Hôm 10/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tái cấu trúc và chứng tỏ vai trò thành phần kinh tế chủ đạo và then chốt.
Phát biểu này được ông đưa ra khi Bộ KH-ĐT tổ chức lấy ý kiến cho đề án “Phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là Tập đoàn kinh tế Nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”.
Cần cơ chế quản lý
Nhìn nhận về đề án của Bộ KH-ĐT, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hôm 12/3, nói với Đài ACTD rằng, trong bối cảnh tỷ lệ thua lỗ của DNNN đang là một vấn đề lớn, kéo dài và đã được đưa ra bàn thảo nhiều thì việc đưa ra một đề án tiếp tục đầu tư, hỗ trợ DNNN cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Điều làm ông trăn trở và lo lắng nhất là, làm thế nào để tìm ra được cơ chế quản lý thích hợp vì cơ chế quản lý hiện tại có quá nhiều vấn đề. Ông nói:
“Vấn đề mà tôi quan tâm là vấn đề cơ chế quản lý với DNNN cần phải thay đổi. Đầu tư vào DNNN nhưng chính sách giám sát của chủ sở hữu thế nào, vai trò giám sát của cộng đồng thế nào, trách nhiệm của DNNN với kết quả hiệu quả kinh doanh ra sao, trách nhiệm với môi trường như thế nào? Đó là những điều rất cần thiết nếu không những mục tiêu tốt đẹp sẽ khó thực hiện”.
Theo Báo cáo trình Quốc hội vào tháng 10/2020, Chỉnh phủ Việt Nam cho biết tính đến 31/12/2019, Việt Nam có 76 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ với tổng tài sản trên 2,73 triệu tỷ đồng. Trong đó các tập đoàn này, có tới 12 tập đoàn, tổng công ty có lỗ lũy kế là hơn 7.440 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị thua lỗ nổi bật phải kể đến: Tổng công ty Hàng hải lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, Tập đoàn Hóa chất lỗ hơn 2.780 tỷ đồng, Tổng công ty Cà phê lỗ hơn 819 tỷ đồng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đồng thời cho rằng, khi đưa ra các biện pháp khuyến khích DNNN, những người xây dựng đề án cần nghiên cứu rất kỹ các cam kết quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là những cam kết trong các hiệp định FTA chất lượng cao mà Việt Nam đã ký gần đây để tránh tình trạng vi phạm các cam kết này.
“Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, hay hiệp định EVFTA với châu Âu. Những hiệp định thương mại tự do này đều có một chương quy định rất rõ ràng về sự công khai minh bạch của chính quyền về vai trò của DNNN và yêu cầu DNNN phải chấp nhận cạnh tranh bình đẳng. Tôi rất mong cần có quy định quản lý về tuân thủ FTA vì nếu chúng ta không tuân thủ thì có thể có đối tác sẽ phát hiện và sẽ đưa những vi phạm đó ra tòa án, gây phiền phức và bất lợi với uy tín của Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam.”
Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng thực tiễn và lý luận thế giới đã chỉ ra rằng DNNN có xu thế không hiệu quả vì nhiều lý do trong đó có vấn đề sở hữu chung và xung đột về lợi ích.
Về đề án này, theo ông, đây có thể xem là một phần của quá trình đổi mới DNNN của Việt Nam - một quá trình cải cách đầy khó khăn và phức tạp bởi nó là di sản của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, khu vực nắm giữ một tài sản lớn đồng thời gắn nhiều với các vấn đề chính trị, xã hội.
"Nếu chọn lựa một lĩnh vực nào đó thì không nhất thiết chỉ có DNNN mới được tham gia. Nếu DN tư nhân tham gia thì họ vẫn được nhận những hỗ trợ của Nhà nước nếu Nhà nước nghĩ rằng đó là quan trọng, lan tỏa và là tương lai của sự phát triển" – ông Thành nói.
Trong năm 2020, số tiền thua lỗ của riêng Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã vượt trên 11.000 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu năm 2020 của Vietnam Airlines chỉ đạt gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019, lỗ sau thuế lên tới 11.097 tỷ đồng. Đáng chú ý, do lỗ nặng, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines giảm chỉ còn 1/3, từ 18.507,55 tỷ đồng xuống chỉ còn 6.141 tỷ đồng - Nguồn: TTXVN & VTV
Mặc dù vậy, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định, rất khó có thể dự đoán đề án này có thành công hay không, nhưng nếu Chính phủ Việt Nam quyết tâm đi theo con đường này thì theo ông, đề án cần phải đảm bảo thực hiện được ba nguyên tắc. Thứ nhất: Cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường, cho doanh nghiệp thuộc các khu vực khác có quyền tham gia. Thứ hai đề án phải có tính lan tỏa, có thể tạo ra đột phá và thứ ba phải đảm bảo cam kết hội nhập của Việt Nam.
Riêng về vấn đề nên tuân thủ các cam kết FTA mà Việt Nam đã ký, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam vẫn có thể duy trì vai trò của Nhà nước trong một số lĩnh vực mà không bị vi phạm những cam kết này. Ông giải thích:
"Theo các cam kết hội nhập, vẫn có thể có vai trò của nhà nước ở một số lĩnh vực như: Đạo tạo, hạ tầng, nghiên cứu và phát triển" – ông Thành nói và cho biết nhiều quốc gia trên thế giới cũng làm như vậy.
“Nếu chọn lựa một lĩnh vực nào đó thì không nhất thiết chỉ có DNNN mới được tham gia. Nếu DN tư nhân tham gia thì họ vẫn được nhận những hỗ trợ của Nhà nước nếu Nhà nước nghĩ rằng đó là quan trọng, lan tỏa và là tương lai của sự phát triển” – TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
Lắng nghe và thay đổi…
Về lựa chọn DN, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng thông thường có hai cách. Cách thứ nhất là “Chọn người thắng cuộc/picking winners” và cách thứ 2 là “Hỗ trợ người thắng cuộc/supporting winners”. Trong bối cảnh của đề án, chọn người thắng cuộc nghĩa là ngay từ đầu Nhà nước đã chủ động chọn doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ còn chọn “hỗ trợ người chiến thắng” là Nhà nước chọn hỗ trợ doanh nghiệp thành công và phù hợp với tiêu chí đưa ra sau khi các doanh nghiệp đã trải qua một quá trình cạnh tranh và phát triển.
"Picking winners cũng là một cách nhưng là nhà kinh tế, tôi không thích picking winners mà thích supporting winners" – ông Thành nói và cho biết việc Việt Nam trước kia chọn ngành mía đường hoặc ô tô để phát triển là những ví dụ của việc chọn người chiến thắng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã giải thể thì thẳng thắn cho rằng việc chọn đầu tư, hỗ trợ thêm cho các DNNN lớn là không cần thiết, đi ngược với quy luật thị trường và có thể làm hư doanh nghiệp. Theo ông, Nhà nước hoàn toàn không cần can thiệp trực tiếp như vậy mà vẫn có thể hướng DN phát triển theo hướng nhà nước mong muốn. Ông lý giải thêm:
" Bản thân nhà nước có vai trò lớn trong việc tạo ra thị trường, tạo ra luật lệ, quy tắc hoạt động và phải dùng những cái đó để tạo ra những khuyến khích cho các DN bất luận là DN gì" .
“Nếu thực sự giỏi, quản lý tốt, có năng lực thật thì DN sẽ vươn lên thành con sếu đầu đàn còn chọn một con bởi vì con đó nó phù hợp với lý thuyết lỗi thời của Mác Lenin làm con chiến thắng trước, bồi cho nó tiền, luật lệ bẻ theo ý của nó thì đấy là một sự tham nhũng khủng khiếp, một sự phá hoại sự phát triển của đất nước khủng khiếp” -Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS
"Nếu thực sự giỏi, quản lý tốt, có năng lực thật thì DN sẽ vươn lên thành con sếu đầu đàn còn chọn một con bởi vì con đó nó phù hợp với lý thuyết lỗi thời của Mác Lenin làm con chiến thắng trước, bồi cho nó tiền, luật lệ bẻ theo ý của nó thì đấy là một sự tham nhũng khủng khiếp, một sự phá hoại sự phát triển của đất nước khủng khiếp".
Ông khuyên Chính phủ Việt Nam cần tạo cơ hội cho các học giả, các tổ chức xã hôi dân sự phân tích phản biện các kế hoạch kinh tế, phát triển của mình, trong đó có đề án này.
"Phải luôn lắng nghe và thay đổi chính sách. Nó là một quá trình lặp đi lại; đưa ra chính sách, lắng nghe người ta phản biện, nhìn kết quả rồi lắng nghe sáng kiến của tất cả khu vực để sửa đổi chính sách. Đó là con đường duy nhất để tiến lên một cách bền vững." – ông Quang A khẳng định.