Có cần thiết xây tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954?

0:00 / 0:00

Lễ khởi công xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 phía bờ Nam cửa sông Ông Đốc, tỉnh Cà Mau diễn ra vào sáng 2 tháng 1 năm 2024. Nguồn đầu tư tượng đài theo truyền thông Nhà nước loan, là trên 176 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương, tỉnh và huy động từ các nguồn khác.

Cần hay không cần?

Lãnh đạo tỉnh này cho biết, dự án nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng người dân Nam Bộ; là nơi tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống cho mọi người dân.

Bác sĩ Đinh Đức Long đồng tình với chủ trương xây tượng đài này của tỉnh Cà Mau:

"Chủ trương xây là đúng. Chúng ta cần ghi lại những giai đoạn lịch sử. Nhà nước có quỹ cho những việc đó. Việt Nam hiện nay ở mức thu nhập trung bình chứ không còn nghèo nữa. Ngân sách xây tượng đài do trung ương rót chứ đâu phải của địa phương."

Trong khi đó, ông Quang - là một kỹ sư xây dựng, nói với RFA rằng, ông thấy chuyện xây tượng đài hết sức lãng phí bởi người dân không thể ngắm tượng đài mà cảm thấy ấm no được. Ông nói thêm:

“Tượng đài với cổng chào thì ở Việt Nam này địa phương nào cũng có. Tùy theo khả năng của từng địa phương mà quy mô cổng chào hay tượng đài khác nhau. Theo quan điểm của tôi, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, đặc biệt hai ngành y tế và giáo dục.

Y tế thì thiếu thuốc men, thiếu giường bệnh; giáo dục thì thiếu trường học, giáo viên thì lương không đủ sống. Do đó, việc dành kinh phí cho việc xây tượng đài, theo tôi là vô bổ, không cần thiết. Việc Cà Mau xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 không có ý nghĩa gì hết khi đất nước thống nhất gần 50 năm rồi.”

Xây tượng đài chỉ là cái cớ?

Việc nhiều địa phương xây tượng đài và quảng trường với kinh phí đến hàng ngàn tỷ đồng từng được Kiến trúc sư, Họa sĩ Lý Trực Dũng nhận định trên truyền thông nhà nước rằng, các địa phương và những người cổ vũ, ủng hộ xây dựng thật nhiều tượng đài đều cố bám vào các giá trị tưởng niệm đơn thuần về các nhân vật và sự kiện lịch sử... Thực chất việc đua nhau xây tượng đài hiện nay là thể hiện tính sĩ diện của các quan chức địa phương.

Thậm chí, một tỉnh nghèo phải “xin gạo cứu đói” cho dân vào mỗi dịp Tết đến như Đắk Nông, vẫn đầu tư 167 tỷ đồng xây tượng đài anh hùng N’Trang Lơng được cho là lớn nhất tại tỉnh này. Công trình được khởi công năm 2015 và khánh thành năm 2020.

Một cựu giảng viên đại học ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh, cho rằng nếu không xây thì không có “ăn” nên phải xây càng to càng tốt. Vị này nói với RFA:

“Có thể nói, Việt Nam là một đất nước của tượng đài, của cổng chào. Theo tôi, những tượng đài không để mang ơn hay đánh những dấu mốc lịch sử để giáo dục cho con cháu mai sau, mà làm để “ăn” mấy chục phần trăm trên các công trình này.

Đâu phải cứ xây lên là nó trở thành tượng đài. Tượng đài phải trong lòng dân, phải do chính người dân tôn vinh và tự hào. Tượng đài không phải xây lên để dân mỉa mai, đàm tiếu và đặt câu hỏi vì sao xây tượng đài hàng trăm tỷ khi đất nước đang lâm vào tình trạng kinh tế suy thoái chung của thế giới?

Nếu Cà Mau xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, tại sao Hải Phòng không xây tượng đài tưởng niệm hơn một triệu đồng bào từ miền Bắc di cư vào miền Nam? Nó là một biến cố, một dấu mốc lịch sử mà hệ quả còn tới hôm nay.”

Nhắc đến chuyện “ăn” khi xây tượng đài, dư luận còn nhớ vụ xử một loạt lãnh đạo ở tỉnh Điện Biên “rút ruột” gần 100 tấn đồng, gây thất thoát gần 2,7 tỷ đồng vào đầu thập niên 2000 khi xây dựng công trình lịch sử tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ ở tỉnh này. Tượng đài khánh thành chưa lâu đã bị nứt, lún sụt. Kết quả giám định tài chính, hậu quả thiệt hại về vật chất của cả công trình tổng cộng hơn 5,5 tỷ đồng.

Nếu Cà Mau xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, tại sao Hải Phòng không xây tượng đài tưởng niệm hơn một triệu đồng bào từ miền Bắc di cư vào miền Nam? Nó là một biến cố, một dấu mốc lịch sử mà hệ quả còn tới hôm nay. - Một cựu giảng viên đại học

Ngoài ra, một số công trình tượng đài có vốn xây dựng hàng trăm tỉ đồng cũng bị xuống cấp, hư hỏng sau khi khánh thành một thời gian ngắn, gây phản ứng trong công luận. Chẳng hạn tượng đài 25 tỷ đồng ở Đông Triều, Quảng Ninh bị sét đánh vỡ chóp vì không có cột thu lôi sau khi khánh thành 10 tháng; Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ trị giá 411 tỷ đồng ở Quảng Nam, chỉ sau hơn một tuần khánh thành đã bong tróc gạch lát nền trước mặt tượng đài.

Không chỉ tượng đài bị “rút ruột”, tháng 9 năm 2020, dư luận xôn xao trước tin tỉnh Hòa Bình chi gần 11 tỷ đồng lắp đặt khẩu hiệu 11 chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” trên đồi Ông Tượng.

Việc Cà Mau xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 khiến công luận nhắc lại một công trình liên quan chuyện “tập kết”, đó là Dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc, trị giá 255 tỷ đồng do vốn ngân sách Nhà nước bỏ ra cho tỉnh Thanh Hóa. Dự án được khởi công hôm 28/8/2022.

Tại buổi lễ khánh thành, Chủ tịch Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Tôi mong muốn sau khi được hoàn thành, khu lưu niệm này sẽ thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn của người dân trong nước, bạn bè quốc tế, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ Việt Nam mỗi khi đến với mảnh đất Thanh Hóa trung dũng, kiên cường, thể hiện đoàn kết Nam - Bắc của chúng ta”.