Ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước, hôm 13/1 có phát biểu được mạng báo Dân Việt dẫn lại nguyên văn rằng “bây giờ cần nhắc bài học gần dân”.
Ông Nguyễn Minh Triết còn nhấn mạnh thêm gần dân, thân thiết với dân là tốt nhưng chưa đủ. Gần dân mà có chịu hiểu dân không, gần mà không hiểu thì gần làm gì?
Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thừa nhận rằng " Lâu nay cán bộ ta vẫn có một bộ phận xa dân lắm. Bây giờ cần nhắc lại bài học "gần dân", rằng "Bây giờ về đây tôi mới thấy cái thủ tục hành chính của mình rườm rà quá . Thỉnh thoảng có vài chuyện dính dấp tới hành chính cơ sở, tình cờ thôi nhưng tôi không hiểu được. Cái chuyện nó đơn giản thế mà giải quyết sao khó thế? Anh là cán bộ anh phải hiểu dân chứ. Dân thì đang vướng cái đó, đang gặp khó khăn cái đó, mà anh không tham gia, không giải quyết,anh làm lơ, thậm chí còn làm khó thêm nữa, kỳ thiệt".
Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn trước 1975, Tổng biên tập đầu tiên của báo Thanh Niên sau 1975, tiếp đến là ủy viên văn hóa giáo dục Mặt Trận Tổ Quốc thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng đòi hiểu dân, gần dân mà chính bản thân mình tới giờ còn thú nhận chưa hiểu ra vấn đề thì e rằng đã quá trễ. Lại nữa, không phải một bộ phận cán bộ xa dân mà phải nói gần như toàn thể cán bộ xa dân lắm mới đúng:
“ Theo tôi nói như vậy chẳng qua là mị dân thôi, bởi vì sự thật còn nó còn quá tệ hơn ông tưởng nữa. Ông chỉ là người đứng bên trên và không gần dân, tới bây giờ ông mới nói gần dân là chuyện nó đã quá muôn rồi”.
Thủ tục hành chính rườm rà quá mà bây giờ về đây ông Nguyễn Minh Triết mới thấy, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm diễn giải tiếp, chính là cái thủ tục xin cho, nguyên nhân cốt lõi của tình trạng xa dân lâu nay:
<i>" Theo tôi nói như vậy chẳng qua là mị dân thôi, bởi vì sự thật còn nó còn quá tệ hơn ông tưởng nữa. Ông chỉ là người đứng bên trên và không gần dân, tới bây giờ ông mới nói gần dân là chuyện nó đã quá muôn rồi", Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm </i>
“Ông nói phải gần dân hơn có nghĩa là trước đây đã xa dân rồi. Bây giờ kêu gần dân nói thật đã trể lắm, dân người ta phàn nàn cũng dữ lắm. Cái chuyện thủ tục hành chánh như vậy vì người ta quen làm khó người khác. Từ đơn từ xin phép, từ thủ tục này kia phải lót chân hết, phải bôi trơn hết thì mới qua được. Nói vậy để thấy rằng sau khi ông Triết về hưu ông thấy được thì quá trễ rồi và bây giờ cái hệ thống hành chính nó quá tệ. Nói thay đổi chứ người ta thường có cái từ “hành là chính”, hành chính để hành hạ người ta là chính chứ không phải đối với dân nhẹ nhàng, dịu dàng, cố gắng giải quyết những gì người dân muốn”.
“Cũng có ít người gần dân nhưng mà nhiều người vẫn nằm trong cái dạng làm khó người khác. Dân người ta rất sợ đến chính quyền bởi vì một là sợ bị khó dễ kéo dài thời gian, không được việc. Hai nữa, có những vấn đề cần thiết thì lại kéo dài làm người ta không chịu nỗi. Người ta bực lắm chứ, tức lắm chứ, nhưng người ta không nói ra vì để được việc thì thôi nhẫn nhục vậy. Nói thật gần dân gì được, xa dân chứ sao gần được”.
Đồng quan điểm phần nào với ông Huỳnh Tấn Mẫm là ông Hồ Hiếu, nguyên Chánh Văn Phòng quận ủy Quận Nhất, Chánh Văn Phòng Ban Dân Vận Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh:
“Cựu chủ tịch Nguyễn Minh Triết về hưu lâu rồi, về một cơ ngơi ở Bình Dương. Câu phát biểu nhớ đời của cựu chủ tịch Nguyễn Minh Triết là bỏ Điều 4 Hiến Pháp là tự sát. Tất nhiên Nguyễn Minh Triết rất ý thức cái chuyên chính vô sản cần thiết với chế độ cộng sản như thế nào”
“ Cựu chủ tịch chính là cái mẫu hình xa dân. Đất nước biết bao chuyện xảy ra, Nguyễn Minh Triết không có ý kiến gì cả mà tự xưng là bài học gần dân. Gần dân gì đâu mà làm cái cơ ngơi giàu có ở Bình Dương?”
“Từ lúc làm chủ tịch nước đã không gần dân, bây giờ về hưu cũng không có một ý kiến gì về đất nước, Bãi Tư Chính, Hoàng Sa Trường Sa rồi Trung Quốc rồi Formosa rồi Đồng Tâm… có nghe ý kiến gì của Sáu Phong tức chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết không?”
“Anh là một sinh viên chế độ cũ, có học hành chút đỉnh mà lên mặt dạy bài học gần dân. Muốn gần dân có nghĩa là dân đang khổ về môi trường, khổ về Luật Đất Đai, khổ về nạn lấn áp ở Hoàng Sa, Trường Sa, bãi Tư Chính, nguyên chủ tịch Nguyễn Minh Triết tư cách gì mà lên mặt với dân nữa”
Được hỏi phải chăng như ông Nguyễn Minh Triết nói rằng thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ làm khó không giải quyết vướng mắc cho dân thì được gọi là không gần dân, không hiểu dân, ông Hồ Hiếu giải thích bổ sung:
"Hành chánh không phải thời bây giờ mà đời Ngô Đình Diệm, đời Thiệu, thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Đệ Nhị Cộng Hòa, ở bên Pháp cũng vậy, người ta cũng chê cái bộ máy hành chính "bureaucratic"quan liêu hết. Chế độ hành chính quan liêu nào cũng xa dân hết, nói thẳng là nơi nào cũng có"
“ Nhưng quan trọng nhất là bộ máy hành chính cộng sản mới toát lên cái xa dân, cái chống lại dân, cái mê hồn trận của hành chính quan liêu, độc tài về mọi phương diện. Dân người ta không ngu si, người ta nhìn ra chế độ quan liêu không có tính chất chính đáng”.
Như vậy làm sao kéo cán bộ lại gần dân, làm sao khiến cán bộ sống với và hiểu dân cho được là điều khó xảy ra khi mà:
“Từ Hồ Chí Minh cho đến Nguyễn Văn Linh cho đến Nguyễn Phú Trọng bây giờ đều nói”khổ thì khổ trước dân, sướng là sướng sau dân” , hồi trước đi tham gia cách mạng tôi cũng tưởng thật nhưng bây giờ thấy không phải như vậy. Có giàu sang, có đất thì đảng có trước, xe hơi cũng phải cán bộ có trước, Cấp Ủy, Trung Ương phải có trước chứ làm sao dân có trước. Một hệ thống xa dân từ trên xuống dưới, đó là khổ tâm của những người từng tham gia kháng chiến”.
<i>"Mỗi một người làm lãnh đạo trước nay, khi ở đỉnh cao quyền lực, thường chỉ thấy người chung quanh xun xoe, và thường người xung quanh làm gì thì tất cả cũng vì người lãnh đạo đấy. Khi bác Triết về hưu rồi thì bác mới thấy là hóa ra những chuyện bên dưới này không như bác ấy nghĩ, bộ máy hành chính hoặc cơ cấu hành chính nơi khu vực bác ở không giống những điều bác từng nghĩ", Nguyễn Trọng Thắng<br/> </i>
Bài học gần dân chỉ là ý kiến đơn lẻ của cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nhưng dầu sao cũng khiến người ta suy gẫm về một chế độ mình đang sống với hy vọng về một thay đổi tích cực hơn, là góp ý của anh Nguyễn Trọng Thắng, một doanh nhân trẻ ở Hà Nội:
“Mỗi một người làm lãnh đạo trước nay, khi ở đỉnh cao quyền lực, thường chỉ thấy người chung quanh xun xoe, và thường người xung quanh làm gì thì tất cả cũng vì người lãnh đạo đấy. Khi bác Triết về hưu rồi thì bác mới thấy là hóa ra những chuyện bên dưới này không như bác ấy nghĩ, bộ máy hành chính hoặc cơ cấu hành chính nơi khu vực bác ở không giống những điều bác từng nghĩ”
“Với những bác khác như Vũ Mão hay Nguyễn Văn An thì sau khi về hưu các bác từng phê phán, so sánh như là thời đại bây giờ không bằng các bác ngày xưa, thành ra các bác nhận xét dưới góc độ kẻ cả. Còn với bác Triết thì đấy là cảm nhận của cá nhân đối với tập thể hoặc một bộ máy, một hệ thống. Nếu so với ông Trọng thì bác Triết có thể không uy tín bằng, nhưng cái tâm của bác Triết thì thực sự là có”.
Điều gì được nói ra mà tốt hơn im lặng thì nên nói, vì thế bài học gần dân của cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có tác động thay đổi hoặc chí ít cải thiện cung cách quản lý, cư xử của bộ máy hành chính Việt Nam trong tương lai. Doanh nhân Nguyễn Trọng Thắng:
“Bây giờ suy nghĩ như thế là có điều thay đổi, đấy là điều tôi muốn nhấn mạnh. Bây giờ các cơ sở hành chính ở các huyện thị khác thì tôi không biết, nhưng như Hà Nội hiện nay là người ta đang cố gắng làm tốt. So với ngày xưa thì bây giờ Hà Nội có khác. Hà Nội có hệ thống đánh giá công chức riêng, giờ họ làm việc cũng tận tình và cũng nhã nhặn chứ không tồi lắm đâu, so với ngày trước là hơn nhiều, so với ngày trước là có tiến bộ.”
Mức độ tiến bộ để có thể thuyết phục được người dân phải trải qua quá trình không phải ngày một ngày hai; trong khi đó hành xử của cơ quan công quyền, lực lượng chức năng như ở Đồng Tâm tại Hà Nội, Lộc Hưng tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ trong phút chốc phá tan mọi niềm tin của người dân với cán bộ, chính quyền.