thế người phụ nữ trong xã hội được cải thiện nhiều. Tình trạng bất bình đẳng giới, mô hình gia đình mà người đàn ông gia trưởng, nam quyền giảm đi rất nhiều nếu không gọi là tiêu vong. Nó thể hiện ở chỉ số của những người phụ nữ tham gia vào hệ thống chính trị cũng như đảm nhiệm các vị trí, vai trò quan trọng trong các tổ chức, cơ quan dân cử.

Chỉ số tăng trưởng trong lĩnh vực kinh tế từ khu vực công cũng như khu vực tư nhân hay các khu vực không chính thức tăng rất nhiều. Trong đó sự đóng góp của nữ giới rất đáng kể.”

Theo Liên Hiệp Quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung.

Phụ nữ Việt Nam xách hàng nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái
Phụ nữ Việt Nam xách hàng nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (Reuters)

Theo xếp hạng năm 2018 của Liên Hiệp Quốc về chỉ số bất bình đẳng giới, Việt Nam đứng thứ 68 trong 162 quốc gia được xếp hạng về bình đẳng giới. Theo chỉ số khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố ngày 17 tháng 12 năm 2019, Việt Nam đứng thứ 87/153 quốc gia được xếp hạng về bình đẳng giới.

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam nêu nhận xét về tiến trình bình đẳng giới ở Việt Nam những năm gần đây:

“Nếu nhìn chung một cách khách quan thì tôi khẳng định là có tiến bộ trên mọi lĩnh vực. Từ giáo dục, y tế, văn hóa, kinh tế cho đến chính trị gọi là phụ nữ tham chính. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo cấp tỉnh, cấp bộ, cấp trung ương như đại biểu quốc hội chẳng hạn, đã tăng trở lại. Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử có vị trí bí thư một tỉnh là phụ nữ. Đó là bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh. Đây được coi là vị trí lãnh đạo tuyệt đối. Hơn cả chủ tịch tỉnh. Đó là một sự thay đổi. Một sự tiến bộ.”

Vị Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh mà Tiến sĩ Hương vừa nói đến là bà Đào Hồng Lan, ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh. Sáng 25 tháng 9 năm 2020, bà Lan được bầu giữ chức bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025.

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nói thêm rằng, ngày nay phụ nữ Việt Nam cũng có tiếng nói mạnh mẽ trong xã hội thông qua tổ chức Hội Phụ nữ. Đây là một tổ chức thuộc Đảng Cộng sản chứ không phải là tổ chức độc lập cho nên Hội này có quyền lực và vì thế tiếng nói của Hội cũng có trọng lượng đáng kể.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù có những quy định, nghị định hay kế hoạch về bình đẳng giới nhưng những chính sách đó vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tế. Vì là một nước Á Đông nên nhiều nơi vẫn giữ quan niệm phụ nữ phải tề gia nội trợ, tam tòng tứ đức. Việc xã hội để đàn ông lo.

Bà Thúy Quỳnh, quản lý nhân sự trong một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn của Nhật ở Việt Nam nhận xét rằng, bình đẳng giới chỉ tập trung ở những thành phố lớn, nhưng ở vùng quê thì bất bình đẳng giới vẫn như những năm trước, không có tiến bộ. Tư tưởng nam quyền vẫn rất mạnh ở những vùng quê. Phụ nữ muốn đi làm thì phải có sự đồng ý của chồng.

Bà Quỳnh nói thêm về việc tuyển dụng nhân sự cho vị trí quản lý hiện nay tại công ty bà:

“Các công ty nước ngoài ở Việt Nam bị áp đặt cách tuyển dụng phải có phụ nữ trong dàn lãnh đạo công ty. Họ phải làm vậy để không bị đánh giá có sự bất bình đẳng giới. Công ty em họ ra mục tiêu có bao nhiêu phần trăm lãnh đạo là nữ giới luôn. Cứ thế mà thực hiện.

Khi họ áp đặt cách tuyển dụng như vậy có nghĩa thực trạng bất bình đẳng giới vẫn còn trong tư tưởng của người Việt Nam.”

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào cuối năm 2019, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động là 71,2% nhưng vị thế công việc của phụ nữ còn thấp. Thu thập bình quân của phụ nữ chỉ bằng 81,1% mức thu nhập bình quân của nam giới. Thêm vào đó, sự chênh lệch này đang ngày càng mở rộng ở nhóm lao động có trình độ. Ở cấp độ chưa qua đào tạo thì thu nhập của lao động nữ thấp hơn so với lao động nam cùng trình độ là 8,1%, nhưng nếu ở nhóm trình độ đại học trở lên thì mức chênh lệch này tới 19,7%.