Khát vọng của đảng cộng sản
Cuối tháng 7 vừa qua, tại hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định, đại hội 13 của đảng là đại hội thể hiện ý chí toàn dân tộc với khát vọng đến giữa thế kỷ 21, Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo ông Vượng, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới với đội ngũ trí thức, khoa học, văn nghệ sĩ trên các lĩnh vực đã góp phần đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, kém phát triển và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định:
“Cái mô hình của Marx-Lenin không phải là mô hình chỉ có về mặt kinh tế mà đây là mô hình phát triển của cả xã hội, tức là về tất cả mọi mặt từ chính trị, quân sự, xã hội, văn hóa và kinh tế.
Hiến pháp Việt Nam quy định kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Định hướng XHCN đây có nghĩa là Việt Nam quyết tâm đi đến con đường XHCN theo Marx-Lenin. Việt Nam cho rằng họ đang trong thời kỳ quá độ tiến lên XHCN. Và định hướng XHCN là đích cuối cùng mà Việt Nam muốn đến. Từ trước đến giờ Việt Nam không bao giờ muốn thay đổi điều đó."
Cái mô hình của Marx-Lenin không phải là mô hình chỉ có về mặt kinh tế mà đây là mô hình phát triển của cả xã hội, tức là về tất cả mọi mặt từ chính trị, quân sự, xã hội, văn hóa và kinh tế. Từ trước đến giờ Việt Nam không bao giờ muốn thay đổi điều đó. - Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
Trên nền tảng lý luận Marx-Lenin, Nhà nước xã hội chủ nghĩa có đặc điểm thiết lập và đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội; tất cả các cơ quan nhà nước đều được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; mục đích của nhà nước xã hội chủ nghĩa là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu Việt Nam thực hiện được những tiêu chí như dân giàu nước mạnh, phát triển hệ thống dân chủ ở Việt Nam sao cho xã hội phát triển công bằng hơn, khoảng cách giàu nghèo thu hẹp lại và cuộc sống ngày càng văn minh hơn thì đó là những cái tốt đẹp mà Việt Nam nên và cần thực hiện. Với phát biểu của Thường trực Ban Bí thư, bà Lan cho biết:
“Trước đây tôi có tham gia cùng các chuyên gia của Việt Nam và các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới xây dựng báo cáo Việt Nam 2035, tính tới tương lai Việt Nam đến 2035, thời điểm thực hiện là 2015, tức là 20 năm Việt Nam như thế nào. Chúng tôi đặt ta mục tiêu là Việt Nam đến năm 2035 có thể trở thành một nước thu nhập trung bình ở mức cao. Sau đó tiếp tục phấn đấu 10, 15 năm nữa để trở thành nước giàu có.”
Việt Nam là một nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Đây là thể chế chính trị mà được các nước có đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo tuyên bố sẽ đưa đất nước mình theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 1975, nhà nước Việt Nam quyết tâm thực hiện xã hội chủ nghĩa nhưng cho đến bây giờ có thể nói mục tiêu đó hoàn toàn thất bại. Chính ông Tổng bí thư, Chủ tịch Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng từng thốt lên rằng, đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa!
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định việc phát triển đúng theo định hướng xã hội chủ nghĩa là điều nên làm vì mục tiêu dân giàu nước mạnh là điều tất cả các quốc gia đều hướng tới:
“Thật ra ở đây, nếu mà theo cái định hướng như vậy thì người ta cũng nói nhiều đến kinh tế thị trường xã hội mà ở một số quốc gia châu Âu người ta đã có. Tức là mọi người có thể sống một cách tương đối tốt theo một cơ chế được hiểu là có bàn tay điều chỉnh một cách tổng thể của Nhà nước.
Như vậy việc phân phối có thể vẫn không có sự cân bằng vì nó theo kinh tế thị trường, thế nhưng mà những người yếm thế, những người không có tài sản, những người chỉ có sức lao động thôi cũng có thể được hưởng cuộc sống không quá tệ. Điều này tôi cho rằng nó cũng là điều phù hợp thôi để tất cả mọi công dân không ai bị bỏ lại phía sau.”
Cần phải có kinh tế thị trường
Kinh tế và chính trị là hai lĩnh vực cơ bản và liên quan đến nhau trong đời sống xã hội, có tác động trực tiếp đến những hoạt động cơ bản của con người cũng như quá trình phát triển của xã hội.
Do đó, muốn xã hội phát triển thì kinh tế phải phát triển. Muốn kinh tế phát triển thì Việt Nam phải có nền kinh tế thị trường hoàn thiện, đúng nghĩa. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế với RFA.
Trước tiên là chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:
“Trước nay lãnh đạo Việt Nam vẫn nói là Việt Nam sẽ phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Việt Nam về cơ bản vẫn là một nước đang chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Như vậy mới tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam phát triển và cạnh tranh. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập rất mạnh mẽ vào các bền kinh tế thị trường cao cấp toàn cầu.
Thế còn về định hướng XHCN thì như lãnh đạo Việt Nam giải thích qua mấy kỳ đại hội đảng, thì đều nói đó là định hướng để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nếu định hướng XHCN theo những tiêu chí đó thì rất tốt đẹp và cần phải thực hiện. Và tiền đề để thực hiện dân giàu nước mạnh thì phải có nền kinh tế thị trường tốt.”
Theo bà Phạm Chi Lan, ngoài việc hội nhập nhiều, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều thì Việt Nam cũng cần thúc đẩy đề tăng cường nội lực. Bởi nếu tính về GDP của Việt Nam hiện nay thì đóng góp của đầu tư nước ngoài vẫn là rất lớn cho nên cái phần vốn hoặc lãi chuyển ra ngoài hàng năm chiếm tỷ lệ không nhỏ trong thu nhập của Việt Nam. Nếu tăng cường nội lực của Việt Nam, có nghĩa là những nguồn thu mà Việt Nam đạt được sẽ ở lại Việt Nam nhiều hơn. Điều đó sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân Việt Nam.
Muốn cho dân giàu nước mạnh thì Việt Nam phải tiến đến nền kinh tế thị trường thực thụ. Tức là phải có sự cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế một cách bình đẳng, không có sự độc quyền của bất cứ một đơn vị, bất cứ một thành phần nào trong xã hội. - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng có cùng nhận định khi đánh giá điều kiện cơ bản mà Việt Nam cần thực hiện để phát triển đất nước:
“Muốn cho dân giàu nước mạnh thì Việt Nam phải tiến đến nền kinh tế thị trường thực thụ. Tức là phải có sự cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế một cách bình đẳng, không có sự độc quyền của bất cứ một đơn vị, bất cứ một thành phần nào trong xã hội. Đó là điều tốt cho dân tộc Việt Nam.”
Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu. Nếu lượng cầu hàng hóa cao hơn lượng cung, thì giá cả hàng hóa sẽ tăng lên, mức lợi nhuận cũng tăng khuyến khích người sản xuất tăng lượng cung.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tên gọi mà đảng cộng sản Việt Nam đặt ra cho mô hình kinh tế hiện tại trong nước. Nền kinh tế này được mô tả là một nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, trong đó khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, với mục tiêu dài hạn là xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thịnh nêu quan điểm của ông về việc phải thêm cái đuôi “định hướng XHCN”:
“Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế đang đi theo kinh tế thị trường. Người ta cố gắng tất cả các cách thức từ sở hữu đến các quan hệ quản lý đều đang theo hướng thị trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì đảng cộng sản lãnh đạo và người ta mong muốn có xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên XHCN này thì nó chưa có thực tế cho nên người ta chỉ hình dung rằng kinh tế thị trường mà không để cho tất cả mọi người có thể hoạt động một cách ‘quá thị trường’, nhà nước có thể quản lý để hạn chế những tác động không mong muốn của kinh tế thị trường.”
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, phát triển theo định hướng XHCN thật ra cũng đi theo định hướng mà các nhà triết học trước đây đã nói nhiều. Tức là từ CNXH không tưởng, chủ nghĩa cộng sản cho đến cái CNXH trong thực tế. Đó là dần dần từng bước một đi lên ở mức phát triển xã hội mà trong đó mỗi cá thể có thể được thể hiện hết cái tài năng, năng lực của mình cũng như có ý kiến đóng góp, có quyền lợi và trách nhiệm đối với xã hội. Đây là cái mà cả xã hội loài người hướng đến từ nhiều nghìn năm nay rồi và người ta từng bước thực hiện.
Tuy nhiên, trong thực tế các nước cộng sản Đông Âu và Liên Xô cũ từng theo xu hướng này và họ thấy không thể tiếp tục nên đã từ bỏ và theo hướng kinh tế thị trường như các nước tư bản khác áp dụng.