Hôm 6 tháng 3 năm 2023, nhân buổi lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống xây dựng lực lượng công an nhân dân (11.3.1948 - 11.3.2023), Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn vững vàng, không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của nhân dân, phải thực sự là điểm tựa bình yên của Nhân dân.
Ông Trọng cũng nêu rõ: “Quân đội và công an là hai lực lượng thanh kiếm và lá chắn, hai cánh của một con chim, bảo vệ, giữ gìn hòa bình, ổn định, phát triển đất nước”. Phải làm sao để thanh bảo kiếm ngày càng sắc bén hơn, lá chắn ngày càng vững chắc hơn, hai cánh của con chim bảo vệ hòa bình ngày càng cứng cáp, khỏe mạnh hơn.
Muốn công an nhân dân phải luôn giữ mình trong sạch rất khó. Vì muốn công an sạch thì chung quanh phải sạch. Mà muốn chung quanh sạch thì các văn bản phải sạch; các văn bản về luật pháp phải đúng, phải tốt; việc thực thi luật pháp phải đúng theo hiến pháp. Văn bản luật nào sai phải sửa, thừa phải bỏ đi và thiếu phải thêm vào. - Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Nhiều người cho rằng, sai phạm của lực lượng công an chủ yếu là tham nhũng, nhận hối lộ. Muốn công an trong sạch như yêu cầu của ông Tổng bí thư thì phải thay đổi cơ chế, bởi chính cơ chế tạo ra kẽ hở làm hư công an. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam, nói với RFA quan điểm của ông:
“Muốn công an nhân dân phải luôn giữ mình trong sạch rất khó. Vì muốn công an sạch thì chung quanh phải sạch. Mà muốn chung quanh sạch thì các văn bản phải sạch; các văn bản về luật pháp phải đúng, phải tốt; việc thực thi luật pháp phải đúng theo hiến pháp. Văn bản luật nào sai phải sửa, thừa phải bỏ đi và thiếu phải thêm vào.
Có những văn bản chả đúng vào đâu cả, sai cả Hiến pháp mà vẫn dùng thì không được, ví dụ thế. Nó là một chuỗi hành động bổ sung cho nhau, kết hợp với nhau.
Bản chất là chỗ nào cũng có tham nhũng cả, nhưng với một thể chế không minh bạch, không theo pháp quyền, tức là không làm đúng pháp luật và không cho người dân can dự thì cách gì nó vẫn là cái nôi của tham nhũng. Mình cứ hình dung người tốt nó như giọt nước trong suốt. Bây giờ nhiều ao, hồ đều dơ bẩn. Bây giờ có đổ vài giọt nước sạch hay cả một chậu nước sạch thì nó không làm cái ao, cái hồ đó sạch được. Nó vẫn bẩn.”
Ông Minh, một người dân ở TP.HCM không tin yêu cầu của ông Nguyễn Phú Trọng dành cho cán bộ, chiến sĩ công an sẽ được thực thi nếu cơ chế không thay đổi. Ông nói với RFA:
“Việt Nam đâu có thiếu luật mà hàng loạt công an vẫn sai phạm, lãnh án tù. Ngay cả những người phải nêu gương trong thực thi luật pháp là công an mà còn vào tù do tham nhũng, lạm quyền thì làm sao có chuyện là điểm tựa bình yên cho dân, làm sao mà trong sạch như yêu cầu của ông Trọng được. Phải thay đổi cơ chế làm việc, không cho cảnh sát tiếp xúc với dân nhiều thì mới tránh nhũng nhiễu, tránh vòi vĩnh, tránh làm khổ dân. Kêu gọi công an trong sạch thì phải áp dụng luật pháp rõ ràng mới thực thi được lời kêu gọi này.”
![000_1DY76S.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/3DA3VC5LJUXQWPGMQ5PDEQ6E5A.jpg?auth=e8dd8d9df7c56699c016457dbdcc87160f850d718113c148d46d409eb0c6fb32&width=800&height=532)
Tháng 7 năm ngoái, tại buổi tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Chính trị nêu rõ tên hàng loạt cán bộ diện trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Trong đó có hai sĩ quan công an cấp tướng nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, đó là cựu trung tướng Bùi Văn Thành và cựu thượng tướng Trần Việt Tân.
Ngoài ra còn có 10 sĩ quan cấp tướng khác trong lực lượng công an, cảnh sát. Đó là các ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an); Nguyễn Thanh Hóa (cựu thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao); Phan Hữu Tuấn (cựu trung tướng, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo); Nguyễn Văn Sơn (cựu trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển); Hoàng Văn Đồng (cựu trung tướng, cựu Chính ủy Cảnh sát biển); Doãn Bảo Quyết (cựu thiếu tướng, cựu Phó chính ủy Cảnh sát biển); Phan Kim Hậu (cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển); Bùi Trung Dũng (cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh Cảnh sát biển); Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3); Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4).
Điều ông tổng bí thư nói sẽ không bao giờ thực hiện được trong một cái cơ chế như hiện nay. Nhiều vụ án thời gian qua có dính đến lực lượng công an, àm công an cũng là con người nên chuyện tham nhũng là điều tất yếu, là sản phẩm của chế độ. - Nhà báo Trần Ngọc Tuấn
Bên cạnh việc yêu cầu mỗi chiến sĩ công an phải trong sạch, ông Nguyễn Phú Trọng còn nhắc nhở mỗi cán bộ chiến sĩ công an phải thường xuyên tự soi lại chính mình, tự sửa đổi và nỗ lực thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy trong ứng xử hàng ngày, phải giữ để không sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường,
Nhà báo Trần Ngọc Tuấn từ Âu châu cho rằng, nếu không thay đổi cơ chế thì yêu cầu của ông Trọng chỉ là ‘nước đổ lá khoai’. Ông phân tích:
“Phần tử xấu là ai? Có ai ở bên ngoài xui các ông ấy những nhiễu, ức hiếp nhân dân đâu. Tự họ thôi. Suy cho cùng, cơ chế nó làm hỏng con người. Bây giờ công khai tài sản của các ông ấy so với đồng lương, thu nhập thì lòi ra chuyện tham nhũng ngay thôi. Nó như cái vòi bạch tuộc. Cắt cái vòi này xong nó lại ra cái vòi khác. Tôi nghĩ đây chỉ là giơ cao đánh khẽ hoặc tự thắng lợi tinh thần thế thôi.
Điều ông tổng bí thư nói sẽ không bao giờ thực hiện được trong một cái cơ chế như hiện nay. Nhiều vụ án thời gian qua có dính đến lực lượng công an, àm công an cũng là con người nên chuyện tham nhũng là điều tất yếu, là sản phẩm của chế độ.”
Cuối năm ngoái, tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân từ năm 2013, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, một trong những thành công quan trọng của đất nước là đã đưa ra xét xử nhiều vụ án quan trọng với nhiều bị cáo là những cán bộ cấp cao. Điều đó đã củng cố niềm tin của nhân dân với đảng, củng cố niềm tin của quốc tế với Việt Nam. Trong thành công đó, lực lượng Công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt.
Ông Phúc cho biết, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí xã hội, ứng dụng công nghệ, nhất là dịch vụ công, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ của cơ quan chức năng.