Phát biểu như vừa nêu của Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai được đưa ra tại Hội nghị góp ý cho Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác dân vận diễn ra tại Hà Nội chiều 25/3.
Theo lời bà Trương Thị Mai được báo Nhà nước Việt Nam trích dẫn, một trong những công tác dân vận cần tập trung là thực hành và phát huy rộng rãi sự dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân.
Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; khơi dậy, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trao đổi với RFA tối 26/6, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, cho rằng, phát biểu của người đứng đầu Ban Dân vận Trung ương đúng về mặt lý luận nhưng thực tế không như lời bà nói.
“Tôi hiểu bà Mai là người rất muốn làm thật nhưng thời gian qua bà và đồng chí của bà không làm được, đọc như thế chỉ là đọc, chỉ là lời nói, không phản ánh sự thật mà chỉ phản ánh những gì họ viết ra.”
Quyền làm người, quyền lao động, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền đi lại, quyền tự do ngôn luận không có. Nên bà Mai nói đúng lý luận nhưng không đúng thực tế, người ta không làm được và làm đúng như thế. - TS. Hà Hoàng Hợp
TS. Hà Hoàng Hợp cho rằng từ nhiều năm nay, những người dân Việt Nam không được có vai trò gì, nên nói vai trò trung tâm trong phát triển ở đất nước này là điều hoàn toàn không đúng mà ai ở Việt Nam cũng nhìn thấy.
Từ Hà Nội, Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, người từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, nhận định:
“Đó chỉ là chiêu bài lừa mị người dân, là cái tuyên huấn nói hàng ngày hàng giờ nhưng không có thật, người ta đội lốt nhân dân để làm những việc đó.
Nếu nhân dân là chủ thể trong việc xây dựng chế độ hoặc xây dựng đời sống người dân hoặc câu của Trưởng Ban Dân vận thì nhân dân phải được hoạch định các đường lối chính sách, phải được bầu ra những người đại diện cho mình và cùng với họ nhân dân thực thi những kế hoạch, chiến lược, sách lược của nhân dân đề ra. Cuối cùng là nhân dân kiểm tra kết quả những cái đó.”
Những điều Nhà báo Nguyễn Vũ Bình vừa nêu cũng được nhắc đến trong hội nghị ngày 25/3 về mục tiêu Ban Dân vận cần tập trung thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Tuy nhiên, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng, mục đích của Ban Dân vận chỉ trên lý thuyết. Ông nêu lên thực tế xã hội hiện nay:
“Ta thấy bốn vấn đề nhân dân chỉ có mỗi việc thực hiện các chính sách của đảng, nhà nước chứ không hề được bầu ra người đại diện lãnh đạo mình. Ta biết đảng cử dân bầu mà dân có được bầu đâu vì tất cả mọi cái đã được sắp đặt trước. Bây giờ các ghế Chủ tịch nước, Thủ tướng, chủ tịch Quốc hội đã biết trước thì dân nào được tham gia.
Thứ hai là dân không được hoạch định chính sách, tất cả góp ý đều vứt sọt rác, chỉ có đảng đưa ra đường lối chính sách theo quan điểm của Đảng, theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Cuối cùng là kiểm tra kết quả, hiệu quả làm việc thì người dân có được kiểm tra đâu, cũng lại là đảng và nhà nước kiểm tra với nhau, báo cho dân thế nào thì dân biết vậy.”
Không chỉ những quyền dính dáng đến bộ máy nhà nước như vừa nêu, mà ngay cả những quyền công dân cơ bản người dân cũng chưa được đảm bảo đầy đủ, theo lời TS. Hà Hoàng Hợp:
“Quyền làm người, quyền lao động, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền đi lại, quyền tự do ngôn luận không có, nên bà Mai nói đúng lý luận nhưng không đúng thực tế, người ta không làm được và làm đúng như thế.”
TS. Hà Hoàng Hợp cũng cho rằng không chỉ riêng bà Trương Thị Mai, mà nhiều lãnh đạo khác của Chính phủ Hà Nội cũng có phát biểu tương tự khi đề cao vai trò nhân dân, dù mỗi khi nói đến nhân dân thì lãnh đạo lại mập mờ.
Giải thích nguyên nhân, TS. Hà Hoàng Hợp cho rằng đấy chỉ là một lý luận được đặt vào sách, đặt vào đường lối, rồi viết và đọc ra. Do đó, không khó để phát hiện các nội dung mà những lãnh đạo phát biểu về dân đều giống nhau.
Từ khi khởi thủy nhà nước cộng sản này đến giờ phút này thì tất cả lãnh đạo đảng, nhà nước, tuyên huấn, dân vận, tất cả đều nói như thế nhưng đều làm ngược lại. Người ta chỉ biết quyền lợi của đảng, của nhà nước mà không quan tâm đến dân. - Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Còn theo Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, sở dĩ nhiều phát biểu về nhân dân hay được lãnh đạo nhắc đến chỉ vì mục đích duy nhất là tuyên truyền. Điều này theo ông được thể hiện rõ nếu ta nhìn vào đời sống người dân, nhìn vào quyền con người của người dân, nhìn vào những ứng xử của nhà nước đối với dân.
“Đó là cái từ xưa đến nay, từ khi khởi thủy nhà nước cộng sản này đến giờ phút này thì tất cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tuyên huấn, dân vận, tất cả đều nói như thế nhưng đều làm ngược lại. Người ta chỉ biết quyền lợi của Đảng, của Nhà nước mà không quan tâm đến dân.”
Tại buổi Hội nghị về công tác dân vận chiều 25/3 cũng nhắc đến nội dung về việc công tác dân vận phải quan tâm thực chất đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Ngoài ra còn phải đề cao vai trò làm chủ của người dân, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng đất nước, bảo vệ quyền lợi chính mình…
Thực tế cuộc sống người dân có được quan tâm như nội dung vừa nêu hay không? Ông Hai Lúa, một người dân Cần Thơ nêu lên cảm nghĩ của ông như sau:
“Mấy ông cộng sản không nói gì thực tế, nói vậy từ lâu rồi, đối xử nhân dân thì mấy ông lo cho mấy ông, nhân dân nói gì được đâu, đói no nhân dân chịu, mấy ông không lo gì cho dân.”