Giấy phép đi đường chống COVID-19: đầy bất cập!

0:00 / 0:00

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, vào ngày 9/8/2021 cho rằng việc kiểm tra và cấp giấy đi đường của người dân thủ đô Hà Nội và một số tỉnh khác có những bất cập cần giải quyết ngay.

Dù ông Vân đồng tình nếu thành công tuyệt đối trong việc chống dịch COVID-19 thì thời gian giãn cách xã hội không phải kéo dài thêm, nhưng việc soát xét giấy tờ ở một số chốt khiến những nơi này trở thành điểm tụ tập đông người, mâu thuẫn với quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong đó người cách ly với người là nội dung quan trọng nhất, thì ở các chốt kiểm soát lại diễn ra cảnh ùn ứ.

Không chỉ tại các chốt kiểm soát giấy đi đường bị ùn ứ đông người, việc cấp giấy cũng gây nguy hiểm cho người dân khi quá nhiều người tập trung xin giấy. Chưa kể thủ tục rườm ra khiến nhiều người chờ hơn bốn tiếng đồng hồ vẫn chưa có giấy.

Một người dân ở Hà Nội không muốn nên tên nói về việc cấp giấy đi đường hiện nay:

“Thật ra tôi thấy việc thêm giấy tờ đấy thì quan trọng là phía địa phương, các cơ quan sẽ hỗ trợ cho các ngành nghề thiết yếu như thế nào? Chứ nói thật ra thì nếu không kiểm soát gì thì cũng không đúng.”

Nếu yêu cầu chặt quá về giấy đi đường, thì sẽ làm nghẽn lại, ách tắc lại... và mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế sẽ khó thực hiện.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Dù có nhiều ý kiến phản đối, nhưng đại biểu Quốc hội Bùi Thị An thuộc đoàn Hà Nội cho rằng cần thiết phải kiểm soát chặt người dân ra đường thì mới cắt đứt được chuỗi lây nhiễm.

Sở dĩ có tình trạng ùn ứ là do vào ngày 8/8, Thành phố Hà Nội ra thông báo về việc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Theo cơ quan này, do thời gian qua vẫn có nhiều trường hợp cấp và sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vì vậy phải tăng cường kiểm soát.

Cụ thể, ngoài mẫu giấy đi đường phải được UBND phường, xã trên địa bàn xác nhận, người đi đường phải xuất trình kèm theo: căn cước công dân, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị...

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trướng Bộ Tài nguyên Môi trường, khi trao đổi với RFA hôm 2/8 từ hà Nội, nhận định:

“Đúng là cả Hà Nội và TPHCM cứ thay đổi về giấy phép đi đường khá nhiều lần. Ví dụ như Hà Nội vừa rồi yêu cầu phải có xác nhận của chính quyền địa phương, sau đó thì ngay lập tức lại bãi bỏ, và chỉ cần giấy chính thức của cơ quan làm việc xác nhận mục đích ra đường... Thế thì nếu yêu cầu chặt quá về giấy đi đường, thì sẽ làm nghẽn lại, ách tắc lại... và mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế sẽ khó thực hiện. Thế nhưng nếu mà buông lỏng quá thì nhiều người lợi dụng dù không cần thiết cũng ra đường...”

000_9KV3KT.jpg
Ảnh minh họa chụp tại một điểm kiểm soát ở Hà Nội hôm 9/8/2021. AFP.

Trước nhiều ý kiến khác nhau, ĐBQH Lê Thanh Vân đưa ra khuyến nghị, các địa phương có thể tăng cường kiểm soát việc người dân ra khỏi nhà ngay từ điểm xuất phát, thông qua các tổ COVID-19 cộng đồng. Ngoài ra, chính quyền cơ sở phối hợp với tổ dân phố tổ chức giám sát, sao cho ai không đủ điều kiện ra đường thì được kiểm soát ngay từ cộng đồng nơi cư trú.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nhận định tiếp:

“Theo tôi đây là một quyết định rất khó khăn, nó vừa phụ thuộc trình tự tạo ra giấy phép để ra đường với một mục đích chính đáng, với việc nếu để lỏng thì người dân mà thiếu tự giác thì cũng sẽ ra đường làm dịch có điều kiện lây lan. Chắc là phải nghiên cứu tính tự giác của từng địa phương đến đâu? Và cần phải có kiểm soát theo kiểu hiểu được tâm lý dân từng địa phương. Đây là việc khó, phụ thuộc cách thức quan niệm vì cái chung của chính quyền cơ sở để có thể quản lý được việc giãn cách.”

Chắc là phải nghiên cứu tính tự giác của từng địa phương đến đâu? Và cần phải có kiểm soát theo kiểu hiểu được tâm lý dân từng địa phương. Đây là việc khó, phụ thuộc cách thức quan niệm vì cái chung của chính quyền cơ sở để có thể quản lý được việc giãn cách.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Liên quan việc tăng cường kiểm soát giấy đi đường của Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khi trả lời báo Nhà nước cho rằng, việc Hà Nội đưa ra phương án siết chặt kiểm soát giấy đi đường do đợt giãn cách xã hội 14 ngày đầu người dân vẫn đi lại nhiều, đường phố vẫn đông, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo ông Trần Đắc Phu, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, người dân nên hạn chế ra đường và chỉ ra đường khi thật sự cần thiết.

Tuy nhiên Phó Giáo sư Trần Đắc Phu cũng cảnh báo, với việc không đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2 m thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Ngoài ra nếu cán bộ trực chốt thường xuyên dùng tay cầm giấy đi đường, giấy tờ của người dân thì nguy cơ lây nhiễm cao cho nhiều người.

Trả lời RFA hôm 10/8, Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, nhận định:

“Việc chặn kiểm soát các giấy tờ hoặc tập trung nhiều người để xét nghiệm, tiêm vắc-xin... thì một số nơi đã được khắc phục vì có nguy cơ lây nhiễm. Nhưng cái lây nhiễm của virus corona không chỉ đơn thuần trong không khí, mà cái aerosol, là khối giọt bắn người ta phun, khạc, thở phu ra môi trường của con người trong vòng hai mét. Vậy lây trực tiếp từ người sang người không lớn bằng aerosol... khi giọt bắn đó dính vào vật thể cụ thể, và từ đấy những người thứ cấp người ta chùi tay lên mắt mũi... vào đường thở. Con vi-rút truyền như thế cho nên chuyện tập trung đông người do đi tiêm vắc-xin hoặc chặn một chốt ùn ứ... thì hoàn toàn có khả năng người này lây cho người kia. TPHCM đã bỏ chặn, nhưng một số địa phương khác vẫn còn, tôi nghĩ trước sau cũng phải bỏ.”

Cho đến chiều ngày 10/8, UBND TP Hà Nội đã có văn bản điều chỉnh việc kiểm soát, cấp và sử dụng giấy đi đường... văn bản này được cho là theo hướng giảm thủ tục hành chính.

Cụ thể, sau thay đổi, người đi đường phải xuất trình giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân và kèm theo giấy đi đường. Đối với các cơ quan, hay doanh nghiệp... thì người đứng đầu đơn vị cấp giấy đi đường và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch.

Trong văn bản thay đổi được truyền thông đăng tải, chính quyền Hà Nội cũng yêu cầu việc xác nhận giấy đi đường của UBND cấp phường, xã cần được thực hiện nhanh chóng, hoặc qua thư điện tử, bưu điện... tránh tập trung đông người.

Dư luận trên mạng xã hội cho rằng, việc chỉ đạo thay đổi của chính quyền Hà Nội là rất kịp thời... nhưng cũng lo ngại việc thực hiện của các cấp phường xã có thể không được như mong muốn.