Chủ tịch Quốc hội VN “khoe” làm công tác nhân sự thành công!

0:00 / 0:00

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 11/6/2024 đã cho rằng công tác nhân sự của Quốc hội đã được tiến hành kịp thời, đúng quy định, quy trình với số phiếu bầu của Quốc hội rất cao.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức hôm 11/6/2024 nhận định với RFA:

“Trước đây về công tác nhân sự, thì thì Quốc Hội chỉ làm khâu cuối cùng, sau khi được Bộ Chính trị, rồi Ban Chấp hành Trung ương phê duyệt về công tác nhân sự như Chủ tịch nước, các Bộ trưởng… thì Quốc hội mới được làm. Nhưng qua hai lần vừa rồi Quốc hội đã làm tắt, không cần chờ Bộ Chính trị họp, cũng như không cần Ban Chấp hành Trung ương họp… Về mặt công khai thì như vậy, nhưng ngầm bên trong thì mình không biết. Thế nhưng về mặt công khai thì rõ ràng việc miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an của ông Tô Lâm, thì ông Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mạnh dạn thực hiện quyền của ổng theo Hiến pháp. Và thứ hai là việc ông Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Bộ Công an, thì họ cũng theo đúng quy định ở trong Hiến pháp, mà không cần kỳ họp của Bạn Chấp hành Trung ương, như trước đây họ thường làm như vậy.”

Cách làm của Quốc Hội như vừa rồi theo tôi hiểu nó chỉ diễn ra về mặt nổi, còn về thực chất Quốc hội muốn thực hiện việc đó thì đương nhiên họ cũng phải được sự đồng ý ngầm của Bộ Chính trị, chứ không phải họ được tự ý làm.
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Vào ngày 22/5/2024, Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an của ông Tô Lâm với 465 đại biểu tán thành, tương đương 95,48% tổng số đại biểu Quốc hội.

Đến ngày 6/6/2024, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026.

Liệu cách tiến hành bầu nhân sự của Quốc hội mới đây được cho là phù hợp Hiến pháp, có phải là một tín hiệu đáng mừng? Luật sư Nguyễn Văn Đài, cho biết thêm:

“Cách làm của Quốc Hội như vừa rồi theo tôi hiểu nó chỉ diễn ra về mặt nổi, còn về thực chất Quốc hội muốn thực hiện việc đó thì đương nhiên họ cũng phải được sự đồng ý ngầm của Bộ Chính trị, chứ không phải họ được tự ý làm. Như vậy chúng tôi không có kỳ vọng gì về một vài sự thay đổi nhỏ nhặt bên trên đấy, mà phải thay đổi bản chất của cả hệ thống quyền lực ở trong chế độ độc đảng, mà nó đã tồn tại trong nhiều năm qua.”

d2543aaa-e763-4a28-b295-80c1909074e6.jpeg
Ảnh minh họa: Quốc hội Việt Nam họp ở Hà Nội hôm 20/5/2024. AFP PHOTO.

Các nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam và cả luật sư khi trả lời RFA gần đây đều cho rằng quy trình, tiêu chuẩn bầu chọn nhân sự của Quốc hội Việt Nam mới đây cũng chỉ là hình thức, bầu theo cơ chế “Đảng cử, dân bầu” chứ không được bầu bằng một cuộc bầu cử tự do.

Một người dân ở Đà Nẵng không muốn nêu tên vì lý do an toàn hôm 11/6 cho RFA biết ý kiến:

“Quốc hội Việt nam được đạo diễn bởi Đảng CSVN theo cơ chế Đảng cử dân bầu. Điều đó đã làm cho Quốc hội phụ thuộc. Đó là lý do vì sao mà Quốc hội Việt nam chưa làm tốt được cái vai trò theo sự hiến định của Hiến pháp. Và đó cũng là lý do vì sao trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa rồi cho thấy vai trò hết sức mờ nhạt, hết sức lung túng của Quốc hội Việt nam trong việc giải quyết các bài toán do tình hình cuộc sống của đất nước đặt ra.”

Quốc hội Việt nam được đạo diễn bởi Đảng CSVN theo cơ chế Đảng cử dân bầu. Điều đó đã làm cho Quốc hội phụ thuộc. Đó là lý do vì sao mà Quốc hội Việt nam chưa làm tốt được cái vai trò theo sự hiến định của Hiến pháp.
-Một người dân

Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Hoa Kỳ, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nhận định:

“Tuy rằng Quốc hội được Hiến pháp quy định là cơ quan nắm giữ quyền lực cao nhất, thể theo đó, chức vụ Chủ tịch Quốc hội hoặc các chức danh đại biểu Quốc hội cũng phải có thẩm quyền tương xứng. Thế nhưng, như chúng ta quan sát hoạt động của Quốc hội trong suốt nhiều thập kỷ qua thì đã thấy rõ. Hầu hết họ đều là đảng viên, họ được bầu theo cơ chế ‘Đảng cử, dân bầu’ chứ không được bầu bằng một cuộc bầu cử tự do.”

Do đó, theo luật sư Đặng Đình Mạnh, Quốc hội được bầu theo tiêu chuẩn của Đảng Cộng Sản chứ không phải theo tiêu chuẩn của nhân dân.

Còn cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí, khi trao đổi với RFA về công tác nhân sự của Quốc hội, thì cho rằng cần có sự thay đổi:

“Tôi chỉ có một đề xuất, tức là nhân dân phải có quyền tự do bầu cử, ứng cử và đề cử… thì tự khắc nhân dân sẽ chọn ra những đại biểu mà họ cảm thấy thực sự có phẩm chất năng lực để phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Họ sẽ bầu những người đấy vào những vị trí quản lý nhà nước, xã hội… Nhưng ở đây Quốc hội với danh xưng là cơ quan đại biểu nhân dân, nhưng thực ra trong đấy đến 97% - 98 % là đảng viên Cộng sản hoặc giả là những người có tính chất ‘chim mồi’ của đảng Cộng sản. Không có một người dân bình thường nào mà lọt vào đấy cả.”

Trong một cơ chế như vậy, theo cựu trung tá Vũ Minh Trí, không thể trông chờ có những cán bộ tốt, có những người có năng lực thực sự vì dân vì nước. Cho nên, vẫn theo ông Trí, nếu vẫn thể chế này, vẫn Đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn lãnh đạo nhà nước và xã hội… thì không bao giờ nhân dân có được những người đại diện tiêu biểu thật sự, đại diện cho lợi ích của nhân dân, cho dẫu lá phiếu có cao chót vót...